“Allô? Đây là Giáo hoàng Phanxicô! Không, không phải gọi đùa đâu!”

217

“Allô? Đây là Giáo hoàng Phanxicô! Không, không phải gọi đùa đâu!”

 Rita Pavone 

Trích sách “Các cuộc gọi của Đức Phanxicô”, Rosario Carello, nxb. Fidélité 

“Allô? Đây là Giáo hoàng Phanxicô! Không, không phải gọi đùa đâu!”

Rita Pavone cầm trên tay một chiếc đĩa hát mới. Bà nhìn nó, bà xoay qua xoay về và một ý tưởng lóe ra trong đầu: hay mình gởi đĩa hát này cho Giáo hoàng Phanxicô? Đây là một đĩa hát đặc biệt, nó ra đời hai mươi năm sau chiếc đĩa cuối cùng, đây là đĩa thánh ca, có thể dành riêng để ca tụng Chúa, cho cái đẹp và cho công trình tạo dựng. Nhưng động lực chính là bà yêu Giáo hoàng Phanxicô: “Cha đã chinh phục được con ngay lập tức, ngay câu chào tự nhiên buổi chiều ngài được bầu chọn từ ban-công ở quảng trường Thánh Phêrô. –Xin chào anh chị em!’, chỉ lời chào đơn sơ đã chinh phục tâm hồn bà. Và rồi ngài lại là người Argentina. Còn tôi, trong những năm 1960, tôi gặt hái thành công ở nước của ngài: tôi được mời dự tiếp kiến riêng ở Dinh Casa Rosada của Tổng thống Arturo Umberto Illia. Tôi chắc chắn ngài biết tôi, ngài nhớ tôi là ai. Vậy thì bà quyết định: mình gởi ngài chiếc đĩa hát với lời chào của mình, nói với ngài giấc mơ mình chưa bao giờ thực hiện trong đời: tham dự một buổi hòa nhạc Giáng Sinh”. Vậy là chiếc đĩa được gởi đi.

“Tôi nhìn bức thư mà không nói được một chữ”

“Tôi không chờ gì hơn là một bức thư của ai đó trong vòng thân thuộc của ngài: ‘Thưa bà, chúng tôi đã nhận thư bà, Đức Thánh Cha cám ơn bà và ngài gởi lời chào bà’. Thế là cũng đủ làm tôi vui”.

Nhưng thay vào đó là gì?

“Thay vào đó, tôi cũng nhận thư cám ơn nhưng được chính Đức Giáo hoàng viết tay và ký với nét chữ rất cẩn thận”. Bà kể cho đài truyền hình TV 2000 nội dung thư ngài viết: “Tôi còn nhớ bà và tôi cám ơn chiếc đĩa bà gởi. Còn về buổi hòa nhạc Giáng Sinh, chúng tôi không còn tổ chức nữa vì chúng tôi để sức vào các sinh hoạt mục vụ hơn”. Theo bà Rita, như thế ngài có lý. Sau đó dưới bức thư ngài viết: “Tôi rất vui được tiếp bà và gia đình bà”. Tôi nhìn bức thư mà không nói được một chữ. Ngài có viết một số điện thoại và ngay lập tức tôi gọi số này, tôi nói: “Tôi sẽ đến lúc nào thuận tiện cho ngài, tôi rất mong gặp ngài!” Và một hai tuần sau. “Ngày hôm trước ngày lễ Giáng Sinh, điện thoại cầm tay của tôi reo, tôi thấy một số lạ. Và tôi bực mình, vì tôi nghĩ: ai cũng có số điện thoại của mình, họ gọi mà họ không cho biết mình là ai. Nhưng tôi cũng trả lời”. “Allô?”

“Allô, thưa bà Pavone?” “Xin lỗi, tôi đang nói chuyện với ai vậy?” “Giáo hoàng Phanxicô đây”. Tôi bị sốc!

Sau đó tôi nghi: hay có thể ai đó bắt chước ngài? Và tôi nói: “Nếu là chuyện đùa thì đúng là không nên!”

“Không, thưa bà, ngài nhắc lại, tôi là Giáo hoàng Phanxicô.”

Ngài nói vài chuyện trong thư tôi gởi và tôi biết chính đó là ngài.

Tôi lại bị sốc.

Ruột tôi thắt lại: tôi bị xúc động mạnh! Đức Phanxicô gọi tôi hôm trước ngày Noel, ngài gọi tôi, tôi!

“Trọng kính Đức Thánh Cha, thật là một vinh hạnh cho tôi, tôi rất xúc động, hàng năm tôi có đi Lộ Đức, vì tôi nghĩ, trong một giai đoạn trong cuộc đời, tôi mất định hướng và tôi được cứu”. Cổ họng tôi thắt lại nhưng cuối cùng tôi cũng nói được như trên với ngài.

Và ngài nói với tôi: “Tôi sẽ rất vui được gặp bà”.

Còn tôi, tôi gần như câm, tôi chỉ nói được tôi có thể đi với cả gia đình không. Ngài trả lời: “Đương nhiên là được chứ!”

Và chúng tôi chào nhau, trao đổi lời chúc Giáng Sinh cho nhau.

Noel. Năm 2013.

“Câu đẹp nhất ngài nói với tôi”

Tôi về nhà và tôi không nói gì với chồng tôi, chồng tôi là người nhiệt tình nhưng chồng tôi là người không thắc mắc gì, nhưng tôi, tôi phải nói với một ai đó, và tôi nói với hai con trai tôi: “Alex, Giorgio, Giáo hoàng gọi cho mẹ, đúng, chính đích thân Giáo hoàng gọi cho mẹ!”

Đây là Noel đẹp nhất trong đời tôi. Vài ngày trôi qua, người ta gọi để ấn định ngày gặp. Lúc đó tôi mới nói với chồng tôi: “Gia đình mình có một cuộc hẹn rất quan trọng, anh cùng đi!” Nhưng tôi không nói mình có hẹn với ai vì lý do tôi đã nêu trên.

Ngày 12 tháng 2 – 2014 đến. Buổi hẹn được ấn định vào xế trưa. Khi chúng tôi đến Vatican, chồng tôi tiếp tục hỏi mình đi đâu và ai là nhân vật quan trọng mình sẽ gặp, anh hỏi tôi: “Có phải chúng ta sẽ gặp Đức Giáo hoàng không?”

Chúng tôi đến đó, với hai con trai tôi, với cô thư ký của tôi đi cùng với chị của cô, tôi xem cả hai như chị em với tôi. Ngài đi vào, và phải nói thật, nơi ngài là cả một sự rạng rỡ, ngài làm cho mình thoải mái ngay, ngài quan tâm đến mình. Tôi nói với ngài: “Cha xuất hiện đúng lúc: cha mang một cái gì mà người dân đang thiếu, ở một thời điểm rất gay go, buồn bã, khó nhọc cho con người, lúc con người bị khủng hoảng nhất”.

Và ngài, ngài nói một câu rất hay: “Nơi tất cả mọi con người, dù là những người ác nhất, mình phải đi tìm lòng tốt nơi họ, vì nơi tất cả mọi người, tận cùng trong cõi lòng họ là tia sáng của lòng tốt thường bị ẩn giấu, mình phải đi tìm nó”.

Buổi tiếp kiến kéo dài hai mươi phút. Vào cuối buổi tiếp kiến, tôi đứng dậy cám ơn ngài: “Chắc chắn là cha rất bận, đối với con, đây là một vinh dự, đây là một cuộc gặp đẹp nhất đời con, cha không hình dung được cha đã cho chúng con những gì”.

Câu trả lời của Giáo hoàng lại làm tôi ngạc nhiên và chảy nước mắt: “Rita, đây cũng là một vinh dự cho cha, bởi vì con, qua âm nhạc của con, con đã làm nhiều điều tốt đẹp cho nhiều người”.

Và Đức Phanxicô cũng biết Teddy Reno, chồng của bà Rita Pavone.

“Trong những năm 50, ở Argentina quý vị rất nổi tiếng với bài hát Addormentarmi cosi, bài hát mà có một thời người ta hát: ‘Từ miệng qua miệng, từ trái tim qua trái tim’ và vì vậy mà bài hát là bài quốc thiều của những người ủng hộ đội Boca Juniors, đội đá banh ở Buenos Aires”. Đức Phanxicô cười đùa rất nhiều với chồng tôi, hai người nói với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha về các điệu tango Argentina, và cuối cùng, chúng tôi đã cùng nhau hát bài Addormentarmi cosi.

Marta An Nguyễn dịch 

Gia đình ông bà Teddy Reno, Rita Pavone

Bài hát Addormentarmi cosi rất lãng mạn do Teddy Reno hát trong những năm 50, rất và rất rất hay: https://www.youtube.com/watch?v=6L-NBrzUZo8