Linh mục Florent Priuli: Nhà truyền giáo có “bàn tay vàng”

808

Linh mục Florent Priuli: Nhà truyền giáo có “bàn tay vàng”

fr.aleteia.org, Colombe de Barmon, 2019-08-06

Linh mục Florent Priuli, giám đốc bệnh viện Tanguieta ở Bénin, Phi châu là bác sĩ, tu sĩ thuộc Dòng Trợ thế Thánh Gioan Thiên Chúa, từ năm mươi năm nay, linh mục phục vụ bệnh nhân ở Bénin bất kể ngày đêm và đã mang đến các kết quả tuyệt vời hàng ngày cho người dân Bénin.

Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt có hàm râu trắng, đôi mắt xanh sáng rực niềm vui, tất cả trên khuôn mặt mà vài vết nhăn của tuổi bảy mươi không che đi nét thanh xuân của tâm hồn. Đó là cảm tưởng đến ngay lập tức khi đối diện với linh mục Florent Priuli, cha còn có tên là “người có bàn tay vàng” hay “người phù thủy da trắng”. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi biết lịch làm việc của cha hàng ngày, nếu không ở trong phòng mổ thì cha ở phòng khám, cha làm việc không ngừng tay từ sáng đến tối, cha truyền giáo và tìm thấy niềm hạnh phúc ở đây.

Linh mục Florent Priuli nói với báo Aleteia: “Thật tuyệt vời. Khi duy trì sự sống, chúng ta trở nên người cùng hợp tác với Chúa là Đấng ban sự sống”. Từ năm giờ sáng cha đã dậy làm việc và thường chỉ quá nửa đêm cha mới rời bệnh nhân để đi ngủ vì có quá nhiều bệnh nhân và có nhiều trường hợp nặng cần phải chăm lo, gần như cha luôn túc trực bên cạnh họ. Cha giải thích: “Bệnh nhân ở khắp nơi đổ dồn về Tanguieta, đây là tuyến cấp cứu đầu tiên và cũng là nơi cuối cùng cho họ”. Mỗi năm có 5000 bệnh nhân được mổ và bệnh viện đón nhận 20.000 bệnh mới hàng năm. Họ đến từ Bénin nhưng cũng từ các nước lân cận như Togo, Burkina Faso, Mali hay Niger.

Bệnh nhân là “thầy”

Sự cuốn hút của cha là do tinh thần tôn trọng bệnh nhân của cha. Theo tinh thần Thánh Gioan Thánh giá: “Tôi phải xem các bệnh nhân là thầy của tôi”. Cha Florent giải thích: “Điều này có nghĩa chúng ta phải để lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu và tôi phải luôn đặt trọng tâm này lên hàng đầu.” Theo cha, lòng tận tâm không có giới hạn: “Thường thường chúng ta có cảm tưởng như người bệnh chiếm hết tâm trí mình. Nhưng thực chất, đó là điều tốt đẹp vì chúng ta phải quan tâm đến họ tối đa và phải làm cho họ hài lòng”.

Cha Florent với ống nghe trên cổ

Chính nhờ lời cầu nguyện mà cha Florent có được sức mạnh cần thiết để giữ năng lực ngoại hạng này. Dậy từ 5 giờ sáng, cha dành thì giờ cầu nguyện và bắt đầu ca gác của mình lúc 7h30. Kinh sáng, hương nguyện, thánh lễ mở đầu cho một ngày làm việc bận rộn. Quan tâm đến việc giữ liên lạc với các ân nhân và thân hữu của bệnh viện, cha dành thì giờ để trả lời thư tín.

Gia đình Thánh Gioan Thánh giá với “phương châm phục vụ những người cùng khốn nhất” đã nhanh chóng chinh phục quả tim rộng lượng của người thanh niên trẻ Ý. Còn trẻ, Florent đã lên đường đi Phi châu, trước hết cha sống ở Togo. Tại đây Florent phục vụ ở bệnh viện Afagnan. Năm 1979, cha đến Tanguieta, vùng cực bắc của Bénin, ở đây có một bệnh viện rất nhỏ và ít được dùng. Cha là người phát triển hệ thống y tế ở đây. Năm 1979 bệnh viện chỉ có 85 giường, bây giờ bệnh viện có 415 giường.

Truyền giáo bằng cách săn sóc những người đau khổ

Với 25 % số dân là người công giáo, việc truyền giáo ở một nước còn thờ vật linh như nước Bénin là cả một khó khăn. Cha Florent nhiệt tình nói: “Chúng tôi được gọi để loan báo Tin Mừng của lòng thương xót và cách tốt nhất để loan báo là làm chứng lòng thương xót Chúa cho những người đau khổ”. Hoạt động tông đồ cho người bệnh là đòn bẩy đầu tiên của việc truyền giáo: “Tôi nghĩ chúng ta rao giảng Tin Mừng tốt nhất khi chúng ta theo sát tinh thần của Thánh Gioan Thánh giá, vì chính Chúa Kitô đã rao giảng Tin Mừng, chữa lành người bệnh, xức dầu cho người sắp chết”.

Linh mục Florent trong văn phòng làm việc

Hơn nữa, linh mục duy trì một mối quan hệ tốt với những người thờ vật linh. Và cha cũng không ngần ngại kê toa chữa trị dùng thuốc “tự nhiên” hay “truyền thống” mà cha học ở các thầy thuốc địa phương. Cha thấy họ dựa trên “sự hiểu biết của tổ tiên đôi khi có kết quả rất tốt” và đánh giá các trị liệu này rất hiệu nghiệm. Cha ghi nhận: “Không có một bệnh nào mà Chúa không có một cách chữa trị và đôi khi thuốc có trong thảo mộc, trong rễ cây”. Cha Florent là bạn thân của tộc trưởng hồi giáo Moussa Aboubacar và có quan hệ tốt với người hồi giáo, cha nói: “Ông hay nói với tôi, ở nguyện đường thứ sáu tuần trước, ông đã cầu nguyện cho tôi”.

Cha nói tiếp: “Sự chuyển tiếp sẽ đảm bảo cho tương lai của bệnh viện, không phải chỉ để lại các bức tường, các dụng cụ mà chúng tôi còn để lại tinh thần đã khơi dậy từ thuở bắt đầu”. Bệnh viện cần những tấm lòng quảng đại để tiếp tục công việc, vì thế có các bác sĩ đã về hưu ở nhiều nước như Ý, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha hay Mỹ đến giúp cho bác sĩ Florent.

Trong một ca mổ ở bệnh viện  

Bệnh viện sống nhờ lòng hảo tâm, cha Florent kể câu chuyện cảm động của một ông cụ, ông xúc động vì “phép lạ Tanguieta” và đã dành hết tiền tiết kiệm tuổi già của mình để cho bệnh viện, ông phó dâng tuổi già của mình trong bàn tay của Chúa. Cha Florent cười: “Đó là Chúa Quan phòng ghé mắt đến!”

Vượt lên tất cả, qua các điều kỳ diệu xảy ra hàng ngày ở bệnh viện này, “phép lạ Tanguieta” gần như là cặp mắt quan phòng thường xuyên của Chúa cho vùng này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch