Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Ngài đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng. Thánh Vịnh 34: 4
Ronald Rolheiser, 2019-08-05
Cách đây nhiều năm, trong một buổi hội thảo chuyên đề về đức tin và truyền giáo, một trong các diễn giả đã đưa ra lời tuyên bố khá giật mình. Cô là nhà hoạt động kitô giáo đã kết thúc bài thuyết trình của mình bằng những lời sau: “Tôi làm việc cho người nghèo, tôi làm việc này vì đức tin công giáo của tôi. Tôi dấn thân làm vì Chúa Giêsu nhưng tôi có thể đi ba năm ngoài đường phố mà không bao giờ nhắc đến tên Chúa Giêsu, vì tôi nghĩ Chúa đủ trưởng thành để không đòi hỏi mình là trung tâm sự chú ý có nhận thức của chúng ta trong mọi lúc.”
Giống như nhiều người khác trong phòng, tôi chưa bao giờ nghe một văn sĩ hay một nhà rao giảng nào nói thẳng như vậy. Tôi đã nghe các học giả Kinh Thánh nói về việc Chúa từ bỏ mình khi nhập thể, về sự quên mình trong ẩn giấu, về lòng kiên nhẫn của Chúa khi bị bỏ quên nhưng tôi chưa bao giờ nghe ai nói thẳng, Chúa không sợ chúng ta không chú ý đến Ngài trong một thời gian dài.
Nhưng điều này có đúng không? Chúa có đồng ý với loại bỏ bê này không?
Có một sự thật quan trọng ở đây, nhưng chỉ khi nó có đủ điều kiện minh xác. Nghĩ theo nghĩa đen, điều này có thể biện minh cho quá nhiều chuyện không tốt (lười biếng thiêng liêng, ích kỷ, nghĩ đến mình quá độ, cự lại với một suy nghĩ sâu sắc hơn, trì hoãn quá mức với những gì quan trọng và rất nhiều chuyện khác). Nhưng đây là sự thật: Chúa hiểu! Thiên Chúa là bậc cha mẹ yêu thương, hiểu được sự vô tâm và quan tâm của con cái mình.
Thiên Chúa không đặt chúng ta vào cuộc đời này chủ yếu chỉ để xem chúng ta có quan tâm đến Ngài mọi nơi mọi lúc không. Thiên Chúa muốn chúng ta chăm chú vào những việc ở thế gian này, nhưng dĩ nhiên là không được quên những chuyện này đang đi qua và chúng ta được định hướng cho một cuộc sống bên kia thế giới. Chúng ta không ở trên trái đất này để luôn nghĩ về đời sống vĩnh cửu, cũng không ở trên trái đất này để quên đi đời sống vĩnh cửu.
Tuy nhiên nếu cuộc sống không có ý thức thì cuộc sống ít nhân bản hơn nên, chúng ta cũng phải có những giây phút cố gắng để Chúa là trọng tâm ý thức của mình. Chúng ta cần những giây phút cầu nguyện, suy niệm, chiêm ngắm, thờ phượng, cần ngày sa-bát, cần nhận biết, cần tạ ơn Chúa. Chúng ta cần những giây phút ý thức mình có một cuộc sống trong tương lai, một đời sống vĩnh cửu ngoài đời sống hiện tại này.
Và cuối cùng, điều này không đi ngược, không tranh chấp với sự quan tâm tự nhiên của chúng ta về cuộc sống này, về các quan hệ trong đời sống hàng ngày, với gia đình, với công ăn việc làm, với sức khỏe, về sự tập trung tự nhiên của chúng ta với tin tức hàng ngày, với thể thao, thú vui và các giải trí khác. Với thiện tâm và trung thực, những gì thu hút sự quan tâm của chúng ta rồi cuối cùng cũng thúc đẩy sự quan tâm này hướng về những chuyện sâu sắc hơn và cuối cùng đương nhiên là hướng về Chúa. Nhà thần nghiệm cao cả Gioan Thánh giá nói với chúng ta, nếu chúng ta trung thực và chân thành khi chúng ta tập trung vào những chuyện tầm thường của thế gian này thì những điều sâu xa hơn sẽ xảy ra, một cách vô thức và dưới bề mặt, chúng ta sẽ đến gần với Chúa hơn.
Chẳng hạn, đan tu nổi tiếng Carlo Carretto đã kể câu chuyện sau: sau khi sống ẩn tu nhiều năm trong sa mạc Sahara, bỏ ra không biết bao nhiêu giờ để cầu nguyện, để suy gẫm, ông về Ý thăm mẹ mình. Bà là người phụ nữ nuôi một gia đình đông con với rất nhiều trách nhiệm trong đời, bà không có nhiều thời gian để cầu nguyện. Và Carretto ngạc nhiên nhận ra chính bà là người suy gẫm nhiều hơn mình, không phải vì các giờ cầu nguyện của một ẩn tu như mình là không tốt, nhưng vì tất cả các việc vô vị lợi mà mẹ mình đã làm trong việc nuôi nấng gia đình và chăm sóc người khác là rất tốt.
Và Chúa hiểu điều này. Chúa hiểu chúng ta là những con người, yếu đuối về mặt tâm linh, bận rộn và theo bản năng là hướng đến các chuyện ở trần gian này, đến mức chúng ta không tự nhiên hướng về cầu nguyện, về nhà thờ ngay cả khi chúng ta cầu nguyện hay ở trong nhà thờ. Chung chung chúng ta luôn đãng trí, mệt mỏi, thiếu kiên nhẫn, nghĩ đến chuyện khác và mong giờ cầu nguyện và ở trong nhà thờ sớm xong.
Không phải dễ để giữ Chúa ở trọng tâm chú ý có ý thức của chúng ta; nhưng Chúa biết và thông cảm.
Bà Kate Bowler, giáo sư thuộc giáo phái Mennô bình giải về cái mà Giáo hội gọi là “thường niên” nghĩa là thời gian không ở trong các mùa đặc biệt như Mùa Vọng, Mùa Chay, lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh, không có gì đặc biệt để dâng mừng. Điều gì xảy ra ở đây? Đó là những chuyện trở nên “bình thường”: “Không có sinh ra trong máng cỏ, không có cái chết trên thập giá, không có các bài hát, các bài cầu nguyện sốt sắng và giữ con cái họ yên lặng khi nghe giảng. Điều huyền nhiệm mờ dần và để lộ ra hình ảnh thật của nhà thờ: giáo dân bình thường trong một tòa nhà nhàm chán gặp nhau cho đến khi được khởi động.”
Đúng, đa số thời gian, chúng ta, những người bình thường trong các tòa nhà nhàm chán đang chờ cú khởi động. Và Chúa hoàn toàn hiểu chuyện này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Đâu là nhà?