Máu của Liban

174

Máu của Liban

Trích sách Chúa ở trọn tâm hồn, René-Luc, nxb. Presses de la renaissance

Kỳ tựu trường lớp đệ nhị, tôi lại thay đổi hướng. Cộng đoàn mở một ngôi nhà gần Saint-Malo và nhờ tôi tham dự vào hiệp hội này. Vì thế tôi học lớp đệ nhị, đệ nhất ở trường Notre Dame de Victoire ở Dinan. Tôi ở nội trú nhà từ thiện Cực Thánh, như thế tôi lại càng củng cố các mối dây quan hệ với gia đình Marthe Robin.

Linh mục Daniel-Ange thường hay gọi tôi đi làm chứng trong các buổi họp do thầy tổ chức cho các bạn trẻ. Đặc biệt tôi nhớ một cuộc họp cuối tuần tháng 12 năm 1982 ở Paris, cuộc họp này do một cặp trẻ Alex và Maud vừa đính hôn tổ chức. Chủ đề là: “Ước mong tuổi trẻ của bạn là Ánh sáng!”. Khi đó trường rao giảng Phúc Âm “Tuổi trẻ Ánh sáng” chưa được thành lập, trường thành lập vào năm 1984 nhưng hạt giống của trường đã được gieo đây đó.

Tháng 12 năm 1983, linh mục Daniel-Ange đề nghị tôi theo cha trong một sứ mạng ở Liban. Từ tám năm nay, đất nước này chìm đắm trong chiến tranh. Một cuộc chiến phức tạp với nhiều thảm kịch trộn lẫn cùng một lúc, người tị nạn Palestina ở Liban, ảnh hưởng của Syria một bên, bên kia là Israel chi phối chính trị. Đất nước ngày xưa là biểu tượng cuộc sống hài hòa giữa tín hữu hồi giáo và kitô giáo thì bây giờ lại bị chia rẽ vì các cuộc chạm trán dữ dội giữa dân quân hai bên.

Mục đích chuyến đi của chúng tôi là mang lại cho tín hữu kitô ở Liban một chút can đảm, nhất là các bạn trẻ, để họ cảm nhận có sự cảm thông giữa các tín hữu kitô với nhau. Một sứ mạng thật nguy hiểm. Tôi mười bảy tuổi và học lớp đệ nhất. Nhà trường cho phép tôi vắng mặt hai tuần để đi.

Trước khi đi Liban, chúng tôi dừng lại Rôma để nhận phép lành của Đức Thánh Cha. Chúng tôi được may mắn ngồi hàng đầu. Đây là lần thứ nhì tôi được thấy Đức Gioan-Phaolô II gần, tôi rất xúc động. Đức Gioan-Phaolô II chăm chú nghe chúng tôi. Ngài nhìn tôi và cầm tay tôi. Rồi ngài đứng giữa hai chúng tôi, đặt tay lên vai mỗi người. Ngài ban phép lành cho chúng tôi. Tôi nhắm mắt lại.

 

Chúng tôi đi máy bay đến Chypre, rồi chúng tôi đi tàu thủy ban đêm đến Beirut vì phi trường đã bị dội bom. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đến gần bờ Liban. Tôi lên boong tàu. Ánh sáng ban mai dịu nhẹ. Liban đang giữa mùa đông, mặt trời chiếu trên vùng biển Địa Trung Hải như một ưu đãi cho vùng này. Đàng xa là các tòa nhà của thành phố  Beirut dựng lên như niềm tự hào của một sự thành công.

Tất cả có vẻ như yên tĩnh, nhưng càng đến gần chúng tôi càng thấy thực tế đau buồn. Các tòa nhà gần như bị phá hủy hoàn toàn, lỗ chỗ các vết bom thay thế cửa sổ. Chúng tôi không hiểu vì sao nó còn đứng vững.

Đây là lần đầu tiên tôi thấy chiến tranh trước mặt. Thấy chiến tranh trên truyền hình là một chuyện, thấy chiến tranh trước mặt là một chuyện khác. Lòng tôi thắt lại. Tôi quá e ngại.

Cha Daniel-Ange đến gần tôi. Chúng tôi sắp xuống tàu thì nghe các hành khách nói với nhau, họ thấy đàng xa hai máy bay Israel. Tôi cũng thấy. Tất cả xảy ra rất nhanh. Một trong hai chiếc trúng đạn biến mất đàng sau núi. Sau đó chúng tôi biết, khi phi công nhảy dù ra khỏi máy bay, ông bị bắn chết trước khi rơi xuống đất. Như thế lại tốt cho ông vì tôi đã thấy các hình ảnh của một phi công bị kéo đàng sau một chiếc xe chạy trên đường phố, họ nói với tôi ông còn đang sống… Làm sao con người lại hung ác với nhau như thế?

Khi xuống tàu chúng tôi được một nhóm nhỏ bạn đón. Linh mục Daniel-Ange đã từng đến đây trước, cha được tín hữu kitô ở Liban biết đến và họ rất mến cha. Chúng tôi lên xe. Tôi mở to mắt nhìn. Bỗng chốc tôi chìm trong sự kinh hoàng của chiến tranh. Thủ đô Beirut là một đống gạch vụn. Xác xe bị đốt cháy ở khắp nơi. Đá vụn được trút nhanh lên vỉa hè. Trước các tòa nhà là các bao cát chất đầy tầng trệt và lối vào nơi trú ẩn. Để đi đến chỗ này chỗ kia trong thành phố phải băng qua các hàng rào chặn. Một số do quân đội canh giữ, một số khác do dân quân. Nếu bạn là tín hữu kitô và bạn đến rào chắn do lực lượng dân quân kitô người Liban kiểm soát thì bạn được yên tâm hơn. Nhưng nếu bạn đến rào cản do lực lượng hồi giáo kiểm soát thì sẽ có căng thẳng, dù mình không có gì bất hợp pháp. Tất cả, hồi giáo hay kitô giáo đều võ trang đến tận xương tủy, khuôn mặt sợ hãi, sợ hãi và đầy hận thù…

Chúng tôi đi chầm chậm từ hàng rào chắn này qua hàng rào chắn kia. Trên mặt đất, các người lính đặt các lốp xe làm mốc chắn để chặn ai cố vượt qua. Từ khi có các cuộc tấn công-tự sát, họ còn đặt thêm các khối bê-tông rất nặng ở các đoạn đường chiến lược, vì quân khủng bố không ngần ngại lao các chiếc xe đầy chất nổ đến. Lốp xe bị thủng, các viên đạn không thể nào chận đứng đường đi của tử thần. Bây giờ xe cộ buộc phải len qua các rào cản, không còn cách nào để chặn rào cản.

Trong các dòng xe đang chờ, đôi khi có xe tăng hay xe có súng liên thanh. Ở đây các chiếc xe này cũng là những chiếc xe bình thường như bao xe khác. Các chất nổ giết người là một phần của cuộc sống.

– Đúng là xứ sở giết người! linh mục Daniel-Ange nói với tôi.

Nét mặt cha mang nỗi thương xót cho một dân tộc tử đạo vì đức tin.

– Bây giờ chúng ta đi đến chỗ hẹn, cha nói tiếp.

Ở đây chúng tôi sẽ gặp các bạn trẻ trong các trường học hay trong nhà thờ, trong phòng học. Khi tôi nói các nỗi khổ của tôi trước các bạn trẻ Liban, tôi cảm thấy hơi xấu hổ khi so sánh cuộc đời mình với những gì các bạn ở đây sống mỗi ngày. Nhưng tôi biết, câu chuyện của tôi đánh động các bạn trẻ vì họ thấy tác động của Chúa có thể giúp chúng ta đi ra khỏi cảnh đen tối, giúp chúng ta thấy được ánh sáng. Mỗi lần vậy, các bạn đến cám ơn tôi và nói họ rất xúc động khi thấy chúng tôi ở đây. Tôi nghĩ đó là điều đánh động họ nhất, sự việc chúng tôi đến với họ trong hoàn cảnh chiến tranh là chỉ để nâng đỡ họ.

Một ngày nọ tôi phải đến với linh mục Daniel-Ange, cha đang ở với nhóm cầu nguyện ở phía bên kia thành phố. Cha Pierre Aguila, một linh mục trẻ cùng hợp tác trong chương trình đề nghị chở tôi đi. Lúc đó, còi hụ báo động vang lên, báo cho dân chúng biết sắp có pháo kích, còi hụ reo inh ỏi. Phải xuống hầm núp. Pierre nói với tôi:

– Lên xe nhanh, chúng mình đi!

– Nhưng làm sao đi, còi hụ báo động sắp có pháo kích!

– Chính vì vậy mà phải đi, bạn sẽ thấy rất lạ lùng! Khi có còi hụ là khi không có ai ngoài đường, không có rào chặn, thành phố vắng vẻ mình có thể chạy nhanh. Như vậy mình sẽ đến trước giờ cầu nguyện.

– Nhưng.. còn pháo kích?

– Nếu mình còn sợ vài quả đạn súng cối thì sẽ không bao giờ dứt! Cứ tin tôi đi, đi nhanh, mình đi!

Pierre lái như bay qua các đường phố hoang vắng. Tiếng còi hụ át tiếng động cơ xe. Giống như thử còi hụ báo nhường chỗ cho hai nhà truyền giáo hơi… điên đi! Chúng tôi đến… trước giờ.

Ngày hôm sau chúng tôi có hẹn dành buổi tối và được mời đến ngủ qua đêm ở gia đình bạn Bachir. Họ có một người con trai là Tony cùng tuổi với tôi. Nhà của họ ở trên vùng cao của thành phố Beirut đối diện với tiền tuyến. Một khẩu súng ca-nông của quân đội Liban được đặt cách nhà họ một trăm mét. Phía bên kia là dàn vũ khí của Syria. Gia đình Bachir dán băng keo dày đặc trên các kiếng nhà họ.

Chúng tôi đang ăn tối thì một tiếng nổ dữ dội hất chúng tôi lên. Chúng tôi quá sợ. Chủ nhà nhìn con trai và lo lắng hỏi con:

– Đạn pháo kích bắn đi hay dội đến?

– Đạn bắn đi, Tony trả lời.

– Vậy thì tốt.

Ông quay về phía chúng tôi và nói giọng trấn an:

– Các bạn đừng sợ, không có gì phải sợ. Vậy là sắp xong.

Tôi không hiểu. Không ai nhúc nhích. Một tiếng nổ khác, lại thêm một tiếng nổ khác, cứ như thế kéo dài hơn mười phút.

Yên tĩnh trở lại, tôi mạo muội đặt câu hỏi:

– Các ông nói “pháo kích bắn đi hay dội đến” có nghĩa là gì?

– Tiếng nổ mà con nghe là tiếng bắn đi. Vì khẩu súng ca-nông của chúng ta bắn vài quả đạn súng cối qua bên kia. Nó tạo tiếng ồn nhưng chúng ta không có gì phải sợ, đó chỉ là bắn trả đũa. Nếu là đạn pháo kích bắn đến thì chúng ta có thể sẽ bị bỏ mạng và phải xuống hầm gấp.

– Nhưng làm sao ông phân biệt được?

– Chỉ là thói quen!

Tôi nuốt nước bọt và cố gắng giữ điềm tĩnh. Sau bữa ăn, Tony kéo tôi lên sân thượng trên mái nhà. Anh khuyên tôi cúi đầu xuống và ngồi xổm, chúng tôi dựa vào bờ thành. Chỉ có cái đầu chúng tôi là nhô lên. Và tôi thấy… tôi không tin ở mắt mình! Đêm tối đen. Trên hai ngọn đồi trước mặt, chỉ cách chúng tôi vài cây số, các người lính đang bắn nhau. Các viên đạn vạch các dấu chấm đỏ và chúng tôi có thể thấy đường đạn đi. Đôi khi có hỏa châu bay trên không trung. Bỗng ánh sáng màu cam chiếu rõ trận chiến. Chúng tôi có thể phân biệt rõ đạn trái phá nổ ở các tòa nhà ở làng trước mặt. Tony kéo tay tôi: – Nhìn kia, bên tay mặt bạn, ở đàng xa chỗ cuối thung lũng, đó là Beirut. Thành phố bị dội bom nặng nề lúc này. Bạn thấy hỏa châu đang chầm chầm rớt xuống thành phố không? Khói từ các tòa nhà bốc lên là chúng vừa bị dội…

– Tôi có thấy. Thật khủng khiếp. Ở đây tôi có cảm tưởng như xem pháo bông… Nhưng thật sự là cảnh giết người.

Chúng tôi thinh lặng ở đây một lúc để “ngắm cảnh”. Con người có điên hay không để giết nhau như thế này sao? Sau đó chúng tôi xuống phòng để ngủ.

– Này René-Luc, cho bạn này.

Tony cho tôi một túi đạn, có cái là đạn thiệt, có cái là vỏ đạn.

– Tôi lượm quanh nhà, bạn đem về cho các bạn ở Pháp xem để họ biết chúng tôi sống ở đây như thế nào. Bạn xem này. khi nó chạm mục tiêu, nó tách ra làm hai. Nếu nó vào bụng, thì mình có một lỗ nhỏ ở trước và một lỗ toang hoác ở sau lưng. Này, xem một viên đạn khác, viên này có thể đục thủng cả bê-tông. Còn viên này thì nổ như lựu đạn.

Tôi cầm các viên đạn trong tay. Tôi nói với Tony:

– Cái vỏ đạn này phần bên kia đã có thể ở trong thân thể một người…

– Đúng vậy, thật khủng khiếp, nhưng chiến tranh là như vậy.

Tôi cẩn thận xếp “kho tàng chiến tranh” trong một túi nhựa và tôi giấu dưới đáy va-li.

Vài tuần sau tôi nghe tin một quả đạn súng cối rơi vào phòng Tony, nơi tôi đã ngủ ở đó. Nhưng may thay không có ai ở trong phòng lúc đó và không có ai trong gia đình bị thương. Họ xém bị.

Các bạn của tôi, họ còn ở với các viên đạn bao lâu nữa?

Một buổi chiều nọ, chúng tôi đến sân vận động Beirut. Hội Hồng Thập Tự đã dựng một trại tị nạn ở đây. Các tín hữu kitô của vùng núi Chouf vừa đến. Họ kể cho chúng tôi nghe những gì chúng tôi đã biết. Ở đó, các tín hữu bị tàn sát, đôi khi họ bị một cách hung tàn. Các câu chuyện mà ngay cả trong trí tưởng tượng, chúng ta cũng không tưởng tượng được, họ bị cưa từng mảnh và các đao phủ cố ý cưa cái đầu sau cùng. Những câu chuyện hung ác của thời Trung Cổ, mà đó là những chuyện các gia đình đang ở trước mặt chúng tôi sống chỉ cách đây vài ngày. Họ rời làng trong các chiếc xe an toàn của lực lượng an ninh quốc tế. Nhưng khi đi qua vùng của kẻ thù, dân quân đã chận bắt họ. Họ bị đánh đập, bị tước hết của cải. Phụ nữ bị hiếp, đàn ông bị giết. Những người đến được trại tị nạn không còn khóc được nữa. Nước mặt của họ đã cạn.

Sau vài ngày ở Beirut, chúng tôi đến Zahlé, một thành phố ở miền đông Liban bị người Syria bao vây hoàn toàn. Chúng tôi phải đi qua vùng người Syria kiểm soát để đến đó. Các hàng rào chặn dài hai cây số. Căng thẳng nhất là khi các nhà báo phương Tây bị bắt để đòi tiền chuộc. Tất cả đều hoang vắng, một khung cảnh của tử thần. Cỏ cây bị cháy. Không một bóng dáng súc vật, chỉ là binh lính và vũ khí. Tôi vẫn thấy ngôi làng nhỏ Liban đổ nát, nhà thờ ở bên lề đường, cánh cửa bị phá toang, bên trong là chiếc xe tăng đậu.

Ở Zahlé, các bạn trẻ vui vẻ đón chúng tôi, một niềm vui đặc biệt. Họ cảm thấy bị cô lập, bị cắt khỏi vùng đất còn lại của tín hữu kitô. Chúng tôi đến mang một tia sáng nhỏ lóe trong đêm.

Lễ Giáng Sinh gần kề, chúng tôi mừng lễ ở Kadisha, thung lũng thánh phía bắc Liban. Chúng tôi trọ ở Bcharé trong gia đình của Farid. Farid là một thanh niên trẻ 25 tuổi, anh thuộc lực lượng dân quân kitô. Chuyến đi này rất nguy hiểm cho anh. Nếu dân quân phe bên kia biết quá khứ của anh, họ sẽ bắt anh. Có thể họ sẽ giết anh tại chỗ.

– Các ông không có vũ khí?

Người đàn ông vừa hỏi là một dân quân người Syria. Chúng tôi đang ở một trạm chắn.

– Chúng tôi có vũ khí chứ. Vũ khí của tôi ở đây!

Và Farid tự hào đưa tràng chuỗi trước mũi người lính. Chúng tôi sững sờ nhìn Farid. Tôi nghĩ anh làm quá. Người quân nhân nghiêm khắc nhìn anh, im lặng bao phủ.

– Đi khuất mắt đi! ông hét lên. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.

Vô thức hay can đảm? Một chút của cả hai. Dù sao, khi đưa vũ khí duy nhất là lời cầu nguyện trả lời cho vũ khí giết người thì Farid đã chứng tỏ cho chúng tôi thấy, anh có sức mạnh của những tâm hồn sẵn sàng tử đạo!

Ngày lễ Giáng Sinh chúng tôi đi bách bộ trong rừng bá hương, những cây cổ thụ có từ hàng ngàn năm, biểu tượng của đất nước Liban. Phải cả chục người mới ôm trọn thân cây. Vì dù gặp bao nhiêu thử thách, Liban vẫn trường tồn như rừng bá hương của nó!

Để về lại Pháp, chúng tôi quyết định đi máy bay ở Tel-Aviv. Như thế chúng tôi sẽ đến Giêrusalem để cầu nguyện. Linh mục Daniel-Ange đến đó bằng tàu thủy. Pierre, hai sư huynh khác và tôi đi qua ngã miền Nam-Liban và đi taxi đến Sạda. Rồi chúng tôi đi bộ đến biên giới Israel. Một quân nhân Israel ngồi ở bàn hải quan ngoài trời.

– Các ông có gì để khai không?

– Chúng tôi không có gì.

– Tốt, các ông có thể đi qua!

Thật tuyệt! Tôi không dám nói tôi có kho tàng chiến tranh giấu dưới đáy xắc, các viên đạn Tony đã cho tôi. Tôi không nghĩ đi qua biên giới dễ như vậy.

Chúng tôi đến vùng biên giới chia cách Liban-Israel. Chúng tôi đi chậm lại, con đường dài hàng cây số đầy các binh sĩ. Chúng tôi thường thấy các khẩu súng liên thanh tự động cùng với các người lính trẻ ngồi trên tháp pháo. Một trong các binh sĩ chĩa khẩu ca-nông hướng về chúng tôi. Tôi nghĩ mình không có gì phải sợ, họ làm như vậy để giải trí, nhưng khi nghĩ lại, tôi lạnh xương sống.

Cuối cùng, chúng tôi đến trước một tòa nhà rất lớn xây bằng bê-tông, dây kẽm gai bao quanh và có rất nhiều tháp canh. Đây mới đúng là biên giới thật sự. Đồn trước đây chỉ là đồn bảo vệ. Đương nhiên họ phanh phui tới cùng và họ thấy ngay kho tàng chiến tranh của tôi : vỏ đạn! Điều xui nhất là có đạn còn nguyên… Các quân nhân nhìn tôi và hét lên, tôi sợ họ cho tôi là kẻ khủng bố. Và ngay lập tức, tôi bị kêu vào đồn để xét kỹ. Tôi có mặc cảm tội lỗi. Tôi đã để cho sự an toàn của mình bị đe dọa và của người khác nữa. Các sư huynh đi cùng giải thích cho các binh linh, tôi chỉ là một thanh niên vị thành niên người phương Tây hoàn toàn ngây ngô.

– Ở đây không có ngây ngô, ngây ngô phải trả một giá rất đắt!

Và rồi các người lính Israel thả tôi ra. Tôi học được một bài học.

Cuối cùng tôi được ở trước bức tường Giêrusalem, nơi đó tỏa ra một sự sốt sắng của các anh em tiên phong trong đức tin của chúng ta. Tôi hơi rụt rè, và theo truyền thống, tôi để vào khe tường tờ giấy ý chỉ cầu nguyện của tôi. Tôi tựa hai bàn tay trên tường, đầu dựa vào tường đá. Thiên Chúa hiện diện rất mạnh và rất đặc biệt ở nơi này. Một sự hiện diện thần thánh qua bao nhiêu thế kỷ và trên toàn nhân loại. Tôi cầu nguyện.

– Hòa bình cho Giêrusalem!

* * *

Hòa bình cho Giêrusalem… Tôi về lại Pháp, tôi được biết giáo sư Pháp văn của tôi đã xin các bạn giữ một phút thinh lặng để giúp sứ mạng của tôi. “Những ai tin thì xin các con cầu nguyện Chúa che chở cho René-Luc. Những ai không tin, xin các con tôn trọng giây phút thinh lặng này.”

Tôi xúc động trong lòng, như thử khi tôi xúc động về lòng can đảm của người Liban làm chứng cho đức tin của họ, sẵn sàng đến cả tử đạo. Tôi tự nhủ, “mình phải can đảm hơn”. Và khi tôi xuống ăn ở căng-tin, tôi không còn kín đáo làm dấu như trước vì sợ bị cười. “Này, sau những gì mình sống ở Liban, mình phải thay đổi.” Trước mặt mọi người, tôi làm dấu. Và từ đó tôi luôn làm…

Giai đoạn đi Liban khép lại. Tôi ngây thơ nghĩ mình đi để củng cố đức tin người anh em ở Liban, nhưng không phải, chính tôi được củng cố và được lớn lên. Một trang đã được lật qua và lần này con đường của cha Daniel-Ange và tôi đi theo các hướng khác nhau, tháng 9 năm 1984, cha thành lập trường quốc tế công giáo cầu nguyện và rao giảng Phúc Âm “Tuổi trẻ Ánh sáng”. Chắc chắn các tông đồ tốt nhất cho người trẻ là chính người trẻ. Cha kêu gọi người trẻ và gởi họ đi nói chuyện với các bạn trẻ khác, đặc biệt ở các trường trung học. Với tôi, cha đã thảo một ít bản nháp của cha và tôi đã mở đường. Rất nhanh chóng, cha Daniel-Ange cảm thấy phải đào tạo các người trẻ. Tuổi từ 18 đến 30, họ dành ra một năm xa-bát để theo các khóa học sứ mạng mỗi ba tháng. Tuổi trẻ Ánh sáng là trường rao giảng Phúc Âm đầu tiên được thành lập ở Âu châu cùng một lúc với trường ở Paray-le-Monial. Từ đó có thêm các trường khác, và chúng tôi hy vọng sẽ còn nhiều trường khác được mở thêm.

Tôi không tham dự vào việc thành lập trường này vì tôi đang ở trong cộng đoàn của tôi. Một con đường phiêu lưu khác đang chờ tôi. Đồng thời lúc này, cùng với một vài người bạn, tôi thành lập nhóm Totus Tuus, một nhóm nhạc rock kitô giáo. Nhưng trước khi kể cho các bạn nghe câu chuyện phiêu lưu âm nhạc này, tôi muốn trở về Lộ Đức, nơi đang chờ tôi với một sự việc bất ngờ khác…

 

Marta An Nguyễn dịch