Thao thức: một dạng đặc thù của cô đơn (4/7)

359

Thao thức: một dạng đặc thù của cô đơn (4/7)

 

Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser 

Các dạng đặc thù của cô đơn

Vượt trên định nghĩa chung này, cô đơn có thể được chia thành nhiều loại khác nhau. Nhắm đến mục tiêu phân tích nói chung, và phân tích thần học nói riêng, tôi đã chia cô đơn thành năm dạng ý niệm, mà tôi gọi là Xa lánh (Alienation), Thao thức (Restlessness), Huyễn hoặc (Fantasy), Không cội rễ (Rootlessness), và Suy thoái tâm lý (Psychological Depression). Vì chúng là những kiểu mẫu, nên không phải lúc nào chúng cũng khác nhau. Có một số trùng khớp, nhưng cũng có một phân biệt rõ ràng giữa chúng, mà chúng ta có thể rút ra dựa trên nguyên do, ý nghĩa và giải pháp của chúng.

Thao thức là một dạng khác của tâm trạng cô đơn. Thao thức không liên hệ quá trực tiếp đến trải nghiệm của xa lánh hay ghẻ lạnh từ người khác, mà liên hệ đến tâm trạng bất mãn triền miên và thao thức trong chúng ta, luôn luôn đặt chúng ta ở trong trạng thái chán chường và trong tình trạng bất an. Chúng ta sẽ thấy dạng cô đơn này không cấu thành trực tiếp từ sự xa lánh với người khác, mà từ cách thức xây dựng tâm hồn chúng ta, từ kết cấu con người nhân tính chúng ta.

Tất cả chúng ta đều trải nghiệm trong chính mình một thao thức và một tham muốn vô độ nào đó. Tâm hồn và tâm trí chúng ta được định hình theo kiểu không bao giờ thỏa mãn, luôn luôn thao thức; không bao giờ bình lặng, luôn muốn có thêm. Xuyên suốt lịch sử, đã có nhiều cái tên cho sự thao thức được đặt ra. Các nhà tư tưởng tôn giáo thường gọi nó là “tia sáng thần thiêng chiếu rọi vào chúng ta”; các nhà triết học đôi khi quy cho nó là “khát mong của bộ phận muốn quay về với toàn thể”, người Hy Lạp dành cho nó hai cái tên, Nostos, một tình cảm nhớ nhà trong tâm hồn nhân loại chúng ta, và Eros, một đam mê quyến dụ bất tận hướng về bất cứ điều gì chúng ta cảm nhận là tốt; người Viking gọi nó là “du tưởng”, một sự thúc đẩy không ngừng khám phá, vượt ngoài tất cả những tầm nhận thức đã biết; ngòi bút thánh kinh Qoheleth gọi nó là “vô tận” (Ha olam), sự bất lực bẩm sinh đối với việc làm cho mình hòa hợp yên bình với thế giới chung quanh; Thánh Âugutinô gọi nó là “thao thức”: “Ngài đã dựng nên chúng con cho Ngài, lạy Chúa, và tâm hồn chúng con thao thức mãi cho đến lúc được nghỉ yên trong Ngài.”  Hầu hết chúng ta đơn giản gọi điều này là “cô đơn”.

Dù chúng ta gọi cảm giác này là tên gì đi nữa, thì trải nghiệm của nó vẫn là phổ quát. Không trừ một ai. Từ cảm giác trực tiếp về sự xa lánh và ghẻ lạnh, tất thảy chúng ta trải nghiệm trong chính bản thân mình một nỗi khát mong cô đơn nào đó. Ngay trọng tâm của hiện hữu chúng ta, một ngọn lửa thiêu đốt không bao giờ thỏa mãn đẩy chúng ta ra ngoài trong du tưởng và đam mê, trong thao thức và khao khát, để theo đuổi một điều vô tận, vô cùng và trọn vẹn mà chúng ta không biết được.

Và một lần nữa, để hiểu rõ nhất điều này chúng ta cần một vài ví dụ. Một ví dụ cổ điển là “Richard Cory”, nhân vật chính bi thương trong bài thơ cùng tên của Edwin Arlington Robinson. Richard thật sự là “một con người có mọi thứ”, sung túc vật chất, danh tiếng và uy tín, có văn hóa và có bạn tốt. Tuy thế, vì lý do hoàn toàn bí ẩn không ngờ của một tâm hồn phức tạp, một đêm nọ ông về nhà và kết liễu cuộc đời bằng cách bắn vào đầu. Chúng ta là “những Richard Cory” tiềm tàng, vì tất cả chúng ta đều có một tâm hồn không thỏa mãn như ông ấy. Càng có, chúng ta càng muốn thêm! Tôi sẽ đưa ra một loạt ví dụ trích dẫn để diễn đạt cách cổ điển cho trải nghiệm này. Các trích dẫn này ở nhiều loại người, sống ở nhiều thời và nhiều nơi khác nhau cả về văn hóa lẫn niềm tin. Tuy thế, tất cả đến có một trải nghiệm chung, trải nghiệm về “thao thức-cô đơn”. Từ ông Qoheleth, nhà hiền triết khó hiểu trong Cựu Ước, từ thánh Âugutinô, nhà thần học gia thế kỷ thứ tư, từ một triết gia vô thần đương đại, từ một học sinh trung học mười sáu tuổi ở vùng thảo nguyên Saskatchewan, và từ một nhà làm phim nổi tiếng người Thụy Điển đã cho ta những diễn đạt chua cay mạnh mẽ về trải nghiệm đau đớn này. Triết gia vô thần người Pháp Albert Camus đã nói về nó như sau:

 

Tôi dễ dàng đoan chắc bất cứ điều gì, nhưng cùng một lúc tôi chẳng thỏa mãn bất cứ thứ gì. Mỗi hoan lạc lại làm cho tôi khát khao một hoan lạc khác. Tôi đi từ tiệc tùng này đến tiệc tùng khác. Có lúc tôi khiêu vũ suốt đêm, cuồng điên vì con người và cuộc sống. Nhiều lúc, vào phút cuối buổi khiêu vũ, tôi nhảy chuyến choáng, trong nhiệt tình hoang dại, trong buông thả hung bạo của mọi người, xâm chiếm trong tôi một cảm giác mê ly vừa mệt nhọc vừa tràn ngập, và đối với tôi dường như – giữa môt khoảng lặng trong thời giây phút rã rời, trong một chớp mong manh – cuối cùng tôi đã hiểu được bí ẩn của muôn tạo vật trong thế giới. Nhưng sự rời rã của tôi biến mất vào ngày hôm sau cuốn theo cả bí mật đó.

Điều Camus nói ở đây vọng lại lời của thánh Âugutinô và Qoheleth đã diễn tả trong nhiều thế kỷ trước: 

“Ngài đã dựng nên chúng con cho Ngài, lạy Chúa, và tâm hồn chúng con thao thức mãi cho đến lúc được nghỉ yên trong Ngài.”

Thiên Chúa đã làm mọi chuyện tốt đẹp đúng thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện từ đầu cho đến cuối.

Điều này có một tương đồng rõ ràng với nỗi đau được một cậu bé mười sáu tuổi học sinh trung học viết ra:

Giờ đây tôi thấy muốn khóc, thật sự là nực cười, cuộc sống quá đẹp và tôi muốn mọi người vui hưởng nó cùng với tôi. Thật nực cười khi tôi đang có gần như tất cả mọi thứ mà một con người muốn có, và nó lại không đủ. Tôi luôn luôn muốn nhiều hơn, bất kể đó là thứ gì. Tôi vẫn tiếp tục đòi hỏi mọi người về điều đó, nhưng, lại chẳng có gì, tôi không được đáp trả. Tôi không có được nó. Thỉnh thoảng, tôi cảm thấy muốn nhảy lên vui sướng, và rồi, như bây giờ, tôi lại muốn ngồi xuống và khóc, nhưng tại sao lại thế?

Câu hỏi của cô gái nhỏ đó, thật sự có một câu trả lời. Triết gia người Bỉ, Joseph Marechal, mặc dù có phần trừu tượng, đã hướng chính ông về câu hỏi của cô gái nhỏ đó và đã nói nhiều điều về tâm trạng cô đơn nói riêng và bản chất con người nói chung:

