Rôma: Mẹ Têrêxa và Đức Gioan-Phaolô II

585

Rôma: Mẹ Têrêxa và Đức Gioan-Phaolô II

 

Trích sách Chúa ở trọn tâm hồn, René-Luc, nxb. Presses de la renaissance

Sau kinh nghiệm Phi châu, tôi về Rôma năm 1990 để học ba năm thần học ở Giáo hoàng Học viện Đa Minh Angelicum. Đây là đại học mà Đức Gioan-Phaolô II đã làm luận án tiến sĩ về Thánh Gioan Thánh giá. Giáo sư dạy tiếng Ý. Tôi học rất nhanh ngôn ngữ này, theo tôi đây là ngôn ngữ bắt buộc của Giáo hội ngày nay. Trong các buổi lễ ở Vatican, dù là buổi tiếp kiến bình thường hay lễ phong thánh, bầu chọn giáo hoàng, thì tất cả các bài diễn văn đều bằng tiếng Ý. Và qua tiếng Ý, chúng ta sẽ hiểu và đọc tiếng la-tinh dễ hơn, và đương nhiên là thuận lợi cho các nghi thức phụng vụ. Bây giờ hẳn bà giáo sư la-tinh của tôi sẽ hãnh diện về tôi…

Rôma là trung tâm của Giáo hội. Không nói đến việc đào tạo ở Rôma, chắc chắn là có tiêu chuẩn cao, nhưng sống ở Rôma là một kinh nghiệm phong phú về mặt văn hóa. Ở đây chúng tôi gặp tất cả các sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới, tầm nhìn của chúng tôi được mở rộng. Và ở ngoài đường, nếu mình có mặc áo biểu lộ tính cách tôn giáo như mặc cổ côn la-tinh thì cũng chẳng ai để ý. Linh mục ở đây là một phần cảnh trí quen thuộc nhằm tô điểm cho thành phố Rôma. Vì vậy sống ở đây thoải mái, mình không bị xem là người từ sao hỏa đến.

Linh mục Jacques-Philippe, bề trên chủng viện chúng tôi ở Rôma, có nhiều mối dây liên hệ với các tín hữu ở phía bên kia bức màn sắt trong thời cộng sản. Dù bức tường đã bị sập, linh mục vẫn còn nhận nhiều lời kêu cứu. Khi cha hỏi tôi có thể làm gì cho các anh em ở các nước Đông-Âu, tôi đề nghị tổ chức các đoàn công-voa nhân đạo trong kỳ nghỉ hè của tôi. Và tôi có người bạn Ý có trường dạy lái xe. Thế là tôi có được bằng lái xe tải và từ đó là các loại xe khác: xe buýt, xe vận tải nặng, xe mô-tô… và mọi chi phí thì anh chịu. Đổi lại, anh xin tôi đem anh theo trong các chuyến phiêu lưu đến các nước Đông Âu này.

Và thế là tôi tổ chức quyên góp thực phẩm trong các giáo xứ. Tôi may mắn nói được bốn thứ tiếng, Anh, Pháp, Đức, Ý, nên đây là một lợi thế khi qua các biên giới. Tháng tư năm 1992 chúng tôi đi Budapest, Hungaria, tháng 9 chúng tôi đi Mostar trong thời chiến tranh ở Bosnie-Herzégovina, tháng 4 năm 1993, chúng tôi đi Trakai, Lituani và tháng 7 chúng tôi đi Issia, Rumania. Chuyến đi nhân đạo cuối cùng của chúng tôi ở các nước Đông Âu là vào  tháng 1 năm 1995, đoàn công-voa đem thuốc men đến cho một bệnh viện ở Maxcơva. Đó là những chuyến đi dài, mệt mỏi, cảm động nhưng chúng tôi được đền bù khi thấy được niềm vui của giữa người đang chờ chúng tôi. Thật khó để bây giờ có thể hình dung các nước ở chế độ cộng sản hồi đó thiếu thốn mọi thứ đến như thế nào.

