Phỏng vấn bà Claire Oppert: Lợi ích của nhạc sống
lphinfo.com, Emmanuel, 2016-12-21
Chúng tôi đã quan sát tác động lợi ích của nhạc sống, ở đây là với cây đàn xen-lô (viôlôngxen) trong phòng bệnh lúc bệnh nhân bị đau khi được chăm sóc.
Các âm thanh rung động của cây đàn xen-lô rất gần với giọng nói của con người.
Nhạc thính phòng
Từ hai mươi năm nay, nữ nhạc sĩ Claire Oppert đàn ở bệnh viện Sainte-Périne, Pháp, đây là bệnh viện chuyên về các trường hợp “đau kinh niên và chăm sóc cuối đời.” Sau khi tốt nghiệp tại Nhạc viện Tchaikowski danh tiếng ở Moscow, có bằng thạc sĩ triết học tại Sorbonne và bằng đại học về trị liệu nghệ thuật tại phân khoa Y tại Tours, bà Claire Oppert thành lập tổ chức “băng bó của Schubert”, một kỹ thuật cân bằng đáng kể: giảm đau từ 10 đến 30%.
Bài phỏng vấn của Salomé Touitou
Băng bó của Schubert là gì?
Bà Claire Oppert – Trong các nhà chăm sóc dài hạn nơi tôi làm việc có một nữ bệnh nhân bị mắc chứng mất trí nhớ. Thuốc móc-phin không có tác dụng gì trên bà: bà la hét, cấu cắn, gần như nhân viên chăm sóc không thể đến gần bà được. Và tôi đã có ý tưởng đàn khúc nhạc chậm bài Trio-2 của Schubert. Ngay lập tức, bà được xoa dịu, nhẹ nhõm. Khi đó nhạc của Schubert có tác động như phép màu, bệnh nhân đã đưa tay ra trong ba giây và để cho nhân viên chăm sóc. Sau đó tôi trở lại nhiều lần trong tuần để giúp nhân viên chăm sóc cho bà.
Làm thế nào để bà đặt được cây đàn của bà trong đơn vị chăm sóc cuối đời?
Từ nhỏ, tôi đã luôn yêu thích và tìm cách đàn ở những nơi xa các phòng hòa nhạc và thế giới thời thượng của nó. Từ năm 14 tuổi, tôi đã đàn cho các người lớn tuổi, sau đó là đàn trong nhà tù. Tôi cũng đã làm việc 7 năm với ông Howard Buten, một nhà tâm lý học làm hề tuyệt vời và là nhà văn, tác giả quyển “Khi tôi lên năm, tôi đã giết tôi” (Quand j’avais cinq ans je m’ai tué), ông điều hành một trung tâm dành cho những người trẻ mắc chứng tự kỷ nặng. Từ đó chúng tôi lên chương trình làm việc. Tôi nhận ra âm nhạc, đặc biệt là âm thanh của đàn xen-lô đến được với bệnh nhân dù họ bị bệnh gì, họ đau khổ, tình trạng của họ trong tận sâu thẳm tâm hồn họ.
Rồi trong thời gian thực tập ở một bệnh viện Paris, một ông trưởng phòng rất cởi mở đã mở mọi cánh cửa các phòng của ông cho công việc này, công việc hóa ra lại rất thích hợp với tôi.
Viôlôngxen có phải là nhạc cụ tiêu biểu cho công việc này?
Âm thanh rung động của đàn viôlôngxen rất gần với giọng nói của con người. Âm sắc của nó ấm áp, mạnh mẽ, tạo rung động rất sâu làm cho bệnh nhân có ấn tượng đây là giọng nói không lời. Nó kết hiệp rất nhanh, rất sâu đậm với đời sống xúc cảm của bệnh nhân.
Bà can thiệp như thế nào trong môi trường này?
Chúng tôi đã quan sát tác động lợi ích của nhạc sống, trong trường hợp này là cây đàn xen-lô, trong phòng bệnh lúc bệnh nhân bị đau khi được chăm sóc. Khi tiếng đàn xen-lô vang lên, sự lo lắng và nỗi đau giảm dần. Các yếu tố khác nhau cũng có, nhưng âm nhạc làm bệnh nhân mất tập trung, thay vì la hét và căng thẳng, khi đó trong đa số trường hợp họ sẽ nghe nhạc, hát, điều khiển, mỉm cười. Điều này cũng đã được nghiên cứu từ khía cạnh của não: dòng đau đớn sẽ giảm, có khi ngừng lại vì dòng khoái cảm do âm nhạc mang lại được tiến hành. Bệnh nhân cảm thấy được ở bên cạnh nhiều hơn, thoải mái hơn. Một vòng luân hoàn năng lượng dễ chịu được tạo ra giữa giữa bệnh nhân, người chăm sóc và người trị liệu nghệ thuật.
Một chuyên ngành tạo con đường để đi vào các tổ chức y tế?
Chúng tôi đang vào chương trình tiếp cận được gọi là không thuốc men này. Tôi làm việc 5 năm ở một nhà chăm sóc dài hạn và chúng tôi nhận ra, âm nhạc kết hợp với thơ, vẽ, nhảy – tôi đã làm cho mười bệnh nhân liệt giường nhảy với khăn quàng cổ – tất cả những việc này một phần đóng góp vào việc diễn tả niềm vui, năng lượng, phục hồi chức năng vận động, nhưng cũng phục hồi cho bộ nhớ. Một thuyên giảm nhẹ nhưng có thật và đã giảm rõ ràng trong việc dùng thuốc. Các bác sĩ có tinh thần cởi mở ngày càng nhận thức được khả năng này. Vấn đề luôn là vấn đề tài trợ. Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để chứng tỏ tác động có lợi của âm nhạc đối với những người đang đau khổ.
Bà nói về trí nhớ, làm thế nào chúng ta có thể giải thích rằng âm nhạc thấm vào não bộ của con người?
Các chuyên gia liệt kê nhiều loại ký ức khác nhau. Bộ nhớ sâu được kích hoạt lại trong lĩnh vực giác quan. Bệnh nhân không còn cái đầu của họ, họ có thể tìm lại các giai điệu thời thơ ấu, và đôi khi cả bằng lời, trong khi ngôn ngữ của họ hoàn toàn không mạch lạc. Điều này cho thấy có một sự kích hoạt trong lĩnh vực cảm giác gây ra tái kích hoạt lại trong các khu vực tinh vi hơn của não. Động lực chăm sóc – chúng ta nói ở đây là chăm sóc chứ không phải chữa lành – do đó chính sự tái sinh này bắt gốc rễ trong các cảm xúc cổ xưa.
Ở Âu châu, mối quan hệ với tổ tiên ít mạnh hơn so với các châu lục khác?
Trong các xã hội phương Tây ngày càng vật chất hóa, có một nỗi sợ hiện hữu về cái chết, rồi từ đó cái chết ngày càng bị xóa mờ. Cái chết là sự thất bại tuyệt đối của y học. Trong bối cảnh chăm sóc cuối đời, cái chết trở nên một phần của sự sống trọn vẹn, nơi chúng tôi tôn trọng con người đến cùng, chúng tôi xem con người, dù sống ở giai đoạn nào cũng là một con người trong mọi khía cạnh. Sự chăm sóc mà chúng tôi mang lại là cùng đi với họ trong chuyến đi cuối cùng trong một xã hội khước từ khá mạnh cái chết. Các xã hội có sự tôn trọng hơn đối với ông bà là dấu hiệu của một nền văn minh hơn ở trọng tâm cội nguồn.
Còn ở Israel thì sao?
Tôi chưa có một viễn cảnh về những gì đang xảy ra ở Israel nhưng tôi rất vui mừng khi khám phá nó. Tôi đã được mời đến nhiều quốc gia, chẳng hạn Nhật Bản. Chắc chắn có sự khác biệt trong cách tiếp cận văn hóa, nhưng về cơ bản, con người vẫn là con người, và các phản ứng, các yêu cầu, mối quan hệ, vẫn tương tự cho dù chúng ta đang ở đâu trên thế giới.
Đây sẽ là lần đầu tiên bà ở Israel? Điều gì thúc đẩy bà?
Đúng, đây là lần đầu tiên tôi đi Israel và đó là niềm vui lớn khi khám phá đất nước mà tôi mơ đi trong nhiều năm. Tôi đã gặp ông Daniel Azoulay, người đứng đầu nhà chăm sóc cuối đời ở bệnh viện Hadassah Har Hatsofim trong một hội nghị chăm sóc cuối đời tổ chức tại Montreal mỗi hai năm và quy tụ hàng ngàn người tham gia từ 60 quốc gia khác nhau. Tôi được mời để nói về công việc của tôi và tôi tổ chức một buổi hòa nhạc dựa trên các lời nói của bệnh nhân – Tôi đã đàn trên nền slideshow các lời của bệnh nhân khi họ nghe tôi đàn. Chúng tôi nhanh chóng quen nhau và họ có nhã ý mời tôi dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập nhà chăm sóc cuối đời của họ, một sự kiện tôi sẽ đến để trình bày công việc của mình.
Có khi nào bà muốn rời môi trường bệnh viện để chỉ đi trình diễn trong các buổi hòa nhạc uy tín trong trang phục áo dạ hội không?
Trước hết không bao giờ tôi muốn rời khỏi môi trường bệnh viện vì đó là nơi tôi nhận được nhiều ơn nhất. Vì ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn và đau đớn, thì đó cũng là dịp duy nhất để tôi dùng nghệ thuật ở một góc nhìn khác. Bên cạnh đó, tôi cũng có nhiều áo dạ hội và cũng không ít các buổi trình diễn! (Cười) Thực chất, tôi nhận ra con người vẫn là con người, khía cạnh thời thượng không còn khi mình ở bên giường bệnh của một người ở cuối đời, nơi chỉ còn ý nghĩa “vì sao tôi ở đây.” Nhà tâm lý học Howard Buten thường nói, nếu người ta dí súng bắt tôi phải chọn, là nhà văn, là nghệ sĩ hài hay làm việc với các em bé tự kỷ, tôi sẽ chọn làm việc với các em bé tự kỷ. Còn tôi, nếu bị dí súng, tôi sẽ chọn phòng bệnh nhân hơn là phòng hòa nhạc lớn. Nhưng hiện tại không có ai dí súng, nên tôi may mắn được làm cả hai việc!
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Claire Oppert, nữ nhạc sĩ viôlôngxen chăm sóc bệnh nhân bằng âm nhạc
Bài gốc tại đây