Marie-Christine d’Welles, từ khép kín đến trở lại

182

Marie-Christine d’Welles, từ khép kín đến trở lại

fr.aleteia.org, Louise Alméras, 2019-01-02

Marie-Christine d’Welles là văn sĩ, tín hữu và là người chiến đấu chống nạn ma túy ở người trẻ. Từ sống khép kín đến ơn quên mình, chứng từ của một phụ nữ được cảm hứng.

Sắp bước vào tuổi bảy mươi, bà Marie-Christine d’Welles đã có đủ thì giờ để sống nhiều đời. Dù tuổi thờ đau khổ, dù hiện nay đi diễn thuyết nhiều nơi để giúp các người trẻ, bà luôn nghĩ mình được Thần Khí dẫn dắt. Nhà sáng lập hiệp hội Tuổi thơ không Ma túy và thành viên của Phong trào các Bà mẹ Thế giới, từ hai mươi năm nay, bà đi khắp nước Pháp để nói về hiểm nguy của ma túy và giúp những ai bà có thể giúp để họ thoát ra khỏi nạn nghiện ngập này.

Khi bà Marie-Christine lên mười, cơn ác mộng bắt đầu. Trong quyển sách đầu tiên có tên: Điên. Tôi sao? Cái nhìn của người khác (Folle. Moi? Le regard des autres) được xuất bản năm 1989, bà kể câu chuyện tuổi thơ của mình. Trong bản tóm tắt tác phẩm, chúng ta có thể đọc: “Vì bị kẹt vào những tình huống khủng khiếp, vì các vấn đề tâm thần, bị đưa vào bệnh viện tư dành cho các trẻ em lành mạnh miễn là cha mẹ có tiền trả, bà Marie-Christine sống các năm tháng tuổi trẻ của mình gần những người điên. Bị nhập viện vô lý có thể làm cho bà rơi vào tình trạng điên khùng: tất cả những gì bà có thể nói hay làm đều có thể quay lại để chống bà sao?” “Một âm mưu hãm hiếp, trong lâu đài của gia đình, lại đưa bà vào nhà thương điên, người ta nói bà bịa chuyện, đụng đến danh dự của một người đàn ông đã lập gia đình. Một đứa bé, một cô bé tuổi vị thành niên có thể làm gì để chống lại cái nhìn của người khác, khi những người này cho mình là người điên?”

Nhưng Marie-Christine chiến đấu với năng lực của sự tuyệt vọng. Cuối cùng bà gặp một bác sĩ phẫn nộ kéo bà ra khỏi bàn tay của các bác sĩ tâm thần và cũng của gia đình bà để đứa bé vị thành niên là bà có thể sống được. Một chứng từ nhói lòng để ngăn các thảm kịch tương tự như vậy có thể xảy ra, mang lại can đảm cho những người mà ở một mức độ nào đó đã phải đau khổ vì cái nhìn của người khác.

Một tuổi thơ được Đức Mẹ che chở

“Đó là chứng từ tuổi thơ đau đớn của tôi, vì tôi sống một quãng đời từ mười hai đến mười sáu tuổi trong căn phòng cô lập của một dưỡng đường tư. Tôi là đứa bé duy nhất trong số các bệnh nhân người lớn. Đó là ác ý của bác sĩ tâm thần, ông giám đốc dưỡng đường và người điều khiển duy nhất. Ông lợi dụng gia đình tôi vì ông ngoại tôi giàu.” Còn nhỏ bà ở Nevers, gần Thánh Bernadette Soubirous. Bà rước lễ lần đầu gần hòm đựng thánh tích và được các nữ tu dòng Thánh Gildard dạy dỗ nên càng làm cho gia đình bà gần Đức Mẹ hơn. Từ khi mới sinh, cha mẹ bà đã phó dâng bà cho Đức Mẹ. Mẹ của bà nói: “Đây là Mẹ của con!” Mẹ Maria và Thánh Bernadette, hai đồng minh quý báu đã giúp bà trong tuổi thơ của mình.

Khi Marie-Christine ra khỏi dưỡng đường, bà thường đến nhà nguyện chính của đền thánh nơi có chưng thi thể của Thánh Bernadette Soubirous để thổ lộ tất cả nỗi buồn của mình. “Tôi nhờ Thánh Bernadette cầu bàu để đến với Đức Mẹ. Thánh Bernadette luôn hướng dẫn tôi đến với Đức Mẹ, tôi xin Mẹ khuyên nhủ tôi và với tâm hồn trẻ con tôi thấy đây là chuyện bình thường và Mẹ trả lời cho tôi.”

Những gì bà gánh chịu trong thời gian ở dưỡng đường không phải dễ. “Người ta nhìn tôi như nhìn một kẻ phản bội, người ta cho tôi ngủ hàng tháng trời trong các trị liệu bằng giấc ngủ và bác sĩ tâm thần hét với tôi. Trong bốn năm ông không bao giờ nói chuyện với tôi, nếu có là chỉ để đe dọa tôi.” Bà nói thêm: “Tôi đã tha thứ cho ông từ lâu.” Khi bà đau khổ quá, Đức Mẹ an ủi bà. Đức Mẹ nhìn bà với “đôi mắt tâm hồn của một người Mẹ”, bao phủ tôi trong áo của Mẹ như người ta “bao phủ một em bé”. Bà nhớ lại: “Lúc đó tôi được bình an và được yêu thương. Vì tôi thấy người khác không tin nên tôi không nói… Và Đức Mẹ cũng không cho phép tôi nói”.

Sau cơn mưa… là tiến trình đi tới

Cô thiếu nữ cuối cùng được thoát ra khỏi dưỡng đường lúc 16 tuổi. Bà hay nói đùa: “Bước khởi đầu của phần đời còn lại của tôi. Từ lúc đó tôi phải nắm cuộc đời mình trong tay”. Ngược với các thiếu nữ khác, bà có cảm tưởng mình đi ra khỏi “vùng đất không người”. Nhưng cuộc “giải phóng” này cực kỳ gay go với một phụ nữ trẻ. Bỏ mặc một mình, đã có lúc bà đã muốn tự tử… và bà đã có Kinh nghiệm Cận tử. “Tôi bị hút vào một đường hầm, tôi nghe các bác sĩ nói, tôi bay trên bệnh viện. Ở đó tôi được bao phủ và che chở bởi tình thương, như người ta bảo bọc con mình, nhưng nhân lên gấp tỷ lần. Họ yêu thương nói: ‘Chưa đến giờ’ để tôi về lại.”

Khi tỉnh dậy, bà kể lại với bác sĩ tâm thần người đã cứu bà, ông nhân từ trả lời: “Tôi tin cô nhưng tôi không hiểu”. Khi đó bà nói: “Tôi không cần đến bác sĩ nữa vì bây giờ tôi đã lành”. Một sự thay đổi sâu đậm vừa xảy ra trong lòng bà. Bà giải thích: “Khi người ta có những kinh nghiệm thiêng liêng sâu đậm thì người ta sợ ở trần gian, nhưng không sợ ở trên trời”. Bà rút ra ở đây một bài học. “Tôi đã để lại cô gái trẻ trên cao, cô gái bị kẻ thù bao vây không ai giúp đỡ, ngoài Chúa. Tôi đã được rửa sạch, tôi đã được thay đổi. Từ bây giờ tôi đi trong Tình yêu, nếu tôi không tha thứ, tôi phải học lại. Khi ai đó làm tổn thương tôi, trước tiên tôi bắt đầu cầu nguyện”.

Với một hành trang thiêng liêng mạnh mẽ cho tuổi của mình, bà bắt đầu đọc sách của các triết gia hy lạp để lấy lại tự tin cho cuộc sống mình. Rồi bà nhanh chóng lập gia đình và có ba người con. Như thử bà muốn quên những gì đã xảy ra, như những chuyện đó chưa từng xảy ra… “Trong vòng hai mươi năm tôi không đi lễ, ngoại trừ các lễ rửa tội, rước lễ lần đầu của các con, ở nhà chúng tôi không nói về đức tin. Chúng tôi vào nhà thờ để làm lễ cười và không bao giờ quay lại. Nhưng từ khi tôi tìm lại đức tin và khi tôi gặp một người không có đức tin, tôi cầu nguyện cho họ, vì tôi nghĩ: ‘May mắn tôi có đồ ăn ngon để ăn, còn họ không có!’”

Quay lại với một đức tin lãng mạn

Khi chúng ta có các kinh nghiệm thiêng liêng quá đặc biệt thì làm sao chúng ta lại có thể sống phủ nhận bao nhiêu năm trời như thế? Vì thế bà Marie-Christine d’Welles bắt đầu viết, trong quyển sách đầu tiên của mình, bà đã viết tất cả các chi tiết bà nhớ lại, cùng một lúc bà đọc lại đời mình. “Quyển sách của tôi đã thành công và tôi tìm lại con đường về với Chúa. Điều này làm cho tôi càng xa với chồng tôi, khi chúng tôi hoà thuận thì lại không có Chúa.” Rồi thử thách đến.Và đó là dịp để bà quay về với Chúa. Bà hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa có ở đó không?” Chúa trả lời ngay lập tức: “Ta ở đây”. Đó là điều tôi cảm nhận trong nội tâm, nhưng nó quá mạnh nên tôi không thể nghi ngờ. Bởi vì Chúa không bao giờ bỏ chúng ta, chỉ có chúng ta mới bỏ Chúa”. Bà ly dị và gặp một nhiếp ảnh viên và làm đám cưới. Bà nói đùa nhưng khá nghiêm túc: “Nói cách khác, tôi vào nhà dòng”. “Khi tôi còn nhỏ, mọi người cầu nguyện để tôi đi tu Dòng Kín Camêlô. Nhưng vì Chúa hay đùa, nên tôi là nữ tu Dòng Kín ngoài đời, tôi tu kín theo cách của tôi. Cùng nhau, chúng tôi tiến bước”.

Một đời sống văn sĩ bắt đầu với bà Marie-Christine d’Welles, một năng lực mới, trong đó đức tin có mặt như sợi chỉ gân bạc sờ lên mới thấy, nhưng lại dấn thân trọn vẹn. Bà biết khi Chúa Kitô trả lời thì Ngài không buông mình. “Tôi thấy rất nhiều người trẻ nghiện ma túy chung quanh tôi, Bởi vì tôi đã trải qua một phần đời tuổi thơ đã dùng ma túy, tôi biết các bạn trẻ này đã bị lầm. Tôi biết thế nào là sống với các thuốc trị bệnh tâm thần: đó là mất đi tự do suy nghĩ và hành động”.

Marta An Nguyễn dịch

Nolwenn, 20 tuổi, kể câu chuyện trở lại chớp nhoáng của mình