Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng  (5/6)

362

Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng  (5/6)

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Hiểu Về Trải Nghiệm Tôn Giáo

Có một khác biệt nền tảng giữa người hữu thần và  kitô hữu trong việc đi tìm kiếm Chúa và hiểu về trải nghiệm tôn giáo. Tôi xin chứng minh qua ví dụ sau:

Vài năm trước, tôi tham dự một cuộc thảo luận về cầu nguyện. Bà hướng dẫn buổi hội thảo này là một chuyên gia dựa vào phương pháp cầu nguyện Đông phương, bà giải thích các phương pháp nguyện ngắm khác nhau, và chia sẽ với chúng tôi về đời sống cầu nguyện riêng của bà khi dùng phương pháp này. Bà nói, sau khi ngồi thinh lặng cầu nguyện khoảng hai giờ mỗi ngày, bà có những trải nghiệm gặp Chúa thật xúc động. Trong giờ trả lời thắc mắc, tôi hỏi bà trải nghiệm về Chúa bà có được trong lúc cầu nguyện riêng và trải nghiệm về Chúa bà có được trong cuộc sống hằng ngày, như lúc nói chuyện, trong công việc, trong bàn ăn với gia đình có khác nhau không?

Bà trả lời “Không thể so sánh được. “Sống chung, ăn uống với người trong nhà chỉ là những trải nghiệm mang tính con người (hay ít ra là thế), không phải là trải nghiệm thiêng liêng. Đó chỉ là con người thôi. Còn trong chiêm niệm, tôi mới có trải nghiệm tôn giáo thực sự”.

Một kitô hữu, phải vừa ngoại giáo và nhập thể, mới đáp ứng được câu trả lời của bà. Dù không nói đến tầm quan trọng của việc cầu nguyện và nguyện ngắm riêng (vốn hầu hết chúng tôi thường thực hành nhiều hơn), thì đối với người kitô hữu, có một thách đố ở đây, trên quan điểm hữu thần hơn là nhập thể. Người ta tìm gặp Thiên Chúa Đấng đã mang lấy thân xác con người nhập thể, đầu tiên và chủ yếu, không phải là nhờ chiêm niệm, hay trong tu viện, dù người ta có thể tìm thấy Thiên Chúa ở đó, nhưng là nhờ chính trong gia đình. Như Nikos Kazantzakis nói: “Ở đâu bạn tìm được vợ, chồng, thì ở đó bạn tìm thấy Thiên Chúa; ở đâu có trẻ con, những săn sóc nho nhỏ, nấu nướng, tranh cải và tha thứ, thì ở đó có Thiên Chúa.” Thiên Chúa nhập thể ở trong nhà nhiều hơn là trong tu viện.

“Chúa là tình yêu, ai ở lại trong tình yêu là ở trong Chúa.” Khi Thánh Kinh khẳng định điều này, thì tình yêu nói ở đây, không phải là tình yêu lãng mạn, nhưng là tình yêu trong đời sống gia đình. Thiên Chúa không là “tình yêu sét đánh”, nhưng là tình yêu chia sẻ trong gia đình. Thiên Chúa nhập thể sống trong gia đình, trong Ba Ngôi, trong cộng đoàn chia sẻ đời sống. Vì thế, nói Thiên Chúa là tình yêu thì cũng nói Thiên Chúa là cộng đoàn, là gia đình, là cuộc sống được chia sẻ. Bất cứ ai chia sẻ cuộc sống mình với gia đình, với cộng đoàn cảm nghiệm Thiên Chúa, thì sự sống Thiên Chúa ở lại trong người ấy.

Nếu điều này đúng, và quả thế, thì có nhiều thay đổi trên cách chúng ta đi tìm trải nghiệm Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa ở trong đời sống hằng ngày, thì trước tiên hết, chúng ta cũng phải tìm kiếm Thiên Chúa qua đời sống hằng ngày. Dù chúng ta biết qua lý thuyết là như vậy nhưng thường thường, chúng ta lúc nào cũng đi tìm Chúa qua những điều dị thường.

Ví dụ: Vì sao chúng ta đi hành hương đến các thánh địa mà không đi chân đất, ngồi yên một chỗ để cảm nghiệm đất thiêng nơi mình ngồi? Tại sao đi Lộ Đức, Fa-ti-ma để nhìn Đức Mẹ khóc, mà không để ý đến giọt nước mắt nơi người đang ngồi ăn với mình? Vì sao chúng ta bị người như cha thánh Padre Pio cuốn hút, cha mang thương tích của Chúa nơi chân tay mình, nhưng lại bịt mắt không chịu thấy những người khốn khổ đáng thương đang mang vết thương của Chúa Kitô trên mặt, chúng ta ráng tránh họ? Những cuộc hành hương viếng thăm Mẹ Maria, hay cha thánh Padre Pio không có gì sai trái, nhưng không nhờ những chuyện này mà Chúa nói với chúng ta những chuyện quan trọng nhất. Một trong các bạn của tôi chia sẻ: Anh thường chơi gôn với một một người bạn kitô hữu có tính tình thân thiện, nhiệt tình và mộ đạo, anh ấy xin Chúa cho anh thấy một thị kiến. Ngày nọ, người bạn tôi mới nói với anh ta: “Có phải anh muốn thấy thị kiến không? Ngày mai, khi thức dậy, anh cứ nhìn mặt trời mọc. Đó là thị kiến Chúa làm!”

Đó là quan điểm của kitô hữu về trải nghiệm đời sống thiêng liêng. Thiên Chúa là tình yêu và gia đình, Chúa sinh ra trong máng lừa, là một Thiên Chúa phải được tìm thấy, trước nhất, trong gia đình, họ hàng, nơi bàn ăn, khi mặt trời mọc, khi vui chơi, khi tranh luận với nhau. Để hòa với dòng đời bình thường, cho và nhận, cũng như những bất thường đau khổ mà đôi  khi chúng ta gặp trên đường đời, đó là mang lấy cuộc sống của Thiên Chúa qua dòng đời của chúng ta.

Đời sống thiêng liêng không phải chỉ chiêm ngắm Chúa, hay cố gắng bắt chước Chúa, đời sống thiêng liêng là qua Chúa, tham dự vào dòng cuộc sống của Chúa, qua các tương giao cho và nhận trong cuộc sống đời thường. Thiên Chúa Đấng mặc xác phàm để trải nghiệm bằng những cảm giác bình thường, vẫn mang xác thịt, và trên hết được trải nghiệm qua những cảm giác bình thường.

Hiểu về sứ vụ

Cách đây vài năm, một nhà báo kitô hữu đăng lời than phiến của một phụ nữ, với giọng điệu cay đắng, bà giải thích tại sao bà không còn tin vào Chúa nữa. Trong lời than phiền của bà không bao giờ bà đề cập đến tín điều, luân lý hay huấn quyền. Với bà, niềm tin vào Thiên Chúa và Chúa Kitô tùy thuộc vào chuyện khác, gương mặt của người kitô hữu. Lời than phiền của bà như sau:

Đừng đến nói với tôi về Chúa, hay gởi mấy tờ giấy nói về tôn giáo tới nhà tôi, đừng hỏi liệu tôi có được cứu hay không. Hỏa ngục cũng không khắc nghiệt hơn đời sống của tôi bây giờ. Tôi thề với bạn là ngọn lửa địa ngục dường như quyến rủ hơn là cuộc sống lạnh thấu xương của tôi bây giờ. Và cũng đừng nói với tôi về Giáo Hội. Giáo Hội biết gì về nỗi tuyệt vọng của tôi – đóng chặt cửa sắt không nhìn đến những cuộc đời như cuộc đời của tôi? Đã có lần, tôi tìm kiếm sự thống hối và cộng đoàn trong các bức tường của quý vị, nhưng tôi thấy Chúa phản ảnh qua gương mặt của quý vị, quý vị quay mặt với những cuộc đời như cuộc đời của tôi. Quý vị có bao giờ tha thứ cho tôi. Tình yêu chữa lành mà tôi tìm kiếm bị bịt chặt, nó chỉ dành riêng cho quý vị thôi. Vì thế, quý vị đi xa tôi đi và đừng nói về Chúa với tôi. Tôi đã thấy Chúa thể hiện qua quý vị và đó là một cuộc đời không có từ tâm. Chừng nào Chúa của quý vị không cho tôi chạm đến hơi ấm tình người, thì tôi vẫn là một kẻ không tin.

Điều cuối cùng Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện trước khi về trời là chúng ta đi rao giảng sự hiện diện của Ngài cho mọi dân mọi nước. Tuy nhiên, nó phải được hiểu chính xác trong bối cảnh nhập thể, chứ không phải trong bối cảnh hữu thần. Lời than phiền của bà rất rõ ràng, thách đố ở đây không phải là nêu lên các nét về tôn giáo, thiết lập mạng lưới trực tuyến truyền thông để mọi người đều biết Chúa Giêsu, hay cố gắng rửa tội cho thật nhiều người gia nhập kitô giáo. Nhiệm vụ chúng ta là tỏa chiếu lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện Chúa Giêsu qua nét mặt và việc làm của chúng ta.

Khi Thiên Chúa kêu gọi các vị ngôn sứ lớn của Israel, Ngài khơi mào bằng một nghi thức thú vị. Thiên Chúa yêu cầu họ ăn một cuốn sách luật, ăn sách thánh của họ. Một biểu tượng thật mạnh! ý tưởng là họ nên tiêu hóa chữ và biến nó thành xương thịt của họ để dân chúng có thể thấy chữ của Chúa trong một cơ thể sống chứ không qua chữ viết trên tấm da thuộc. Nhiệm vụ mang Chúa đến cho người khác không phải là giao cho họ cuốn Kinh Thánh hay các tác phẩm văn chương tôn giáo, nhưng mầu nhiệm Thiên Chúa biến thể, con đường chúng ta phải làm với lương thực chúng ta ăn. Theo thể lý, chúng ta phải tiêu hóa thức ăn và biến chuyển nó trong cơ thể để nó trở thành thân xác chúng ta. Nếu chúng ta cũng làm như vậy với Lời Chúa, thì người khác không cần đọc Kinh Thánh cũng thấy Chúa, họ chỉ cần nhìn vào khuôn mặt và đời sống chúng ta để biết Chúa.

Dù Jean-Paul Sartre nhìn vấn đề này trên khía cạnh hữu thần, ông cũng thêm vào một nhận thức có giá trị ở đây. Ông giải thích rằng con người tạo dáng cho khuôn mặt của mình. Đối với Sartre, chúng ta sinh ra không có mặt, ít ra là không có khuôn mặt biểu tả. Khi đứa bé mới sinh, có ba đặc nét trên khuôn mặt non nớt của nó: Trước tiên, khuôn mặt đứa bé biểu lộ rất ít tính cá nhân. Dù biểu lộ của các bà mẹ hoàn toàn khác nhau thì biểu lộ các em bé rất giống nhau! Thứ đến, nét mặt của em bé nói lên chút ít tính cách của nó. Khi nhìn vào khuôn mặt của một em bé, chúng ta có ít nhiều nhận xét đại loại như tính cách vốn có của em và nó sẽ phát triển về sau như thế nào. Sau cùng, trên khuôn mặt của em bé, nét đẹp hầu như hoàn toàn mang tính di truyền. Một đứa bé trông xấu hay đẹp hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng di truyền.

Theo Sartre, điều này đúng đối với em bé mới sinh, nhưng theo năm tháng, nó sẽ thay đổi và hiện rõ nét ở tuổi bốn mươi, khi các nét chính trên khuôn mặt đã vạch rõ. Ở độ tuổi này, chúng ta đều khác nhau (dù có sinh đôi), khuôn mặt nói rõ chúng ta là ai, và nét đẹp thể lý bắt đầu hòa quyện với nét đẹp chung để giờ đây chúng ta được nhận xét tốt hay xấu dựa trên bản chất của chúng ta hơn là dựa trên khả năng thiên phú thể lý. Từ tuổi bốn mươi về sau, khuôn mặt của chúng ta biểu lộ tính cách cá nhân, và vẻ đẹp vượt quá khả năng di truyền.

Tóm lại, cái quan trọng trong mọi sự vẫn là cái định hình khuôn mặt chúng ta. Cho tới tuổi bốn mươi, tính chất di truyền nổi trội, do đó giải thích vì sao ở tuổi bốn mươi, chúng ta còn vị kỷ mà vẫn thấy xinh. Sau đó, chúng ta là con người thật của mình. Nếu tôi lo lắng, bần tiện, ích kỷ, đắng cay, hẹp hòi và chỉ quy về tôi, khuôn mặt của tôi sẽ nói lên điều đó. Trái lại, nếu tôi nồng hậu, tử tế, vui tươi, vị tha, thì khuôn mặt của tôi nói lên điều đó. Một suy nghĩ kinh hoàng; không thể nào có khuôn mặt lạnh lùng sau tuổi bốn mươi.

Là người có lòng tin, sứ mệnh chúng ta là tạo khuôn mặt chúng ta theo con đường tốt. Lời bắt đầu bằng xương thịt và cần tiếp tục mặc xương thịt để ở đó Chúa chuyển biến không phải qua bánh trong Thánh Thể mà quan trọng hơn, qua khuôn mặt con người.

Chúa Giêsu dạy chúng ta Nước Chúa hoạt động như men rượu. Chúng ta được mời gọi để những lời Chúa dạy chuyển hóa con người chúng ta, từ bên trong như men dậy trong bột, như tia nắng hè chuyển hóa cây xanh. Sự tiêu hóa Lời Chúa phải làm chúng ta khác về mặt thể lý. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta trong việc rao giảng Lời Chúa là chúng ta phải là người biết thinh lặng. Chúng ta phải biến thể lời Chúa qua khuôn mặt, để khuôn mặt mang nét từ tâm và thương xót có tính cách thần thánh. Họa hiếm lắm chúng ta mới dùng đến lời. 

Nguyễn Kim Long dịch 

Xin đọc thêm:  Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng (1/6)

Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng (2/6)

Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng (3/6)

Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng  (4/6)

Lời nói đầu sách Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô