Marco Politi: “Đức Phanxicô chắc chắn sẽ thận trọng hơn”

366

Marco Politi: “Đức Phanxicô chắc chắn sẽ thận trọng hơn”

cath.ch, Martin Spilker, 2019-03-27

Nhà vatican học người Ý Marco Politi tham dự một buổi hội thảo ở trường Đại học Lucerne, Thụy Sĩ, ngày 20 tháng 3-2019 | © Roberto Conciatori

Nhà vatican học người Ý Marco Politi là người tham khảo kỹ ba giáo hoàng gần đây, ông đã viết vài tác phẩm về các ngài. Là quan sát viên tinh tế Giáo triều, ông mô tả một bầu khí không phải lúc nào cũng có hòa khí huynh đệ.

Quyển sách “Phanxicô giữa đàn sói” đã được xuất bản năm 2014. Từ đó Đức Phanxicô đã thuần hóa được các con chó sói chưa?

Marco Politi: Hoàn toàn không phải vậy! Tựa quyển sách nhắc đến truyền thuyết Thánh Phanxicô Axixi, theo đó một con chó sói trung thành đưa chân cho ngài. Ở Giáo triều thì ngược lại: sự chống đối cải cách của Đức Phanxicô rất mạnh. Có một quá trình muốn gạt ngài ra bên lề.

Ông dùng chữ mạnh…

Chắc chắn. Điều này đã bắt đầu với một loạt sách về Thượng hội đồng về gia đình. Rồi có bốn hồng y đã chỉ trích ngài trên phương diện thần học. Và trong một lần tuyên bố, các đoạn trong Tông huấn Niềm vui Yêu thương bị cho là dị giáo.

“Phanxicô không xuất thân từ một môi trường chủ yếu là công giáo”

Ông đã bao giờ có kinh nghiệm của một tiến trình như vậy ở Vatican chưa?

Hung hăng như thế thì chưa. Nhà sử học của Giáo hội Ý Andrea Riccardi đã nói, trong vòng 100 năm qua, chưa bao giờ có quá nhiều phản đối như vậy đối với một giáo hoàng. Và đó là từ các giám mục, hàng giáo sĩ và giáo dân. 

Ông giải thích điều này như thế nào?

Đức Phanxicô muốn có một sự thay đổi tận căn. Ngài không muốn có một Giáo hội như một chế độ quân chủ, nhưng là một cộng đoàn. Theo ngài, Giáo hội không nên còn quá giáo điều. Giáo hội phải là nơi mà tín hữu làm chứng cho đức bác ái. 

Cũng có những chủ đề mà Đức Phanxicô tỏ thái độ một cách dứt khoát. Vì thế ngài không tham gia thảo luận về chức tư tế của phụ nữ.

Đó là sự thật. Nhưng ngài là giáo hoàng đầu tiên nói về chức phó tế của phụ nữ. Một ủy ban đã thảo tài liệu về vấn đề này, nhưng chưa được công bố. Chúng ta có thể thấy Đức Phanxicô đã cẩn thận đến như thế nào để không tạo ra quá nhiều chia rẽ trong Giáo hội.

Ngài không dám đơn thuần đặt các chuyện này lên bàn thảo luận?

Ngài chắc chắn phải cẩn thận hơn.

Trong quyển sách của ông, ông nhắc đến nguồn gốc của giáo hoàng: người Nam Mỹ, ở đô thị Buenos Aires khi ngài làm Tổng Giám mục. Điều này có giải thích các thái độ khác nhau ở Vatican không?

Ở Nam Mỹ cũng như ở Âu châu, có các giám mục rất bảo thủ, có người rất cẩn thận, có người rất dấn thân về mặt xã hội. Nhưng yếu tố chắc chắn đã hun đúc con người của ngài, ngài và hoạt động của ngài, đó là kinh nghiệm sống trong một thành phố đa nguyên. Đức Phanxicô không xuất thân từ một nền tảng chủ yếu là công giáo như Đức Bênêđictô XVI ở thành phố Bavière, Đức Gioan-Phaolô II ở Ba Lan và các giáo hoàng tiền nhiệm khác ở Ý.

“Giáo hoàng không có quyền năng tuyệt đối và ngài đụng phải kháng cự lớn” 

Điều này mang đến khác biệt nào?

Ở Buenos Aires có người do thái, người hồi giáo, người tin lành, người tam điểm, người thuộc phái hiện xuống. Vì thế ngài rành về một xã hội đa nguyên và thế tục hóa. Với ngài, một người không-tin không phải là người đó thiếu một cái gì. Một trong các đặc điểm của ngài là ngài có lòng tôn trọng rất cao với những người có suy nghĩ khác mình.

Thượng hội đồng về Amazzonia sẽ diễn ra vào mùa thu. Có thể là sau đó sẽ có các quy tắc khác nhau áp dụng trên Giáo hội công giáo trên các châu lục khác nhau không?

Một ý tưởng cơ bản có ngay từ đầu giáo triều của Đức Phanxicô là mọi thứ không nên được quyết định từ trung tâm. Ngài đã bắt đầu tiến trình phân cấp. Bây giờ các linh mục, giám mục có thể đưa ra quyết định mà quyết định này trước đây ở một cấp cao hơn. Đó là các giai đoạn tiến đến việc phân cấp.

Ở thượng hội đồng về Amazzonia, chắc chắn vấn đề này sẽ được nêu lên vì thiếu linh mục rất nhiều, bổ nhiệm các linh mục không độc thân ở những vùng đặc biệt. Giáo hoàng đã đề nghị chuyện này ở các cộng đoàn xa xôi hẻo lánh vùng Amazzonia. 

Hệ quả sẽ như thế nào?

Đây sẽ là một bước tiến lớn đi đến đàng trước! Bởi vì nhanh chóng sẽ có các tiếng nói khác lên tiếng để đòi hỏi cùng một chuyện như vậy: Ở Bắc Mỹ, một số người cũng có thể nói, trong “rừng” của các thành phố lớn cũng rất thiếu linh mục vậy.

Trong lòng Giáo hội, đây sẽ là một tiến bộ rất lớn. Nhưng dường như nó bị nhận chìm trong các tranh luận hiện nay về các vụ lạm dụng tình dục.

Giáo hội bị thách thức bởi các vụ lạm dụng, ngay từ đầu, Đức Phanxicô đã nói rõ không khoan nhượng. Kết quả là một số giáo sĩ ở cấp cao đã bị loại. Nhưng sự kháng cự thầm lặng và phá hoại trong Giáo hội toàn cầu đã liên tục làm cản trở chiến lược này của giáo hoàng. 

“Đức Phanxicô rất cương nghị và quyết tâm”

Điều này xảy ra như thế nào?

Một tòa án nội bộ ở Vatican đã được thành lập để xử các vụ lạm dụng. Nhưng nó chưa bao giờ tiến hành. Các đường lối hướng dẫn để tiếp xúc với các nạn nhân đã được phát triển. Nhưng cho đến bây giờ đa số các Hội đồng Giám mục chưa làm gì! Các Giáo hội địa phương rất sợ quá nhiều trường hợp sẽ bị tiết lộ. 

Đức Phanxicô bây giờ đã 82 tuổi. Chúng ta có thể mong chờ gì ở ngài?

Đức Phanxicô rất cương nghị và quyết tâm. Nhưng như ông đã thấy – về các vụ lạm dụng chẳng hạn – đã có những điều xảy ra cho các đường lối hướng dẫn của ngài ở cấp Giáo hội địa phương. Nếu, trong năm sắp tới, một hệ thống thích ứng và phòng ngừa, như ở khu vực nói tiếng Đức và tiếng anglo-saxon được lên chương trình hành động, thì chúng ta có thể nói: đó là một thành công!

Tuy nhiên, nếu công việc này kéo dài và những vụ tai tiếng mới làm chia rẽ dư luận quần chúng thì chúng ta cũng phải ghi nhận, giáo hoàng không có quyền năng tuyệt đối và ngài đụng phải kháng cự lớn. 

Nhưng nhiều người đặt hy vọng rất lớn ở ngài. Vậy còn thiếu gì?

Chúng ta ghi nhận có một khác biệt với thời gian sau Công đồng Vatican II. Lúc đó có một nhu cầu khẩn cấp phải cải tổ trong giáo dân. Sau đó các giám mục, các hồng y, các nhà thần học, các nhóm làm việc và các cộng đoàn tín hữu tất cả đều mạnh mẽ dấn thân.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin mời quý độc giả đọc một số chương trong quyển sách “Phanxicô giữa đàn sói” của tác giả Marco Politi

Đức Phanxicô là mục tiêu của các vận động chính trị 

Đức Phanxicô: Cách mạng ở Vatican

Giáo hoàng núp giữa lòng giáo dân, tránh xa đàn sói của Giáo triều 

Mùi của đàn chiên 

Khuôn mặt của linh mục