Leopold, một con cá voi ngoài đường

132

Leopold, một con cá voi ngoài đường

Trích sách Chúa ở trọn tâm hồn, René-Luc, nxb. Presses de la renaissance

Tôi thường được yêu cầu để nói về nhiệm vụ của tất cả những người đã được rửa tội. Đây là chủ đề ngày càng được tín hữu kitô quan tâm đến. Trong một thời gian dài chúng ta hiểu sứ vụ trước hết như men trong bột. Đây chắc chắn là điều chủ yếu. Nhưng thật ra chúng ta phải làm chứng qua đời của mình, qua lời của mình, điều này buộc chúng ta phải làm chứng công khai, nếu không, men của tín hữu có nguy cơ bị chôn vùi đến không thể làm ra bột. Và chúng ta thấy càng ngày đức tin càng thuộc vào lãnh vực riêng tư. Chúng ta không còn dám mang thánh giá hoặc làm dấu thánh giá. Và khi có dịp phải lên tiếng, phải làm chứng công khai đức tin của mình thì chúng ta lại bị mắc kẹt: sợ bị cho là chiêu dụ, sợ bị cho là không tôn trọng tự do của người khác, tôi đã đụng đến hai hoặc ba chuyện này. Nhưng nói về Chúa không chạm đến tự do của người khác, vì khi người tín hữu chia sẻ đức tin của mình, “họ đề nghị, họ không áp đặt… họ ngừng trước bàn thờ của lương tâm1”, như Đức Gioan-Phaolô II đã từng nói.

Nhưng tại sao lại đề nghị đức tin? Tại sao không chỉ sống trong góc của mình? Có phải đó là cách hay nhất để tôn trọng người khác không? Câu trả lời đầu tiên cho câu hỏi này là của Chúa Giêsu: chính Ngài xin chúng ta hãy là chứng nhân! Câu trả lời thứ nhì là thuộc về người nghe mình. Nếu tôi xác tín khi con người mở ra chiều kích thiêng liêng, họ sẽ người hơn, họ tìm được trọn phẩm giá của mình, khi đó tôi sẽ không ngần ngại nói với họ về Chúa, đó là bổn phận của tôi đối với Ngài. Câu trả lời thứ ba thuộc về người nói. Đức Gioan-Phaolô II đã nói sứ vụ là vấn đề của đức tin, “đó là thước đo đức tin của chúng ta2”: khi đức tin của chúng ta mạnh, nó tỏa sáng, nó truyền đạt. Khi đức tin chúng ta yếu, nó tự giam chặt lại. Tất cả chúng ta đều biết có ba loại viêm gan: viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C. Và có một loại viêm gan khác: viêm gan siêu vi Đ, viêm khủng hoảng đức tin! Các dấu hiệu có thể thấy: da xanh xao, khuôn mặt buồn, một kiểu mệt mỏi, một đức tin theo thói quen… Rất nhiều tín hữu bị loại viêm gan Đ! Phải làm một cái gì để khôi phục lại sức khỏe thiêng liêng. Và để làm chuyện này thì không có gì tốt hơn là tham dự vào công việc truyền giáo, vì chúng ta sẽ không bao giờ lặp lại cho đủ, “một đức tin được vững mạnh khi mình cho đi5.” Và khi người tín hữu đi gặp người khác, khi họ dám nhảy qua bức tường, thì họ sẽ nhận ra, đa phần có sự mong chờ nơi người nghe. Rất nhiều người khát được nghe Lời Chúa! Còn đối với ai không khát thì mình không nài nỉ, mình cầu nguyện cho họ.

Tôi đã tham dự nhiều lần hoặc đi giảng trong các sứ vụ. Tôi đặc biệt nhớ sứ vụ ở Sanary tháng 5 năm 2003 do bạn Richard Borgman phụ trách. Bạn Richard là một nhà truyền giáo ngoại hạng, anh làm tôi nghĩ đến cối xay gió: khi Chúa Thánh Thần thổi vào anh, đôi cánh của anh quay nhanh đến mức chúng tôi bị hút như hạt gạo bị hút vào cối xay. Niềm đam mê của anh truyền qua chúng tôi qua nhiệt huyết truyền giáo của anh, đổ nhiên liệu vào cối xay để chúng tôi nhận được sức thổi của Thần Khí.

Sau thời gian rao giảng của anh Richard, Đức Giám mục Dominique Rey, giáo phận Toulon chúc lành cho chúng tôi và gọi chúng tôi đi giảng từng hai người một như thời Chúa Giêsu. Anh Olivier Bonnassie, người cha gia đình muốn đi với tôi. Anh là người thành lập tổ chức quốc tế Maria Nadarét và đây là lần đầu tiên anh sẽ nói về Chúa ngoài đường. Các buổi gặp chúng tôi tổ chức diễn ra tốt đẹp. Mọi người cởi mở và đón nhận. Trên đường về có một người đàn ông kêu chúng tôi lại:

– Ê, cha là cha xứ hả! Đến đây một chút xem nào!

Tôi quay lại. Người đàn ông ngoài năm mươi, tóc dài xuống vai ra dáng nghệ sĩ. Bên cạnh ông là người bạn đồng hành trẻ hơn. Người Ba Lan tóc vàng cắt cụt.

– Ê, bạn là cha xứ hả, đến đây nào!

Người đàn ông này cho tôi có cảm tưởng ông hơi quá chén. Nhưng đây là dịp nói về Chúa mà. Tôi đến gần ông và thấy mình đoán không sai. Ông bắt đầu xả xú báp về chuyện các cha xứ, dĩ nhiên là không hay ho gì. Tôi chịu trận. Đó là nghề của tôi. Tuy nhiên tôi ráng nâng cao câu chuyện lên một chút. Dần dần tôi tạo được bầu khí tin tưởng và cảm thấy cuộc trò chuyện sẽ biến đổi, thế mới biết mình phải luôn kiên nhẫn. Ông tên là Léopold và sáng nay ông vừa mất một người rất thân. Ông buồn. Tôi đề nghị cùng cầu nguyện với ông nhưng ông tránh. Tôi trở lại với công việc của mình. Có phải ông kêu tôi lại vì tôi là cha xứ đó sao?

– Bạn chắc là bạn không muốn tôi cầu nguyện cho bạn?

– Không, ông trả lời cụt ngủn. Chính tôi mới là người cầu nguyện cho cha!

Bây giờ đến lượt tôi ngạc nhiên, Léopold đứng giữa hai chúng tôi, ông đặt tay trên vai mỗi người và cầu nguyện:

– Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết con là người khốn khổ. Nhưng con cầu nguyện cho hai tên này, cho họ có can đảm đi ra ngoài đường để nói chuyện với người dân, đó là những tên tốt, xin Chúa nhớ đến họ, amen.

Đến đây thì tôi cứng họng. Ông này hẳn đã lui tới tham dự nhóm cầu nguyện nhiều lần mới cầu nguyện như vậy. Cảm động, tôi ôm ông trong tay và nồng hậu quàng vai ông, nói lời cám ơn tận đáy lòng tôi. Ông không chờ được như vậy, bây giờ đến lượt ông xúc động. Ông lùi lại một mét, đặt hai tay ông trên vai tôi duỗi ra:

Ông nhìn vào mắt tôi! Ngạc nhiên, tôi nhìn ông.

– Cha là cha xứ?

– Đúng.

– Vậy cha giải tội cho tôi được không?

– Được chứ.

– Vậy cha giải tội cho tôi bây giờ!

Chúng tôi lùi xa một chút và ông quỳ xuống giữa bãi đậu xe. Tôi quỳ bên cạnh ông. Xe hơi chạy qua bên phải bên trái.

– Cha có tin chắc Chúa sẽ tha tội cho tôi không?

– Chắc chứ. Tôi, với tư cách là một người, dĩ nhiên tôi không có một quyền lực gì, nhưng là linh mục tôi có thể thay mặt Chúa Giêsu để tha tội cho ông. Ngài đã nói trong Tin Mừng: “Tất cả những gì anh em tháo cởi dưới đất thì trên trời cũng tháo cởi như vậy.”

Léopold xưng tội. Hôm đó tôi không câu được con cá thường mà câu được con cá voi. Sau khi tôi ban phép xá giải, ông thở phào nhẹ nhõm. Ông muốn tôi ở lại tiếp tục nói chuyện nhưng tôi phải đi thi hành sứ vụ khác). Tôi từ giã ông, lòng xúc động.

Tôi nghĩ câu chuyện kết thúc ở đó nhưng nó lại tiếp tục một cách bất ngờ. Tháng 12 năm 2003. Chúng tôi cũng đi truyền giáo như vậy ở Avignon. Đức Giám mục Jean-Pierre Cattenoz cũng xuống đường, ngài khuyến khích các linh mục có mặt cùng đi theo ngài.

Trên đường về, một cô gái trẻ trong nhóm truyền giáo đến gặp tôi:

– René-Luc, may quá gặp cha, chúng tôi vừa gặp một ông ở ngoài đường, ông muốn xưng tội, cha giải tội được chứ?

– Được chứ, ông ấy ở đâu?

– Ở kia kià.

Theo tay cô chỉ, tôi thấy một người đàn ông ở gần bàn thờ. Chính là Léopold! Đúng rồi, tôi biết ông. Tôi quá ngạc nhiên. Chúng tôi cách nhau ba trăm cây số, tám tháng từ ngày gặp lần đầu, chúng tôi chỉ gặp nhau một giờ ở ngoài đường và bây giờ ông ở đây! Khi tôi đang suy nghĩ như vậy thì một linh mục khác đến gần ông và giải tội cho ông. Sau đó, cô gái đến gặp tôi, cô không biết chuyện gì trước đây, cô nói với tôi:

– René-Luc, cha biết không, người đàn ông tôi gặp ngoài đường, ông ấy đã xưng tội, cha biết ông đó là ai không?

– Có, tôi biết chứ.

– Đúng là chuyện lạ lùng khi chúng tôi gặp ông ấy. Ông nói cách đây mấy tháng ông có xưng tội nhưng ông không chắc được Chúa tha tội. Nhưng bây giờ thì ông chắc, ông yên tâm.

Tôi không nói gì về cuộc gặp của tôi với Leopold mấy tháng trước đây.

– Đúng là chuyện lạ lùng. Chúng ta có thể nói Chúa có nhiều ý tưởng nối tiếp nhau trong đầu!…

1,2,3: Thông Điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Chuộc, Redemptoris Missio

Marta An Nguyễn dịch