Dẫn nhập sách Bảy căn bệnh thiêng liêng
Trích sách Bảy căn bệnh thiêng liêng, Sơ Catherine Aubin. Nhà xuất bản: Salvator – Novalis, 2019
Sự mặc khải kitô giáo cho chúng ta biết chúng ta là ai trong chiều sâu thẳm nhất của cuộc sống. Bernard Sesboué
Tác phẩm này là một tiểu luận ngắn về căn vườn nội tâm cần được chăm sóc, cắt tỉa hoặc nhổ cỏ dại ngăn không cho hạt giống tốt mọc lên và tăng trưởng. Vì thế chúng ta cần có dụng cụ làm vườn để tìm, để cắt tỉa cỏ dại, để cày xới đất giúp cho cây cối sinh hoa kết trái trong tâm hồn chúng ta. Thường thường khi cây lớn lên, qua năm tháng đến ngày nó sẽ cho hoa trái. Sự cứu rỗi là giải thoát những gì cản trở sự tăng trưởng của con người. Chúa Giêsu giảng dạy điều này trong từng đoạn Tin Mừng: Ngài chạm đến, Ngài cầm tay và nói: “Hãy đứng dậy và bước đi!” Đời sống thiêng liêng chúng ta phải giống sự tăng trưởng này. Chúng ta biết trong quá trình này sẽ có các trở ngại, ngăn chận, các bệnh tật làm chúng ta mất phương hướng, mất quân bình và thất bại. Đôi khi nhận ra và chúng ta sửa được, đôi khi chúng ta bị mù quáng hoặc bị mù. Chúng ta không triển khai. Chúng ta vô ơn, khép kín, vô cảm, khó tính hoặc thờ ơ.
Tập sách này vừa là bản đồ vừa là cẩm nang để khám phá thế giới nội tâm giúp chúng ta tiến về chính mình và về với Chúa, Đấng ở trong lòng chúng ta. Đây là một kiểu để bắt đầu hoặc để tiếp tục một cuộc hành hương đi sâu nhất vào tâm hồn chúng ta, đi và tìm lại phương hướng, mà Ánh sáng đã ở trong lòng chúng ta. Nói cách khác, chúng ta sẽ phải xác định những con đường không lối thoát, những con đường không được đánh dấu đầy cả hiểm nguy và có hại, những con đường không thể đi được. Khi đó chúng ta sẽ bắt đầu hiểu các động thái bên trong là gốc rễ của các hành vi lệch lạc và chúng ta có thể bắt lại, nhận định lại cái gì đã làm cản trở, ngăn sự hợp tác và hành động của Thần Khí trong con người chúng ta. Vì thế tập sách này đưa ra các con đường để khám phá nội tâm, không phải để sống khổ sở dưới ách của tội lỗi và làm cho chúng ta bị mặc cảm đến mức tê liệt, nhưng là để có một nhận biết mới, sinh ra và tái sinh, đó là Chúa ở trong tâm hồn chúng ta.
Tập sách này không tư biện cũng không uyên thâm. Đúng hơn là một kinh nghiệm sống: gần như tất cả các bệnh thiêng liêng tôi đều sống qua và vẫn còn sống với! Tôi may mắn được dạy các bệnh này trong lớp thần học thiêng liêng và nhận ra tác động của bài dạy này trên sinh viên (giáo dân độc thân hay lập gia đình, nam nữ tu sĩ, các chủng sinh và linh mục, tất cả ở đủ mọi lứa tuổi). Gần như tất cả đã trải nghiệm một hình thức giải phóng khi nghe nêu ra các lệch lạc thiêng liêng này; họ ý thức được chiều hướng xấu của mình; họ thấy được các ham muốn sâu xa của mình. Các phản ứng này có tác dụng dạy dỗ và làm cho họ lên tinh thần.
Sự định hướng “bản đồ” này nhằm tìm trong nội tâm mình một nơi thuận lợi cho lòng biết ơn, cho sự kinh ngạc, cho ngợi khen, cho niềm vui, vì nói lên lời cám ơn là có được sức khỏe, là bước vào ơn cứu rỗi. Không có gì tốt trong chúng ta hoặc bởi chúng ta mà không có niềm vui. Niềm vui giúp chúng ta tiếp xúc với căn tính thật của mình và căn tính của Chúa. Chính qua niềm vui và hân hoan nội tâm mà chúng ta thực sự tồn tại và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn để yêu thương và để phục vụ. Vậy mà niềm vui này thường xuyên bị ẩn giấu, bị quên, thậm chí còn bị cho là “chết”. Sự khai phá nội tâm này có cùng đích là để đi, đi xuống, cùng tiến bước và ở trong niềm vui sáng chói này, để xây dựng chúng ta, để làm cho chúng ta lớn lên, tăng trưởng; nói cách khác là để càng ngày càng đi sâu hơn đến sự giải thoát, giải phóng và tự do. Đây là lý do vì sao chúng ta “tin” để “phát triển”, để đi tới, để sống như con cái của Ánh sáng (1Th 5, 5).
Cuộc khai phá nội tâm này cũng là một cuộc gặp gỡ, một đối thoại, một bước đi với Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần, mở lòng chúng ta ra với Tình yêu không điều kiện, để chúng ta có thể nhìn vào các khiếm khuyết, các tật bệnh để được cứu, để được giải thoát. Đời sống thiêng liêng là một bước đi, một đời sống trong ánh sáng và trong tình yêu, một loại buông bỏ để chúng ta đến với Đấng ”là đường, là sự thật, là ánh sáng và là sự sống”. Chính vì vậy quan trọng là được sống trong chính ngôi nhà mình, vì “phải xa Chúa là chết; trở về với Chúa là sống lại; và ở trong Chúa là sống”.
Chúng ta bệnh gì?
Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. (Lc 5, 31)
Các mất định hướng hay nghiêng về tội này làm chúng ta xa nội tâm, xa nguồn sống mà các Giáo phụ ngày xưa gọi là “quyến luyến” hay các “căn bệnh thiêng liêng”. Giáo phụ Evagre le Pontique phân loại chúng thành tám suy nghĩ chung bao gồm tất cả các suy nghĩ khác: tham ăn, tham dục, hà tiện, buồn bã, giận dữ, biếng nhác, hư danh hảo và kiêu ngạo. Học thuyết này được Giáo phụ Évagre le Pontique (345-399), đan sĩ đông phương xây dựng đầu tiên, sau đó được Giáo phụ Jean Cassien (360-435) mang qua tây phương và được Giáo phụ Grégoire le Grand (540-604) sửa lại. Và cuối cùng các suy nghĩ này được Tây phương biết đến dưới hình thức bảy mối tội đầu, gọi là “tội đầu vì chúng gây ra các tất xấu khác, các tội khác. Đó là kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, giận dữ, tham ăn, tham lam, lười biếng”.
Các Giáo phụ đưa ra định nghĩa về tội và bệnh: là tội bất cứ hành vi nào làm con người quay lưng với Chúa và với con người thánh thiện của mình. Giáo phụ Denys l’Aréopagite viết, “hành động xấu là đi ra khỏi con đường tốt, đi ngược với bản chất, với nguyên tắc, với cùng đích, với ý chí của mình, cuối cùng là với chính cốt tủy của mình.”
Các Giáo phụ thường dùng danh từ y khoa để nói về tội và hệ quả của nó: họ cho rằng, tội là một bệnh rất nặng ảnh hưởng đến toàn con người và làm cho con người mất đi sức khỏe ban đầu. Căn bệnh và sự thoái hóa đụng đến tất cả khả năng con người, một khả năng để con người quay về với Chúa và kết hiệp với Ngài, họ quay lưng với mục đích này, mục đích cơ bản và hiệu năng bây giờ lại chống lại bản chất, đi lạc hướng, đi ngược hướng, hành động mất trật tự, mất lý lẽ, phi lý, vô nghĩa, điên cuồng. Và đó là lý do vì sao các bệnh thiêng liêng đè bẹp, che khuất Ánh sáng bên trong, Ánh sáng có ở trong chúng ta từ ban đầu.
Các chương của quyển sách này sẽ không chính xác theo danh sách của Giáo phụ Evagre le Pontique. Chúng tôi bắt đầu bằng phương thuốc chữa căn bệnh toàn năng kiêu ngạo (vinh danh hảo được xem xét trong chương này), đó là lòng khiêm nhường. Chúng ta có thể giải thích chọn lựa này bằng nhiều cách, đơn giản nhất là để nhấn mạnh đức khiêm nhường là nền tảng và cơ bản của mọi đời sống thiêng liêng, là tương hợp với Chúa, và theo nghĩa này, đức khiêm nhường chắc chắn là “viên thuốc” thích ứng nhất cho tất cả các căn bệnh thiêng liêng. Mặt khác, để sống với nó, chúng ta cần hiểu khiêm nhường là gì và làm sao để được khiêm nhường. Chính vì tất cả các lý do này và các lý do khác, chúng tôi đưa ra trong chương này, chúng tôi quyết định bắt đầu bằng đức tính này.
Rồi đến tham ăn, hà tiện và dâm dục, chúng tôi muốn đề cập đến hà tiện trước dâm dục, rồi đến giận dữ, buồn bã và biếng nhác.
Các phương thuốc chung cho tất cả các căn bệnh thiêng liêng
Định danh, chỉ định, đưa ra
Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú (St 2, 20).
Trong số các phương thuốc chung cho các bệnh tâm linh, có một sức mạnh rất lớn mà tất cả chúng ta đều có, đó là đặt tên những gì xảy ra trong các chuyển động nội tâm của mình. Việc định danh rõ ràng giúp chúng ta ý thức, một hình thức khoảng cách, khách quan, bỏ cái tôi ra khỏi những gì đang xảy ra. Các Giáo phụ cho rằng, một số người được chữa lành khi hiểu được các biểu hiện và các hệ quả của căn bệnh. Hiểu rõ các chuyển động giúp chúng ta ra khỏi hoang mang, một dạng bóng tối như các phản xạ hoặc các thói quen có hại. Chẳng hạn khi nghe giải thích về giận dữ, chúng ta hiểu được căn bệnh giận của mình, hiểu được các hình thức biểu lộ, trách nhiệm của nó trên các hành vi hung hăng, giúp chúng ta thấy và làm sáng tỏ các phản ứng thiếu suy nghĩ, các thái độ quá lố của chúng ta và nguồn gốc của các hành vi này. Định danh là “sức mạnh” đầu tiên mà Chúa cho con người trong sách Sáng thế: “Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế” (St 2, 19). Các Giáo phụ cho rằng đoạn giải thích các động vật được đặt tên này có thể giải thích thú tính bên trong của chúng ta, các lệch lạc, các tội lỗi, các căn bệnh tâm linh. Đó là lời cầu nguyện và mong muốn mà tôi nung nấu khi viết quyển sách này: mong rằng mỗi độc giả có thể nhận ra, xác định và đặt tên cho các chuyển động bên trong mà cho đến bây giờ còn xa lạ với mình, và ý thức này được trải nghiệm như một sự giải thoát bình yên và vui vẻ.
Tạo không gian
Một cách “chữa trị” hữu ích khác cho tất cả căn bệnh thiêng liêng của chúng ta là để chúng ta sống trong thiếu thốn, một hình thức trống rỗng để có một không gian nội tâm nơi Thần Khí đến thăm chúng ta. Các căn bệnh thiêng liêng đều liên quan đến mối quan hệ của chúng ta với các nhu cầu, các mong muốn, các hụt hẫng, các bù đắp, thậm chí cả các lệ thuộc. Chúng ta lo lắng về sự mất mát, ham muốn, thèm khát quá độ về mọi thứ, về con người. Mất, thiếu, bị tước đi có thể làm cho chúng ta có cách hành xứ quá độ; phải làm mọi cách để được công nhận, được an toàn. Chúng ta đang lầm trên con đường khám phá nội tâm. Thật vậy, ưu tiên là lắng nghe một tiếng nói khác, tiếng nói để chúng ta được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, cộng tác với Ngài để loại các tin tưởng sai lầm hoặc các an toàn. “Sự thánh thiện không phải là hoàn tựu hay sung mãn cho bản thân mà mình tự cho mình. Trước hết, đó là khoảng trống mà người ta khám phá và chấp nhận rằng Thiên Chúa đến để lấp đầy trong chừng mực mà mình mở lòng ra cho sự sung mãn của Chúa.” Đó là câu trả lời của Thánh Phanxicô cho người anh em Léon về sự thánh thiện.
Trong quyển sách Minh triết của một người nghèo (Sagesse d’un pauvre, Eloi Leclerc, nxb. Franciscaines), tác giả viết: “Dứt khoát là không giữ gì cho riêng mình. Quét hết. Ngay cả nhận thức đau nhói về sự đau khổ của chúng ta. Phải làm sạch. Chấp nhận nghèo. Từ bỏ tất cả những gì nặng nề, ngay cả sức nặng của các lỗi lầm chúng ta. Chỉ thấy vinh quang của Chúa và để cho vinh quang này tỏa rạng. Chỉ có Chúa là đủ. Khi đó tâm hồn trở nên nhẹ nhàng. Mình không còn chỉ thấy có mình, như con chim chiền chiện say đắm trên bầu trời xanh thẳm. Tâm hồn bỏ hết mọi lo âu lo lắng. Chỉ khao khát sự hoàn hảo được thay đổi trong ý chí đơn sơ và thuần khiết của Chúa.”
Trái tim: Nơi tôi ở, nơi tôi là
Chính trong quả tim, nơi chúng ta được tạo và được tái tạo theo hình ảnh của Chúa là nơi xác định lựa chọn của chúng ta cho sự sống và cho tự do. Cho dù đó là tính tham ăn, hà tiện hay kiêu ngạo, tất cả là các biểu lộ bên ngoài của các căn bệnh đang xảy ra trong lòng. Khám phá các căn bệnh thiêng liêng là trước hết và trên hết khám phá các chuyển động sâu thẳm bên trong nhất và định danh nó, để có quyết định hay không cho sự sống, cho tự do. Đó là cả một công việc không bao giờ hết, mỗi ngày mỗi đều phải làm vì các cám dỗ luôn còn đó. Các ảo tưởng và ảo ảnh thì rất nhiều, chúng muốn chúng ta nghĩ rằng niềm vui, sự trọn vẹn hay hoàn tựu ở ngoài sự hiệp thông của cuộc sống và niềm vui với Chúa. Chúng ta phải học cách để ở lại trong khoảng không gian này, ý thức để chúng ta không ngừng ngạc nhiên, ngưỡng mộ và tạ ơn.
Cuộc chiến thiêng liêng
Theo học thuyết của các Giáo phụ thì cuộc chiến thiêng liêng là để Chúa Kitô rọi sáng các tăm tối của chúng ta, giúp chúng ta tái định hướng về Ánh sáng và Sự sống. Con đường tâm lý là một con đường đi từ các bóng tối, đi từ thấp để đi đến một cái nhìn thật sự về bản thân mình. Hai con đường này không tương phản, vì không thể có mâu thuẫn giữa quy luật thiêng liêng và quy luật tâm lý. Khoa tâm lý dọn dẹp sạch sẽ mảnh đất giúp các xáo trộn bên trong có các chữ để nói; giúp chấn chỉnh lại ý tưởng sai lầm có về Chúa nhưng không nhất thiết phải dẫn đến Thiên Chúa thật của Chúa Giêsu Kitô, bởi vì mục đích của tâm lý không phải là trở lại cũng không phải là giao ước với Chúa.
Cơ bản là phải biết cơ chế các suy nghĩ trong trái tim chúng ta vì chúng là nguồn gốc của các lệch lạc và các căn bệnh. Cuộc chiến thiêng liêng có nhiều điểm chính: trước hết bản thân chúng ta có các khuynh hướng quy về một phần theo cuộc đời riêng của mình; rồi theo thế giới với tất cả cám dỗ của nó; sau đó về người mà Chúa Kitô gọi là Satan, là ma quỷ, là người đi cám dỗ nhưng cuối cùng, Chúa Kitô trong lòng chúng ta đã thắng nó (Mt 4, 10).
Cơ chế của các suy nghĩ hủy hoại hay chiến thuật của nó diễn ra qua nhiều giai đoạn, chúng tôi xin nêu ra ngắn gọn. Trước hết các suy nghĩ chỉ là đề nghị có thể lén lút xuất hiện. Rồi chúng ta đối thoại với chúng, tiếp nhận chúng và chúng ta quyết định, có nghĩa là chúng ta đồng ý. Nói cách khác, chúng ta chấp nhận những gì mới chỉ là đề nghị và chúng ta đem ra thực hành. Lúc đó chúng ta bị đầu độc, thậm chí có thể gọi là bị giam hãm, không có gì ngăn chúng ta thốt lên lời hủy hoại hay bước qua hành động. Trong chiến thuật này, điều quan trọng là ngay lập tức nhận ra nguồn gốc của tư tưởng này, để một cách nào đó có thể đặt câu hỏi, ví dụ: “Nhưng bạn đến từ đâu? Bạn nói tôi phải đi canh ông chủ của tôi hay bà hàng xóm của tôi?” Hai giai đoạn đầu đòi hỏi một quyết tâm rất lớn, bởi vì chúng ta vẫn còn tự do; khi chúng ta bắt đầu đồng ý và đối thoại với các tư tưởng xấu, thì khi đó chúng ta đang rơi xuống hố. Chúa Giêsu giải thích cho chúng ta một cách cụ thể khi Ngài nói: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5, 28). Quyết định làm điều xấu của chúng ta đã bắt đầu từ trong lòng, hành động chỉ là phần thể hiện bên ngoài những gì chúng ta đã quyết định trong lòng. Vì thế phải hiểu bản thân mình, phải học để định danh và phải luôn canh chừng quả tim mình.
Để hướng dẫn và định hướng chúng ta, bài thơ của thi sĩ Jacques de Saroug Lối thoát, lộ trình và con đường phải theo (Issue, le Chemin, la Voie à suivre).
Tôi sẽ về nhà Cha tôi
như người con hoang đàng và tôi sẽ được đón nhận.
Như người con hoang đàng, tôi sẽ hỏi; Cha có tha thứ cho con không?
Tôi gõ cửa nhà Người Cha thương xót;
Xin mở cửa cho con để con vào, con sợ con đi lạc, con đi xa, con hư mất!
Cha đã cho con thừa kế di sản của Cha, con đã bỏ di sản của con, con đã hoang phí;
Con ước mong bây giờ con là người làm thuê, là tôi tớ!
Như người thu thuế, xin thương xót con và con sẽ sống trong ân sủng Chúa!
Như người đàn bà tội lỗi, xin Chúa tha tội cho con!
Như Thánh Phêrô, xin Chúa đưa con ra khỏi làn sóng.
Như người kẻ trộm lành, xin Chúa tha tội cho con và nhớ đến con!
Như con chiên đi lạc, xin Chúa đi tìm con, và Chúa sẽ tìm ra con; vác con trên vai đem con về nhà Cha.
Như người mù, xin Chúa mở mắt con để con thấy ánh sáng của Chúa.
Như người điếc, xin Chúa mở tai con để con nghe tiếng Chúa!
Như người liệt, xin Chúa chữa lành để con ca tụng danh Chúa!
Như người phung hủi, với trầm hương xin Chúa rửa sạch các tì vết của con!
Như cô gái Ja-ia, xin Chúa cho con sống!
Như mẹ vợ Thánh Phêrô, xin Chúa chữa lành cho con vì con bị bệnh!
Như người con trai của bà góa phụ, xin Chúa cho con đi trên con đường công chính!
Như ông Ladarô xin Chúa gọi con bằng chính tiếng của Chúa và tháo các băng quấn con.
Bởi vì con đã chết vì tội, như một căn bệnh; xin vực con dậy từ đống hoang tàn để con ca ngợi danh Chúa! Con xin Chúa, Đấng là chúa tể trời đất, xin đến giúp con và cho con biết đường đi để con đến với Chúa!
Xin đưa con đến với Chúa để con ở trong lòng thương xót Ngài!
Con sẽ đến với Chúa, con sẽ no đủ trong hân hoan.
Men sự sống, xin nghiền nát nó khi con kiệt sức!
Con đi tìm Chúa mà quỷ dữ theo dõi con như tên trộm.
Nó cột chặt và xích con trong thú vui của của thế giới xấu xa;
Nó giam hãm con trong các lạc thú của nó và đóng sầm cửa trước mặt con;
Không ai giải thoát con để con đi tìm Chúa!
Lòng thương xót Chúa xin đến với con!
Xin bẽ gãy ách đặt trên vai con, vì nó làm con ngộp thở!
Lạy Chúa, con mong muốn được đi với Chúa.
Mười điều răn của Chúa, con suy gẫm ngày đêm.
Xin cho con những gì con xin và xin nhận lời cầu nguyện của con, Chúa thương xót!
Xin Chúa đừng cắt đứt hy vọng của tôi tớ Chúa, vì tôi tớ Chúa đang chờ!
“Bài thơ về tình yêu” (Poème sur l’Amour, Lời cầu nguyện của các cha, nxb. Bayard) của Thánh Jacques de Saroug, giám mục người Syria sống ở thế kỷ thứ 4, là người rao giảng và dịch giả ngoại hạng.
Marta An Nguyễn dịch