Trí tuệ con người không đơn thuần là một tấm gương phản ảnh thụ động các đối tượng đi qua nó, nhưng là hành động trong biểu lộ sâu sắc nhất hướng đến một định hạn có thể định hình rõ ràng, một định hạn duy nhất có thể hoàn toàn bao trọn lấy nó – Hiện hữu tuyệt đối, Chân lý tuyệt đối và sự Thiện. Sự Tuyệt đối đã đóng dấu lên khuynh hướng nền tảng của trí tuệ chúng ta; hơn nữa khuynh hướng này luôn mãi vượt trên các hành động cụ thể của trí tuệ; tâm trí bị điều khiển bởi động năng nội tại, từ hiểu biết này đến hiểu biết khác, từ khách thể đến khách thể, nhưng khi nó còn chịu sức hút trong phạm vi hữu hạn, nó nỗ lực trong tuyệt vọng để trở nên giống với biến chuyển nội tại của nó, để được nghỉ yên trong sự viên mãn của hành động nó làm, để xác quyết Đấng hiện hữu, bằng sự đồng nhất, tinh tuyền và trọn vẹn… Sự khẳng định về thực tại… không gì hơn là biểu đạt của khuynh hướng căn gốc trong tâm trí để hợp nhất với và hợp nhất trong Đấng Hoàn Toàn Tuyệt đối.

Trích dẫn cuối cùng được trích từ nhà làm phim người Thụy Điển Ingmar Bergman, tôi cần giới thiệu đôi nét để làm rõ trích dẫn này. Một vài năm trước, Ingmar Bergman ra bộ phim có tựa đề Mặt đối mặt, câu chuyện kể về một nữ bác sĩ tâm thần, có tinh thần tự chủ cao, thông minh và kỷ luật. Kết hôn với một đồng nghiệp giỏi giang, cô được đồng nghiệp kính trọng và cuộc đời cô là những điều được gọi là “những tốt đẹp của đời sống”. Bộ phim trình bày cô đang đấu tranh để chống tự vẫn và đang miệt mài tìm lý do để tiếp tục sống một cách ý nghĩa. Cô là một người có tất cả mọi thứ, ngoại trừ sự bình yên tâm hồn. Trước khi bắt đầu thực hiện cuốn phim, Bergman viết một lá thư gởi đến các diễn viên và đội ngũ làm phim, nói cho họ biết nguyên do và tầm quan trọng của bộ phim đối với ông. Đây là một phần trích từ lá thư đó:

Faro, Thụy Điển 

Gởi đến các cộng sự thân mến của tôi:

Chúng ta đang cố gắng để thực hiện một bộ phim, về một người đang tìm cách tự vẫn. Thực sự, đó là vấn đề (“như thường lệ” tôi muốn nói như vậy!) với Sự sống, Tình yêu và Cái chết. Lý do là chẳng có cái gì thực sự quan trọng. Để mình phải bận lòng. Để nghĩ đến. Để lo âu. Để hạnh phúc. Và tiếp nữa…

Nếu có người thẳng thắn chân thành hỏi tôi về lý do tôi viết chuyện phim này, thì thành thật mà nói, tôi không có câu trả lời rõ ràng. Tôi nghĩ giờ đây, đôi lúc tôi sống với một nỗi khắc khoải không rõ nguyên do. Nó như chiếc răng sâu mà không có nha sĩ tận tâm nào tìm ra nguyên nhân bất ổn của sâu răng cũng như của toàn thể con người bệnh nhân. Sau khi đã thử gán cho tâm trạng  khắc khoải của tôi những cái tên khác nhau, mà càng lúc những cái tên này lại càng thiếu thỏa đáng, tôi đã quyết định bắt đầu nghiên cứu điều này một cách có phương pháp hơn.

Tiểu thuyết gia Richard Bach đã từng viết một truyện rất ngắn về một chú chim gọi là Mòng biển Jonathan Livingston. Quyển sách đã làm cho hàng triệu người rung động. Câu chuyện rất đơn giản: Jonathan là một con mòng biển không bằng lòng mình là mòng biển. Bị điều khiển bởi một thao thức không giải thích được và một khát khao tự do và siêu việt mà nó không thể hiếu thấu, Jonathan luôn luôn muốn bay cao hơn, nhanh hơn và xa hơn những gì mà nó hay bất cứ con mòng biển nào có thể làm được. Và mãnh lực đó trong nó luôn luôn mạnh mẽ. Nó không thể có được tâm trạng bình an lâu dài hay một chút ngơi nghỉ khi bị thúc đẩy triền miên, luôn luôn căng mình để vượt qua giới hạn chật hẹp mà nó cảm thấy trong chính con người nó.

