Khắc kỷ đẹp đẽ

388

Khắc kỷ đẹp đẽ

Ronald Rolheiser, 2018-08-20

Thời nay có dòng văn học rất phong phú của những người, cả nam và nữ, vô cùng thông tuệ và nhạy cảm, những người hợp lý nhất, nên được gọi là những nhà khắc kỷ theo thuyết bất khả tri. Không như các đồng nghiệp vô thần tấn công tôn giáo một phía theo kiểu “phản đối quá đáng”, thì nhóm này lại chẳng phản đối gì. Họ không công kích đức tin vào Thiên Chúa, thật sự là họ thường thấy các giáo lý tôn giáo như niềm tin vào sự hiện thể trong Chúa Kitô, niềm tin vào tội nguyên tổ, và niềm tin vào sự phục sinh là những thần thoại hữu ích có thể là vô giá cho sự tự nhận thức, không khác gì những thần thoại lớn trong thế giới cổ đại. Họ nồng hậu với chuyện tâm linh và đôi khi là những nhà biện giáo giỏi cho chiều sâu tâm hồn và vị trí của mầu nhiệm trong cuộc sống chúng ta, giỏi hơn cả các đồng sự có đạo nữa. Chỉ là, đến tận cùng, họ xem niềm tin vào Thiên Chúa là không có thật.

Ở tầm mức tri thức, chúng ta thấy điều này nơi nhà văn quá cố James Hillman và nhiều đồ đệ của ông (dù cho một số người, không như thầy mình, đã có thái độ tiêu cực và hung hăng hơn với đức tin vào Thiên Chúa và tôn giáo). Bạn cũng thấy điều này nơi nhiều tiểu thuyết gia đương thời viết từ một quan điểm bất khả tri có chủ đích. Và bạn thấy điều này nơi những quyển tiểu sử rất hay, như quyển sách của Nina Riggs, Giờ Tươi sáng: Hồi ký về Sống và Chết (The Bright Hour: A Memoir of Living and Dying).

Điểm chung của những tác giả này là họ nhìn vào những câu hỏi thâm sâu nhất của cuộc sống và đối diện với những câu hỏi với sự can đảm và nhạy cảm, nhưng là từ quan điểm khắc kỷ và bất khả tri: Bạn làm sao để mọi chuyện này có ý nghĩa, nếu như không có Thiên Chúa? Bạn đối diện thế nào với cái chết, nếu như không có đời sau? Làm sao để bạn xem tình yêu là tuyệt đối, nếu như không có cái gì là Tuyệt đối? Làm sao để những sự kiện yêu quý trong đời chúng ta có một ý nghĩa trường tồn, nếu như không có sự bất tử? Làm sao để chúng ta đối diện với những khiếm khuyết cuộc sống và đạo đức, nếu như chỉ có đời này mà thôi?

Họ đối diện với những câu hỏi này một cách chân thành và dũng cảm, mà không có một niềm tin rõ ràng vào Thiên Chúa, nhưng lại thấy bình an với chuyện đó, tự tìm ý nghĩa cho đời mình, và vun vén cho thấu suốt và can đảm họ cần để sống trong đời với những câu trả lời không liên quan đến đức tin vào Thiên Chúa và niềm tin vào đời sau. Trong tinh thần đó có chủ nghĩa khắc kỷ can đảm, chắc chắn rồi, nhưng trong nhiều tác phẩm của họ còn có một vẻ đẹp nữa. Bạn thấy rằng đây là một linh hồn đẹp đẽ, chân thành đang đấu tranh với những câu hỏi thâm sâu nhất cuộc đời và rồi có được một sự bình an chấp nhận được rằng cuộc đời tự nó có sự cảm thương vốn là tâm điểm của mọi tôn giáo lớn. Trong văn học tôn giáo, bạn có thể gặp được những vị thánh đẹp đẽ. Trong dòng văn học thế tục, bạn có thể gặp những nhà khắc kỷ đẹp đẽ.

Nhưng có một điều mà tôi muốn thách thức những nhà khắc kỷ đẹp đẽ này: Họ cần nỗ lực trả lời một câu hỏi thâm sâu: Làm sao để chúng ta biến cuộc đời này có ý nghĩa nếu như không có Thiên Chúa và đời sau, và làm sao để cuộc đời có ý nghĩa nếu những giáo lý đức tin không phải là sự thật mà chỉ là những phóng chiếu của con người? Đây là một câu hỏi công tâm, đáng để hỏi. Nhưng tôi lại có sự phản đối này: Trong khi các tác giả này đối diện câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời nếu như không có Thiên Chúa và đời sau, họ lại không bao giờ có cùng dũng cảm và chân thành để đối diện với câu hỏi khác, là: Nếu như thật sự có Thiên Chúa và đời sau, và những giáo lý đức tin là sự thật thì sao? Thế thì họ sẽ sống thế nào? Nếu như tâm trí ham khám phá và cảm nghĩ cao thượng của chúng ta thật sự phát xuất từ một Thiên Chúa cụ thể thì sao? Nếu họ làm được thế, thì sẽ có một chủ nghĩa bất khả tri chân thành và dũng cảm hơn, một chủ nghĩa khắc kỷ đẹp đẽ hơn nữa.

Chủ nghĩa bất khả tri đích thực là cái đầu cởi mở, một cái đầu không khép lại với bất kỳ khả năng nào. Và sự hiện hữu của Thiên Chúa là một khả năng thực sự.

Trong bất kỳ thời gian nào của lịch sử, kể cả thời chúng ta, đại đa số nhân loại tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa và đời sau. Những người vô thần không bao giờ là đa số. Nếu đúng thật là thế, mà thật sự là thế, thì tại sao những người tốt lành, dũng cảm, chân thành và nhạy cảm lại miễn cưỡng không chịu đưa chủ nghĩa bất khả tri của mình theo cả hai hướng: Làm sao để chúng ta định hình cuộc sống của mình nếu không có Thiên Chúa và đời sau, và làm sao để chúng ta định hình cuộc sống của mình nếu có Thiên Chúa và đời sau?

Nếu chúng ta muốn dũng cảm và chân thành tìm hiểu ý nghĩa cuộc đời, thì chẳng phải chất vấn về Thiên Chúa và đời sau, chứ không chỉ phản đề của nó, chính là một trong những chân trời đem lại nhận thức thấu suốt sao? Tôi ngờ là sự miễn cưỡng của nhiều tác giả không chịu làm thế là vì trong thời hiện đại, phần lớn các tác phẩm đều xem những câu hỏi sâu sắc của cuộc đời nằm ngoài tôn giáo hơn là nằm ngoài quan điểm bất khả tri. Điều mà các tác giả theo chủ nghĩa bất khả tri đang đóng góp cho thế giới là một ý kiến thay thế và khác với ý kiến chủ đạo lâu nay trong lịch sử (dù không phải là ý kiến chủ đạo trong xã hội thế tục thời nay).

Và điều đó đúng với những thấu suốt quý giá từ những nhà khắc kỷ đẹp đẽ.

J.B. Thái Hòa dịch