Những kiểu gương thánh cần có

317

Những kiểu gương thánh cần có

Jean Vanier (1928-2019)

Ronald Rolheiser, 2019-07-08

Simone Weil từng bình luận rằng thời nay, làm thánh không thôi thì không đủ, hay nói đúng hơn là “chúng ta phải có sự thánh thiện mà thời điểm hiện tại đòi hỏi.”

Chắc chắn bà đúng về tiền đề thứ hai, chúng ta cần các vị thánh với những nhân đức mang tiếng nói với thời đại.

Thời nay chúng ta cần dạng thánh nào? Người có thể cho chúng ta thấy cách thực sự tha thứ cho kẻ thù? Người có thể giúp chúng ta vượt lên chia rẽ cay đắng trong cộng đồng và giáo hội? Người có thể đưa ra con đường để chúng ta đến với người nghèo? Người có thể dạy cho chúng ta cách cầu nguyện đích thực? Người có thể cho chúng ta cách tìm ra “ngày Sabbath” giữa muôn trùng bủa vây của hàng ngàn kênh truyền hình, hàng triệu blog, và hàng tỷ câu tweet? Một người có thể giúp chúng ta gìn giữ đức tin thời thơ ấu giữa những ngụy biện, phức tạp và chủ trương bất khả tri của cuộc sống trưởng thành? Người như Chúa Giêsu, có thể đi vào quán bar tình một đêm mà không phạm tội? Người có thể tỏa ra nhân tính trọn vẹn, dù cho khác biệt hẳn với mọi người nhờ đức tin? Người là nhà thần nghiệm nhưng lại có óc hài hước vô cùng? Người có thể vừa khiết tịnh vừa sống tình dục lành mạnh?

Danh sách này có thể dài thêm nữa. Chúng ta đang trong miền đất mới. Các vị thánh thời xưa không đối diện với những vấn đề của chúng ta ngày nay. Các vị có những con quỷ cần đánh gục riêng của họ, và sẽ không chê bai khinh rẻ những nỗ lực và những bất tín của chúng ta. Các vị biết cuộc đấu tranh của chúng ta, biết chúng ta đang ở miền đất mới với những con quỷ mới cần đánh gục và những nhân đức mới cần đạt được. Các vị thánh thời xưa, dĩ nhiên là các tấm gương của tinh thần môn đệ Kitô giáo, đã sống tinh thần Phúc Âm nhưng trong thời đại các ngài.

Vậy thời nay cần dạng thánh nào?

Chúng ta cần các vị thánh có thể tôn vinh sự thiện của thế giới khi tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta cần những người có thể cho chúng ta thấy cách nào để sống với đức tin thiết thực giữa một nền văn hóa nghĩ rằng đời này là đủ và những chuyện về Thiên Chúa cũng như đời sau là chuyện ngoài lề. Chúng ta cần những vị thánh có thể vững vàng với đức tin, chính chắn trước các ngụy biện của thế gian, với căn bệnh bồn chồn, với cái kiểu vĩ đại quá đáng, với những chuyện gây phân tâm tê liệt, và những cám dỗ ghê gớm của nó. Chúng ta cần những vị thánh có thể cảm thông với những người đã xa Giáo hội, trong khi vẫn không thỏa hiệp về nền tảng tôn giáo và đạo đức của mình. Chúng ta cần những vị thánh trẻ có thể khơi lại mãnh liệt hình ảnh tôn giáo về thế giới, như thánh Phanxicô và thánh Clara từng làm. Và chúng ta cần những vị thánh lớn tuổi, đã từng trải và có thể chỉ cho chúng ta cách đương đầu với những thách thức thời nay nhưng vẫn giữ vững đức tin thời thơ ấu.

Và chúng ta cần điều mà Sarah Coakley gọi là “những vị thánh gợi tình” những con người có thể đưa khiết tịnh và ái tình đến với nhau mà vẫn nói lên tầm quan trọng của cả hai. Chúng ta cần những vị thánh có thể làm gương cho chúng ta về sự tốt lành của tình dục, những người có thể vui mừng trong các vui thú của con người và tôn vinh vị thế mà Chúa đã ban cho nó trong hành trình thiêng liêng, không bao giờ bôi xấu nó bằng cách xem nó là đối chọi với thiêng liêng hoặc xem thường nó khi đơn giản hóa nó thành một dạng giải trí.

Rồi chúng ta cần những vị thánh có thể cảm thương giúp chúng ta thấy ra sự đồng lõa mù quáng của mình với đủ thứ hệ thống tác hại đến những người yếu đuối nhằm bảo vệ sự thoải mái, an toàn và đặc quyền đặc lợi lâu nay của ta. Chúng ta cần những vị thánh có thể nói lời ngôn sứ cho người nghèo, cho môi trường, cho phụ nữ, cho người tị nạn, cho những người không được tiếp cận đủ với y tế và giáo dục, và cho tất cả những ai bị kỳ thị vì chủng tộc, màu da, hay tín ngưỡng của họ. Chúng ta cần những vị thánh, những ngôn sứ cô đơn, những người có thể làm kẻ lạc loài, có thể đem lại hòa bình, và có thể chỉ cho chúng ta thấy hiện thực vượt ngoài tầm nhìn thiển cận của chúng ta.

Và những vị thánh này không cần được chính thức phong thánh, cuộc sống của họ đơn giản chỉ cần là ngọn đèn cho mắt chúng ta và men cho cuộc sống chúng ta. Tôi không biết các vị thánh thời nay của các bạn là ai, nhưng tôi đã tìm được cho mình rất nhiều người, với nhiều kiểu người khác nhau, già có trẻ có, Công giáo, Tin lành, phái Phúc âm, bảo thủ có tự do có, đi tu có ở đời có, đầy đức tin có hoặc theo thuyết bất khả tri cũng có. Nói đúng ra, danh mục tôi sẽ đề cập ở đây không phải là những người tôi biết tường tận về cuộc đời họ. Hầu hết, tôi chỉ biết qua những gì họ viết, nhưng những bài viết của họ là ngọn đèn soi đường cho tôi.

Trong những người thuộc thế hệ của tôi, tôi mang nợ Raymond E. Brown, Charles Taylor, Daniel Berrigan, Jean Vanier, Mary Jo Leddy, Henri Nouwen, Thomas Keating, Jim Wallis, Richard Rohr, Elizabeth Johnson, Parker Palmer, Barbara Brown Taylor, Wendy Wright, Gerhard Lohfink, Kathleen Dowling Singh, Jim Forest, John Shea, James Hillman, Thomas Moore, và Marilynne Robinson.

Còn trong những người trẻ hơn, với cuộc sống và các bài viết cũng đồng hưởng với một thế hệ trẻ hơn tôi, tôi muốn nhắc đến Shane Claiborne, Rachel Held Evans, James Martin, Kerry Weber, Trevor Herriot, Macy Halford, Robert Barron, Bryan Stevenson, Robert Ellsberg, Bieke Vandekerckhove, và Annie Riggs.

Có lẽ đây không phải là các vị thánh của các bạn, điều này cũng hợp lý thôi. Vậy thì xin các bạn tìm những người giúp soi đường cho mình.

J.B. Thái Hòa dịch

Xin đọc: Đức Phanxicô bày tỏ lòng biết ơn khi nghe tin ông Jean Vanier qua đời
Jean Vanier: “Thế giới ở mặt trái, Phúc Âm là thế giới ở mặt phải!”