fr.aleteia.org, Pierre Durieux, 2018-11-11
Ngày Thế Giới Người Nghèo năm nay sẽ là ngày 18 tháng 11. Ngày này được nhà sáng lập hội “Ladarô” đề nghị và đã được Đức Phanxicô làm thành Ngày Người Nghèo, không phải là ngày loan báo Tin Mừng cho người nghèo nhưng đúng hơn là ngày tiếp đón chính người nghèo.
Cuối cùng, còn lại ở Đức Phanxicô là gì? Cẩn thận, khoan làm bản tổng kết vì triều giáo hoàng của ngài mới… chỉ bắt đầu, nhưng một chuyện chắc chắn, xác tín của ngài vẫn là: Phanxicô trước hết là giáo hoàng của người nghèo.
Các tranh cãi chung quanh ghế Thánh Phêrô không phải là chuyện mới mẻ. Đức Bênêđictô XVI đã đau khổ, Đức Gioan-Phaolô II cũng đã từng đau khổ, các phương tiện truyền thông thường thêm thắt vào các tranh cãi này. Dù vậy, tuy Đức Bênêđictô XVI chưa qua đời nhưng ngài đã được tôn kính như một nhà thần học uyên bác và một giáo hoàng cao cả. Đức Gioan-Phaolô II đã qua đời và đã được phong thánh. Điều này đủ biện minh cho giả thuyết, theo đó luôn có một chuyện rất chạy trong Giáo hội: giáo hoàng trước đó. Ngắn gọn, chúng ta đừng chờ giáo hoàng kế tiếp để không yêu giáo hoàng hiện tại.
Chương trình nghèo đói
Thêm nữa cũng không nên chờ Đức Phanxicô từ nhiệm hay qua đời để mới hé thấy đường lối hành động tuyệt vời của ngài, qua lời, qua cử chỉ: lịch sử cá nhân của ngài đã đoán được tương lai của ngài. Ngay từ khi vừa được bầu chọn, “Phanxicô” đã là tên nói lên cả chương trình hành động của ngài, chương trình khó nghèo của Thánh Phanxicô Axixi. Giấc mơ “một Giáo hội nghèo cho người nghèo” rõ ràng đã nói lên qua tên của ngài.
Ý nghĩa của đức tin (sensum fidei) cũng không lầm. Những người ngoài đường xem cuốn phim “Phanxicô, người của lời” đã rất xúc động. Vì thế ông Kader đã đi xem ba lần, ông nói: “Đức Phanxicô có một thông điệp và tôi cần nghe lại”. Còn ông Antoine thì khóc thút thít như đứa con nít suốt buổi xem phim, vì với ông, đây là giáo hoàng của ông: “Khi giáo hoàng nói, ngài nói cho tôi. Ngài nói về tôi.”
Và còn hành động của ngài: chỉ có một ngày duy nhất mà ngài thành lập, đó là Ngày Thế Giới Người Nghèo (JMP). Năm nay sẽ là ngày 18 tháng 11 – 2018 và theo trang mạng www.wearefratello.org cho biết, đây là lần thứ nhì, ngày này được tổ chức trên năm châu lục.
Ngày Thế giới Người nghèo
Tùy theo giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn hay phong trào mà ngày này sẽ tổ chức một cách khác nhau. Ngày hôm nay, người nghèo ở trọng tâm Giáo hội, ở chỗ của họ, với quyền của họ. Theo một nghĩa nào đó, ngày này sẽ được tiếp tục theo năm tháng vì đây là chương trình của Giáo hội theo thời gian…
Chúng ta cũng có thể thấy qua một vài dấu hiệu: Đức Phanxicô đã giao cho Hội đồng Giáo hoàng đặc trách Phúc Âm hóa tổ chức: đây không phải là loan báo Tin Mừng cho người nghèo, nhưng tiếp nhận chính họ, và hiểu tình bằng hữu giữa người giàu, người nghèo tự chính nó đã là lời chứng.
Ngày 18 tháng 11, Đức Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ ở Đền thờ Thánh Phêrô trước khi ăn trưa ở Hội trường Phaolô VI với hàng trăm người ngoài đường, người có hoàn cảnh sống bấp bênh, khổ cực… các khuôn mặt mà phải thành thật nói, người ta không quen thấy ở đây. Đức Phanxicô sẽ lặp lại với họ: Quý vị xem đây như nhà của quý vị, quý vị là gia sản của chúng tôi, là trọng tâm của Giáo hội.
Một ý tưởng dai dẳng
Ngày này phát sinh từ ý tưởng dai dẳng của ông Étienne Villemain, người đồng sáng lập Hiệp hội vì tình Bằng hữu và là người sáng lập hội Ladarô. Năm 2014, trong một lần gặp Đức Phanxicô ở buổi tiếp kiến chung ở quảng trường Thánh Phêrô, ông xin ngài có một ngày dành cho người nghèo. Ngày 11 tháng 11 – 2016, ông lặp lại lời xin khi Đức Phanxicô tiếp nhóm Fratello, sau đó ngài chấp nhận và đã cùng cầu nguyện với các người anh em nghèo. Ngày hôm sau, trong lần gặp Đức Phanxicô bất ngờ ở phòng thánh, lần thứ ba ông xin ngài tổ chức Ngày Thế giới Người nghèo. Và ngài đã nói “bằng lòng”. Sợ ngài không hiểu, ông hỏi lại bằng tiếng Tây Ban Nha. Đức Phanxicô cười đùa “bằng lòng rồi mà!” Mười mấy phút sau, trong bài giảng của mình, ngài đi ra bài đã soạn sẵn và tuyên bố ngày người nghèo được thành lập.
Vào cuối Năm Thánh Lòng thương xót, Đức Phanxicô quyết định, từ nay ngày chúa nhật thứ 33 mùa thường niên sẽ là Ngày Thế giới Người nghèo. Trước lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta mừng lễ Chúa Kitô nghèo. Như Thánh Vinh Sơn đã nói: “Nếu người nghèo là thầy chúng ta, thì nơi người nghèo ẩn giấu hình ảnh của Vua chúng ta”.
Một mong muốn vỗ tay
Năm ngoái, lần đầu tiên một người trong hội Ladarô đọc bài đọc một ở Đền thờ Thánh Phêrô. Khi ông đi xuống bậc cấp, cử tọa như muốn vỗ tay khen ông: đúng, ngày hôm đó Lời Chúa nói với chúng ta qua tiếng nói của Serge, và cũng ngày hôm đó là ngày hiếm hoi ông Serge cạo râu. Thánh vịnh 33 có câu: “Người nghèo kêu, Chúa nghe”. Thường thường Chúa kêu qua miệng người nghèo, nhưng chúng ta không nghe.
Ngày 11 tháng 11 – 2018 kỷ niệm 100 năm Thế Chiến Thứ Nhất kết thúc, để lại trên các cánh đồng của chúng ta hàng triệu cây thánh giá bằng gỗ, không có cách nào đẹp hơn để tưởng niệm ngày kết thúc chiến tranh cho bằng chuẩn bị Ngày Thế giới Người nghèo, vì “cuộc chiến giữa người giàu làm cho họ chiếm giữ thêm… […]. Người nghèo là nghệ nhân của hòa bình. Chúng ta cần hòa bình trong thế giới, trong Giáo hội, trong tất cả các Giáo hội”, Đức Phanxicô nói như trên vào tháng 11 năm 2016. Các lời này luôn còn đây, lâu dài và luôn hợp thời. Và đúng vậy, chúng ta nghe tiếng thì thào đây đó “tội cho giáo hoàng”, nhưng không, không tội cho giáo hoàng mà là “giáo hoàng của người nghèo!”
Để chuẩn bị Ngày Thế giới Người nghèo, tổ chức Fratello đề nghị một tuần tĩnh tâm trên mạng từ 12 đến 17 tháng 11: www.wearefratello.org
Marta An Nguyễn dịch