Dù nhỏ, trẻ con đã biết tìm Chúa
famillechretienne.fr, Noémie Bertin, 2018-09-07
Nói chuyện về Chúa cho trẻ em lớp mẫu giáo? Không phải quá sớm, ngược lại là đằng khác! Chứng ngôn của các bà mẹ, các cô thầy dạy giáo lý, các linh mục… đều cho thấy điều này.
Cha mẹ, những người chứng đầu tiên
“Chứng ngôn sống của cha mẹ là yếu tố nền tảng và không thay thế được trong việc dạy dỗ cầu nguyện: chỉ khi cầu nguyện với con cái mà người cha, người mẹ mới vào sâu được trong tâm hồn của con cái mình.” Thông điệp về các bổn phận của gia đình (Familiaris consortio) của Đức Gioan-Phaolô II.
Trao truyền đức tin, một sứ mạng tuyệt vời của cha mẹ nảy sinh từ trong nôi. Bà Monique Berger viết ở một trong các quyển sách mới nhất của bà: “Những năm đầu đời có một tầm quan trọng đặc biệt. Đó là tuổi ân sủng, trẻ con đặc biệt thấm nhập những gì là thiêng liêng, thần thánh, những gì vô hình. Trẻ con là chứng nhân cho sức sống thiêng liêng lạ lùng.” Bà Berger là mẹ gia đình, là nhà giáo theo phương thức mô phạm Montessori, theo bà: “Nếu lý lẽ của trẻ con chưa được khơi dậy thì Đấng Sáng tạo đã cho trẻ con cách hiểu biết theo ‘trực giác’, giúp trẻ con đi thẳng vào trọng tâm các sự thật của đức tin. Chiêm niệm “một cách tự nhiên”, trẻ con đặt chân vào lãnh vực Vô Hình, ‘nắm được’ thần thánh một cách thoải mái lạ lùng.”
Các trạng thái tâm hồn thuận lợi nơi Chúa có thể tìm một chỗ trong đời sống hàng ngày của trẻ con. Thậm chí chân phước Linh mục Marie-Eugène (1894-1967) còn nói đây là “tuổi vàng” của tuổi thơ ấu. Trong một cuộc họp báo năm 1991, cha khẳng định: “Trẻ con đã được rửa tội, chúng đã có các đức tính đối thần. Còn hơn thế nữa, chúng có ơn Thần Khí. Tác động thần thánh trên cơ chế siêu nhiên của chúng đã rất cao và khả năng có một hiệu năng rất cao.” Chân phước Marie-Eugène Dòng Camêlô, sáng lập Dòng Đức Bà Sự Sống xin các cha mẹ đừng quá ôm đồm vào cvv so sánh để nói về Chúa, ngài cho rằng: “Sự thật thần thánh này được trao ban qua Phúc Âm, vì sao lại bao phủ chúng bằng các biểu tượng để làm giảm sự thật này? Sự thật như thế nào cứ trao cho trẻ con như thế ấy. Trao cho chúng như thử sự thật này nảy sinh từ trái tim của Chúa và từ môi miệng của Chúa. Nó trực tiếp nhắm để nuôi dưỡng đức tin cho trẻ con.”
Thiên Chúa ngầm làm việc trong tâm hồn trẻ con
Thì giờ dùng vào việc cầu nguyện có tầm quan trọng chính yếu. Khi trẻ con thấy cha mẹ cầu nguyện thì chúng cũng học để làm như vậy. Khi còn rất nhỏ, trẻ con đã được bồng trên tay để cầu nguyện, chúng sẽ thấy trong giây phút cầu nguyện, có một cái gì bí ẩn đã quen thuộc. Giáo lý công giáo nhắc lại: “Gia đình là tất cả cho con cái, qua lời, qua gương, cha mẹ là các nhân vật chính đầu tiên của đức tin.”
Bà Madeleine Russocka, mẹ gia đình, cộng tác viên của báo Trao Truyền và tác giả nhiều tập sách giáo lý cho biết: “Khuôn mẫu của cha mẹ là nền tảng: trẻ con bắt chước. Thấy cha mình là một người rất cao lớn, lại quỳ gối xuống, đối với trẻ con là một dấu chỉ rất mạnh. Thiên Chúa ngầm làm việc trong tâm hồn. Lời cầu nguyện đặt trẻ con dưới tác động của Thần Khí và tuyên xưng với Chúa. Chúng ta, cha mẹ, chúng ta đặt chúng dưới ánh mắt của Chúa, mang chúng trong lời cầu nguyện của mình. Rồi chúng ta để chúng tham dự trọn vẹn vào giờ kinh của gia đình. Có thể làm các cử chỉ nhỏ như làm dấu, chúc lành, hôn nhẹ lên ảnh tượng trước khi có lời cầu nguyện ngắn. Bà Russocka tin chắc: “Dần dần sau đó trẻ con có thể học Kinh Kính Mừng, Kinh Lạy Cha. Dù chúng chưa hoàn toàn hiểu hết, nhưng những chữ thiêng liêng này có thể mang lại kết quả. Nếu chúng lắng nghe chúng ta thì đó là một dấu hiệu tốt, sự quan tâm của chúng đã được đánh thức. Nếu trẻ con muốn chơi thì nên tìm một dịp khác.”
Bà Sybille, mẹ của ba đứa con trai để ý đến sự nảy sinh đời sống thiêng liêng của các con: “Không phải dễ ở tuổi này, vừa đừng làm cho nó thành nặng nề quá, nhưng cũng đừng để đức tin chỉ hời hợt phía bên ngoài. Tôi chỉ nói về đức tin cho các con khi có dịp: khi đi lễ, khi dự lễ rửa tội, khi chúng làm chuyện khùng điên, hay trong Mùa Chay, Mùa Vọng. Tôi thấy cần thiết là làm sao để chúng hướng nội, để ơn Chúa ở trong chúng mọi ngày trong đời sống của chúng.”
Nói cho chúng nghe về các thánh bổn mạng, các thiên thần, các tổ phụ!
Bà Marie có đứa con gái 4 tuổi, bà dùng nhiều sách để khơi dậy huyền nhiệm Chúa: “Buổi chiều chúng tôi thường cầu nguyện chung và tôi đọc cho con nghe các chuyện về Chúa Giêsu và Cựu Ước. Tôi không ngần ngại lặp đi lặp lại các sự việc, chẳng hạn đọc lui đọc tới một chuyện. Khi đi lễ, tôi thường giải thích cho con nghe tiến trình thánh lễ.”
Còn với linh mục Philippe de Maistre, cha xứ họ đạo Thánh Anrê, quận 8 Paris, cha làm tuyên úy ở trường học trong nhiều năm, thì tuổi mẫu giáo là tuổi thích hợp nhất để đọc các câu chuyện trong Cựu Ước: “Các chuyện nói về lời chúc lành của các tổ phụ, các xung đột giữa anh em, một vũ trụ nói lên những gì mà trẻ con đã biết. Vào tuổi đó, ý thức về đạo của chúng gắn chặt với tình thương, với đời sống gia đình của chúng. Điều tiên quyết là cho chúng thấy sự liên tục giữa tình yêu của cha, của mẹ với tình yêu của Chúa.” Linh mục khuyên cha mẹ nên nói về các thánh bổn mạng, các thiên thần và các tổ phụ cho con cái mình nghe, để trẻ con thấy chúng có chỗ “trong gia đình Giáo hội, trong gia đình của Chúa Cha”.
Vào tuổi này, trẻ con hiểu gì về các huyền nhiệm của đức tin? Bà Monique Berger viết: “Chúng không có một khó khăn nào để ‘tổng hợp’ những gì vượt quá sự thấu hiểu của chúng. Chúng chấp nhận những gì cha mẹ nói, nói rất đơn giản, một khẳng định rõ, chính xác là đủ cho chúng. ‘Chúa thấy con’, ‘Chúa yêu con’: những lời này là nguồn vui, là lời trấn an đối với trẻ con. Trẻ con luôn cảm thấy mình ở dưới ánh nhìn của Chúa và được Chúa yêu thương, chúng dễ dàng hiểu ra như vậy.”
Qua giờ chầu, chúng khám phá thế nào là im lặng
Qua lời của chúng ta, qua giờ chầu thinh lặng, trẻ con dù còn rất nhỏ sẽ thấy huyền nhiệm sự hiện diện của Chúa. Một bà mẹ kể, khi trong tuần, bà vào nhà thờ với các con, chỉ để nói “chào Chúa Giêsu.” Thời gian ngắn ngũi trước nhà tạm này rất quý. Nữ tu Beata, người giúp Dòng Truyền giáo Thánh Thể cho biết: “Trẻ con cần thấy Chúa Giêsu để tạo một quan hệ cá nhân mật thiết với Ngài, để biết chúng có một Người Cha.” Nữ tu rất chú trọng đến giờ chầu: “Qua giờ chầu, chúng khám phá thế nào là lắng nghe, là thinh lặng. Chúng học để yêu và để biết Chúa Giêsu.”
Dạy giáo lý theo phương pháp Montessori
Giáo lý theo tổ chức Mục tử Nhân lành có mặt ở nhiều thành phố trên nước Pháp: Paris, Rennes, Nantes, Tours, Grenoble, Lyon, Lille… Được cảm hứng từ nghệ thuật mô phạm của bà Maria Montessori và được bà Sofia Cavalletti, thần học gia Ý phát triển, khoa sư phạm này giúp cho trẻ em làm, học theo nhịp của các em về kinh nghiệm tình yêu của Chúa qua Thánh Kinh và qua phụng vụ. Mỗi tuần, theo từng lứa tuổi (từ 3 đến 6, từ 6 đến 9, từ 9 đến 12) các em sẽ nghe Lời Chúa và ứng dụng để đón nhận Lời Chúa một cách thực tiễn hơn.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: Geneviève Laurencin: “Luôn có một nền tảng thiêng liêng nơi trẻ con”