Đảo ngược dòng: Chủ nghĩa giáo triều, tập trung hóa và cải cách Giáo hội
Thay đổi quá trình của Giáo hội về việc tập trung hóa, chủ nghĩa giáo quyền đòi hỏi một sự thay đổi từ quả tim và văn hóa của người công giáo
Đức Phanxicô hôn bàn thờ trong thánh lễ ngày 29 tháng 11-2014 tại nhà thờ chính tòa Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ.
international.la-croix.com, Massimo Faggioli, 2018-09-10
“Người xưa dạy chúng ta những người thế tục đa số có thái độ thù nghịch với hàng giáo sĩ, một thực tế được làm rõ bởi các kinh nghiệm của thời hiện đại.”
Vì thế có Sắc thư Clericis laicos (Giáo sĩ giáo dân) được giáo hoàng Boniface VIII công bố năm 1296. Mục đích là để chặn các quốc gia thế tục của châu Âu – đặc biệt là Pháp và Anh – từ việc chiếm đoạt nguồn thu của giáo hội mà không được giáo hoàng cho phép rõ ràng.
Nhưng chỉ vài tháng sau khi công bố, tự sắc đã bị thu hồi, nói lên vừa sự vượt quá của quyền giáo hoàng và các ràng buộc vào giáo hoàng.
Vụ việc này là một ví dụ về các vấn đề mà chúng ta phải đối diện trong Giáo hội khi chúng ta nghĩ về cải cách về mối quan hệ giữa giáo sĩ và giáo dân – điều chắc chắn đây là một trong những vấn đề chính ở trọng tâm cuộc khủng hoảng hiện nay.
Lịch sử của Giáo hội công giáo cũng là lịch sử của tham nhũng (không chỉ đơn giản là tội lỗi, mà là tham nhũng hệ thống) và các cải cách.
Một trong các cuộc khủng hoảng lớn diễn ra trong suốt thế kỷ 11, 13, khi Giáo hội chiến đấu để đòi lại quyền của mình về các công việc Giáo hội – bắt đầu với việc bổ nhiệm các giám mục – từ những người cai trị thế tục của đế chế.
Nó không chỉ là một vấn đề phân tách hay phân biệt giữa “Giáo hội và Quốc gia”, như thử chúng ta cố gắng đóng khung nó như hiện nay. Đây cũng là vấn đề làm cho Giáo hội trở thành một thực thể quan tâm đặc biệt đến tôn giáo hơn là với chính trị.
Không phải ngẫu nhiên mà trong những thế kỷ đó (giữa 1059-1274) mật nghị đã được phát triển để thành lập một đoàn thể để bầu giáo hoàng.
Đó là nỗ lực để ngăn chặn giới quý tộc La Mã kiểm soát cuộc bầu chọn giáo hoàng và xác định ai sẽ là Giám mục Rôma. Nhưng chuyện này phải trả một giá: đó là khởi đầu của một quá trình chậm chạp, nhưng đều đặn giáo sĩ hóa hồng y.
Và đó là lý do tại sao việc phong hồng y nữ về mặt lý thuyết là có thể được cho ngày hôm nay, nhưng điều này đã đảo ngược đường đi trong vài thế kỷ qua. Vấn đề không phải là điều kiện tiên quyết rằng hồng y phải là linh mục, như đã nêu trong Giáo luật năm 1917 và bộ luật hiện hành (1983).
Xu hướng giáo sĩ hóa tất cả các địa vị quyền lực trong Giáo hội – kể cả hồng y – đã bắt đầu từ hàng trăm năm trước đó. Giới luật của thế kỷ 20 chỉ là luật hóa và củng cố sự phát triển về mặt giáo hội học và xã hội học này.
Một cuộc khủng hoảng lớn đã bùng nổ vào đầu thế kỷ 16. Nó được châm ngòi bởi việc mục sư Martin Luther tố cáo tham nhũng trong Giáo hội và đã trở thành một trong những nguyên nhân (mặc dù chắc chắn không phải là nguyên nhân duy nhất) cho Cải cách Tin Lành.
Điều gì đúng cho ngày hôm nay cũng đúng cho 5 thế kỷ trước: tham nhũng trong giáo hội không chỉ liên quan đến giáo sĩ, mà còn liên quan đến giáo dân, dù ít thấy rõ hơn.
Nhưng Luther tập trung sự tấn công trực tiếp của mình vào hệ thống giáo sĩ và các nền tảng thần học và pháp lý của hệ thống này. Phản ứng chậm trễ của Rôma là cải cách giáo sĩ – các giám mục và linh mục.
Như giáo sư thần học Mỹ John O’Malley viết trong cuốn sách của mình về Công đồng Trent, “một đời sống cá nhân sùng mến, bao gồm sự tận tâm trong các bổn phận cá nhân giờ đây là lý tưởng mà các giám mục, kể cả giáo hoàng và giáo triều của ngài đều muốn noi theo”.
Công đồng Trent ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống giáo hội và văn hóa công giáo. Cải cách của giáo sĩ là một phần chiến lược của công đồng. Trong một tầm mức lớn, điều này đã có kết quả tốt, theo nghĩa là sau công đồng Trent, chúng ta không còn có những trường hợp tham nhũng thô bỉ điển hình của Giáo hội mà mục sư Luther đã thấy khi ông đến viếng Rôma năm 1510.
Mặt khác, cải cách đòi hỏi một mức độ khác của việc giáo sĩ hóa của Giáo hội và một mức độ tập trung hóa khác ở Rôma – mặc dù có một số thiện hướng tốt mà các giám mục của công đồng Trent thấy cần phải làm để năng động lại tinh thần công đồng cho địa phương.
Hai ví dụ này cho thấy tầm quan trọng trong nhiệm vụ trước mắt của những người muốn cải cách Giáo hội công giáo ngày nay.
Lịch sử cho chúng ta thấy công giáo, đặc biệt là trong thiên niên kỷ thứ hai (còn hơn là thiên niên kỷ đầu tiên, thiên niên kỷ thứ hai đã định hình cho Giáo hội ngày nay), có khuynh hướng thanh lọc khi chấp nhận giáo sĩ hóa quyền lực và tập trung quyền ở Rôma.
Đức Phanxicô nhận thức rõ điều này và ngài xác quyết ngày nay giáo hội không thể chịu được chủ nghĩa giáo quyền và tập trung nữa. Kế hoạch cải cách giáo hội của ngài được thấy rõ trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng được công bố năm 2013 dựa trên sự giải tập quyền.
Bài giáo huấn hay nhất của giáo hoàng trong làn sóng thứ hai của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục là bức thư gởi Dân Chúa ngài công bố gần đây. Đó là bản cáo buộc cực mạnh chống chủ nghĩa giáo quyền, một cách nào đó là ngược với những gì giáo hoàng Boniface VIII đã viết trong Sắc thư Clericis laicos.
Giáo sĩ hóa và tập trung hóa là các tiêu chuẩn Giáo hội dùng trong thiên niên kỷ thứ hai để chiến đấu chống tham nhũng nội bộ.
Nhưng ngày nay, giáo sĩ hóa rõ ràng không phải là một giải pháp. Ngược lại, đó lại là vấn đề. Câu hỏi được đặt ra là phải làm gì bây giờ với vấn đề này.
Cũng vậy với việc tập trung hóa, vấn đề này phức tạp hơn nhiều. Cũng nên đặt câu hỏi sự giải tập trung hóa của Giáo hội công giáo ngày nay đòi hỏi các xung năng đến từ trung tâm hay không.
Tầm nhìn của Đức Phanxicô đảo ngược đường đi – từ tập trung hóa đến giải tập trung hóa, từ chủ nghĩa giáo quyền đến tinh thần đồng đội – mang một ý nghĩa thần học và lịch sử.
Thật vậy, rất khó để hình dung một Giáo hội bây giờ lại tập trung và giáo quyền hơn khi ở thế kỷ 20.
Nhưng thêm một lần nữa, vấn đề là liệu chương trình của một Giáo hội giải tập trung và có tinh thần đồng đội có thể hoạt động ở mọi cấp bậc ngày nay không.
Ở một số nơi, như ở Giáo hội công giáo Mỹ, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục bị vướng vào cuộc khủng hoảng thần học và tôn giáo rộng lớn hơn nhiều của công giáo.
Thật khó để thấy được những điều kiện thích hợp cho Giáo hội công giáo Mỹ hiện tại cho loại cải cách đi từ cơ bản này.
Chúng ta có ấn tượng Đức Phanxicô không muốn có sự tập trung thêm một lần nữa vào trong lòng Giáo hội, ngài mong chờ các giáo hội địa phương tự mình nắm công việc trong tay. Dưới sự lãnh đạo của ngài, cho đến bây giờ Vatican cho thấy có một sự cởi mở đáng kể đối với các sáng kiến địa phương.
Nhưng một số – thậm chí có thể là nhiều – các Giáo hội không nhìn thấy hoặc đánh giá cao cơ hội này.
Trên thực tế, sự giải tập trung hóa và tinh thần đồng đội đòi hỏi một cải cách cơ cấu và giáo luật, điều chưa làm được cho đến nay.
Chẳng hạn một cách rõ ràng, tương lai của Giáo hội công giáo Mỹ nằm trong tay của các giáo dân hơn là các giám mục.
Nhưng giáo dân công giáo không có đại diện hữu hình và thể chế, ngoại trừ các nhà tài trợ giàu có nắm giữ. Tuy nhiên, loại giáo hội “tiền là vua” này chỉ là một loại khác của chủ nghĩa tinh hoa và tập trung hóa trong Giáo hội.
Thay đổi đường đi của Giáo hội từ sự tập trung và chủ nghĩa giáo quyền đòi hỏi sự thay đổi trong quả tim và văn hóa của người công giáo. Nhưng nó cũng sẽ đòi hỏi một nỗ lực để đưa ra các cấu trúc mới của trách nhiệm và của tham gia.
Một vấn đề quan trọng là các giáo dân công giáo đại diện trong các thể chế chưa tồn tại, hoặc ở những tổ chức được tạo ra sau Công đồng Vatican II (ví dụ, hội đồng giáo xứ và hội đồng mục vụ giáo phận), nhưng thường bị bỏ quên và / hoặc trống không.
Bây giờ chúng ta chờ đợi cải cách của giáo triều La Mã, sẽ được đưa vào trong tông hiến mới, tạm thời mang tên Praedicate Evangelium. Các phòng ban khác nhau của Vatican hiện đang nghiên cứu và đề xuất các sửa đổi cho bản văn này.
Khi hiến chế được hoàn thành và xuất bản, có lẽ vào đầu năm 2019, nó có thể đánh dấu một thời điểm quan trọng trong cải cách tổng thể đang được triều giáo hoàng này tiến hành.
Cải cách của giáo triều chắc chắn là một yếu tố then chốt trong nỗ lực này. Nhưng cũng có nhu cầu cải cách Giáo hội ở cấp địa phương, mặc dù điều này thường khó khăn nếu không có chỉ thị cụ thể của Rôma.
Chẳng hạn trong một vài nước, các cấp lãnh đạo giám mục chủ yếu được phong từ thời Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, và đây là những người chính xác làm việc chống lại tính thần tập thể và đồng đội.
Trong thời gian khủng hoảng này, chúng ta có thể thấy rõ ràng thành quả nguy hiểm của tư duy về giáo hội của thế hệ các giám mục này. Nghịch lý của tình hình hiện tại, dĩ nhiên là trong nhiều trường hợp, các Hội đồng giám mục được điều hành bởi những người không quan tâm đến tinh thần tập thể và đồng đội.
Nếu Đức Phanxicô đang chờ các giám mục hoặc các hội đồng giám mục nhận lấy thách thức để cải cách Giáo hội của họ theo cách đồng đội, thì chúng ta phải chờ một thời gian rất dài.Nhưng chúng ta không thể chờ đợi các giám mục “ký” các đề nghị khác nhau cho cải cách mà đến lượt họ phải làm hoặc để họ “từ chức” vị trí của họ. Một giai đoạn mới của cải cách Giáo hội phải bắt đầu từ bây giờ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Điều gì đã thật sự xảy ra nơi người công giáo Mỹ
Vụ Viganò: Giáo hội Mỹ trên bờ ly khai?
Lạm dụng tình dục: “Nhục nhã và ăn năn”, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết cho Dân Chúa