Một ly giáo mới? 10 điểm để hiểu cuộc khủng hoảng trong Giáo hội

635

Một ly giáo mới? 10 điểm để hiểu cuộc khủng hoảng trong Giáo hội

(Toàn bài)

Hồng y trong gió, tranh Laura Zicari, 2010

legrandcontinent.eu/fr, Jean-Benoit Poulle, 2020-01-15

Sự rạn nứt từ trên đỉnh Giáo hội công giáo giữa giáo hoàng danh dự Bênêđictô và Đức Phanxicô đương kim giáo hoàng hôm nay lại nổi lên, đây là dịp để xem lại 10 điểm của một nguy cơ ly giáo nảy sinh trong Giáo hội công giáo.

  1. Chuyện gì đang xảy ra trong Giáo hội?

Ngày thứ hai 13 tháng 1, báo Figaro đưa tin nhà xuất bản Fayard sẽ phát hành vào ngày 15 tháng 1 quyển sách Từ sâu thẳm tâm hồn chúng tôi của giáo hoàng danh dự Bênêđictô và hồng y Robert Sarah của giáo triều. Tác phẩm bảo vệ về mặt thần học cho bậc sống độc thân của linh mục, cũng như xin Đức Phanxicô đừng đi chệch khỏi quy tắc này trong Giáo hội công giáo la-mã. Qua đó, họ lên tiếng chống lại các kết luận của Thượng hội đồng Amazon tháng 10 vừa qua ở Vatican, đã cố vấn giáo hoàng phong chức cho một số trường hợp các ông đã lập gia đình, trong khi bản tông huấn hậu thượng hội đồng sẽ chính thức hóa các khuyến nghị này chưa được công bố.

Theo một cách nào đó, đây là nỗ lực để làm giáo hoàng chung hửng, bằng cách đặt tất cả thẩm quyền tượng trưng và thẩm quyền thần học của Joseph Ratzinger để phục vụ cho sự phản đối của phái bảo thủ đối với một cải cách biểu tượng của giáo hoàng hiện tại, mở ra một khủng hoảng về tính hợp pháp chưa bao giờ có. Tuy nhiên, để hiểu tiến trình này, chúng ta phải hiểu làm thế nào để một giáo hoàng thực thi quyền lực và cách phe đối lập ngài hoạt động như thế nào.

 

  1. Sự phản đối giáo hoàng hoạt động như thế nào?

“Chống đối” các cải cách của Đức Phanxicô là chủ đề mà giới truyền thông rất thích. Nhiều nhà bình luận đã nhanh chóng dí lên các cấu trúc Giáo hội công giáo với các mô hình từ giới chính trị đương đại, nơi đa số quyền lực phải đương đầu với sự chống đối đang rượt theo nó.

Vì thế trên nguyên tắc, không có chỗ cho các thực tại như vậy trong chính quyền thứ bậc của Giáo hội, lại còn không có trong quan điểm thiêng liêng của Giáo hội, một quan điểm dựa trên một đơn vị hữu hình chung quanh giáo hoàng. Kết quả là, ngữ pháp của trò chơi quyền lực này phải được xem theo một cách khác. Nếu phe đối lập giáo hoàng không thể chống đối công khai trong hệ thống công giáo thì họ phải mượn các con đường đi vòng của bí mật; từ đường vòng đến âm mưu, con đường chỉ có một bước, dễ dàng băng qua trong tinh thần hay trong sự thật.

  1. Hồng y Sarah là ai?

Hồng y Robert Sarah người Guinea sinh năm 1945 là một trong các hình ảnh chính của khuynh hướng bảo thủ trong Giáo hội. Ngài được phong giám mục năm 1979 khi mới 33 tuổi, và từ lâu ngài đã chống đối chế độ độc tài Sékou Touré ở Guinea. Năm 2001, ngài được Đức Gioan-Phaolô II mời về giáo triều làm thư ký Bộ Truyền giáo các Dân tộc; năm 2010 ngài được Đức Bênêđictô XVI phong làm hồng y. Từ năm 2014, ngài làm Bộ trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật các Bí tích, chịu trách nhiệm tất cả các vấn đề phụng vụ và bí tích, một trong các  chức cao nhất của Vatican.

