Lòng biết ơn là chìa khóa

500

Lòng biết ơn là chìa khóa

Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

Chúng ta sống trong đau khổ và chia rẻ. Trong thế giới, trong Giáo hội và ngay cả trong chính chúng ta, vẫn còn nhiều giận dữ, hận thù và cay đắng.

Dường như càng ngày chúng ta càng khó khăn chung sống hòa bình với nhau, ngồi yên với nhau, gần nhau và hưởng niềm vui giản dị của cuộc sống.

Xét cho cùng, dù trên thực tế chúng ta có tất cả điều kiện để hạnh phúc – bạn bè, sức khỏe, vật chất đầy đủ – chúng ta vẫn thấy giận dữ, ghen tương, chúng ta bị tổn thương. Ít khi chúng ta thấy hài lòng. Ít khi chúng ta thấy mình thoát ra khỏi sân hận: chúng ta cảm thấy mình bị coi thường, bỏ rơi. Rất ít khi chúng ta sống hòa hợp trọn vẹn với cuộc đời, với người khác.

Ngoài ra, chúng ta sống trong một thế giới xâu xé bởi những chia rẻ đau đớn. Một thế giới mà chính nó cũng bị tổn thương.

Nghèo đói, bất công xã hội, bất bình đẳng nam nữ, phân biệt chủng tộc, phá thai, lạm dụng tình dục, thanh niên có lối sống vị kỷ, lãnh đạo chính trị không đáng tin, hàng triệu người đang ở trong cái bẫy ích kỷ quá độ.

Là người lớn, chúng ta thật khó để sống yêu thương, thấu hiểu, hòa hợp với cuộc đời, với người khác. Chúng ta bị tổn thương, cả bên trong lẫn bên ngoài. Chúng ta bị cuốn theo giòng sân hận, cay đắng, khép mình và hoang tưởng. Đó là con đường đi đến hỏa ngục vì cay đắng là hỏa ngục.

Để không bị trượt dốc về những chuyện này, chúng ta cần hòa giải ở mọi cấp độ.

Hòa giải là gì? Đó là phải chấp nhận thực tế ở nhiều cấp độ khác nhau.

Ở đây tôi muốn nói về hòa giải như sự chữa lành cá nhân, cảm nhận mình liêm khiết, một cảm nhận có niềm vui tuổi thơ ấu.

Ở cấp độ này, hòa giải bao gồm nhiều yếu tố. Trước hết nó đòi hỏi mình thú nhận các tổn thương, các rối loạn tâm lý, cay đắng, ái kỷ, hẹp hòi của mình, cảm thấy mình không vui.

Cuộc chiến đấu để chữa lành cá nhân cũng như cuộc chiến của người muốn cai rượu, không hy vọng chữa lành khi họ chưa chấp nhận họ lệ thuộc và cần rượu. Không lành nếu không nhận mình có bệnh. Và chúng ta có bệnh: nóng gịân, hung hăng, cay đắng, ái kỷ, hoài nghi, thiếu óc hài hước, hoang tưởng, tội nghiệp mình, ghen tương, ủ rủ, buồn chán.

Căn nguyên của tổn thương này có nguồn gốc sâu thẳm trong quá khứ, xa hơn cả quá khứ chúng ta, ngược lên đến thời tiền sử của nhân loại. Chúng ta không phải chỉ được hình thành do một mắc xích tình yêu, chúng ta là phần tử trong mạch các mắc xích chứng rối loạn tâm căn và thương tổn có từ thuở tạo thiên lập địa.

Đôi khi chúng ta có thể biết chắc vài sự kiện, vài người nào đó làm chúng ta tổn thương sâu xa và trách cứ họ trách nhiệm cho phần lớn nỗi khổ của chúng ta. Tuy nhiên các sự kiện và các người này chính họ cũng có các sự kiện khác, các người khác đã làm tổn thương họ.

Có một tội nguyên thủy nào đó – và từ đó, cuộc đời không bao giờ được hài hòa.

Hòa giải bắt đầu khi chúng ta thật sự chấp nhận điều này. Chừng nào chúng ta còn tảng lờ nó thì đừng nói đến chữ hòa giải. Nhưng, khi chúng ta chấp nhận mình bị tổn thương, chúng ta mới đối diện được với khiếm khuyết, với thiếu sót, với nhu cầu thiết yếu cần phải có Chúa.

Khi đó, như cha Henri Nouwen nói, quả tim chúng ta mới “trở thành nơi chốn để nước mắt của Thiên Chúa và của con cái Chúa có thể hòa với nhau và trở thành nước mắt của hy vọng” (Love in a Fearful Land, 1986)

Bước đầu tiên để có hòa giải thật sự là nhận thấy trong nước mắt chúng ta có tổn thương, khiếm khuyết và tội lỗi. Chấp nhận nó là chết trong đau đớn và tái sinh trong hân hoan.

Tro tàn là phân bón tốt nhất. Nước mắt rửa sạch tội lỗi. Lòng chân thật khởi động cho sự trở lại.

Khi giọt nước mắt chân thật chảy ra, chúng ta muốn cầu nguyện, muốn tha thứ, muốn phục vụ, muốn xây dựng một thứ trật cho xã hội công chính, muốn sống đạo đức hơn, yêu thương bất chấp chua xót. Chính lúc đó là lúc dẫn chúng ta đến hòa giải và hân hoan.

Tại sao? Bởi vì đức chân thành thôi thúc làm cho chúng ta thấy tổn thương và khiếm khuyết của mình; lúc đó chính khiếm khuyết của chúng ta sẽ giúp chúng ta đối diện với Đấng Cứu Chuộc.

Trong cuộc gặp gỡ này, chúng ta học được rằng chúng ta là những người tội lỗi được yêu thương. Từ đó sinh ra lòng biết ơn. Tính thiêng liêng đích thật sẽ đi liền sau đó.

Nữ tiểu thuyết gia Iris Murdoch khẳng định nên thánh chẳng qua là được hâm nóng và tái sinh bởi lòng biết ơn.

Lòng biết ơn là chìa khóa. Chúng ta được chữa lành, chúng ta hòa giải với người khác theo chiều kích chúng ta được hâm nóng và tái sinh bởi lòng biết ơn.

Để giải thoát mình ra khỏi oán giận, cay đắng, ghen tương và hoang tưởng, cần một ngọn lửa thật mạnh. Chỉ có lòng biết ơn, xuất phát từ cảm nhận mình được yêu thương, dù mình bị tổn thương và tội lỗi, mới là ngọn lửa đủ mạnh để thiêu cháy tổn thương của cuộc đời này.

Từ đó mọi sự sẽ tuần tự mà đi. Một khi chúng ta được tái sinh nhờ lòng biết ơn, chúng ta sẽ tự động hướng đến đời sống cầu nguyện sâu đậm hơn, lòng thành rộng mở hơn, quả tim bao dung hơn.

Hòa giải bắt đầu khi chúng ta trực diện với với các xáo trộn. Lúc đó chúng ta đối diện với khiếm khuyết và nhu cầu thiết yếu cần có Chúa của chúng ta. Lời cầu nguyện sẽ bắt đầu, sẽ xuất phát từ đáy lòng chúng ta.

Bị lột trần ra, chúng ta ý thức mình là người tội lỗi được yêu thương, đoàn kết với những người tội lỗi được yêu thương khác như mình. Lòng biết ơn, hòa giải và chữa lành sẽ đi theo. 

Nguyễn Kim An dịch

Xin đọc thêm: Biểu lộ tấm lòng trìu mến