Việc quyển sách này làm chấn động đại chúng là một minh chứng cho linh cảm nguyên thủy của Bach rằng có một thực chất tốt đẹp của Con mòng biển Jonathan Livingston trong mỗi chúng ta. Tất cả đều đồng hóa với Jonathan. Chúng ta là con mòng biển đó, thao thức và tham muốn vô cùng, bị điều khiển bởi một nỗi bất an nội tâm không ngừng, một thứ điều khiển mà chúng ta không bao giờ nhận rõ hay hiểu thấu. Luôn luôn ngày càng mạnh dần, nó thúc đẩy chúng ta bay nhanh hơn, đến nhiều nơi hơn, xuyên phá, vượt qua ranh giới ngột ngạt của nơi chốn và tình trạng đời sống trong thời gian và dòng lịch sử. Tâm trạng cô đơn của Jonathan là tâm trạng cô đơn của chúng ta; nói cụ thể, đó là tâm trạng thao thức.

Dạng cô đơn này không chỉ tác động nơi những người có vấn đề đặc biệt về quan hệ. Thực tế ngược lại, người ta càng “bình thường” và nhạy cảm, thì càng dễ chịu dạng cô đơn này. Ví dụ rõ ràng nơi các nghệ sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, triết gia, văn sĩ và những người sáng tạo nhạy cảm lừng danh thế giới, họ thường bị đau khổ vô cùng vì dạng cô đơn này.

Thật vậy, nhiều người nhạy cảm phải chịu đựng một điều có lẽ gọi cho đúng là “cô đơn tinh thần”. Đây là một dạng rất đặc biệt của thao thức. Vậy nó là gì?

Thật sự là, trong mỗi chúng ta, vượt ngoài những gì có thể định danh, ai cũng có một ký ức mơ hồ về một bàn tay nào đó dịu dàng hơn hẳn đã từng chạm đến và âu yếm chúng ta. Sự âu yếm đó đã để lại một ấn tích bất diệt, dấu vết tình yêu đó quá dịu dàng và tốt đẹp đến nỗi nó thành lăng kính để qua đó chúng ta nhìn tất cả mọi việc. Dấu tích này nằm ngoài ký ức có ý thức của chúng ta (vô thức), nhưng lại là điều thiết lập nên tâm điểm cho tâm hồn và linh hồn chúng ta.

Không dễ giải thích điều này mà không dính dáng đến tình cảm. Có lẽ những câu chuyện thần thoại và truyền thuyết xa xưa đã nắm được điều này khi nói rằng, trước khi sinh ra, mỗi một linh hồn được Thiên Chúa trao nụ hôn và rồi khi đi trên đường đời, trong những nẻo tối tăm, nó tưởng nhớ lại nụ hôn đó và định lượng hết thảy mọi thứ trải nghiệm bằng sự dịu ngọt khởi đầu đó. Chạm đến tâm hồn bạn là chạm đến nụ hôn khởi thủy đó, một nụ hôn quý giá và đầy ý nghĩa.

Chính xác là tôi đang muốn nói gì ở đây?

Bên trong mỗi chúng ta, ở nơi chốn mà tất cả những điều quý giá nhất khởi nguồn, có một ý thức nguyên khai về việc chúng ta đã từng được chạm đến, được âu yếm, được yêu thương và trân trọng cách tuyệt vời hơn hẳn bất cứ gì chúng ta đã trải nghiệm cách ý thức. Thật vậy, tất cả tốt lành, tình yêu, giá trị, và êm dịu chúng ta trải nghiệm trong cuộc đời này trở nên thật tầm thường vì chúng ta đã từng nếm biết một điều gì đó thâm sâu hơn. Khi chúng ta cảm nhận sự chán chường, giận dữ, bị phản bội, bị ngược đãi, bị gây hấn, thực sự là vì trải nghiệm bên ngoài của chúng ta quá khác biệt với điều chúng ta nắm giữ trân quý trong lòng.

Chúng ta tất thảy đều có nơi chốn đó, một nơi trong tâm hồn, nơi chúng ta nắm giữ tất cả những gì quý báu và thiêng liêng nhất đối với chúng ta. Từ nơi đó, những nụ hôn và cả những giọt lệ của chúng ta trào ra. Đó là nơi chúng ta canh chừng nhất, nhưng cũng là nơi chúng ta muốn người khác đi vào nhất; là nơi chúng ta đơn độc thâm sâu nhất và cũng là nơi của mật thiết; nơi tinh tuyền nhất và cũng là nơi chúng ta bị xâm phạm nhất; nơi của lòng thương cảm và cũng là nơi của thịnh nộ trong lòng. Trong nơi chốn đó, chúng ta là linh thánh. Ở đó chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa, thánh đường được hiến thánh cho chân lý và tình yêu. Và cũng ở đó, chúng ta mang lấy hình ảnh Thiên Chúa.

