Đàng Thánh giá năm 2020: Các bài suy niệm được viết ở nhà tù Pađua
agensir.it, agensir.it, 2020-03-10
Linh mục Marco Pozza: “Đằng sau các đau khổ đen tối nhất cũng ẩn giấu một niềm hy vọng.”
Đức Phanxicô và Linh mục Marco Pozza
Linh mục Marco Pozza, thần học gia, tuyên úy nhà tù Due Palazzi và ký giả thiện nguyện viên Tatiana Mario gom góp và viết các bài suy niệm Đàng Thánh Giá cho ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
Mười bốn chặng đàng, mười bốn câu chuyện đan xen vào cuộc đời của những người bị tù, các nhân viên cảnh sát nhà tù, các thiện nguyện viên, các người làm việc cho công lý. Với họ, nhà tù cũng đau khổ như các gia đình liên hệ, các nạn nhân của tội ác, những người bị buộc tội bất công từ nhiều năm nay.
Thông báo được Đức Phanxicô trực tiếp đưa ra làm mọi người ngạc nhiên, với bức thư riêng gởi cho giám đốc Paolo Possamai của bốn nhật báo chính của Veneto: các bài suy niệm Đàng Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ở Colosseum năm nay sẽ do giáo xứ của nhà tù Pađua đảm trách. Linh mục Marco Pozza, thần học gia, tuyên úy nhà tù Due Palazzi và ký giả thiện nguyện viên Tatiana Mario gom góp và viết các bài suy niệm. Họ kể kinh nghiệm trong thời gian rất khó khăn này, đất nước ở trong tình trạng khẩn cấp đối phó với coronavirus và các vụ nỗi loạn trong nhà tù.
Nhà tù Ý sôi sùng sục. Thông điệp nào cha muốn nói với các tù nhân trong giai đoạn lan nhiễm coronavirus này?
Linh mục Pozza: Các khó khăn của đời sống nhà tù và các hạn chế nghiêm nhặt trong các ngày qua để ngăn nhiễm coronavirus, chúng ta phải đối diện với trách nhiệm và trong tinh thần hiệp nhất quốc gia, trong đó mỗi người đảm nhận phần trách nhiệm của mình. Rất nhiều tù nhân hiểu đất nước đang đi qua giai đoạn này, dù khó khăn nhưng họ thích ứng theo chỉ dẫn, nhất là để bảo vệ sức khỏe cho họ và cho gia đình họ.
Tôi muốn kêu gọi mọi người sống hòa hợp hơn dù điều này rất khó với các lý do hiển nhiên để có được sự thanh thản mà chúng ta khao khát trong tâm hồn cũng như bên ngoài.
Vì sao thế giới nhà tù là chủ đề trọng tâm của Đàng Thánh Giá năm 2020?
Nhà tù là thế giới thân thiết của Đức Phanxicô. Từ đầu giáo triều của ngài, ngài đã quan tâm đến tầng ngầm xã hội này. Điểm đặc biệt là ngài tổ chức Năm thánh Lòng thương xót: để nếm được trong cánh cửa phòng giam của mình, một cánh cửa thánh vượt lên trực giác mang tính ngôn sứ. Cử chỉ đó, đon giản và mang nét nên thơ của một tình trạng đau đớn đã thánh hóa trong tình yêu sâu đậm giữa Đức Phanxicô và thế giới nhà tù, những người bị tù cũng như những người làm việc trong nhà tù. Thực tế là trọng tâm được hiểu tốt hơn từ ngoại vi làm cho chọn lựa này rõ ràng hơn.
Ý định viết suy niệm trong nhà tù chính xác được nảy sinh ra như thế nào?
Cách đây một thời gian, khi làm việc cho một dự án khác, tôi đưa ngài đọc một bài viết của một thanh niên trong tù: với người khác, viết là một đam mê nhưng với người ở trong tù, viết là một cách trị liệu.
Đức Phanxicô nhìn tôi và nói: “Cha muốn con giúp cha soạn Đàng Thánh Giá cho ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay.”
Lúc đó, tôi cảm nhận hạnh phúc của những người đang ở trong tù. Tuy nhiên mong muốn của ngài lại là một chuyện khác: “Cha muốn không phải chỉ các tù nhân viết nhưng cả những người làm việc trong nhà tù, trong công việc hồi phục.” Rồi ngài nhìn tôi: “Trước hết là thế giới của các nạn nhân.” Trong ánh mắt của ngài là cả một tầm nhìn.
Làm thế nào cha tổ chức công việc của mình để có thể viết mười bốn chặng đàng?
Trong vô số các câu chuyện trong nhà tù, trước tiên chúng tôi xác định câu chuyện nào phù với chặng đàng nào. Sau đó chúng tôi nói chuyện với mười bốn người đồng ý tham gia. Đoạn Tin Mừng chúng tôi đề nghị để cùng nhau suy niệm là phương tiện đào sâu tâm hồn mình, dò tìm lại câu chuyện riêng của đời mình. Tất cả, không loại trừ ai đều có thể nói lên mà không sợ hãi, nói lên phần đau đớn và mệt mỏi của mình.
Cha có cảm xúc nào khi cha nhận lời giúp Đức Giáo hoàng thảo Đàng Thánh Giá?
Chúng tôi thật sự thấy mình được ưu tiên và cũng thấy mình có trách nhiệm. Chúng tôi học thêm một lần nữa để bước nhẹ trên cuộc đời của người khác, tôn trọng sự im lặng của họ và kín đáo nhận nước mắt của những tâm hồn bị xé nát, các cuộc đời bị giằng xé bởi nỗi đau, bởi phán xét, bởi dửng dưng. Chúng tôi rút từ đây một bài học lớn: đằng sau các đau khổ đen tối nhất cũng ẩn giấu một niềm hy vọng, dù lớn dù nhỏ.
Chỉ cần tìm nó, đơn sơ chấp nhận tia sáng lóe ra này. Đằng sau mỗi bài suy niệm là một câu chuyện, một cái tên. Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, không một ai là ngôi sao vì chúng tôi không xướng tên một ai. Không phải vì ẩn danh, nhưng vì mong muốn chung là trở thành tiếng nói của mỗi người: mỗi người bị giam trên thế giới cũng như tiếng nói của nạn nhân tội ác, tiếng nói của quan tòa, thẩm phán, của thiện nguyện viên, của cảnh sát, của nhà giáo trong nhà tù.
Làm thế nào nảy sinh tình bạn gắn kết nhà tù của cha với Đức Phanxicô?
Sự gần gũi đặc biệt này bắt đầu từ ngày chúa nhật 6 tháng 11 năm 2016, khi Năm thánh của các tù nhân sắp kết thúc. Cuộc sống cá nhân của tôi và đời sống nhà tù đảo lộn vì một cuộc điện thoại bất ngờ của Đức Phanxicô và cuộc gặp mặt diễn ra vài phút sau đó. Chiều hôm đó không ai nghĩ rằng mọi sự sẽ như trước. Từ đó nảy sinh tình bạn thương mến này và với thời gian đã được mạnh mẽ hơn. Không có khi nào gặp nhau mà ngài không hỏi: “Các bạn của chúng ta như thế rồi? Cho tôi gởi lời chào họ. Họ luôn ở trong quả tim tôi. Nếu cha cần gì, cha biết rồi.” Sự gần gũi này chúng tôi cảm nhận như người Veneto hay nói “gần như ở trong thùng sắt”.
Marta An Nguyễn dịch
Đức Phanxicô trong chuyến thăm nhà tù Regina Coeli năm 2018