Đời sống thiêng liêng của trẻ em: Các cột chuẩn trong một xã hội đang thay đổi

158

Đời sống thiêng liêng của trẻ em: Các cột chuẩn trong một xã hội đang thay đổi

Đối diện trước việc cơ cấu lại các cách thức trao truyền đức tin truyền thống liên quan đến tuổi thơ ấu, một câu hỏi được đặt ra: ngày nay làm sao đến gần được đời sống thiêng liêng của trẻ em? Hình: Présence/Philippe Vaillancourt.

presence-info.ca, Philippe Vaillancourt, Québec, 2019-11-01

Dù đó là ban quản trị nhà trẻ hay trường học, là Ban bảo vệ Tuổi trẻ hay cải cách luật gia đình, tuổi thơ ấu là trọng tâm của nhiều vấn đề phức tạp trong xã hội chúng ta ngày nay. Và các Giáo hội cũng không tránh được: các vụ lạm dụng tình dục chủ yếu là phạm trên trẻ em. Và đứng trước việc cơ cấu lại các cách thức trao truyền đức tin truyền thống liên quan đến tuổi thơ ấu, một câu hỏi được đặt ra: làm sao đến gần được đời sống thiêng liêng của trẻ em?

Cánh cổng lớn để phát triển đức tin kitô giáo càng năm càng thu hẹp. Thật vậy, từ nhiều năm nay, năm này qua tháng nọ con số rửa tội sụt giảm ở Québec, và không có dấu hiệu nào cho thấy một tình thế sẽ đảo ngược lại.

Theo dữ liệu của Hội đồng giám mục công giáo Québec, năm 2012 có 42,213 vụ rửa tội trong số 88,933 các em mới sinh ra đời, năm 2017 con số này là 30,394 trong số 83,900 các em mới sinh. Như thế trong năm năm, mỗi năm giảm 12 000 vụ rửa tội. Nói cách khác, bây giờ một trẻ em trên ba sinh ra được rửa tội.

Ông Clément Vigneault, Giám đốc Văn phòng Rửa tội Québec theo sát khuynh hướng này. Trước câu hỏi về giáo lý cho trẻ em, ông ghi nhận có mối quan tâm cho đời sống thiêng liêng trẻ em ngày càng tăng, nhất là nơi các bà nội ngoại.

Ông đặt câu hỏi: “Có một ‘mốt’ chờ để trẻ em tự do lựa chọn sau này. Nhưng trên cơ sở nào điều này có thể thực hiện được khi các em chưa bao giờ được tháp tùng trong đời sống thiêng liêng?”

Một đời sống thiêng liêng riêng

Từ nhiều năm nay, bà Elaine Champagne, giáo sư tại Đại học Laval, Québec quan tâm đến đời sống thiêng liêng của trẻ em. Bà hiện nay là một trong các chuyên gia hàng đầu của Canada về vấn đề này. Trong khi làm việc như nhân viên chăm sóc thiêng liêng tại một bệnh viện nhi khoa trong vòng tám năm, bà đã chú tâm phát triển vấn đề này, để cuối cùng bà tốt nghiệp tiến sĩ thần học thực dụng vào những năm 2000.

Bà nhận thấy, việc tháp tùng thiêng liêng trong bệnh viện thường dành cho các cha mẹ, còn cho các em bé thì đôi khi bị bỏ quên. Và quan tâm đến “khoảng không gian thiêng liêng và rất riêng tư” này nơi trẻ em thì cũng quan trọng không kém. Bà giải thích trong buổi phỏng vấn: “Phải đến với các em với sự tôn trọng và lắng nghe rất nhiều.”

Nghiên cứu của bà giúp chúng ta nhận diện ba cách, cách “ở trong thế giới” giúp để hiểu đời sống thiêng liêng hàng ngày của trẻ em. Cách “hiện sinh” quan tâm đến cách trẻ em sống trong giây phút hiện tại. Cách “nhạy cảm” giúp trẻ em giao tiếp với cơ thể và các giác quan của mình. Bà quan sát thấy: “Có một cái gì đó nói qua toàn cơ thể. Cả cơ thể diễn tả lên điều đó, cả bản thể của các em là nhất quán!”. Trong cách “tương quan”, đó là tương quan với chính mình, với người khác, với Chúa và với môi trường.

Giáo sư Champagne xin người lớn nên vượt ra ngoài hình ảnh phóng chiếu mà chúng ta có về đời sống thiêng liêng trẻ em, đôi khi đó chỉ là các dự đoán. Phải thừa nhận trẻ em có một khả năng tuyệt vời trước các điều kỳ diệu, nhưng vì phải tôn trọng trẻ em “đang trong giai đoạn trở thành này, giai đoạn của mong manh và của tùy thuộc”.

Một câu hỏi về “tại sao”

Linh mục anh giáo Jean-Daniel Williams, người Mỹ hiện đang bảo vệ luận án tiến sĩ thần học thực dụng về các mục vụ với trẻ em. Là linh mục tuyên úy bán thời gian ở Đại học McGill, Montréal và linh mục ở nhà thờ chính tòa Christ Church, Montréal, linh mục làm việc với trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Ngài nói: “Tất nhiên có một sự khác biệt giữa một em bé 3 tuổi và một em bé 10 tuổi. Tuy nhiên phải nhấn mạnh trẻ em hoàn toàn là con người ngay từ đầu. Nếu chúng ta thấy trẻ em là người lớn đang trở thành, thì chúng ta chưa tôn trọng thực tế đời sống thiêng liêng của các em trong giây phút hiện tại”.

Linh mục không ngần ngại khẳng định, trẻ em là những sinh linh “thiêng liêng nhất thế giới”, đơn giản là các em đặt vô số câu hỏi. “Đúng là hơi gắn nhãn khi nói trẻ em luôn đặt câu hỏi ‘tại sao’, nhưng nền tảng của tôn giáo có phải là những người luôn đặt câu hỏi ‘tại sao’ không.

Linh mục ghi nhận, tính tò mò và cởi mở là hai dấu ấn riêng biệt của đời sống thiêng liêng của trẻ em.

Linh mục anh giáo, nhà nghiên cứu 36 tuổi và cũng là người cha của hai bé gái sinh đôi 11 tuổi giải thích: “Điều quan trọng là phải hiểu trong tôn giáo thể chế luôn có truyền thống của một con đường chuẩn hóa: rửa tội, thêm sức..v.v.. Nhưng dù sao các câu hỏi ‘vì sao tôi tồn tại’, ‘làm thế nào để có một chọn lựa đạo đức tốt’, ‘có phải tôi thuộc về một cái gì lớn hơn tôi không’ vẫn là các câu hỏi trong bối cảnh thể chế hay gia đình”.

“Tuổi tác có một ảnh hưởng trên cách đặt câu hỏi và thảo luận. Nhưng một cách nền tảng, các em bé nhỏ nhất cũng như các sinh viên tiến sĩ, họ cùng đặt các câu hỏi cơ bản giống nhau về ý nghĩa: tôi có xứng đáng với tình yêu của cộng đoàn không? Của cha mẹ không? Của Giáo hội không?”

Linh mục Williams nhắc lại, thật tế nhị khi tìm một thế cân bằng đúng để nhận ra đứa bé với tất cả giá trị của nó mà không xem nó như một người lớn. Về mặt này, linh mục cho rằng không phải lúc nào các Giáo hội cũng làm gương.

Linh mục lấy làm tiếc: “Trẻ em thường không được để ý đến. Nếu chúng ta không để ý đến các em thì Giáo hội sẽ chết. Và Giáo hội có lý do để chết! Chúa Giêsu đã nói phải thu hút trẻ em với cả quả tim. Nếu không làm được, chúng ta không phải là Giáo hội.”

Chia sẻ câu chuyện tình yêu riêng của mình

Tác giả Giữa thiên đàng và mẹ (Entre ciel et mère, nxb. Novalis, 2016), một quyển sách trình bày các suy nghĩ cá nhân về vai trò người mẹ lo lắng truyền đức tin của mình cho con cái, bà Valérie Roberge-Dion cho rằng, trong bối cảnh kitô giáo, đời sống thiêng liêng có chuẩn mốc qua “tiêu chuẩn cao cả là tình yêu”.

Bà cho biết: “Đối với tôi, rõ ràng là các em bé nhỏ nhất đều đi trên chiều hướng này”.

Qua kinh nghiệm với ba đứa con 2 tuổi, 5 tuổi và 7 tuổi: “Trẻ con được khơi dậy bằng tình yêu khi nó dần dần lớn lên. Tôi thấy rõ nơi các con, chúng dần dần mở ra với người khác, chúng có khả năng thấu cảm, để ý tới các chuyện nhỏ… Tôi giúp chúng biết lắng nghe những gì đang khuấy động lên trong lòng chúng, và định danh các cảm xúc đang tô điểm đời sống nội tâm của chúng.”

Đối với chồng bà và bà, cách đầu tiên để sát cánh với các em bé trong giai đoạn này là bao phủ chúng bằng tình yêu, “rồi dần dần gieo vào trong lòng chúng chìa khóa để đọc tình yêu: tình yêu của Chúa giống như tình yêu của cha mẹ.”

Bà nêu rõ: “Là những người có đức tin, chồng tôi và tôi cho các con thấy cách chúng tôi lớn lên trong đức tin: dự thánh lễ, sinh hoạt với các gia đình có đức tin khác… Chúng tôi cũng dành thì giờ để đọc kinh tối trong gia đình… nhưng thường là mất trật tự! Nhưng chúng tôi cố gắng tạo một khoảnh khắc hiệp thông, và đó là điều cốt yếu”.

Ngoài ra phải biết nắm các cơ hội để trẻ em khai phá các câu hỏi này, qua các ngày lễ hội, các tang lễ.

Bà quan sát: “Các trẻ em 2, 3 tuổi đã nhạy cảm với các giây phút cảm động, biết tìm bình an trong giây phút cầu nguyện, biết nếm niềm vui được yêu thương qua các nụ hôn cho cha mẹ, cho anh chị em không ngừng. Theo tôi, đó là các biểu hiện của một đời sống thiêng liêng đang khơi dậy.”

Bà cũng nhấn mạnh đến việc trẻ con tìm cách bắt chước cách ứng xử và thái độ của người lớn. Tuy vậy bà Roberge-Dion ý thức mình không thể “ép” con mình đến gặp Chúa, tuy vậy, không có gì ngăn cản mình “chia sẻ một chút câu chuyện tình yêu riêng của mình với Chúa cho các con”.

Để giúp các em dưới 5 tuổi “khơi dậy đức tin khi vui chơi”, các người có trách nhiệm trong Văn phòng Giáo dục Đức tin của Giáo phận Montréal xin bà Christiane Boulva phát triển chương trình Mục vụ Nhỏ (La P’tite Pasto). Tiến trình gồm có 60 chủ đề trong thời gian ba năm, có mặt trên hơn một trăm giáo xứ ở Québec, cũng như ở các bang Alberta, Manitoba và Yukon. Chương trình này cũng được hàng chục giáo xứ ở Bỉ quan tâm.

Bà Boulva lo ngại việc thiếu người và nơi để trẻ em có thể đến nghe nói về vấn đề tâm linh ngày nay. Bà tin rằng: “Trong tương lai, xã hội chúng ta sẽ thành công trong việc tiếp cận với các em, cũng như đề nghị với cha mẹ các sinh hoạt phù hợp với nguyện vọng, với mơ ước và với các thách thức của họ, để có ngày trực tiếp đáp ứng được các nhu cầu của họ.”

Khi làm như vậy, chúng ta không nên ngại khi tiếp cận sớm với trẻ con về vấn đề tâm linh. Nhưng cẩn thận: không phải “giải thích” về Chúa, nhưng là làm sao giúp các em “ở bên cạnh Chúa mỗi ngày”.

“Theo tôi, ngay từ khi các em còn rất nhỏ, điều quan trọng là phải giới thiệu Chúa với các em, Chúa Giêsu là sự hiện diện yêu thương và cho các em thấy, trong tất cả các sinh hoạt của các em, Chúa Giêsu luôn hiện diện trong lòng các em, quan tâm đến tất cả những gì các em sống, Ngài yêu thương các em và mong muốn chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và các khó khăn của các em. Vì thế, theo tôi, khi đó trẻ con mới có thể gặp Chúa Giêsu, mong muốn mở đời mình ra cho Chúa, nói chuyện với Chúa, tâm sự với Chúa… và đến với Chúa Giêsu như đến với một người bạn!”

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Khả năng thiêng liêng của trẻ con là gì?

Làm sao nuôi dưỡng đời sống nội tâm?

Các câu hỏi lớn của các em bé nhỏ