“Trợ giúp để làm sáng tỏ. Truyền thông và lạm dụng”

123

Trợ giúp để làm sáng tỏ. Truyền thông và lạm dụng

“Đừng xem làn sóng thông tin này như một tấn công có ác ý”, suy tư của bà Lucetta Scaraffia, phụ trách trang phụ nữ của báo L’Osservatore Romano ấn bản tiếng Ý ngày 10 tháng 8 – 2018.

fr.zenit.org, Hélène Ginabat, 2018-08-09

Gần như mỗi ngày, các báo chí khắp nơi trên thế giới đều đăng một tin xấu về Giáo hội. Nhưng chung chung, đây không phải là các thông tin về vô số can thiệp của Giáo hội, các trợ giúp, nâng đỡ công chính, những công việc mà thường thường đi ngược dòng với các can thiệp của chính quyền Quốc gia cũng như của quốc tế, nhưng các tin xấu này thường là các tố cáo về các vụ lạm dụng tình dục ít nhiều xảy ra gần đây, bị tai tiếng vì được bao che, vì ở dưới luật im lặng.

Và sự kiện ngày nay các cơ quan truyền thông trở nên quá phổ biến và ngấm ngầm, nhất là nhờ sự trợ giúp về mặt thông tin học, phỏng vấn nạn nhân rồi đăng lên, rõ ràng đã tạo nên làn sóng phẫn nộ và bất bình mạnh hơn là một bài báo tố cáo sự việc.

Những năm gần đây, Giáo hội là cơ quan bị làn sóng truyền thông này bao vây một cách tàn nhẫn, không thương xót, vì nó nảy sinh từ sự thất vọng khi khám phá các lỗ hỗng đen của một thể chế mà dưới mắt mọi người đại diện cho chuẩn mực đạo đức quan trọng. Trong các xã hội mà cách mạng tình dục đã được công nhận từ hàng chục năm nay, mà việc thế tục hóa là một hiện tượng đã được ổn định từ lâu, điều gây phẫn nộ không phải do hành vi phạm tội tình dục hay yếu đuối của con người, thể hiện qua việc không có khả năng giữ lời khấn, nhưng đúng hơn là các thủ đoạn quyền lực ngầm trong các thời khắc này, giải thích cho sự im lặng và từ đó là bao che cho thủ phạm.

Tuy nhiên, chung chung, chúng ta không nên xem làn sóng truyền thông này như một cuộc tấn công có ác ý đối với Giáo hội, như một ý muốn hung bạo của những người bằng mọi giá đi tìm các vụ tai tiếng: vụ tai tiếng là có thật, nó có đó và nó không phải là vi phạm tình dục nhưng là lạm dụng quyền lực và sau đó là im lặng, thiếu biện pháp trừng phạt đối với những người có trách nhiệm, im lặng và không bị trừng phạt đã làm nhục nạn nhân. Các phương tiện truyền thông với các cuộc điều tra, các bài phỏng vấn, buộc những người muốn che lấp, muốn bỏ qua công lý phải nhớ các nạn nhân có phẩm giá để tôn trọng và để bảo vệ.

Gần như luôn luôn, như điều đang xảy ra về các lạm dụng trên các nữ tu, những người nói lên tiếng nói của mình, chính là các nạn nhân đi tìm công lý, nhưng thường thường họ không thành công, bên trong nhà Dòng của họ cũng như bên trong Giáo hội. Khi nghĩ đến các nữ nạn nhân này, họ cũng ở trong Giáo hội như những kẻ lạm dụng, những kẻ thường được bao che bằng im lặng, nhân danh thể chế để họ được che chở, vậy thể chế nào muốn tự bảo vệ mình?

Chúng ta biết các tố cáo này không phải lúc nào cũng có cơ sở, các quan hệ giữa con người thì rất phức tạp và không dễ dàng để xác định chúng trên cơ sở các động lực có giữa nạn nhân và kẻ tấn công, nhất là trong trường hợp giữa người lớn với nhau, chứ không phải với trẻ vị thành niên. Nhưng sự minh bạch phục vụ cho tất cả mọi người, bảo vệ cho các vụ nghi ngờ không căn cứ và các ánh mắt nhìn như tố cáo người bị buộc tội vô lý.

Do đó, một cách nghịch lý, các phương tiện truyền thông lại giúp Giáo hội làm sáng tỏ, đối diện với các vấn đề phức tạp và đau đớn đã bị bỏ quên, nếu không muốn nói là đã bị chôn vùi. Và đây cũng là điều chính đáng để hy vọng một cam kết tương tự, có được thông tin đáng tin cậy được mở rộng ra, để có các đóng góp tích cực cho một thể chế cổ xưa mà rõ ràng cần được lay động, nhưng đừng bao giờ quên là phải xây dựng trên một thông tin tốt.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch