Nỗi đau của một nữ tu bác sĩ nhi khoa: 30 năm với các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng

539

Nỗi đau của một nữ tu bác sĩ nhi khoa: 30 năm với các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng

“Lạy Đức Chúa, xin hãy nhìn xem, giữa cảnh khốn cùng, ruột gan con đòi đoạn, trái tim con thổn thức bồi hồi” (Ai ca 1, 20)

international.la-croix.com, Nuala Kenny, 2020-02-26

“Tôi cầu nguyện để cố gắng này cuối cùng có thể đề cập một cách mạch lạc các thần học cần thiết để cải cách các yếu tố văn hóa và hệ thống hoạt động trong cuộc khủng hoảng lạm dụng của giáo sĩ”

Là bác sĩ nhi khoa, tôi biết các tác hại tàn khốc của việc lạm dụng thể xác và tình dục trẻ em và trẻ vị thành niên của các thành viên gia đình và của các người đáng tin cậy trong xã hội.

Tôi đã ôm cơ thể run rẩy và chảy máu của một bé trai 12 tuổi bị hãm hiếp và tôi đã cố gắng an ủi một bé gái 7 tuổi hãi sợ bị chạm sau khi bị tấn công.

Là nữ tu tôi đã phải khóc hoài trong 30 năm làm việc trên các vụ lạm dụng tình dục do hàng giáo sĩ.

Dạ dày tôi ghê tởm vì các lạm dụng quyền lực và lòng tin trong lòng Giáo hội, và tầm mức tổn hại lớn lao, trước hết và trên hết là của các nạn nhân và những người sống sót, nhưng cũng với gia đình họ và toàn Nhiệm thể Chúa Kitô.

Là một bác sĩ, được đào tạo để đáp ứng nhanh chóng với nỗi đau và nguy cơ bị tổn hại, sự chậm trễ trong phản ứng lãnh đạo ở mọi cấp đã gây trở ngại và làm tôi tức giận. Tôi biết cám dỗ đơn thuần là chỉ cần bỏ đi. Nhưng chữa bệnh là khẩn cấp.

Các tiết lộ công khai về vấn đề lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên từ lâu đã xảy ra gần như cùng lúc ở Louisiana (Mỹ) và ở Newfoundland (Canada).

Điều trị cho nạn nhân, nâng đỡ người sống sót và ngăn ngừa lạm dụng

Hành trình cá nhân của tôi bắt đầu năm 1989 với tư cách là thành viên của Ủy ban Điều tra Tổng giáo phận về các vụ lạm dụng tình dục ở bang Newfoundland, Canada.

Đức Tổng Giám mục Alphonsus Penney đã thành lập ủy ban này sau các tàn phá do lạm dụng tại trại mồ côi Mount Cashel của Anh em Kitô giáo Ai-Len và sau đó hai linh mục cáo buộc bị tù vì tội hình sự ấu dâm trên trẻ vị thành niên.

Đức Tổng Giám mục xin giúp đỡ để tìm hiểu các yếu tố nguồn gốc của vụ này. Ủy ban đã tiến hành các đánh giá về mặt học thuật của vấn đề. Chúng tôi đưa ra quyết định quan trọng là đến thăm các giáo xứ bị ảnh hưởng lạm dụng và lắng nghe nỗi đau của họ.

Tôi vẫn còn cảm nhận nỗi giận, nỗi đau buồn và thậm chí cả mất đức tin của các nạn nhân, của gia đình họ và của cộng đoàn. Điều này mang lại cho tôi các hiểu biết mới về tác hại tinh thần sâu đậm khi thủ phạm là “người của Chúa”.

Mục đích đầu tiên của tôi là chữa trị các nạn nhân, nâng đỡ người ống sót và ngăn ngừa lạm dụng. Đây luôn là những vấn đề quan trọng. Cần xác định các yếu tố trực tiếp và gián tiếp dẫn đến lạm dụng.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu và sau các kinh nghiệm, ủy ban đã đi đến kết luận có “một kết hợp các yếu tố trùng khớp cho phép lạm dụng xảy ra”.

Tài liệu của ủy ban cho biết có “một số yếu tố trực tiếp chẳng hạn tình dục suy thoái của những kẻ phạm tội, sự gần gũi của họ với trẻ em, địa vị quyền lực dành cho các linh mục trong cộng đồng Giáo hội gia trưởng”.

“Các yếu tố khác gián tiếp và hoạt động theo một cách ít rõ ràng hơn, một số người bảo vệ người phạm tội và ngăn chận không chịu công khai các vi phạm này”.

Chúng tôi cũng xác định vấn đề cụ thể trong nhu cầu cấp thiết để đào sâu nghiên cứu hơn như “quyền lực, giáo dục, tình dục, hỗ trợ của các linh mục, quản lý và phòng ngừa tai tiếng”.

Sau đó tôi tham dự với tư cách là thành viên của Ủy ban về bạo lực tình dục đối với trẻ em của Hội đồng Giám mục Công giáo Canada (CCCB) từ năm 1990 đến năm 1992, ủy ban đã công bố tài liệu “Từ nỗi đau đến Hy vọng”. Ủy ban cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “các nguyên nhân cấu trúc trong Giáo hội” nhưng sau đó không có sự theo dõi chính thức.

Năm 1992, Hội đồng Giám mục Công giáo Mỹ (USCCB) đã phê chuẩn các đường hướng hoạt động của họ: “Năm Nguyên tắc”, xác định cái gì là trọng tâm nhất quán của họ về đường lối, thủ tục và các thủ tục kiểm tra tòa án.

Các ngày đầu của cuộc khủng hoảng toàn cầu các lạm dụng trong Giáo hội

Tôi nghĩ giới lãnh đạo Giáo hội sẽ chú ý đến các ý tưởng của Canada và nghiên cứu các vấn đề tiềm ẩn này. Vì vậy, tôi trở lại khoa nhi. Nhưng giả định của tôi hoàn toàn sai.

Hai mươi năm sau, cơn khủng hoảng đã mang tầm mức toàn cầu, nhưng tôi ít quan tâm… cho đến khi tin tức tháng 10 năm 2009 cho biết Giám mục Raymond Lahey của giáo phận Antigonish, Nova Scotia, Canada bị bắt vì mang tài liệu khiêu dâm trẻ em.

Tôi nhớ lại ở Newfoundland có một linh mục trong ủy ban chúng tôi năm 1988-1990. Tôi nhận ra tôi đã không đáp ứng lòng tin tưởng mà các nạn nhân, các người sống sót đã được giao phó cho tôi trong công việc chữa lành và ngăn ngừa.

Vì thế năm 2012, tôi viết quyển sách Chữa lành trong Giáo hội: Chẩn đoán và Điều trị khủng hoảng lạm dụng tình dục của giáo sĩ (Healing the Church: Diagnosis and Treating the Clergy Sex Abuse Crisis, nxb. Novalis). Tôi triển khai lịch sử của khủng hoảng, đi tìm các dấu hiệu và triệu chứng cụ thể của bệnh lý tiềm ẩn. Và tôi xác định rõ ràng các nguy hiểm của một sự chẩn đoán sai.

Tôi đã được khuyến khích bởi sự xác định của Đức Giáo hoàng về “các cám dỗ của Giáo hội” và “các bệnh của lãnh đạo” như thừa nhận các vấn đề mang tính hệ thống và văn hóa.

Tôi là cố vấn cho các tác giả của tài liệu Hội đồng Giám mục Canada năm 2018, “Lạm dụng tình dục: Lời kêu gọi tín hữu công giáo Canada để chữa bệnh, hòa giải và biến đổi”, và tôi tự hào Hội đồng nhận thấy phải thay đổi một số thực hành thể chế trong câu trả lời của chúng tôi về việc lạm dụng.

Tài liệu nêu rõ, “với Giáo hội, trước hết và trên hết, mục đích là phòng ngừa và hoán cải. Đầu tiên đòi hỏi phải xác định các thực hành thể chế lâu đời liên quan đến lạm dụng tình dục, thứ nhì, điều này liên quan đến việc biến đổi các thực hành, đảm bảo rằng chúng phù hợp chặt chẽ hơn với Tin Mừng và sứ mệnh của Giáo hội.”

Tuy nhiên, nỗi đau vẫn tiếp tục.

Bệnh lý cá nhân và giáo sĩ cần được nói đến

Trong quyển sách của tôi năm2019, Vẫn chưa chữa lành: Điều trị bệnh lý trong khủng hoảng lạm dụng giáo sĩ (Still Unhealing: Treating the Pathology in the Clergy Abuse Crisis), tôi xác định các vấn đề hệ thống và các văn hóa cụ thể liên quan đến bệnh lý cá nhân và giáo hội đòi hỏi một sự hoán cải sứ mệnh, các lời và thông điệp của Chúa Giêsu, một biến đổi cơ cấu.

Chúng gồm các yếu tố sau:

– Lạm dụng quyền lực, thẩm quyền và địa vị trong Giáo hội, đã gây tổn hại cho những người dễ bị tổn thương nhất.

– Im lặng, bí mật, phủ nhận và che đậy để bảo vệ hình ảnh và thể chế, tránh tai tiếng được hiểu là mất danh tiếng.

– Thần học luân lý tập trung vào tội lỗi, định hướng hành động và tập trung vào quy tắc; không quan hệ.

– Thần học tình dục và nhân học cần đổi mới.

– Trả lời quan liêu của các quy tắc, chính sách và thủ tục với các vấn đề thần học và thiêng liêng.

– Thất bại khi đề cập đến hệ thống, niềm tin văn hóa và thực hành của Giáo hội.

– Phân cực phân chia liên quan đến bản chất của bệnh lý tiềm ẩn.

Tôi được mời tham gia một dự án kéo dài nhiều năm của Ủy ban Bảo vệ Trẻ em ở Giáo hoàng Học viện Gregorian. Dự án có tên “Thực hành thần học đối diện với lạm dụng tình dục” và bắt đầu vào tháng tới.

Tôi cầu nguyện để cố gắng này cuối cùng có thể đề cập một cách mạch lạc các thần học cần thiết để cải cách các yếu tố văn hóa và hệ thống hoạt động trong cuộc khủng hoảng lạm dụng của giáo sĩ. Dù nó thành công thì vẫn còn làm sao để chữa lành các rạn nứt giữa thứ bậc và các thần học gia.

“Còn bao niêu lâu nữa hỡi Chúa?” (Thánh vịnh 31)

 

Bác sĩ nhi khoa, nữ tu Nuala Kenny thuộc Dòng Nữ tử Bác ái ở Halifax, bang Nouvelle-Écosse, Canada. Từ năm 1999, sơ xuất bản nhiều sách, Chữa lành Giáo hội (Healing the Church, nhà xuất bản Novalis, 2012), Tái khám phá nghệ thuật chết (Rediscovering the Art of Dying, 2017). Sơ là đồng tác giả quyển: Vết thương không lành: Điều trị bệnh lý trong cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục giáo sĩ (The Unhealed Wound: Treating the Pathology in the Clergy Sexual Abuse Crisis, năm 2019).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Bác sĩ Isabelle Chartier-Siben săn sóc các nạn nhân bị lạm dụng thiêng liêng