Cháy rừng ở Amazon: Đức Phanxicô lo âu cho “lá phổi sinh mệnh” của hành tinh

626

Cháy rừng ở Amazon: Đức Phanxicô lo âu cho “lá phổi sinh mệnh” của hành tinh

parismatch.com, Ban biên tập, 2019-08-25

Sau giờ Kinh Truyền Tin hàng tuần ngày chúa nhật 25 tháng 8 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô cho biết ngài “lo âu” về vụ cháy rừng Amazon đã tàn phá vùng này trong thời gian gần đây: “Amazon là lá phổi quan trọng của hành tinh chúng ta.”

Đức Phanxicô sẽ tổ chức thượng hội đồng về Amazon vào mùa thu này, ngài kêu gọi 1,3 tỷ người Công giáo trên khắp thế giới “cầu nguyện và nhờ vào sự dấn thân của tất cả, các vụ cháy rừng này sẽ được dập tắt càng sớm càng tốt”.

Tháng 5 vừa qua, Đức Phanxicô đã gặp nhà lãnh đạo bản địa Raoni, người đã đến để cảnh báo châu Âu về nạn phá rừng Amazon. Nhà lãnh đạo của người du mục Kayapo đến Âu châu để tìm cách quyên góp một triệu âu kim cho Khu bảo tồn Xingu ở Brazil.

Trong Thông điệp Chúc tụng Chúa, một tài liệu mang tính cách xã hội về sinh thái, Đức Phanxicô đã tố cáo việc khai thác rừng nhiệt đới Amazon vì “các lợi nhuận kinh tế khổng lồ”. Vào tháng 1 năm 2018, giáo hoàng Argentina 82 tuổi đã đến thăm Puerto Maldonado, một ngôi làng ở phía đông nam Pêru được bao quanh bởi rừng rậm Amazon, nơi hàng ngàn người bản địa Pêru, Brazil và Bolivian sống ở đây. Ngài lên tiếng tố cáo “áp lực mạnh mẽ của các lợi nhuận kinh tế to lớn của các ngành dầu mỏ, khí đốt, gỗ, vàng, độc canh công nghiệp”.

Giáo hội Công giáo nhận thức được lịch sử đẫm máu của việc truyền giáo ở Châu Mỹ La tinh vào thế kỷ XVI

Chuyến đi đầu tiên đến Amazon này là khởi đầu để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Amazon vào tháng 10 sắp tới, rừng Amazon chiếm 43% diện tích Nam Mỹ nơi có gần ba triệu người dân bản xứ sống. Giáo hội công giáo nhận thức được lịch sử đẫm máu của việc truyền giáo ở Châu Mỹ La tinh vào thế kỷ XVI và nhận ra không phải lúc nào họ cũng đối xử tôn trọng với các dân tộc bản địa vùng Amazon. Nhưng ngày nay, Giáo hội tham gia vào nhiều dự án để giúp người dân Amazon giữ gìn phong tục và bản sắc của họ.

Trước giờ Kinh Truyền Tin, Đức Phanxicô kêu gọi giáo dân “đấu tranh chống lại mọi hình thức bất công” và “sống một cuộc sống khiêm nhường và tốt đẹp, một cuộc sống đức tin thể hiện qua các hành động cụ thể”. Ngài nói, Thiên đàng không “giới hạn số lượng” nhưng đường đến Thiên đàng không phải là xa lộ tiện nghi mà cuối đường là cánh cửa lớn, nhưng đường vào Thiên đàng phải qua cánh cửa hẹp “yêu Chúa và yêu tha nhân”, điều này không phải lúc nào cũng dễ vì nó đòi hỏi chúng ta cố gắng, một ý chí quyết tâm và kiên trì để sống theo Tin Mừng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch