Christiane Rancé: “Chính các thánh đã vực Giáo hội dậy sau mỗi cơnkhủng hoảng”
lefigaro.fr, Paul Sugy, 2019-04-19
Bà Christiane Rancé, tiểu thuyết gia, nhà viết khảo luận. Tác phẩm Têrêxa Avila của bà được giải thưởng của Viện hàn lâm Pháp. Bà vừa xuất bản quyển Từ điển của những người yêu mến các thánh (Dictionnaire amoureux des saints, Plon, 2019).
Trong quyển “Từ điển của những người yêu mến các thánh”, tác giả đưa ra các thánh vĩ đại nhất của Giáo hội cũng như các văn sĩ đã say mê ghi lại đời sống và hy vọng của các thánh. Theo bà, nước Pháp cũng như Giáo hội nợ sự táo bạo và đức tin của họ rất nhiều.
Báo Le Figaro: Theo bà, trong suốt quá trình lịch sử của mình, Giáo hội đã phong thánh cho năm mươi ngàn người… Bà không thể làm quyển sách với năm mươi ngàn tiết mục. Làm thế nào để bà chọn các thánh của bà?
Christiane Rancé: Tiêu chuẩn chọn của tôi là đưa ra các hình ảnh nổi bật nhất, nhấn mạnh đến sự thánh thiện đã đi qua dòng xã hội. Có những thánh thông thái như thánh Paula, uyên bác mênh mông như thánh Jérôme de Stridon, Tôma Aquinô, các họa sĩ như Fra Angelico, các nhạc sĩ như Grégoire, các vua như vua Lu-i, các bà hoàng như Brigitte de Suède. Người nghèo như Benoỵt-Joseph Labre hay người lính dũng cảm như Maurice. Đó là không kể đến các văn sĩ, thi sĩ tài ba đã giúp chúng ta nhìn được đỉnh cao của nghệ thuật, triết lý, siêu hình, thi tứ như Thánh Gioan thánh giá; các nhà kiến trúc thần nghiệm như Bernard de Clairvaux. Tôi muốn nhắc lại, ngay cả ngày hôm nay, chúng ta nợ họ rất nhiều về tấm gương tình yêu dâng hiến trọn vẹn cho người anh em và cho toàn bộ tạo dựng. Và họ vẫn còn tiếp tục giúp chúng ta lớn lên biết chừng nào. Không những thế họ luôn còn sống, không phải qua các bức tượng thạch cao cất trong phòng thánh, nhưng qua các người cùng đi chung đường, qua bao nhiêu thế kỷ đã dám đứng lên, nhân danh tình yêu để chống sự dữ, để nói lên sự dữ, mà mỗi người nói lên trong thời của mình: chiến tranh, bất công, ích kỷ, tham lam hay kênh kiệu, như thử họ bảo chúng ta phải tiếp tục làm như vậy. Trong số các thánh này, tôi giữ lại các thánh đã đặc biệt làm tôi giao động, và tôi kể lý do tại sao với một ý tưởng trong đầu: những gì giúp tôi sống có thể giúp độc giả của tôi sống.
Đời của Thánh Phaolô đầy cả những chuyện phiêu lưu và các hành động can đảm, còn Thánh Têrêxa thì chết trong tu viện khi chỉ mới hai mươi bốn tuổi… Theo bà, sự khác biệt vô cùng này có ý nghĩa gì trong đời sống và trong công việc của các thánh?
Họ hướng các nỗ lực của mình về Cái Đẹp, đó là trải nghiệm triệt để nhất của Chân Lý.
Nó nhấn mạnh đến sự tự do mà mỗi thánh đã thể hiện bằng cách có một sáng kiến mới về hình thức của tình yêu, trong diện đối diện của họ với Chúa. Bởi vì họ không bao giờ hoài nghi về Chúa, các thánh không nghi ngờ gì: mỗi con người đều xứng đáng được yêu thương, hoặc thế giới xứng đáng được cứu. Để làm điều này, mỗi người đi một con đường duy nhất. Một con đường đặc biệt riêng của họ, để đi vào trong sự mật thiết với Chúa Kitô, thể hiện không những qua gương mẫu của mình mà còn qua lời kêu gọi xây dựng Nước Trời ở đây và bây giờ, để đi đến với Chúa Cha tốt hơn. Vì thế có những người cầu nguyện cho tất cả mọi người trong sa mạc khô cằn. Có những người băng bó vết thương cho người bệnh dịch hạch, có người xoa dịu nỗi bất hạnh của người khác. Có người bảo vệ những người yếu đuối nhất. Có người cho tất cả. Có người loan báo Tin Mừng mỗi khi thế giới muốn quên nó đi… Và còn tất cả những người khác.