Nhưng phải hiểu thế này: Không được nghĩ hình ảnh Thiên Chúa trong chúng ta là một biểu tượng đẹp đẽ đóng dấu ấn bên trong tâm hồn. Không. Hình ảnh Thiên Chúa trong chúng ta là sinh lực, là hỏa khí, là ký ức, đặc biệt là ký ức về đụng chạm quá dịu dàng và yêu thương, sự tốt lành và chân lý trở nên nguồn sinh lực và là lăng kính qua đó chúng ta nhìn mọi vật. Do đó, chúng ta nhận ra sự tốt lành và chân lý bên ngoài chúng ta cách đúng đắn vì chúng ta đồng hưởng với một điều gì đó đã có sẵn trong lòng. Cái gì “chạm đến tâm hồn chúng ta” là khi nó chạm đến nơi này vì chúng ta đã sẵn sàng để được chạm, được âu yếm, vì thế chúng ta đi tìm tri kỷ, một ai đó kết hiệp với chúng ta ở nơi chốn dịu ngọt đó.

Và chúng ta định lượng tất cả mọi thứ trong cuộc đời bằng việc chúng chạm đến điều này. Vì sao một vài trải nghiệm chạm đến chúng ta quá sâu đậm? Quả tim chúng ta không bừng cháy với bất kỳ chân lý, tình yêu, tốt lành, hay dịu ngọt nào chân thật và sâu sắc hay sao? Không phải tất cả hiểu biết đơn giản là việc đánh thức một điều gì đó mà chúng ta đã biết hay sao? Không phải tất cả tình yêu đơn giản là tôn trọng một điều gì đó chúng ta đã từng là vậy hay sao? Có phải các quan hệ và dịu ngọt làm chúng ta mê ly chẳng có gì khác hơn là khuấy động một ký ức sâu xa không? Có phải các tư tưởng khơi lên niềm hy vọng chỉ là nhắc chúng ta nhớ những lời mà ai đó đã từng nói với chúng ta hay không? Có phải khát khao của chúng ta hướng đến sự trinh nguyên (có nghĩa là chưa bị tổn thương) là phản ánh một nơi căn bản không bị tổn thương thâm sâu trong chúng ta hay sao? Và khi chúng ta cảm thấy bị xâm phạm, thì có phải ai đó đã thâm nhập cách bất kính vào nơi chốn thiêng liêng trong chúng ta hay sao?

Khi chúng ta gắn kết ký ức này và tôn trọng tính nhạy cảm của nó thì chúng ta đang cảm nhận linh hồn của chính mình. Nhiều lúc, đức tin, hy vọng, và tình yêu sẽ tuôn chảy trong chúng ta và cả hoan lạc và nước mắt cũng sẽ tự nhiên trào dâng trong lòng. Sự nguyên trinh và vẻ đẹp trẻ thơ, nỗi đau và lòng tri ân sẽ thay nhau triền miên nhắm vào chúng ta và làm chúng ta quỵ gối. Đó là ý nghĩa của nơi chốn thâm sâu, muốn hồi tưởng, muốn nhớ lại từ nguyên khai, muốn cảm nhận ký ức về Thiên Chúa trong chúng ta. Ký ức đó vừa thổi bùng lên sinh lực vừa cho chúng ta lăng kính để qua đó chúng ta nhìn ra và nhận biết.

Và nó là trọng tâm thâm sâu chúng ta thường cảm nhận một mình trong tâm trạng dằn vặt. Đây là thao thức tinh thần vì chúng ta cảm nhận đơn độc trong linh hồn tinh thần, rằng nơi chốn trong chính chúng ta là nơi chúng ta cảm nhận mạnh mẽ nhất về sự đúng sai của mọi việc và là nơi mà mọi thứ ở đó đều quý báu để chúng ta chia sẻ, bảo vệ và cảm thấy bị xâm phạm khi nó bị công kích. Hiếm khi có một ai thâm nhập được vào đó. Tại sao? Bởi vì điều quý giá nhất trong lòng là điều dễ tổn thương nhất, và chúng ta, một cách đúng đắn, cẩn trọng vô cùng về người mà chúng ta chấp nhận cho họ bước vào nơi thiêng liêng đó.

