Trường công giáo phục vụ gì?

724

Trường công giáo phục vụ gì?

22lavie.fr, Stéphanie Combe, 2019-10-11

Với các học sinh và thầy giáo không nhất thiết là kitô hữu, làm thế nào trường công giáo giữ được nét đặc thù của mình? Phỏng vấn phó tế Philippe Delorme, tổng thư ký hiệp hội các trường công giáo Pháp.

Đặc điểm của các trường tư theo luật Debré công nhận năm 1959 đặc biệt dựa trên sự thuộc về tín ngưỡng. Nhưng đây có còn là một thực tế không, khi có rất ít cha mẹ cho con vào học trường tư vì lý do tâm linh? 

Phó tế Philippe Delorme: Tiếp nhận tất cả học sinh không trừ một ai nằm trong căn tính ADN của chúng tôi. Các phụ huynh không tự cho mình là người giữ đạo nhưng lại rất vui khi nhà trường đề xuất chiều kích tâm linh cho con cái họ, họ mong con mình được đón nhận và được yêu thương như một cá thể duy nhất. Khi chương trình của chúng tôi được trình bày rõ ràng cho các gia đình, chúng tôi mang đến một hình thức gắn kết. Vì thế ngay cả các phụ huynh hồi giáo cũng chọn trường công giáo cho con mình, vì “Chúa không ở trước cửa.” Chẳng hạn một trường trung học ở thành phố Marseille có đến  90% học sinh theo đạo Hồi; nhưng đó là trường công giáo thực sự. Sự hòa trộn các văn hóa và tôn giáo góp phần làm dịu xã hội chúng ta. Trẻ em càng sớm gặp nhau trong sự khác biệt của chúng thì càng giảm nguy cơ chủ nghĩa bè phái.

Tiếp nhận con người thật của mỗi người: đây có phải cũng là trường hợp của các trường công không?

Chắc chắn, không ai giữ “độc quyền quả tim.” Nhưng đối với chúng tôi, đây là một bổn phận, ở trọng tâm chương trình giáo dục của chúng tôi và được bám rễ trong Tin Mừng. Và chúng tôi may mắn không dựa vào chính sức mạnh của mình, nhưng dựa vào lời cầu nguyện. Nếu chúng ta không sống theo bí tích, chúng ta sẽ rơi vào trống rỗng. Đương nhiên chúng ta không hoàn hảo và tất cả chúng ta phải đạt được sự nhất quán, để đảm bảo những gì chúng ta viết, luôn là rất đẹp, phù hợp với những gì chúng ta sống…

Trong mỗi trường học, một cộng đoàn các kitô hữu phải tích cực và hữu hình.

Phải như vậy. Nhưng chúng ta phải làm gì khi ngay cả cô thầy giáo không còn là tín hữu kitô?

Các Viện Cao đẳng đào tạo giáo dục công giáo (Instituts supérieurs de formation de l’enseignement catholique, Isfec) giúp các ứng viên tìm hiểu các chương trình đặc biệt của chúng tôi. Họ được yêu cầu làm cho chương trình hoạt động, dù ở đâu và như thế nào nhưng vẫn để cho mỗi người được tự do tin. Mỗi trường học, mỗi cộng đoàn kitô hữu phải tích cực và hữu hình để đảm bảo sự hiện diện của mình và thực hiện được chương trình của mình. Chỉ cần hai hoặc ba là đủ để Chúa Kitô hiện diện như Ngài đã hứa.

Có phải lúc nào cũng được như vậy?

Đúng, tất cả đều như vậy! Và dù chỉ có một người đứng đầu cơ sở là kitô hữu, thì người đó cũng mang sứ vụ mục vụ đã được giao phó cho mình và làm cho nó lây lan. Các dấu hiệu hữu hình luôn có mặt.

Vì lý do truyền giáo, giáo dục công giáo sẽ không bao giờ loại bỏ việc tiếp nhận tất cả học sinh.

Một số phụ huynh đổ lỗi đề xuất mục vụ nghèo nàn và tìm thấy sự nhất quán hơn trong các trường tư không nhận trợ cấp nào của nhà nước. Phản ứng của ông?

Chúng tôi phải để ý đến các yêu cầu của các gia đình công giáo. Giáo dục công giáo là cho họ, chúng ta có cần nhắc lại không? Còn về các trường tư không nhận trợ cấp của nhà nước, chúng tôi đã chiến đấu cho tự do trường học để không từ chối bất cứ ai. Vì thế tôi tôn trọng chọn lựa này, được phân tích bằng một loạt các giải thích. Nhưng đặc quyền cho một nhóm riêng không phải là chương trình của chúng tôi. Vì các lý do truyền giáo, giáo dục công giáo sẽ không bao giờ bỏ việc tiếp nhận tất cả học sinh.

Làm thế nào để kết hợp tất cả mọi người với việc loan báo Tin Mừng và làm thuận lợi cho một cuộc gặp gỡ riêng tư với Chúa?

Đó là vai trò của tất cả những ai đã được rửa tội, những người thánh hiến, “linh mục, ngôn sứ, hàng vương giả” sống Tin Mừng của Chúa Kitô và rao giảng Tin Mừng. Tôi tin tưởng nhiều vào chứng tá của cuộc sống, vào cách chúng ta đối xử với người khác, đón nhận họ. Nếu qua chúng tôi, các học sinh trẻ cảm nhận các em thật sự được yêu thương thì các em sẽ khám phá Chúa Kitô. Điều này thường xảy ra trong các cuộc gặp gỡ: với một người bạn, với thầy cô giáo, với nhân viên. Bản thân tôi là cha đỡ đầu của một cựu giáo sư, ông xin rửa tội và cha đỡ đầu thêm sức cho một hiệu trưởng. Mỗi người đều có thể trở thành một con đường để đến với Chúa.

Học giáo lý và dự thánh lễ là biểu lộ đức tin và đề xuất một sự tự do tham dự. Những điều này không thể nào trở thành bắt buộc.

Các học sinh không công giáo có phải tham dự các buổi lễ không?

Phải phân biệt các chuyện này trên nhiều bình diện. Học giáo lý và dự thánh lễ là biểu lộ đức tin và đề xuất một sự tự do tham dự. Những điều này không thể nào trở thành bắt buộc. Ngược lại, văn hóa tôn giáo là sự truyền tải kiến thức thì không thể nào là môn tùy chọn.

Hợp đồng với Nhà nước bó buộc ông. Đâu là giới hạn của ông đối với một vài chương trình giảng dạy như xây dựng xã hội hoặc tự do chọn lựa xu hướng tình dục?

Tự do của chúng tôi rất lớn vì hợp đồng hợp tác chỉ yêu cầu chúng tôi dạy các chương trình Giáo dục Quốc gia. Đôi khi một vài sách giáo khoa đi vào giải thích, thật sự đúng trên các vấn đề này nhưng cũng trên các vấn đề khác: tôi vào nghề với tư cách là giáo sư kinh tế và khoa học xã hội ở thời điểm các lý thuyết kinh tế được định hướng nhiều hơn… Về phần chúng tôi, chúng tôi dùng các sách giáo khoa và sử dụng chúng một cách tự do. Nói chung, nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp cho học sinh các dụng cụ để giúp các em nhận định và trình bày một tầm nhìn về con người dựa trên khoa nhân chủng học kitô. Nếu chúng ta nghĩ rằng đó là con đường hạnh phúc thì chúng ta không giữ con đường này riêng cho mình!

Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp cho học sinh các dụng cụ để giúp các em nhận định.

Các y tá được nhà trường tuyển dụng có nhận hướng dẫn đặc biệt nào không? Chẳng hạn, làm thế nào họ phản ứng nếu có học sinh xin ‘viên thuốc tránh thai ngày hôm sau’?

Hầu hết các trường chúng tôi không có y tá nhà trường, đây thường là một vấn đề lớn. Là hiệu trưởng, tôi phải đối diện với tình huống này. Khó cho chúng tôi để nhấn mạnh, cha mẹ là các nhà giáo đầu tiên của con cái mình, và đồng thời lại giữ chúng xa cách với những gì họ sống. Chúng tôi không khái quát hóa, vì mỗi trường hợp đều là trường hợp duy nhất, tùy từng bối cảnh gia đình và đôi khi rất phức tạp, tôi luôn nói các em phải nói chuyện này với cha mẹ mình. Các trường của chúng tôi không phát ‘viên thuốc tránh thai ngày hôm sau’.

Chương trình mục vụ của ông là một trong các chương trình suy tư sẽ hoàn thành vào năm 2020. Ông có đang tìm cách đổi mới?

Chúng tôi không đổi mới nhưng xem lại chương trình mục vụ: đâu là vai trò giảng dạy công giáo trong một thế giới đã biến đổi, trong một xã hội mà việc giữ đạo đã giảm và đã bị thế tục hóa? Đâu là đề xuất của chúng tôi? Ngày nay làm thế nào để phúc âm hóa trong một bối cảnh không còn gì là rõ ràng, khi những người đương thời với chúng ta ít kiến thức?

Làm thế nào đi từ một mục vụ từ trên cao đến một mục vụ có thể gặp được đương sự nơi của họ và cùng đồng hành với họ?

Vì do có sự cách biệt này, nên có khuynh hướng chọn sự dễ dàng và xóa bỏ khía cạnh tôn giáo không?

Sự cách biệt này là có thật, nhưng tôi lại thấy đây là một dịp may. Ngay cả học sinh của chúng tôi và cả các cô thầy trẻ, rất nhiều người không nhận được gì, có người còn chưa bao giờ đọc hay nghe một đoạn Tin Mừng, nhưng họ rất cởi mở và hiếu kỳ. Vấn đề của chúng tôi cũng như mối bận tâm của Đức Thánh Cha về các vùng ngoại vi: làm thế nào đi từ một mục vụ từ trên cao đến một mục vụ có thể gặp được đương sự nơi của họ và cùng đồng hành với họ?

Chúa Giêsu đã không làm cách nào khác hơn là cùng đi với các môn đệ trên con đường Ê-mau. Đường hướng mục vụ của chúng tôi phải tập trung trên tiến trình này. Đức Giám mục Laurent Ulrich, tân chủ tịch phụ trách giáo dục công giáo của Hội đồng Giám mục Pháp, trong bức thư vào mùa khai giảng gởi cho các cộng đoàn giáo dục, ngài nhắc lại ba tiêu chuẩn: “Tiếp nhận tất cả, loan báo Tin Mừng và sự hữu hình của các nhóm kitô.”

Vấn đề căn tính của trường công giáo là vấn đề rạn nứt, kể cả trong hàng ngũ của tòa giám mục Pháp…

Tôi không nói đây là rạn nứt, nhưng là nét đa dạng, và chính đó là sự phong phú của Giáo hội. Sự đa dạng trong các đề xuất làm thuận lợi cho việc đón nhận tất cả. Các thực thể khác nhau luôn được diễn tả. Một vài quyết định lại phù hợp với một số thực tế địa phương. Chính vì thế mà một số giám mục thừa nhận về mặt giáo luật các trường tư không nhận trợ cấp của nhà nước. Điều cần thiết là giữ gìn sứ vụ hiệp thông.

Đâu là các lý do để ông hy vọng?

Tôi tin tưởng nhiều ở thế hệ trẻ, chắc chắn ít vật chất hóa hơn thế hệ chúng ta và khả năng dấn thân của họ. Họ hiếu kỳ, họ đòi hỏi. Phần chúng ta, chúng ta hỗ trợ lòng quảng đại và cởi mở của các bạn trẻ này để thổi cho các em một ý nghĩa mà các em đi tìm cho đời sống của mình. Chúa Kitô là giải đáp đẹp nhất. Chúng ta đừng e ngại làm chứng cho niềm hy vọng của mình. Đó là dấu chỉ niềm vui sống cho tuổi trẻ chúng ta.

Phó tế Philippe Delorme, 56 tuổi, là cha của năm người con, giám đốc giáo phận Val-de-Marne từ 10 năm nay, hiệu trưởng trường Yvelines và Seine-Saint-Denis. Đây là năm đầu tiên ông làm việc trong tư cách người bảo trợ cho chương trình giáo dục công giáo.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch