Đức Phanxicô: “Tố cáo lạm dụng là việc cần thiết, bất cứ ai làm điều gì dù nhỏ nhất là làm cho chính Ta”

147

Đức Phanxicô: “Tố cáo lạm dụng là việc cần thiết, bất cứ ai làm điều gì dù nhỏ nhất là làm cho chính Ta”

ilmessnticro.it, Franca Giansoldati, 2020-09-06

Đức Phanxicô khuyến khích việc tố cáo lạm dụng tình dục. Ngài không nêu rõ đó là tố cáo ở các tòa án giáo phận hay với cảnh sát, hoặc cả hai trường hợp, nhưng một lần nữa, ngài nhắc lại phải phá vỡ im lặng. Ngài nói: “Lời tố cáo là cần thiết và phải luôn đi kèm với lời chúng ta được nghe: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25, 40). Ngài trích Tin Mừng Thánh Mátthêu trong lời nói đầu quyển sách có tựa “Thần học và Phòng ngừa” (Teologia e prevenzione), một nghiên cứu thần học liên ngành chuyên sâu về việc ngăn ngừa lạm dụng trong Giáo hội, được Hội đồng Mỹ Latinh thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Liên ngành Bảo vệ Trẻ vị thành niên (CEPROME) của Giáo hoàng Học viện Mexico soạn thảo.

Ngài viết: “Đây là một văn bản được trình bày rõ ràng, tập hợp nhiều nội dung khác nhau do các nhà tâm lý học, linh mục, các chuyên gia trên quan điểm thần học, mời gọi chúng ta đào sâu về tệ nạn lạm dụng tình dục đau đớn đã xảy ra trong Giáo hội công giáo”. Văn bản sẽ được dịch ra tiếng Ý.

“Trong giai đoạn này của Giáo hội, thử thách của chúng ta là phải ngẩng đầu đối diện với xung đột này, cùng đưa ra, cùng đau khổ với các nạn nhân, gia đình của họ và toàn thể cộng đồng để tìm ra phương cách có thể giúp chúng ta nói được: không bao giờ có văn hóa lạm dụng nữa. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nâng cao nhận thức, phòng ngừa và phát huy văn hóa chăm sóc và bảo vệ trong cộng đồng chúng ta, trong xã hội nói chung để không ai có thể thấy sự liêm chính và phẩm giá của mình bị xâm phạm hoặc lạm dụng. Đấu tranh chống lạm dụng có nghĩa là thúc đẩy và trao trách nhiệm cho các cộng đồng có khả năng giám sát và loan báo, mỗi  cuộc sống đều đáng được tôn trọng và có giá trị; đặc biệt là những người không có khả năng tự vệ, những người không có phương tiện để làm cho tiếng nói của họ được nghe”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch