Rửa chân, quỳ gối, tìm hiểu các cử chỉ khiêm nhường trong các vụ biểu tình ở Mỹ

311
Rửa chân, quỳ gối, tìm hiểu các cử chỉ khiêm nhường trong các vụ biểu tình ở Mỹ
la-croix.com, Henri Pflieger, 2020-06-11
Từ đầu phong trào phản kháng của quần chúng sau cái chết của ông George Floyd ngày 25 tháng 5, các cử chỉ hòa giải giữa các cộng đồng nhân lên gấp bội ở Mỹ. Các cử chỉ cảm hứng từ văn hóa kitô giáo như rửa chân, quỳ gối được làm để nói lên lòng khiêm tốn, xin lỗi và tỏ tình đoàn kết, tuy nhiên đôi khi cũng tạo ra sự khó hiểu.
Người dân, kể cả linh mục Anh giáo Kevin Antlitz quỳ gối trong buổi biểu tình chống đối Tổng thống Donald Trump đến Đền thờ Quốc Gia Thánh Gioan-Phaolô II ngày thứ ba 2 tháng 6 tại Washington. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra sau cái chết của George Floyd (AP Photo/Jacquelyn Martin) JACQUELYN MARTIN/AP
Các cử chỉ mạnh để phản đối các căng thẳng của cộng đồng như đe dọa đốt cháy đất nước. Khi nước Mỹ trải qua các vụ bạo loạn vẫn còn bùng phát hai tuần sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd, thì người biểu tình đang cố gắng thể hiện lòng mong muốn hòa giải của họ.
Các phương tiện truyền thông đã đăng hình ảnh người đi biểu tình da trắng rửa chân cho đồng bào da đen của họ. Tại Cory ngày 7 tháng 6, trong một cuộc biểu tình của nhà thờ người da đen trong thành phố, các cảnh sát và ban tổ chức đã rửa chân cho hai mục sư trong buổi cầu nguyện công cộng.
Phục hồi tình yêu hỗ tương
Cũng vậy ở Virginia, vùng ngoại ô Norfolk, kênh truyền hình địa phương 3WTKR (một nhánh của CBS) kể lại buổi “hòa giải chủng tộc” của nhà thờ Ngũ tuần địa phương. Trong cuộc biểu tình do các mục sư của nhà thờ Rock Church ở Virginia Beach, các giáo dân người da trắng và da đen đã rửa chân cho nhau như dấu hiệu của hòa giải.
Đối với các cộng đồng thực hành công việc này, cử chỉ mang tinh thần kitô giáo nhưng cũng mang chiều kích phục hồi và hiệp thông. Từ hàng chục năm nay, các Giáo hội Tin lành và Ngũ tuần đã có nghi thức rửa chân như nghi thức hòa giải trong cùng một gia đình, một cộng đoàn sau chấn thương. Cũng một cách như vậy, nghi thức này rất thịnh hành ở Nam Phi trong những năm 1980 khi kết thúc chính sách phân biệt chủng tộc.
Nếu việc rửa chân trở nên công khai trong vài tuần và chỉ giới hạn trong các cuộc biểu tình do nhà thờ tổ chức thì quỳ gối là một dấu hiệu tượng trưng khác, nó đã trở thành cử chỉ đoàn kết và phản kháng chính ở Mỹ và ở các nơi khác trên thế giới.
Trong bối cảnh của các cuộc biểu tình và các đụng chạm thường xuyên với người đi biểu tình, cảnh sát và quân nhân đã quỳ gối để nói lên mong muốn được xoa dịu và đoàn kết với dân chúng của họ.
Quỳ gối đã có từ đầu phong trào “Đời sống của người Da Đen là đáng kể” (Black Lives Matter). Cử chỉ này được cảm hứng từ cử chỉ của mục sư Martin Luther King. Mục sư chiến đấu cho nhân quyền đã nổi tiếng vào năm 1965 ở Selma với cử chỉ này khi ông cầu nguyện trong một cuộc biểu tình. Từ đó, cử chỉ này lan rộng và phổ biến trong các cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát và chống kỳ thị. Năm 2017, cầu thủ bóng đá người Mỹ Colin Kaepernick quỳ xuống đất khi hát quốc ca để tố cáo và để làm cho vấn đề sỉ nhục và phân biệt đối xử được biết đến. Sau một thời gian dài tranh cãi, ông đã trả giá sự nghiệp thể thao của mình vì cử chỉ này.
Một cử chỉ gây tranh cãi và có nhiều ý kiến trái chiều
Nhưng các cử chỉ với ý nghĩa biểu tượng lớn này không tránh khỏi tranh cãi. Một trong các lý do gây tranh cãi là nhân vật được cho là người có tội mà cử chỉ này có thể nói lên. Ý nghĩa tôn giáo của cử chỉ không được dư luận quần chúng Mỹ chia sẻ, cũng như xem việc rửa chân là một nghi thức hòa giải không được tất cả các Giáo hội tin lành chấp nhận.
Việc rửa chân, như một cử chỉ tha thứ, giống như đầu gối của Colin Kaepernick trên mặt đất vào năm 2017, đã gây một làn sóng phản ứng phẫn nộ.  Các phản hồi trên mạng xã hội trong các video rửa chân hòa giải cho thấy, có người cho là “sỉ nhục kiểu Mao” hay làm theo kiểu “tà phái.”
Cuối cùng, đây cũng là cử chỉ gây tranh cãi có tính cách chính trị trong xã hội Mỹ: chúng ta có cần phải xin tha thứ không, chúng ta có cần hòa giải không? Thừa nhận bạo lực có hệ thống đối với người da màu ở Mỹ vẫn là cuộc tranh luận nóng bỏng lúc này ở Mỹ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Ý nghĩa của quỳ gối trong các vụ biểu tình chống bạo lực của cảnh sát
Nghi thức rửa chân ở nhà thờ Virginia Beach giúp chữa lành và hòa giải sắc tộc