Cuối cùng, tất cả “thánh” của bà không phải là thánh tất cả! Có Saint-Exupéry chỉ có “thánh” qua tên họ gia đình và Chateaubriand hay Gustave Thibon không phải là người được phong thánh: vì sao có tên họ (và những người khác) trong quyển tự điển này?
Tất cả những người ông vừa nêu ra đều có một điểm chung: họ đi tìm kiếm một sự hoán cải sâu đậm. Tất cả đều tìm cách chiếm hữu, như Arthur Rimbaud nói, “sự thật trong tâm hồn và thể xác.” Họ hướng các nỗ lực của mình về Cái Đẹp, đó là trải nghiệm triệt để nhất về Chân Lý. Vì đây là quyển Từ điển của những người yêu mến các thánh, nên cần phải đưa ra các chứng nhân này của truyền thống chúng ta, mà sự thánh thiện được truyền cảm hứng, được nuôi dưỡng, và làm hoán đổi. Đến lượt họ, họ có thể đưa chúng ta quay về từ đầu đến cuối, qua tài năng xuất chúng của họ đã biết đặt các chữ vào đúng chỗ đòi hỏi nhất của siêu việt. Vì thế làm sao mà không thể nắm bắt được, chẳng hạn như nhà văn Cioran khi ông tuyên bố “thánh thiện là một khoa học chính xác”? Chúng ta là những người dò dẫm mỗi ngày, làm thế nào mà không khao khát được cuốn hút bởi khoa toán học của tâm hồn này? Các con đường của Chúa thì không xuyên thủng được, nhưng ai biết được những lời này lại đã không quyết định hoặc sẽ quyết định ơn gọi của một vị thánh?
Bà có trích Thibon, chính xác ông viết “các thánh yêu giống như họ thở. Tình yêu là điều cần thiết của họ”: như thế tình yêu là bí mật duy nhất của các thánh?
Tình yêu là đương nhiên, nhưng kết hợp với điện thế cao nhất, đó là đức tin nồng cháy nhất ở Chúa và ở con người. Và Hy vọng, đức tính thiết thân của Charles Péguy, qua đó đời sống, cái chết, chứng tá của họ được duy trì. Thánh là người muốn cứu tâm hồn mình khi cứu tâm hồn của những người đương thời, thanh tẩy bằng trọn con người mình, bằng sự thật họ mang trong đời sống của mình.
Thánh Irénée, Thánh Geneviève, Thánh Giăng Đắc hay Thánh Lu-i… Một số vị thánh của bà đã trở thành biểu tượng kitô giáo của nước Pháp: cách đây vài ngày, mái nhà của Nhà thờ Đức Bà đã bay theo mây khói, bây giờ bà có thể nói các Thánh là hòn đá sống của Giáo hội Pháp được nữa không?
Nước Pháp nợ các vị thánh về các phát minh không ngừng để tái tạo mối dây xã hội và từ đó là các thể chế đẹp nhất của chúng ta.
Đương nhiên! Không có gì là táo bạo khi khẳng định chuyện này! Từ Thánh
Geneviève, người đối đầu với kẻ xâm lược để Paris và nước Pháp không nhường bước trước bạo lực dã man hay dị giáo, đến Thánh Martin de Tours, người khởi xướng truyền thống bác ái đầy lòng thương cảm với người khốn cùng nhất, đến Thánh Lu-i người tiêu biểu cho tiên đề, Niềm vui của ông hoàng có thể làm cho dân mình hạnh phúc bằng cách mang lại công chính cho họ, và dĩ nhiên làm sao quên được Thánh Vinh Sơn Phaolô, cha xứ Ars. Nhưng như thế thì sẽ không công bằng khi giới hạn định nghĩa hòn đá sống chỉ dành riêng cho Giáo hội. Họ cũng là người Pháp. Các thánh luôn có phần gắn kết với lịch sử chúng ta và vào thời của họ, và như thế cho đến ngày nay. Chúng ta nghĩ đến Linh mục Christian de Chergé hay Cha Hamel. Sự thánh thiện của họ toát ra một mong chờ rộng lớn được lấp đầy bởi chính cuộc sống của họ. Nước Pháp nợ các vị thánh về các phát minh không ngừng để tái tạo mối dây xã hội và từ đó là các thể chế đẹp nhất của chúng ta. Ai, hơn họ và trước họ, đã bảo vệ tự do cho mỗi con người, sự bình đẳng của tất cả mọi người trước mặt Chúa, và tình huynh đệ mà họ hiện thân trong tinh thần của đức ái hoàn hảo nhất.
Bà đã gặp hai vị thánh trong đời mình (có thể nhiều hơn nhưng chúng ta chưa biết!): khi họ được phong thánh, các thánh được thể hiện qua vầng hào quang biểu tượng của kitô giáo. Thánh Gioan-Phaolô II và Mẹ Têrêxa trong cuộc đời trần thế của họ đã có một cái gì cao cả nhất, sâu đậm nhất báo trước cho hào quang này không?
Đặc sủng nổi bật của họ. Trọn con người của họ là đời sống nội tâm, một tình yêu thấy rõ, một lòng thương xót và đồng thời một nỗi đau không kể xiết đứng trước nỗi khổ của người khác. Sức mạnh của chính con người họ, sự hiện diện của họ kêu gọi một sự hiện diện cao hơn, và sự hiện diện cao hơn này mời gọi mình tin với họ, nếu mình không tìm được sức mạnh để theo họ trên con đường thánh thiện này. Tôi đã gặp Mẹ Têrêxa và Thánh Gioan-Phaolô II ở Rôma. Tôi đã thấy họ cầu nguyện. Tôi cảm thấy đức tin của họ lan tỏa ra trong tôi. Và tôi không phải là người duy nhất có cảm nhận này. Sự lan tỏa của họ tác động trên tất cả mọi người. Cuối cùng, cũng như các thánh, họ truyền cho tôi một niềm Hy vọng cực mạnh và một lòng tin nơi con người. Họ không tìm cách hoán cải, họ là sự hoán cải, đó chính là dấu hiệu của thánh thiện, là cốt tủy của hào quang.
Chưa bao giờ thế giới của chúng ta chìm trong màn đêm như bây giờ.
Vào lúc mà thông điệp của Giáo hội càng ngày càng ít thu hút các quốc gia hậu-kitô, chứng từ của các thánh có phải là một trong các sức mạnh lớn nhất cho hoạt động tông đồ của Giáo hội không?
Tôi không hình dung có một cái gì tốt hơn với điều kiện là phải đưa các thánh lên đàng trước và cùng với họ là lời nói thánh thiện của họ. Không bao giờ khờ khạo, không thấp bé, không màu mè. Không mơ hồ. Sự thật trong sự huy hoàng rực rở của nó. Hơn nữa, chính các vị thánh luôn cứu Giáo hội trong các cơn khủng hoảng nguy biến nhất – Giáo hội đã biết điều này qua bao nhiêu thế kỷ! Và sự thánh thiện cứu Giáo hội nhiều hơn là chính Giáo hội tự cứu mình. Chưa bao giờ thế giới của chúng ta chìm trong màn đêm như bây giờ. Với thế kỷ 20, chúng ta nghĩ là mình đã đến đỉnh cao kinh hoàng. Nhưng thật quá kinh ngạc tưởng như không phải, vậy mà thế kỷ 21 đã mang mầm mống sự dữ còn lớn hơn, vì các phương tiện kỹ thuật chưa từng có, và một chủ nghĩa hư vô thảm hại tự hào về chính mình. Ngày nay sự luân phiên quá đơn giản: hoặc thánh thiện sẽ lại trở thành chuyện quan trọng, hoặc chiến tranh của mọi người chống mọi người sẽ dẫn đến thất bại chung. Theo một nghĩa nào đó, Chúa Giêsu đã không nói thêm một điều gì khác, và vì không biết nắm giữ lời Ngài mà sự dữ sẽ đến. Không có thánh thiện thì thế giới không biến đổi! Còn về việc các quốc gia chúng ta là những quốc gia hậu-kitô giáo thì cho tôi được phép nghi ngờ điều này. Người ta bám riết bắt chúng ta phải tin điều này, họ muốn ước mong của một vài người sẽ là sự thật cho tất cả mọi người. Các giọt nước mắt, các lời cầu nguyện, cảm nhận sầu não khi Nhà thờ Đức Bà bốc cháy đã cho thấy sự mâu thuẫn không thể chối cãi cho lời khẳng định trên; và cho thấy nhu cầu thánh thiện không thể dập tắt được của chúng ta.
Chúng tôi không thể chấm dứt cuộc phỏng vấn mà không hỏi bà ai là vị thánh “yêu quý” trong số các thánh này…
Bắt chước Thánh Têrêxa tôi sẽ trả lời: tôi chọn tất cả. Nhưng tôi thú nhận, tôi tôn kính Thánh Gioan Thánh giá nhất. Tông đồ thi ca của Chúa, của tha thứ. Tôi không bao giờ quên câu này của Thánh Gioan Thánh giá: “Vào cuối đời chúng ta, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu”.
Marta An Nguyễn dịch
Khung kính các thánh ở Nhà thờ Saint-Denis, Pháp