Dĩ nhiên Đức Phanxicô đưa hồng y Sarah lên đứng đầu Bộ Phụng tự, nhưng ngài cũng để người của mình chung quanh hồng y, không ngần ngại thay thế tất cả các cộng sự cùng một lúc; những người này đôi khi công khai nói ngược ý giáo hoàng. Hồng y Sarah, người được giáo dục phần lớn ở Pháp trong những năm 1960, gần đây nổi tiếng trong giới bảo thủ nói tiếng Pháp khi xuất bản nhiều sách trong đó ngài đưa ra quan điểm cứng rắn về giáo điều, một trong các tác phẩm này là Sức mạnh của thinh lặng (La Force du silence) được Đức Bênêđictô XVI viết lời nói đầu. Rất nhiều người Pháp mơ hồng y sẽ là giáo hoàng tương lai. Giờ đây việc Sarah trở thành đối thủ chính của Giáo hoàng chắc chắn là một phần của một công trình giả tưởng: trong nhiều lần, hồng y Sarah đã cam kết trung thành với Đức Phanxicô, gần đây thậm chí ngài còn khẳng định những người chống lại giáo hoàng là ở ngoài Giáo hội. Bây giờ ngài bị cáo buộc đã dùng Đức Bênêđictô XVI để làm cho việc cải cách bậc sống độc thân linh mục của Đức Phanxicô thất bại.

  1. Ai là các “đối thủ” khác của Giáo hoàng?

Phải loại bỏ kẻ hở ý tưởng cho rằng giáo triều chỉ lo hạ bệ giáo hoàng; phe phản đối trong hồng y đoàn chỉ có vài khuôn mặt được lặp đi lặp lại. Những người này ở nhiều nơi khác nhau. Trước hết là hồng y Raymond Leo Burke (sinh năm 1949), nhà giáo luật học nổi tiếng được Đức Bênêđictô XVI phong làm chánh án tòa Ân giải Tối cao (Tòa án Tối cao Vatican); chắc chắn không được trọng dụng dưới triều Đức Phanxicô, người đầu tiên loại hồng y ra khỏi vị trí chiến lược của Bộ Giám mục, rồi chỉ để hồng y giữ chức vụ hoàn toàn không đáng kể, người bảo vệ Hội Dòng Malta. Hồng y Burke rõ ràng có khuynh hướng bảo thủ, nhiều lời phát biểu của hồng y chỉ trích triều giáo hoàng và hồng y cũng nhiều lần tuyên bố, là người công giáo phải trung thành với giáo hoàng.

Đàng sau hai nhân vật đầu tàu này còn ba hồng y khác, tất cả đã về hưu, cũng đã công khai tuyên bố bất đồng với các quyết định của giáo hoàng: hồng y Carlo Caffara và Joachim Meisner (Tổng Giám mục danh dự giáo phận Bologne và Cologne) bây giờ đã qua đời; còn hồng y cuối cùng là hồng y Walter Brandmüller, cựu chủ tịch Hội đồng giáo hoàng về khoa học lịch sử, ngài đã hơn 90 tuổi; cùng với hồng y Burke, họ đệ lên giáo hoàng các Dubia (“nghi ngờ”) về cách giải thích chính xác của Tông huấn Niềm vui Yêu thương Amoris laetitia, tài liệu của giáo hoàng về gia đình; như tên cho thấy, các Dubia có hình thức hoàn toàn cổ điển về các câu hỏi mở đặt ra cho giáo hoàng, xin ngài làm rõ giáo điều của mình. Trong các hình thức của nó, sự “chống đối” của bốn hồng y buộc tội giống như cuộc chiến nhẹ của các hồng y hơn là một cuộc xung đột mở.

Chúng ta kết thúc danh sách “các hồng y đối thủ” này với hồng y Gerhard Müller Müller (sinh năm  1947), cựu Bộ trưởng Bộ Tín lý, bây giờ ngài không còn giữ chức vụ nào. Ngài cũng chỉ trích mãnh liệt Tông huấn Niềm vui Yêu thương về các vấn đề tín lý và ngài rất thất vọng. Điểm đặc biệt là hồng y Müller “thiên tả” nhiều hơn các hồng y trên: ngài rất gần với Đức Bênêđictô XVI và ngài cũng cho thấy ngài cởi mở với một vài thần học gia Giải phóng (như Gustavo Guttierez). Cũng cần nhắc đến hồng y Joseph Zen (sinh năm 1932), cựu Tổng Giám mục Hong Kong, ngài chỉ trích hoạt động ngoại giao của Đức Phanxicô, vì ngài am tường các vấn đề địa phương, ngài mạnh mẽ lên án thỏa thuận Trung quốc-Vatican, ngài cho đây là chuyện gian lận.

Như chúng ta thấy, sự “đối lập” như thế này về mặt hình thức vẫn khá ôn hòa. Ngoài các giám chức cao cấp này, liệu các chỉ trích có gay gắt hơn trong giới truyền thống gắn liền với nghi thức tridentin không? Một vài giám mục gần gũi với những người theo chủ nghĩa truyền thống như Giám mục Schneider, tổng giáo phận Astana, Kazakhstan ở thế đối lập mạnh mẽ hon. Nhưng một nghịch lý xuất hiện khi chúng ta nhớ lại tình trạng của Huynh đoàn Piô X (FSSPX), được biết đến về các công kích dữ dội đối với Rôma: sự chống đối Đức Gioan-Phaolô II của họ đã làm cho họ bị dứt phép thông công năm 1982, từ năm 2007 đến 2009 dưới triều giáo hoàng Đức Bênêđictô XVI đã có tiến trình hòa giải và tiếp tục dưới triều Đức Phanxicô, người đã duy trì mối quan hệ tốt với chi nhánh của Huynh đoàn FSSPX ở Argentina và đã cho phép họ thực hành hầu hết các bí tích một cách hợp pháp. Tất cả cho thấy như Đức Phanxicô đã tỏ ra hiểu “những người theo trào lưu chính thống”, chắc chắn vì lòng sốt sắng mục vụ của họ, hơn là các nhà bảo thủ “theo ratzinger” hay “theo wojtyli”, đôi khi các ngài bị xem là những người “tân bảo thủ”.

  1. Ngoài giáo triều, ai thật sự là người chỉ trích Đức Phanxicô?

Hơn cả các chống cự của hàng giáo sĩ, sự phản đối của các nhóm giáo dân công giáo thì khá lớn với giáo hoàng, đó là chuyện mới dưới triều Đức Phanxicô. Trước đây các giáo hoàng cũng bị chỉ trích, nhưng lòng trung thành với ngai Thánh Phêrô rất mạnh. Trong các lĩnh vực rộng lớn của dư luận châu Âu, thường là những người đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các luận điểm dân túy mới, những lời kêu gọi chào đón người di cư của Đức Phanxicô không được hiểu cũng không được chấp nhận, dù họ hoàn toàn ở trong tính liên tục của các giáo hoàng trước. Đức Phanxicô, trong mối quan hệ tốt với các nhà chức trách Hồi giáo lớn như Đại học Al-Azhar, cũng bị buộc tội có thái độ hòa giải trước một hồi giáo thắng thế. Các chỉ trích này thường từ các giáo dân ít đi nhà thờ, ít được thông tin đầy đủ về thực tế tôn giáo, nhưng cho rằng mình gắn bó với bản sắc kitô giáo châu Âu.

Bên kìa đại dương, cũng có các chỉ trích tương tự, nhưng họ có địa bàn rộng hơn và được các cấp bậc trong hệ thống nhà thờ truyền tiếp.

Đây là luận điểm của nhà báo Nicolas Senèze (trong tác phẩm Làm thế nào nước Mỹ muốn thay đổi giáo hoàng), người gán cho các giáo dân giàu có ở Mỹ, những người không đồng ý kiến với giáo hoàng vai trò gây bất ổn cho triều Đức Phanxicô, theo nhà báo, chủ yếu là lý do kinh tế: các giáo dân này bị tổn thương vì Đức Phanxicô lên án mạnh mẽ chủ nghĩa tân tự do. Cụ thể là từ bức thư tháng 9 năm 2018 của Tổng Giám mục Carlo Maria Vigano, cựu sứ thần ở Mỹ, ông kêu gọi Đức Phanxicô từ chức. Chúng ta có thể nói ngay: một luận điểm như vậy không có sức thuyết phục.

Cũng có thể có những người công giáo ở Mỹ hoặc ở nơi khác không đồng ý với chỉ trích của Đức Phanxicô về nền kinh tế tự do. Nhưng nhà báo Nicolas Senèze đã cho họ có một ảnh hưởng và một mạng lưới hoàn toàn ngoài tỷ lệ, huy động tất cả các hiệp hội giáo dân công giáo Mỹ như các Hiệp sĩ Colomb để hỗ trợ cho lập luận của ông. Nhưng lập luận sức mạnh tài chánh và ý kiến mà nhà báo Nicolas Senèze gán cho người Mỹ bây giờ lại ở một mức độ khác, lần này là các định hướng tự do ở một mức độ cao hơn trong các tổ chức thế tục hùng mạnh ở Đức, Giáo hội Đức thực sự là một trong các Giáo hội giàu nhất thế giới, và do đó có ảnh hưởng trên Tòa Thánh ngược với tỷ lệ dân số của họ đang giảm. 

Tổng Giám mục Carlo Maria Vigano

  1. Vai trò của giáo hoàng danh dự Bênêđictô là gì?

Một yếu tố cuối cùng củng cố cho tính cách chống đối chưa từng có đối với Đức Phanxicô: việc cùng tồn tại hai giáo hoàng ở Vatican, một danh dự, một đương nhiệm. Đức Bênêđictô XVI, trên nguyên tắc rút khỏi tất cả vấn đề công cộng, sống cuộc sống cầu nguyện, không can thiệp vào công việc của giáo hoàng đương nhiệm dù nhiều nơi yêu cầu: đặc biệt ngài từ chối không can thiệp sau thượng hội đồng về gia đình. Bây giờ nguyên tắc này bị phá vỡ, ngài vừa dứt khoát can thiệp: ngài viết lời nói đầu quyển sách của hồng y Sarah; các lần khác, trong một bức thư, ngài giải thích việc mình không đồng ý trao một giải thưởng cho một thần học gia tiến bộ hay viết một bức thư cho hàng giáo sĩ Bavarois về lý do các vụ lạm dụng tình dục, trong đó ngài đưa ra giải thích trước hết là vấn đề thiêng liêng, mà theo ngài là do đã quên ý nghĩa về Chúa.

Nhưng ngài cũng công khai cho thấy mình ủng hộ Đức Phanxicô. Dù sao, vị trí của giáo hoàng danh dự đặt ra các vấn đề giáo luật và giáo điều, nhiều tiếng nói cho rằng bây giờ Đức Bênêđictô XVI phải im lặng hơn.

Cám dỗ về phần giáo dân luôn lớn vì khi nào cũng có yếu tố cảm tính, không hiểu rõ giáo luật, muốn đứng về phía này hoặc phía kia, cho rằng Đức Bênêđictô XVI mới đúng là “giáo hoàng của mình”. Họ cũng có thái độ như vậy trong các cuộc bầu cử chính trị, bên nào thắng thì cũng bị bôi nhọ là có gian lận.

Điều làm cho vụ can thiệp mới nhất của Đức Bênêđictô XVI đáng ngạc nhiên là sự rút lui nửa chừng, khi Giám mục Georg Gänswein giải thích Đức Bênêđictô XVI không muốn mình là đồng tác giả quyển sách, tất cả là do có sự hiểu lầm với hồng y Sarah. Phần lớn quyển sách gần như là của hồng y Sarah và Đức Bênêđictô XVI chỉ viết một chương 7 trang trong quá trình triển khai.