Tôi đặc biệt nhận ra thảm kịch này của chế độ cộng sản khi đến Kazakhstan vào tháng 8 năm  2005. Họ mời tôi đến giảng ở liên hoan quốc gia người trẻ, đa số các bạn trẻ không đi dự Ngày Thế giới Trẻ tổ chức ở Cologne, nước Đức. Gần địa điểm liên hoan có những tòa nhà khổng lồ bị đổ nát. Bên cạnh là nghĩa địa mênh mông nơi chứa các máy móc dụng cụ nông nghiệp. Đó là những gì còn sót lại của nông trường tập thể, các nông trại to lớn của chế độ cộng sản mà nông dân buộc phải làm việc ở đó. Họ không thể đi qua làng bên cạnh mà không có giấy phép. Tất cả chế độ cưỡng bức tập thể này vẫn còn cho đến các năm 1990. Bây giờ nông dân quay về nông trại riêng của họ, các nông trường tập thể chỉ còn là tàn tích đổ nát. Tàn tích hiện đại của thế kỷ 20, một phông trang trí đau buồn kiểu phim Mad Max. Hay “Max khùng khùng”. Đó là sản phẩm của ý thức hệ không có Chúa. Và để nói Marx khẳng định tôn giáo là “thuốc phiện của dân chúng”, một cái gì con người phịa ra để khắc phục các khó khăn của mình. Và để nói Marx muốn làm cho con người được tự do. Nhưng Chúa đã thật sự in khắc trong tâm trí con người đến mức mà các xã hội vô thần này không làm gì khác hơn là trở thành các xã hội toàn trị. Vì khi chúng ta mất ý nghĩa về Chúa, thì chúng ta mất ý nghĩa về con người.

Nhưng chúng ta hãy quay về Rôma. Trong năm thứ ba đời chủng sinh của tôi, mùa xuân năm 1993 tôi đã có một cuộc gặp gỡ thật cảm động.

Ở đại học Angelicum có các sinh viên thuộc dòng Huynh đệ do Mẹ Têrêxa thành lập. Tôi nói với bạn trong nhóm, tôi mong được gặp mẹ một lần trong đời. Và dĩ nhiên tôi vui không thể tả khi nghe mẹ sẽ đến dự một thánh lễ ở khu phố nghèo vùng ngoại vi Rôma!

Mẹ Têrêxa sốt sắng dự thánh lễ. Và mẹ đơn sơ nói chuyện với chúng tôi. Mẹ nói từ quả tim. Sau thánh lễ, tất cả mọi người hiện diện đến nói chuyện với mẹ và đưa ý chỉ cầu nguyện của họ cho mẹ. Có rất nhiều người đến mức các quý vị đàn ông phải làm hàng rào an ninh để đưa mẹ ra xe. Tôi xúc động nhìn cảnh này, nhưng tôi cũng hơi thất vọng. Tôi muốn đến chào mẹ nhưng không thể được. Bỗng nhiên, tôi thấy có ai nắm cánh tay tôi, tôi quay lại, đó là anh bạn chủng sinh, người mời tôi đến đây.

– Bạn làm gì ở đây, bạn không muốn gặp mẹ à?

– Tôi muốn gặp chứ, nhưng đông như vậy làm sao tôi gặp được.

– Đi theo tôi, vừa nói anh vừa kéo tay tôi đi.

Anh kéo tôi đi len giữa đám đông. Tôi ngạc nhiên khi thấy đám đông tránh ra để anh đi. Trong vài giây tôi đứng trước mặt Mẹ Têrêxa.

Mẹ ngồi trong xe, người mảnh khảnh, cửa xe kéo xuống. Đôi mắt nhỏ bé của mẹ long lanh làm sáng lên khuôn mặt nhăn nheo tươi cười mà toàn thế giới đều biết đến. Mắt mẹ nhìn thẳng mắt tôi như thể tôi là người duy nhất trên đời. Tôi ấp a ấp úng:

–  Mother, give me your blessing! Mẹ, xin mẹ chúc lành cho con!

Đó là các bạn trong dòng Huynh đệ của mẹ bày cho tôi nói.

Khi đó mẹ đưa hai tay lên mặt tôi, ôm má tôi và lướt hai tay xuống chầm chậm như người mẹ âu yếm con mình. Bàn tay của mẹ dịu dàng không thể tả, dịu dàng của lòng thương xót. Đôi mắt của mẹ gắn chặt vào mắt tôi. Thời gian như ngừng trôi.

Và tôi nghe đôi môi mẹ thì thầm với tôi:

–  All for Jesus through Mary!

Câu nói quen thuộc của giáo hoàng rất yêu quý, “tất cả cho Chúa Giêsu qua Mẹ Maria”, Totus Tuus!

Khi tôi định thần thì xe mẹ đã đi xa. Dù sao tôi đã gặp Mẹ Têrêxa trong thoáng chốc duy nhất này, giây phút cực mạnh của đời tôi. Tôi giữ trong ký ức hình ảnh khuôn mặt của mẹ, nhăn nheo qua nụ cười và qua lời cầu nguyện. Bao nhiêu người lo lắng khi thấy nếp nhăn trên mặt của mình. Nhưng nếu các nếp nhăn do một đời mỉm cười và chiêm niệm thì cũng nên tự hào về các nếp nhăn này. Mẹ Têrêxa là hình mẫu của nét đẹp, là “người mẫu của tình yêu”.

Một người khác cũng tác động đến tôi trong thời gian ở Rôma, chắc chắn đó là Đức Gioan-Phaolô II. Vào Tuần Thánh năm 1993, tôi được đơn ca ở Đền thờ Thánh Phêrô, dù tôi hát nhạc blue dễ dàng hơn là hát nhạc grê-gô-riêng. Và ban tổ chức cho tôi biết, tôi sẽ không có dịp được đến gần Đức Giáo hoàng vì ngài luôn chào các ca sĩ từ phòng thánh. Trong lần tập với ca trưởng, tôi hát phần đơn ca của mình rất đúng.

Và bây giờ là Thứ Sáu Tuần Thánh. Đến lượt tôi. Tôi lên bục giảng của Đền thờ Thánh Phêrô. Đức Giáo hoàng ở ngay trước mặt tôi nhưng khá xa. Tôi hơi e ngại, nhưng tôi bắt ngay vào và hát bằng tiếng la-tinh: In manus tuas Domine, commendo spiritum meum (Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con»). Cho đến khi đó thì mọi sự xảy ra tốt đẹp, nhưng ngày hôm sau lại là một chuyện khác.

Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, ngày canh thức Phục Sinh, Đức Giáo hoàng ở gần bục hơn, chỉ cách vài mét. Thêm nữa, Đền thờ Thánh Phêrô chật ních, cũng có khoảng cả hai mươi ngàn người. Tôi ấn tượng bởi số người đông đảo như vậy. Tôi phải đơn ca phần điệp khúc Chúa Sống Lại và ca đoàn lặp lại với đám đông. Và bây giờ mới có chuyện. Tôi lầm âm điệu của điệp khúc. Và mọi người lặp lại y hệt âm điệu tôi hát, trong khi ca đoàn hợp xướng đứng bên kia hát đúng điệp khúc đã được dự trù. Một hỗn hợp nghịch âm không có gì là tiếng hát thiên cung. Không giao động, tôi tiếp tục và càng lúc càng trật đường rầy, nhưng tôi làm ra vẻ mình làm chủ tình hình, tôi dốc hết tâm trí vào đó. Người lãnh đạo hợp xướng điên lên vì tôi! Ông liếc tôi một cái nhìn như dao cắt, nhưng nó chẳng thấm gì khi tôi về ghế ngồi. Tôi đã làm hết sức mình. Sau buổi lễ những chuyện này trở thành xa lắc xa lơ vì Đức Thánh Cha đến chào từng người một chúng tôi.

– Trọng kính Đức Thánh Cha, xin cha ban phép lành cho con, tháng sau con sẽ được phong chức phó tế.

Và cha ban phép lành cho tôi! Ôi, thật là một cảm xúc tuyệt vời, được ngài ban phép lành lại thêm một lần nữa, phép lành mà tôi quá mong đợi.

Nếu tôi có thêm chút giờ, tôi sẽ nói với ngài, phép lành này là phép lành kéo dài ngài đã ban cho tôi mười một năm trước đây ở quảng trường Thánh Phêrô khi tôi hét lên xin ngài cầu nguyện cho các người trẻ có ơn gọi linh mục. Chúa thật trung thành!

 

*  *  *

 

Thời gian đào tạo ở Rôma rồi cũng kết thúc, tôi được điểm cao môn thần học.

Tất cả là chuyện của động lực. Các bề trên đề nghị tôi tiếp tục học để có bằng về linh đạo ở viện Teresianum nổi tiếng sau các viện của dòng Đa Minh, dòng Camêlô. Tôi rất thích viễn cảnh này, nhưng mặt khác tôi mong rời thế giới sách vở để đi vào phục vụ.

Cuối cùng tôi được về Pháp để sống một năm làm phó tế ở giáo phận Nîmes, giáo phận gốc của tôi.

Marta An Nguyễn dịch