Bởi vậy, chúng ta quá thường xuyên đơn độc trong nơi chốn đó. Một nỗi cô đơn mạnh mẽ kết quả là tâm trạng thao thức tinh thần. Còn hơn cả khao khát muốn có người phối ngẫu tính dục, chúng ta khát khao một tình ái tinh thần, một người đến viếng thăm ở chính nơi thâm sâu của chúng ta, nơi mà tất cả những gì ở đó đều quý báu nhất để chia sẻ và canh giữ. Khát khao thâm sâu nhất của chúng ta về người phối ngẫu về mặt tinh thần, một tinh thần thân thuộc, một tâm giao tri kỷ. Những tình bạn và những hôn phối tuyệt vời đều luôn luôn có nguồn cội nơi sự đồng cảm tinh thần sâu sắc này. Những người đang ở trong mối quan hệ đó là những “người yêu” trong ý niệm thực sự của nó bởi vì họ ngủ với nhau ở tầm mức sâu nhất, bất chấp họ có quan hệ tình dục với nhau hay không. Ở một mức độ cảm giác, dạng tình yêu này được trải nghiệm như “về tổ ấm”, như tìm được mái ấm. Đôi khi, không phải luôn luôn, nó được gắn liền với một tình yêu lãng mạn và một hấp lực tính dục. Dù vậy, luôn luôn có một ý niệm rằng, người kia là một tinh thần thân thuộc mà sự đồng điệu của họ với bạn được thiết lập trên việc họ và bạn cùng định lượng điều giá trị nhất giống nhau. Bạn cảm thấy mình bớt cô đơn hơn, bởi vì trong nơi mà bạn chia sẻ và canh giữ tất cả những gì là quý báu đối với bạn, bạn biết rằng bạn đã tìm thấy một người như mình. Cũng như Adam nhìn vào Eva, cuối cùng, bạn có thể nói lên rằng: “Cuối cùng, xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” Nhưng một tình yêu như vậy không dễ tìm thấy. Hầu hết chúng ta lang thang trên trái đất này và nhức nhối tâm can vì điều đó, thao thức thâm sâu và cô đơn tinh thần.

Từ tất cả những điều này, chúng ta thấy có một phân biệt giữa thao thức và xa lánh. Điều này sẽ rõ ràng hơn nếu chúng ta so sánh hai bức thư của hai học sinh mà tôi đã trích dẫn ở trên. Cả hai đều than phiền về tâm trạng cô đơn, nhưng giữa hai dạng cô đơn của họ, có một điều khác biệt biết bao! Trong trường hợp cậu bé viết thư cho thầy hiệu trưởng, anh than phiền mình không có bạn, không có mối quan hệ nào, và anh bị loại ra và cảm thấy bị người khác ruồng rẫy. Và đó gần như không phải là trường hợp của cô gái trẻ đã viết bức thư kia. Đó là một cô gái có tiếng, hấp dẫn, có bạn bè thân thiết và gia đình yêu thương. Chính cô công nhận “có gần như tất cả những thứ người khác muốn có” nhưng cô cũng tự nhận “vậy mà không đủ!” Cô vẫn cô đơn.

Khi xem xét những trường hợp này, điều quan trọng là phải phân biệt các dạng khác nhau của cô đơn. Chúng đều là những than trách về tâm trạng cô đơn, nhưng là những cô đơn khác nhau về nguyên do, và cũng có nghĩa là khác nhau về cách giải quyết. Tâm trạng cô đơn của anh chàng trên gợi lên sự thiếu vắng quan hệ thân thiết, còn cô gái thì không. Cô đơn của anh là một tình trạng không lành mạnh, của cô gái có thể là một xúc cảm  lành mạnh và có tính nhạy cảm; tâm trạng cô đơn của anh có thể giải quyết bằng cách tạo tình thân và hoạt động tích cực, còn cô gái để thoát khỏi cô đơn, chính là làm điều ngược lại, bớt đi những hoạt động bên ngoài và thực hiện một cuộc lữ hành nội tâm.

J.B. Thái Hòa dịch

Xin đọc thêm: Đưa vấn đề cô đơn vào trọng tâm thần học (1/7)

Cần có một định nghĩa về cô đơn (2/7)

Xa lánh: một dạng đặc thù của cô đơn (3/7)

Tâm trạng cô đơn: Mối nguy và cơ hội

Tâm trạng cô đơn và các vấn đề