Và cuối cùng vào đầu năm 2020 có tin đồn Đức Phanxicô chuẩn bị từ chức, như thế phải thể chế hóa và phải xem lại quy chế giáo hoàng danh dự. Hiện nay chức vụ giáo hoàng là trọn đời và không giới hạn tuổi, (dù các hồng y cử tri phải dưới 80 tuổi), ngược với giám mục: tất cả các giám mục công giáo phải đệ đơn từ chức khi đến 75 tuổi và chỉ có thể kéo dài một hoặc hai năm trước khi là giám mục danh dự. Và Đức Phanxicô thích nhắc, trước hết ngài là giám mục giáo phận Rôma (ngài đã giới thiệu mình như thế trong buổi chiều được bầu chọn), điều này nói lên, ít nhất là bằng lời, phong cách cai trị mang tích cách đồng nghị cho Giáo hội. Vì thế sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy ngài cải cách các thuộc tính giáo hoàng, khi ngài đưa các thuộc tính này lại gần với các thuộc tính của giám mục, ít nhất là trong một chừng mực nào đó. Trong viễn cảnh này, chức vụ “giáo hoàng danh dự” chưa từng có trong Giáo hội sẽ chỉ còn đơn giản là “giám mục danh dự giáo phận Rôma”. 

  1. Và Thượng hội đồng Amazon?

Bề ngoài, Thượng hội đồng Amazon vừa kết thúc vài tháng trước đây có tính cách cách mạng hơn thượng hội đồng về gia đình, và đã được hai phần ba phiếu thuận. Bản tài liệu cuối cùng trình lên Đức Giáo hoàng đề xuất, trong một vài điều kiện, mở ra chức linh mục cho các phó tế vĩnh viễn, trong khuôn khổ một nghi thức mới cho vùng Amazon; và cũng nói đến việc suy nghĩ cho chức phó tế của phụ nữ. Và Đức Phanxicô sẽ quyết định hay không trong tông huấn hậu-thượng hội đồng sẽ được ban hành sắp tới. Dù các thay đổi sẽ rất ngoạn mục, trên thực tế, có thể đó là các cắt đứt đáng kể nhất đã diễn ra.

Một trong các điểm thảo luận gây tranh cải trong lần thượng hội đồng về gia đình (2014-2015) là việc đón nhận những người ly dị tái hôn được rước lễ, mà theo kỷ luật truyền thống họ ở trong tình trạng tội trọng nên không được rước lễ. Từ lâu những người tiến bộ đã đòi hỏi sự hội nhập tốt hơn cho họ và do đó là bỏ kỷ luật này. Nhưng đây lại là điểm chặn, vì theo những người bảo vệ truyền thống, là không thể cải cách được vì kỷ luật là bất biến trong Giáo hội mà Giáo hội được xây dựng trên lời của Chúa Kitô trong Tin Mừng. Đề xuất mở ra cho người ly dị tái hôn chỉ có một đa số rất ít ở thượng hội đồng. Đó là lý do vì sao nó không được giải thích rõ ràng trong Tông huấn Niềm vui Yêu thương mà chỉ ở trong phần chú thích bên dưới trang của tài liệu, “trong một vài trường hợp, sự hội nhập của những người ly dị tái hôn có thể đi đến mức nhận được các bí tích”. Chính sự mơ hồ này đã tạo Dubia nơi các hồng y bảo thủ, họ xin giải thích đoạn này rõ hơn. Hội đồng giám mục Argentina đã hỏi Đức Phanxicô nếu chú thích này có mở cánh cửa rước lễ cho những người ly dị tái hôn không, dù họ vẫn tiếp tục sống chung. Câu trả lời của ngài là ‘mở’ và ngài khen ngợi các giám mục Argentina đã thực hiện sự thay đổi này. Rốt cùng, việc đăng câu trả lời này của Đức Phanxicô, một thư riêng của giáo hoàng, trong Tài liệu chính thức của công báo Tông Tòa (Acta apostolicae sedis), chắc chắn là một sự cắt đức đích thực. Bởi vì chính qua đây, Đức Phanxicô mới thực sự đi theo đường hướng ngược lại của các vị tiền nhiệm ngài, đăng các biện pháp của riêng mình như các hành vi giáo quyền. Phải ghi nhận, trong trường hợp này, điều này không dẫn đến ly giáo hay chính thức cắt đứt.

Như thế có thể nói Thượng hội đồng Amazon là một hiện tượng ngoại vi không? Dù sao đây cũng là một thách đố quan trọng vượt quá các vấn đề đơn thuần địa phương. Vùng Amazon chắc chắn là mẫu “ngoại vi” mà Đức Phanxicô muốn đặt vào trọng tâm chú ý của Giáo hội; nhưng nó chỉ bao gồm vài triệu người công giáo chứ không bao gồm tất cả giáo hữu công giáo.

Việc xuất bản quyển sách của Đức Bênêđictô XVI và hồng y Sarah cũng là sân khấu của các màn chống đối, mang hình ảnh một chạm trán giáo điều giữa hai giáo hoàng, một tình trạng trên nguyên tắc là không hình dung được trong Giáo hội công giáo.

  1. Trọng tâm vấn đề: Giáo hội Âu châu

Cuộc khủng hoảng thể chế này cũng là cuộc khủng hoảng văn hóa. Cuộc chiến tranh giành vị trí của Giáo hội công giáo chứng kiến một thời điểm mạnh mẽ gần đây khi các giám mục Ba Lan đề nghị Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II làm “thánh bổn mạng Âu châu và tiến sĩ Giáo hội”. Cũng như các phân tích khác, việc phục hồi gốc rễ kitô của Âu châu được đặt vào một bối cảnh cho thấy mối quan hệ ngày càng gần gũi hơn giữa Đảng cực kỳ bảo thủ (PiS) và Giáo hội công giáo ở Ba Lan, trên nền tảng “một Âu châu trắng và kitô giáo”. Việc đặt lại quan điểm này tiếp sau Thượng hội đồng Amazon kết thúc ngày 27 tháng 10 và các đề xuất tiến bộ liên quan đến tình trạng độc thân linh mục.

Xung đột chung quanh ký ức của Đức Gioan-Phaolô II là một điểm đặc biệt tế nhị đối với sự hiệp nhất các thành phần công giáo đương đại. Triều giáo hoàng của ngài là tổng hợp cuối cùng giữa giáo hoàng có thể đến gần với đám đông mà vẫn giữ đường lối nhất quán của khuynh hướng bảo thủ. Trong khi Đức Phanxicô, bằng nhiều dấu hiệu khác nhau, đã cho thấy một cách nào đó cắt đứt với di sản của Đức Gioan-Phaolô II. Mong muốn tiếp tục đà của Công đồng Vatican II chẳng hạn, điểm tế nhị trong lễ phong thánh của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Gioan XXIII, giáo hoàng mở Công đồng Vatican II: trong bài giảng gần như Đức Phanxicô tập trung vào Đức Gioan XXIII, về sự cập nhật, về tinh thần cởi mở của ngài và chỉ nói vài lời về Đức Gioan-Phaolô II vào cuối bài giảng, một tỷ lệ nghịch với độ dài của triều giáo hoàng các ngài.

Đàng sau các vấn đề với người bản địa Amazon, chúng ta thấy thực tế các Giáo hội Tây phương, đầu tiên hết là Giáo hội Đức. Tình trạng khó khăn của người công giáo Amazon vì thiếu giáo sĩ chắc chắn trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng ơn gọi kéo dài của các xã hội Tây phương; tuy nhiên tình trạng ở Amazon có thể sẽ là tình trạng của Âu châu trong vài năm sắp tới? Các giải pháp thử nghiệm cho Amazon có thể ngày mai là của Đức và sau ngày mai là Pháp mà một vài giáo phận chỉ còn một ít linh mục hoạt động. Các Giáo hội này đúng là bước ngoặt cho toàn Giáo hội công giáo mà một số người kêu gọi, một số người khác sợ hãi.

Ảnh hưởng của Đức trên bờ Amazon tiềm ẩn trong việc tín nhiệm các giáo sĩ nói tiếng Đức từ lâu được yêu chuộng trong các vấn đề Nam Mỹ và các trao đổi cũng đã thiết lập từ lâu (Đức Bergoglio là người nói tiếng Đức giỏi, năm 1986 ngài đã ở Đức để làm luận án thần học dù ngài rất ít đi xa). Một trong các giám chức xuất hiện trên truyền thông trong Thượng hội đồng Amazon là nhà truyền giáo Đức Erwin Kräutler không phải là trường hợp cá biệt.

Do đó thật hợp lý khi nghĩ tình trạng văn hóa bản địa Amazon là một cách nói vòng cho các vấn đề vốn đang nóng bỏng ở Vatican, ở Giáo hội Đức. Như chúng ta thấy, Giáo hội Đức là một trong các Giáo hội giàu nhất thế giới nhờ hệ thống Kirchensteuer (thuế giáo hội bắt buộc cho các tín hữu). Các giám chức của họ, các đầu óc suy nghĩ cho các đột biến hậu công đồng ngày nay vẫn còn một sức mạnh đáng kể trong Giáo hội hoàn vũ. Ngày nay họ chịu áp lực từ các hiệp hội giáo dân công giáo (tập họp lại trong ủy ban Trung ương Công giáo Đức), họ có quan điểm tiến bộ hơn tất cả mọi người về các vấn đề xã hội và họ kêu gọi cải cách ngay lập tức.

Đương đầu với áp lực từ căn cứ của mình, hội đồng giám mục Đức đã cố gắng tự mình tiến lên: họ cố gắng mở ra sáng kiến giao thoa giữa người công giáo và người tin lành luther, trước khi nhắc nhở là phải theo lệnh của giáo triều la-mã. Hồng y Reinhard Marx, chủ tịch hội đồng giám mục Đức cũng đã khẳng định rất thẳng thắn trong lần thượng hội đồng về gia đình: “Chúng tôi không phải là một chi nhánh của Rôma”. Như thường lệ, Đức Phanxicô đã thận trọng xem đây là sáng kiến của một Giáo hội đặc biệt, để Giáo hội Đức đi trong chiều hướng mà ngài khuyến khích bằng các lời nói ẩn ý. Trước Thượng hội đồng Amazon, áp lực của người công giáo Đức tăng lên, với đòi hỏi bỏ bậc sống độc thân của linh mục và mở chức tư tế cho phụ nữ. Vì thế Thượng hội đồng Amazon là câu trả lời vòng cho Giáo hội Đức. Vì thế sự đối lập cũng gặp trong hàng ngũ của những người bảo thủ. Nhưng dường như Đức Phanxicô quyết tâm không tính đến nó. 

  1. Sẽ có ly giáo không?

Như thế hiện nay Giáo hội công giáo ở trong tình trạng ở giữa. Nguy cơ ly giáo chính thức mà chúng ta có thể nghĩ là do phái bảo thủ, những người chỉ công nhận Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng hợp pháp duy nhất là một khả năng không thể có được. Trên thực tế, không bên nào muốn cắt đứt, nhưng mỗi bên đều giả vờ chờ đợi lỗi lầm của đối phương để làm cho điều đó không thể đảo ngược.

Nguy cơ của triều giáo hoàng Đức Phanxicô tế nhị hơn, đó là nguy cơ ly giáo không chính thức, không tuyên bố, thầm lặng. Nguyên nhân trực tiếp là cách cai trị không đoán trước được của giáo hoàng, người làm cho cả người tiến bộ ủng hộ ngài cũng như đối thủ của ngài không biết đường nào mà lần. Sự ly khai thầm lặng này có hai mặt, và trên thực tế đã bắt đầu: một mặt là khối đông người công giáo đòi cải cách đã không đưa vào nề nếp lối sống của họ theo quy tắc của Giáo hội – việc giữ đạo hay đạo đức tình dục – chúng ta thấy họ trong các phong trào chống đối, như hội nghị các người đã rửa tội ở Pháp hay tập thể “Wir sind Kirche” ở Áo; thế hệ sau rón rén rời Giáo hội, thậm chí không còn nhận mình là người công giáo.

Mặt khác, trong một rìa khác của Giáo hội, ít giữ đạo, ít theo luật đạo nhưng không đồng quan điểm chính trị với Đức Phanxicô, xem ngài không còn bảo vệ căn tính kitô hữu, như thế giáo hoàng không còn đại diện cho họ, thậm chí các nhà cầm quyền Giáo hội chung chung cũng bỏ tín hữu kitô. Ngoại trừ một thiểu số rất có ý thức, rất chiến đấu, các giáo dân này gần như không hiểu các lý do giáo điều mà có thể sẽ không đồng ý với Đức Phanxicô (dù họ là những người làm động lực cho các chống đối trong hệ thống phân cấp Giáo hội). Điều đáng chú ý là cả hai vị trí đối kháng này đều xuất phát từ sự đột biến các ứng xử theo cùng một hướng, họ có khuynh hướng thích ứng theo thế giới hiện đại. Ở phía này cũng như phía kia, tầm nhìn của Giáo hội thấy mình bị chính trị hóa, vì nó được xem xét theo các vấn đề thế tục và nhất thời, cũng như khi chúng ta làm với một đảng phái chính trị hay một hiệp hội nhân đạo.

Chắc chắn Đức Phanxicô nhận thức hai mỗi nguy hiểm song song này, ngài không có giải pháp nào khác hơn là tiếp tục đi con đường đã đi: cải cách bằng đường vòng, kết hợp uy quyền cá nhân cao cả của mình với sự khuyến khích của các sáng kiến địa phương, tóm lại là để bảo vệ một Giáo hội theo hình học uyển chuyển, nơi sự hiệp nhất sẽ được káo dài đến cùng cực mà không bao giờ bị phá vỡ chính thức, theo gương của những gì đã được thực hành trong nhiều Giáo hội tin lành. Đây dường như là ý nghĩa của một Giáo hội như “bệnh viện làng quê” mà Đức Phanxicô đã kêu gọi. Đây cũng là một cách táo bạo và nguy hiểm để đạt được sự thống nhất trong đa dạng.

  1. Tóm lại, chuyện gì đã xảy ra?

Như thế không có sự thống nhất chống đối với Đức Phanxicô, nhưng là một loạt các thái độ khác nhau, từ dè dặt trên một vài hành động của giáo hoàng đến một vài hành động được xem là triệt để mà ngài là người len lỏi bất hợp pháp. Các lý do của các thái độ này, thiêng liêng, giáo điều, giáo luật, bản sắc, kinh tế xã hội hay tình cảm tất cả đều rất đa dạng. Nhìn chung phải phân biệt các quan điểm của các thứ bậc Giáo hội – kể cả Đức Bênêđictô XVI -, những người can thiệp vào các chủ đề cụ thể và dù sao cũng nổi bật về sự thận trọng cao độ của họ, và của những người thuộc tầng lớp giáo dân ít nhiều được thông tin, họ có khuynh hướng nào đó bi kịch hóa các vấn đề. Thực tế là cũng có sự bất mãn như vậy đối với một phần của toàn bộ các quan điểm công giáo tự nó đã có vấn đề. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói, có một tình trạng ly giáo ảo trong Giáo hội công giáo. Ngược lại một ly giáo chính thức thì rất khó xảy ra, vì các thành viên trong cấp bậc Giáo hội biết mỗi bên sẽ mất mát rất nhiều.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch