Wendy Beckett – RIP

255

Wendy Beckett – RIP

Ronald Rolheiser, 2019-01-14

Đừng cộng đồng nào làm hỏng các tang lễ của mình. Nhà nhân chủng học Mircea Eliade đã nói điều này, và nó đúng với các cộng đồng ở mọi cấp độ. Không một gia đình nào nên tiễn đưa một thành viên của mình mà không có những tưởng niệm, nghi lễ và chúc lành cho đàng hoàng.

Vào ngày 26-12-2018, gia đình nghệ thuật và gia đình đức tin đã mất đi một thành viên yêu dấu. Xơ Wendy Beckett, thọ 88 tuổi, nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng, một người dấn thân vì đức tin, và một người bạn sinh nhiều ích lợi cho nhiều người. Từ năm 1970, xơ Wendy đã sống khổ hạnh và khiết tịnh trong một tu viện dòng Carmel ở Anh quốc, mỗi ngày xơ cầu nguyện nhiều giờ, dịch các tập sách đạo nhỏ, và đi lễ hàng ngày.

Sau khi chọn lối sống này, xơ bắt đầu nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật, viết bài cho các tạp chí và xuất bản hơn 30 quyển sách về nghệ thuật. Năm 1991, xơ có lên một phim tài liệu ngắn của BBC và ngay lập tức thu hút đông đảo khán giả. Xơ sớm có một chương trình riêng trên BBC, chương trình Sister Wendy’s Odyssey, nổi tiếng đến mức có giai đoạn thu hút một phần tư khán giả xem truyền hình của Anh quốc.

Bất kỳ ai đã xem các chương trình của xơ đều sẽ bị lôi cuốn ngay bởi ba điều. Niềm vui vô cùng khi xơ thảo luận về một tác phẩm nghệ thuật, khả năng diễn giải rõ ràng với ngôn ngữ đơn giản về ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật, và sự trân trọng của xơ đối với những tác phẩm nhục dục và cơ thể trần trụi của con người, một điều có thể là sự trân trọng có hại cho một người khấn khiết tịnh như xơ.

Tất cả các phẩm chất này, niềm vui, ngôn ngữ đơn giản, và khả năng ngưỡng mộ đơn thuần cơ thể con người, đã khiến khán giả say mê xơ, nhưng cũng khiến xơ chịu nhiều chỉ trích. Họ chế giễu sự giản dị trong ngôn ngữ của xơ, chỉ trích xơ không có tính phê bình nghệ thuật, và nói rằng vì xơ là một người khấn khiết tịnh nên không thoải mái khi bàn luận về các tác phẩm nhục dục và cơ thể con người. Họ thấy thật khó để chấp nhận việc một phụ nữ sùng đạo, một người khấn khiết tịnh, mặc áo dòng, với cặp kính dày cộm và hàm răng thô, lại có thể thoải mái như thế với chuyện nhục dục. Robert Hughes của tờ Time, từng chế giễu xơ là “giả vờ khổ hạnh liến thoắng liên hồi với hàm răng không lẫn vào đâu được” cùng những lời bình luận “chỉ thu hút được khán giả 15 tuổi.” Germaine Greer còn xem thường khả năng mô tả nghệ thuật gợi tình của xơ, với lý lẽ rằng xơ là một người khấn khiết tịnh.

Xơ Wendy hầu như chỉ cười trước những chỉ trích đó, và xơ trả lời như thế này: “Tôi không phải nhà phê bình, tôi chỉ là một người biết trân trọng.” Về sự thoải mái trước các tác phẩm nhục dục và cơ thể nude, xơ nói rằng không phải vì xơ khấn đời khiết tịnh mà xơ không thể cảm kích về nhục dục, tính dục và vẻ đẹp của cơ thể con người.

Dĩ nhiên có những cách khác nhau để cảm nhận cơ thể nude, và với xơ Wendy là sự trân trọng không tô vẽ. Một cơ thể không có áo quần có thể được xem là “khỏa thân” hay “trần truồng”. Nghệ thuật cao đẹp dùng từ “khỏa thân” để tôn vinh cơ thể con người (như là một trong những kỳ công đẹp nhất của Thiên Chúa), còn ngành khiêu dâm thì lại dùng từ “trần truồng” để trục lợi từ cơ thể con người.

Xơ Wendy cũng không biện hộ gì về việc đời sống khiết tịnh của xơ không buộc xơ phải bỏ đi sự trân trong đối với nghệ thuật gợi tình. Xơ đã đúng. Chúng ta đã dựng lên một quan niệm có hại và sai lầm rằng những người độc thân khiết tịnh phải như những đứa trẻ, phải được bảo vệ khỏi những thứ gợi tình, và từ đó dù đáng ra họ là những bác sĩ tâm hồn nhưng họ vẫn phải được cách ly khỏi những xung lực và bí mật của tâm hồn. Xơ Wendy không chấp nhận thế. Cả chúng ta cũng không nên chấp nhận. Khiết tịnh không phải là ngu ngơ không biết gì.

Tôi xin tiết lộ mình có liên hệ thân thiết với xơ Wendy. Nhiều năm trước, khi tôi còn trẻ và vẫn đang là một ngòi bút thiêng liêng non nớt, xơ đã gửi cho tôi một bức chụp lại tác phẩm Eros trứ danh của Paul Klee, với cỡ lớn và lồng trong khung rất đẹp. Trong 29 năm qua, bức tranh này được treo sau máy tính của tôi, đễ mỗi khi tôi viết, nó sẽ giúp tôi nhận ra rằng chính màu sắc, ánh sáng và sinh lực của Thiên Chúa truyền cho ta khao khát gợi tình đó.

Năm 1993, khi thăm tu viện xơ Wendy từng sống, tôi đã có cơ hội đi ăn với xơ. Người phục vụ lập tức rụt lại khi thấy bộ áo dòng. Với chút lưỡng lự, ông rụt rè hỏi, “Xơ à, tôi đem nước lên cho xơ nhé?” Xơ nở nụ cười trứ danh của mình và nói. “Không, nước là để rửa tay. Đem cho tôi ít rượu nhé?” Người phục vụ thở phào, và vui vẻ nói chuyện đùa với xơ trong khi phục vụ bữa ăn cho chúng tôi.

Và xơ Wendy là thế, một người mà nhiều người xem là bất thường, một người khấn khiết tịnh thảo luận về tình ái, một nữ tu khổ hạnh nhưng là nhà phê bình nghệ thuật, một người phụ nữ thông tuệ hàn lâm dẹp tan những chỉ trích bằng sự mộc mạc của mình. Nhưng như mọi bộ óc kiệt xuất, phải có sự nhất quán phi thường ở một mức độ thâm sâu hơn, và đó chính là nơi mà sự phê bình và trân trọng hòa làm một.

 

J.B. Thái Hòa dịch