Vì sao việc Đức Phanxicô tưởng niệm các nạn nhân của chế độ cộng sản Rumani là mốc quan trọng 

345

Vì sao việc Đức Phanxicô tưởng niệm các nạn nhân của chế độ cộng sản Rumani là mốc quan trọng

lefigaro.fr, Jérôme Besnard, 2019-05-31

Jérôme Besnard là ký giả của tuần báo Công giáo Pháp trong chuyến tông du của Đức Phanxicô

Ngày thứ sáu 31-5 Đức Phanxicô đến Rumani trong chuyến đi 3 ngày, điểm nổi bật trong ba ngày này là ngài sẽ phong chân phước cho bảy giám mục Hy Lạp-công giáo bị chế độ cộng sản sát hại. Ngày chúa nhật 2 tháng 6, Đức Phanxicô sẽ đến thăm Blaj, một thị trấn nhỏ có 20.000 người dân ở trung tâm Transylvania, cựu tỉnh bang của vương quốc Hungaria từ năm 1918. Năm 1737, Blaj trở thành thủ đô tinh thần của người Hy Lạp-công giáo ở Rumani. Sau thượng hội đồng Alba Iulia năm 1697, các tín hữu Đông phương vùng này trở về với Rôma, thừa nhận uy quyền của Rôma nhưng vẫn tiếp tục cử hành các nghi lễ phụng vụ byzantin của mình theo nghi thức Thánh Gioan Chrysostome bằng tiếng Rumani, còn những người công giáo Rumani khác theo nghi thức Rôma (thánh lễ được cử hành bằng tiếng Rumani, Hungari hoặc la-tinh).

Giống như các tín hữu Maronite hoặc Melkite, các linh mục công giáo-Hy Lạp có thể lập gia đình nhưng các giám mục thì không.

Năm 1948, chính quyền cộng sản Rumani đã cấm không cho người công giáo-Hy Lạp giữ đạo ở nước này, họ có khoảng 1,5 triệu tín hữu và bị hàng giáo sĩ chính thống giáo của tòa thượng phụ Bucharest tịch thu nhà thờ và các tài sản của họ. Cuộc đàn áp tiếp tục cho đến cuộc cách mạng Rumani tháng 12 năm 1989, đánh dấu sự trở lại tự do tôn giáo ở đất nước này.

Hiện nay Giáo hội công giáo-Hy Lạp Rumani vẫn chưa khôi phục lại tất cả các nhà thờ và tài sản của họ bị tịch thu vào năm 1948.

Trong thời kỳ cộng sản, một số giám mục công giáo Hy Lạp Rumani đã tử đạo trong các nhà tù cộng sản: Đức Giám mục Alexandru Rusu (1884-1963), Đức Hồng y Iuliu Hossu (1885-1970), Giám mục Ioan Balan (1880-1959), Giám mục Vasile Aftenie (1899-1950), Giám mục Ioan Suciu (1907-1953), Giám mục Valeriu Traian Frentiu (1875-1952) và Giám mục Tit Liviu Chinezu (1904-1955). Tất cả sẽ được Đức Phanxicô phong chân phước vào ngày chúa nhật 2 tháng 6 tại Blaj. Được đặt dưới quyền cai quản của Đức Hồng Y Lucian Muresan, đến nay Giáo hội công giáo-Hy Lạp Rumani vẫn chưa khôi phục lại tất cả các nhà thờ và tài sản của họ bị tịch thu vào năm 1948. Đối với nhiều nhà thần học chính thống, các kitô hữu “hợp nhất” này là một sai lầm của Lịch sử, một Giáo hội xuất phát từ một “hệ thống hợp nhất của quá khứ”, nói theo thuật ngữ được Ủy ban Đối thoại Thần học Quốc tế giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống dùng vào năm 1993. Cho đến nay, Đức Gioan-Phaolô II là giáo hoàng duy nhất đến thăm Rumani, chính xác là 20 năm trước, vào tháng 5 năm 1999, ngài được người công giáo và chính thống giáo nồng nhiệt chào đón, họ cùng hô lên “Hợp nhất!”  (Unitate).

Nhân vật chính yếu chính trị công giáo-Hy Lạp Rumani của thế kỷ XX là ông Iuliu Maniu (1873-1953), thủ tướng ba lần trong khoảng thời gian từ 1928 đến 1933 và là chủ tịch của Đảng Nông dân Quốc gia. Ông cũng bị chết trong nhà tù cộng sản. Cộng đồng Hy Lạp-Công giáo Rumani cũng bao gồm những người bất đồng chính kiến chống cộng quan trọng như nhà văn Dọna Cornea (1929-2018), người vẫn ở Rumani dù nguy hiểm cho tính mạng vì bà chống đối chế độ, hay nhà sử học Neagu Djuvara (1916-2018), buộc phải lưu vong ở Paris một thời gian, ông là người luôn chiến đấu quyết liệt chống chủ nghĩa cộng sản. Ở một đất nước mà Đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cầm quyền không cắt đứt với quá khứ cộng sản ba mươi năm sau cuộc cách mạng 1989 là mấy, việc phong chân phước các giám mục Công giáo Hy Lạp sẽ mang lại công lý cho vô số nạn nhân của chế độ toàn trị do Liên Xô áp đặt lên Rumani, ngay sau khi Thế chiến Thứ hai chấm dứt.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Đâu là các thách thức trong chuyến đi của Đức Phanxicô đến Rumani?  

Đức Phanxicô phong chân phước cho bảy giám mục tử đạo dưới chế độ cộng sản ở Rumani

 

Hình ảnh Đức Phanxicô tại Rumani 31-5-2019