Đức Phanxicô phong chân phước cho bảy giám mục tử đạo dưới chế độ cộng sản ở Rumani

535

Đức Phanxicô phong chân phước cho bảy giám mục tử đạo dưới chế độ cộng sản ở Rumani

Trong chuyến đi Rumani, ngày 2 tháng 6-2019 Đức Phanxicô sẽ phong chân phước cho bảy giám mục tử đạo dưới chế độ cộng sản ở Rumani.

famillechretienne.fr, Jean-Marie Dumont, Bucarest, 2019-05-29

Giám mục Mihai Fraţila, Giám mục công giáo Hy Lạp giáo phận Bucarest

Trong chuyến đi Rumani từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 2 tháng 6, Đức Phanxicô sẽ phong chân phước cho bảy giám mục tử đạo dưới chế độ cộng sản. Phỏng vấn Giám mục Mihai Fraţila, Giám mục công giáo Hy Lạp giáo phận Bucarest.

Ba mươi năm sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, xin cha cho biết ý nghĩa của việc phong chân phước này là gì?

Bảy giám mục mang toàn bộ lịch sử của Giáo hội Hy Lạp-Công giáo Rumani bị đau khổ vì tử đạo theo với họ (Giáo hội công giáo Hy Lạp-La Mã của Rumani ra đời vào cuối thế kỷ 17 từ sự kết hợp của một số tín hữu chính thống giáo Rumani với Tòa thánh. Năm 1948, Stalin đặt Giáo hội công giáo ra ngoài vòng pháp luật). Việc phong chân phước cho chúng tôi biết rằng, bình an của lương tâm và lòng trung thành với toàn bộ sự thật là con đường đúng đắn của Giáo hội. Đôi khi chúng ta nghe nói rằng, nếu các Giáo hội Đông Âu phải đau khổ rất nhiều dưới chế độ cộng sản là vì họ đã không biết đối thoại. Nhưng đó là một sự xúc phạm! Tại sao phải nói chuyện với ma quỷ và dẫn dắt một cuộc đối thoại không thể? Các giám mục này đã nhận được ân sủng để nhận ra não trạng của thần dữ, của các cạm bẫy, các dự án của họ. Họ nhắm vào đời sống của các giám mục để bức hại. Điều này thường xảy ra trong trận chiến thiêng liêng. Thần dữ luôn cay nghiệt đương đầu với những ai nhận ra nó và biết được âm mưu của nó. 

Làm thế nào cuộc sống gương mẫu của các giám mục này có thể giúp các tín hữu ngày nay?

Đối với Giáo hội, việc phong chân phước này không chỉ là đạt mục đích. Đó cũng là điểm khởi đầu, dấu chỉ của một con đường, con đường của Chúa, được tôn vinh bởi Thánh giá, cái chết và sự Phục sinh của Ngài. Do đó, chúng ta không thể để hình ảnh các giám mục này vào viện bảo tàng. Công việc vẫn chưa xong. Vì đi theo bước chân của Chúa Kitô luôn phải đương đầu với cuộc chiến. Chính Chúa Kitô đã nói: Ta đã thắng thế gian, nhưng các con còn nhiều việc phải làm.

Còn cha, cha có trải qua các cuộc khủng bố của chế độ cộng sản không?

Lòng nhân từ của Chúa cho chúng ta cùng ở trong một gia đình. Tôi được ơn ở trong gia đình các linh mục vẫn trung thành sau năm 1948. Năm 1948 là năm cộng sản thẳng thừng loại bỏ Giáo hội công giáo Hy Lạp ở Rumani. Bà ngoại tôi, con gái của một linh mục công giáo Hy Lạp (Giáo hội công giáo Hy Lạp cho phép đàn ông đã có vợ có thể được phong chức linh mục) đã nuôi dạy tôi trong đức tin. Tôi thực sự cảm thấy Chúa hiện diện trong đời sống của bà và của ông ngoại, trong niềm vui, nỗi buồn và trong hy vọng của họ. Qua tấm gương của ông bà ngoại tôi, tôi hiểu rằng thật vô ích khi cắt đức tin ra khỏi đời sống của mình.

Vào thời đó tín hữu có đi lễ được không?

Ở Transylvania, chúng tôi đi lễ ở nhà thờ công giáo theo nghi thức la-tinh. Giáo hội được chấp nhận nhưng chế độ kiểm soát. Và rất khó khăn, vì trong khu vực này, người công giáo theo nghi thức la-tinh là nhóm thiểu số người Hungari. Nhưng sau Công đồng, thánh lễ được dâng bằng tiếng bản địa lại là không phải tiếng mẹ đẻ của chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng muốn đến đó để hiệp thông với Giáo hội công giáo. Cuộc đàn áp lớn lao kéo dài đến năm 1964. Tất cả những ai gắn bó với Giáo hội công giáo Hy Lạp đều bị tù. Năm 1964, tất cả các tù nhân chính trị được thả ra. Sau đó vẫn còn giám sát. Bà tôi là người rất thận trọng. Khi ông tôi qua đời, một linh mục “chui” đến nhà dâng thánh lễ, bà tôi khi nào cũng đứng ở cửa sổ để canh chừng… Và chúng tôi không làm gì quá đáng vì chúng tôi không dám coi thường chế độ quân sự độc tài và vô thần. Bao nhiêu là đời sống đã bị tàn phá trong các điều kiện độc ác kinh khủng!

Có điều gì đánh động cha trong hình ảnh của các vị tử đạo giám mục này?

Có, nơi họ là cả một tinh thần đơn giản cao cả. Khi chủ nghĩa cộng sản đến, hầu hết người dân ở Rumani sống trong làng, tiếp xúc với thiên nhiên. Các giám mục đến từ vùng quê. Họ được nuôi dưỡng trong một nền văn hóa của hy sinh và sứ mạng, với ý tưởng làm việc để hướng dẫn người khác, chăm sóc đời sống thiêng liêng của giáo dân. Họ thực sự sẵn sàng nhận lấy thập giá của Chúa. Các tài liệu được tìm thấy trong văn khố Rôma – vì lý do phong chân phước cho các quốc gia Đông Âu, Đức Gioan-Phaolô II đã để cho các Giáo hội địa phương có thể tham khảo tài liệu lưu trữ – đã làm chứng cho tình trạng này. Đây là những người đã đặt sự hiện diện của Chúa lên hàng đầu trong cuộc sống của họ. Một trong các giám mục đã nói, đức tin của chúng tôi là cuộc sống của chúng tôi. Họ có thể lấy tất cả mọi thứ nhưng không lấy được đức tin của chúng tôi.

Bị tàn phá bởi chủ nghĩa cộng sản, Giáo hội công giáo Hy Lạp ở Rumani có sống lại ngày hôm nay không?

Giáo hội đã trở lại, nhưng vẫn dễ bị tổn thương trước quyền lực, chính quyền không quan tâm đến việc sửa chữa lại quá khứ. Nhưng chúng tôi không thể tuyên bố “nạn nhân đã tha thứ” mà bạo chúa gây tác hại không xem lại những gì họ đã làm. Hơn nữa, dưới chế độ cộng sản, người dân không được phát biểu tự do. Kết quả là khi chế độ sụp đổ, nhiều người đã không còn can đảm để tuyên bố mình theo truyền thống và đức tin công giáo Hy Lạp. Họ thích ở lại với chính thống giáo mà mấy chục năm trước họ đã bị buộc phải theo. Và bây giờ chúng tôi chứng kiến việc người Rumani ra  nước ngoài. Họ đi tìm công ăn việc làm mang lại cho họ phẩm giá, họ quá mệt mỏi với những chuyện ở đất nước mình mà từ bao nhiêu năm nay không có gì thay đổi.

Cần phải làm gì để công lý được thực hiện đối với các tội ác của chủ nghĩa cộng sản ở Rumani?

Đức Piô XII đã nói, công việc của công lý là mang lại hòa bình. Cố ý nhắm mắt không thể mang lại hòa bình. Chúng ta phải biết làm thế nào để chịu đựng những cay đắng và sự dè bỉu mà xã hội gây ra cho những người muốn giữ lòng trung thành, trong sự thanh thản. Nhưng chúng ta cũng phải tìm kiếm công lý. Năm 1948, ủy ban trung ương của Đảng Cộng sản đã thông qua một chiến lược nhằm  tiêu diệt Giáo hội chúng ta. Nếu chúng ta thực sự là kitô hữu, chúng ta đặt mọi việc lên bàn, và sau đó, một khi chúng ta đã nói về nó, chúng ta lật qua một trang khác và sống trong hiện tại. Sự phá hủy của Giáo hội công giáo Hy Lạp chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi sự kiện mà chủ nghĩa cộng sản đã phát động. Người dân, toàn bộ các gia đình đã bị phá hủy. Chúng tôi không quay về thời kỳ trước đây vì nó không còn. Khó khăn trong việc vượt lên di sản quá khứ này hiện diện ở các quốc gia Đông Âu khác. Chúng tôi không thể tiến hành tái thiết trung thực với những người gây tác hại.

Với tinh thần giữ đạo sốt sắng, đa số là tín hữu chính thống giáo, nước Rumani đôi khi được xem là nước kitô giáo đầu tiên ở châu Âu? Rumani sẽ vẫn như vậy không?

Đây là một trong những điểm mà chúng tôi là những người đầu tiên và thật là hạnh phúc. Chúng tôi đã chịu cuộc bức hại rất khắc nghiệt, với rất nhiều đau khổ. Nhưng ở phương Tây cũng có một cuộc đàn áp, thậm chí còn khủng khiếp hơn. Điều này đặt ra câu hỏi về ranh giới giữa thiện và ác, và lựa chọn chúng tôi phải đưa ra: chúng ta có phải là tín hữu kitô hay không? Nếu chúng ta ở trong màu xám có nghĩa là nửa sáng nửa tối thì cái ác trở thành tốt, cái thiện trở thành xấu, chúng ta không còn can đảm để khẳng định điều tốt, và chúng tôi cũng như quý vị! Và một cách nào đó quý vị cũng như chúng tôi. Điều cốt yếu là cuộc chiến thiêng liêng. Thần dữ đã tấn công vào các chủ đề mà nó biết Giáo hội sẽ không bao giờ từ bỏ di sản thiêng liêng của mình. Vì vậy, nó nhấn mạnh đến các điểm này để làm tử đạo. Nếu có những người hy sinh mạng sống của mình, Giáo hội sẽ phát triển gấp bội. Điều này ngụ ý, đời sống mang ý nghĩa của hy sinh, dấu hiệu của tình yêu đích thực.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Rumani: Chuyến đi của Đức Phanxicô khuyến khích chúng tôi đối thoại

“Sự tử đạo của Giáo hội Công giáo-Hy Lạp ở Rumani”