Các Giáo hoàng và Li-băng, mối dây tình yêu và lòng trắc ẩn

355

Các Giáo hoàng và Li-băng, mối dây tình yêu và lòng trắc ẩn

vaticannews.va/fr, Cyprien Viet, Vatican, 2020-08-09

Các lời sâu đậm của Đức Phanxicô dành cho Li-băng trong buổi Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật hôm nay sau hai vụ nổ ngày thú ba 4 tháng 8 tại cảng Beirut là dịp để nhấn mạnh liên hệ giữa Xứ sở Hương bá và Tòa Thánh. Các Giáo hoàng đương đại đã đặc biệt chú ý đến Li-băng, và ba giáo hoàng đã đến thăm đất nước Li-băng.

Giám mục đầu tiên của Rôma đặt chân đến Li-băng là Thánh Phaolô VI năm 1964. Thật ra đây không phải là chuyến tông du đến Li-băng nhưng chỉ là thời gian dừng chân kỹ thuật một giờ trên đường ngài đến Bombay, Ấn Độ dự Đại hội Thánh Thể. Tuy nhiên, chặng dừng chân ngắn ngủi này tại Sân bay Quốc tế Beirut vẫn còn trong ký ức của người Li-băng, những người còn nhớ ngày 2 tháng 12 năm 1964 này với những năm tháng hạnh phúc của đất nước tương đối ổn định và thịnh vượng, có biệt danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông”.

Hàng ngàn người Li-băng tập trung chung quanh sân bay, tạo các “chùm” ấn tượng trên ban công và cửa sổ để vỗ tay và nhìn thoáng qua Đức Phaolô VI. Ngài được Tổng thống Cộng hòa Charles Hélou và các nhà chức trách chính trị, tôn giáo đón tiếp, Đức Phaolô VI có một bài diễn văn ngắn tiếng Pháp, ghi lại chuyến đi này trong sự nối tiếp chuyến tông du lịch sử của ngài đến Đất Thánh vào tháng 1 cùng năm. Ngài nhấn mạnh: “Thật dễ chịu cho chúng tôi khi nói lên điều này ở đây, Li-băng đã giữ vị trí của mình trong các quốc gia”. Chúng ta có thể nói, lịch sử, văn hóa, tính cách hòa bình của người dân đã nói lên lòng tôn trọng và tình bằng hữu chung. Trên hết, các truyền thống tôn giáo cổ xưa và đáng kính của Li-băng đáng được ca ngợi. Và đặc biệt, đối với Giáo hội, chúng ta không thể nào quên đức tin của cộng đồng tín hữu Li-băng được thể hiện trong nét đa dạng hài hòa của các Nghi thức, trong sự phong phú và đa dạng của các cộng đồng tôn giáo và tu viện, với nhiều hoạt động tông đồ, giáo dục, văn hóa và từ thiện”. 

Nỗi đau của Đức Phaolô VI khi đối diện với các cuộc nội chiến đầu tiên

Thật không may, sự kết thúc của triều giáo hoàng Đức Phaolô VI lại được đánh dấu bằng sự bắt đầu cuộc nội chiến ở Liban, hay đúng hơn là “các cuộc chiến tranh”, chiến tranh ở số nhiều, quá nhiều lợi ích bên ngoài đã làm vẩn đục vùng lãnh thổ và làm đảo lộn sự cân bằng vốn đã mong manh của đất nước Li-băng. Cho đến hơi sức cuối cùng, Đức Phaolô VI đã không ngừng kêu gọi hòa bình và bảo vệ người dân. Ngày 5 tháng 7 năm 1978, một tháng trước khi qua đời, ngài xin những kẻ hiếu chiến ngưng bắn, ngài đau buồn nói, “các vụ đánh bom bạo lực đã tấn công các khu vực tín hữu kitô ở thủ đô Beirut làm cho nhiều nạn nhân thiệt mạng và bị thương, tàn phá và gieo rắc kinh hoàng cho người dân không có khả năng tự vệ”.

“Không khỏi lo lắng, chúng tôi tự hỏi: khi nào thử thách đau đớn của người dân Li-băng sẽ kết thúc? Một tương lai bất định đưa đất nước  cuốn vào hỗn loạn của bạo lực và hận thù, làm mất đi tuổi trẻ cũng như thể chế của nó, đang làm suy yếu tinh thần huynh đệ mà trong một thời gian, và đúng như vậy, đã là niềm tự hào khi quốc gia của mình được xem là điển hình cho sự cộng tác hòa bình dưới mắt của Trung Đông và toàn thế giới”, bài phát biểu này là một trong các can thiệp công khai cuối cùng của Đức Phaolô VI.

Đức Gioan-Phaolô II và tình cảm của ngài với người dân Li-băng

Nỗi đau của cuộc xung đột Li-băng đánh dấu những năm đầu triều giáo hoàng Đức Gioan-Phaolô II, thánh lễ nhậm chức ngày 22 tháng 10 năm 1978 có sự hiện diện của Nguyên thủ Li-băng Elias Sarkis. Trong số rất nhiều can thiệp của Đức Gioan-Phaolô II về chủ đề này, nổi bật là Thông điệp của ngài gởi người Li-băng ngày 1 tháng 5 năm 1984, ngài viết sau khi gặp các Thượng phụ Giáo hội của các nước hiệp thông với Rôma: “Tình cảm sâu sắc tôi hằng ấp ủ từ lâu dành cho đất nước và người dân Li-băng, vì vậy tôi nghĩ, tôi cho phép mình nói lên lời thân thiện với tất cả người dân Li-băng, công giáo, kitô giáo và hồi giáo: Tôi biết đất nước sẽ tìm con đường của quả tim họ!”, Thánh Giáo hoàng đã viết để xin người dân Li-băng duy trì niềm tin vào quốc gia và con người, đặc biệt kêu gọi tín hữu kitô đi theo con đường hòa bình. “Giáo hội ở Li-băng phải đảm bảo tính cách ngôn sứ của sứ vụ đối thoại và hòa giải này, sứ vụ có nguồn gốc từ trái tim của Chúa Kitô, Đấng mà Giáo hội đã nhắc lại trong Tuần Thánh đã hiến mạng sống của mình cho nhân loại.” Ngài nói tiếp: “Các thế hệ sau sẽ đánh giá khả năng vượt lên các căng thẳng hiện tại và nỗi sợ hãi về ngày mai của quý vị. Tương lai nằm trong tay những người có thể cho thế hệ mai sau các lý do để sống và để hy vọng. Đối với chúng ta, đó là Chúa Kitô, Đấng Cứu rỗi nhân loại!”

Ngài phó dâng đất nước Li-băng cho Đức Trinh Nữ Maria được cầu khẩn với tên Đức Mẹ Li-băng, người dang rộng cánh tay ở ngọn đồi Harissa để chào người dân Li-băng với nụ cười và lòng dịu dàng của Mẹ, như nhắc lại chỉ có tình yêu, duy chỉ có tình yêu mới làm được các chuyện lớn lao!

Xây dựng lại “quốc gia-thông điệp”

Trong suốt các năm cuối cuộc chiến, Đức Gioan-Phaolô II huy động các mạng lưới chính thức và không chính thức để cứu mạng sống người dân và để tìm cách thoát ra khỏi các cuộc xung đột. Về mặt ngoại giao của Tòa Thánh, từ năm 1990, hồng y tương lai Tauran tham gia vào cuộc đàm phán các hiệp định Taëf, giúp tạo lại một trạng thái cân bằng nhất định, dĩ nhiên là bấp bênh. Nhưng mãi đến năm 1997, sau 19 năm chờ đợi, cuối cùng Đức Gioan-Phaolô II cũng xoay sở đến được Beirut, để có một chuyến tông du vẫn còn ghi lại trong lịch sử, đặc biệt với khẩu hiệu “quốc gia-thông điệp”, một định nghĩa bây giờ vẫn còn được người Li-băng dùng, để nêu bật sứ mệnh cụ thể của Li-băng trong các quốc gia và trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Chuyến tông du này tương đối ngắn, chỉ kéo dài 36 giờ này, trước hết là dịp để đặt nền móng cho tương lai. Đức Gioan-Phaolô II vốn đã yếu nhưng ngài đặc biệt nói các lời này với các người trẻ: “Phần các con, các con có quyền phá bỏ các bức tường đã dựng lên trong thời buổi đau thương của lịch sử dân tộc; các con đừng xây thêm các bức tường mới cho nước mình. Nhưng ngược lại, các con xây cầu nối giữa con người, giữa các gia đình và giữa các cộng đồng khác nhau, tất cả tùy thuộc vào các con. Trong cuộc sống hàng ngày, ước mong các con có các cử chỉ hòa giải, để chuyển ngờ vực qua tin tưởng!”

Đức Bênêđictô XVI và lời mời gọi cắm neo trong Chúa Kitô

Mười lăm năm sau đến lượt Đức Bênêđictô XVI, tháng 9 năm 2012 trong chuyến tông du cuối cùng của ngài được tổ chức sau Thượng hội đồng 2010 về các Giáo hội Đông phương. Khi xung đột ở nước láng giềng Syria và bối cảnh hỗn loạn ở nhiều quốc gia Trung Đông gia tăng, mọi người lo ngại cho chuyến đi trong tình trạng căng thẳng cực độ này, cuối cùng Đức Bênêđictô XVI được dân chúng chào đón trong bầu khí ấm áp và đồng tình, kể cả các phong trào hồi giáo, trước sự ngạc nhiên của các nhà báo phương Tây, họ vẫy cờ Vatican chào đón ngài.

Khi đó Đức Bênêđictô XVI đã thấy sự thăng bằng mong manh của Li-băng, ngài nhấn mạnh: “Đôi khi có nguy cơ bị phá vỡ khi cây cung kéo quá căng, khi phải thường xuyên chịu các áp lực của các thế lực đảng phái đi ngược và xa lạ với sự thân tình và dịu dàng của người  Li-băng. Đây là lúc chúng ta phải thể hiện sư đúng mực và minh triết”, ngài kêu gọi người dân Li-băng cắm neo của mình trong Chúa.

Ngay khi đến phi trường Beirut, Đức Bênêđictô XVI đã lên tiếng: “Tôi đến đây để nói sự hiện diện của Chúa trong đời sống mỗi người là quan trọng như thế nào, cách sống chung, tinh thần đường chung  hòa bình mà đất nước anh chị em mong muốn làm chứng, chỉ được sâu đậm nếu được xây dựng trên cái nhìn chào đón và thái độ nhân từ đối với người khác, chỉ khi nó được cắm neo trong Chúa, Đấng mong muốn mọi người là anh em. Sự cân bằng nổi tiếng của người Li-băng mong muốn trở nên hiện thực có thể được kéo dài nhờ vào thiện chí và cam kết của tất cả người dân Li-băng. Chỉ khi đó, nước Li-băng mới là mẫu hình cho người dân trong vùng và cho toàn thế giới. Đây không phải chỉ là công việc của con người nhưng còn là ơn của Chúa, chúng ta phải nài xin, gìn giữ bằng mọi giá và quyết tâm hết lòng để thực hiện”.

Đức Phanxicô và lời cổ vũ người trẻ Li-băng

Đức Phanxicô chưa có thời gian để có chuyến tông du đến Li-băng nhưng ngài rất quan tâm đến các vấn đề đối thoại trong vùng Địa Trung Hải, vùng của Đất nước Hương bá, đất nước có một chỗ đặc biệt trong trái tim và trong triều của ngài. Năm 2013, vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên triều giáo hoàng, vài ngày sau khi ngài được bầu chọn, các bài suy niệm Đàng Thánh giá ở Đấu trường la-mã được các bạn trẻ Li-băng viết: “Lạy Chúa, xin hãy làm cho máu của các nạn nhân vô tội là hạt giống của một phương Đông mới, có tình huynh đệ hơn, hòa bình hơn và công bằng hơn, và phương Đông này được phục hồi bằng nét đẹp ơn gọi của mình, cái nôi của nền văn minh và của các giá trị tinh thần và nhân văn. Ngôi sao của phương Đông, xin chỉ cho chúng con biết sự xuất hiện của Bình minh!” Các bạn trẻ Li-băng cầu xin trong bối cảnh khó khăn của cuộc chiến ở Syria.

Trong lời nói kết thúc của mình, Đức Phanxicô nhắc lại, “lời của Thập giá cũng là lời của tín hữu kitô đối với sự dữ đang tiếp tục hành động trong chúng ta và xung quanh chúng ta. Các tín hữu kitô phải lấy điều thiện chống điều ác, bằng cách vác thập tự mình như Chúa Giêsu đã vác. Tối nay chúng ta nghe chứng từ của anh em Li-băng chúng ta: chính các anh em đã viết bài suy niệm và cầu nguyện. Chúng tôi xin cám ơn hết lòng, nhất là chứng từ của các con. Chúng ta đã thấy Đức Bênêđictô XVI đến Li-băng: chúng ta đã thấy nét đẹp và sức mạnh thông hiệp của các tín hữu kitô ở Đất Thánh và tình bằng hữu của bao nhiêu anh chị em hồi giáo và những người khác. Đây là một dấu hiệu cho Trung Đông và cho toàn thế giới: một dấu hiệu của hy vọng”.

Gần bảy năm rưỡi sau, hy vọng này tiếp tục huy động các phát biểu của Đức Phanxicô về vấn đề Li-băng, cũng như hành động cụ thể cấp 400 học bổng cho học sinh Li-băng, một quyết định được công bố vào ngày 14 tháng 7. Theo Đức Phanxicô, khi đầu tư vào năng lực sáng tạo của người trẻ, một Li-băng mới sẽ ra đời, trung thành với cội nguồn nhưng hướng tới tương lai.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân vụ nổ kinh hoàng ở Beirut, Liban