Tổng Giám mục Dominique Lebrun, cựu chủ tịch nhóm làm việc với các “linh mục đến từ các nước khác” của Hội đồng Giám mục Pháp / CHARLY TRIBALLEAU/AFP
la-croix.com, Malo Tresca, 2018-08-07
Cuối tháng 5, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đảo Ngà than phiền tình trạng “lang thang” của một vài linh mục được gởi đi sứ vụ ở các giáo phận Âu châu mấy năm trước đây, nay họ từ chối về nước. Đức Tổng Giám mục Dominique Lebrun giáo phận Rouen, cựu chủ tịch nhóm làm việc với các “linh mục đến từ các nước khác” của Hội đồng Giám mục Pháp phân tích vấn đề gai góc này.
Báo Thập giá: Cha có thấy có hiện tượng “lang thang” của một vài linh mục của các giáo phận Phi châu được gởi đến Pháp không?
Tổng Giám mục Dominique Lebrun: Có, một vài linh mục được gởi ra nước ngoài đã không về lại, bất tuân lệnh giám mục của họ gọi về. Vì sao? Trong những trường hợp ngoại lệ này thì sẽ không có một lời giải thích chung. Mỗi trường hợp là một trường hợp đặc biệt và có một quá khứ đau khổ. Tôi nghe nhiều lý do khác nhau và tôi không chắc mình đã hiểu rõ hết. Có thể là có các lý do riêng như sức khỏe, tình trạng gia đình hoặc chính trị. Cũng có thể là lý do tu hành liên hệ đến cá tính, đến vấn đề địa phương, vấn đề tài chánh, hoặc từ giáo phận đã đón nhận họ.
Dù lý do nào thì việc không trở về của linh mục ‘fidei donum, hồng ân đức tin’ làm tổn thương quan hệ cơ bản của linh mục với giáo phận và với chủ chăn của mình là giám mục. Tôi hiểu lời than phiền của Giám mục Bessi Dogbo. Khi một linh mục không còn ở trong tình trạng “gởi đi”, thì họ bị xem là “vagus” có nghĩa là lang thang. Đây là tình trạng bất thường. Nhưng tôi là ai mà đi ném đá? Sứ vụ của tôi là đi tìm họ, đưa bàn tay ra cho họ, tháp tùng họ. Nhưng chúng ta đừng quên cũng có các linh mục “lang thang” trong số các linh mục của Pháp!
Làm sao giải thích tình trạng này?
Tôi đã nhiều lần đón nhận các linh mục đến đây bằng con đường bình thường. Họ đến không giấy tờ như anh chị em của họ. Tôi bị đánh động nhiều. Khi nghe câu chuyện của họ, tôi hiểu sự đau khổ của họ đã dẫn họ có một quá trình như vậy, từ đất nước của họ, từ Giáo hội đôi khi bị chia xé của họ.
Giám mục Bessi Dogbo cũng nói đến “tình trạng di dân kéo dài của các tu sĩ”. Suy tư của các giám mục Pháp về tình trạng các linh mục đến từ các nước khác ghi nhận, các linh mục này là một trường hợp đặc biệt của vấn đề di dân. Trong làn sóng di dân nam-bắc – không phải là làn sóng duy nhất -, có những lý do và những vấn đề chòng chéo nhau và rất nhiều.
Chung chung các giáo phận Pháp đều đón nhận. Các cộng đoàn thiếu linh mục. Các giáo phận gởi linh mục đi cũng là những người xin đào tạo hay có kinh nghiệm mục vụ. Tôi thán phục các linh mục đi xa đất nước mình để phục vụ. Họ là chứng nhân rất đẹp của đức tin.
Nhưng họ phải sống xa quê hương, có thể có nguy cơ bị mất gốc, các cộng đoàn cũng như các linh mục có thể bị cách biệt văn hóa. Chúng tôi cố gắng chuẩn bị tinh thần cho bên này, bên kia, nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Chúng tôi còn phải tháp tùng không phải chỉ với các linh mục nước ngoài mà cũng tháp tùng với các cộng đoàn đón nhận họ. Các giáo xứ dần dần thực hiện công việc này.
Làm thế nào để Hội đồng Giám mục Pháp chuẩn bị tốt hơn cho các tình trạng này?
Khi sắp về nước, rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Chẳng hạn về vấn đề sức khỏe. Các linh mục ở đây được hưởng một chế độ bảo vệ sức khỏe rất tốt. Nói họ trở về thì có thể họ sẽ không còn được săn sóc sức khỏe như bác sĩ mong muốn. Nếu họ ở lại đây khá lâu, họ có thể hưởng một ít tiền hưu hoặc có thể giúp đỡ giáo phận hay gia đình của họ. Tương lai sẽ như thế nào?
Để chuẩn bị việc ra về được tốt thì cũng phải xem lại những gì họ đã được sống ở đây. Các khóa chuẩn bị đi về đã được tổ chức. Các kỷ niệm ít nhiều chôn giấu bây giờ trồi lên. Bên cạnh những chuyện tốt đẹp, tôi còn nghe những chuyện không được tốt đẹp. Sự đón nhận mà chúng ta nghĩ không có vấn đề, nhiều khi lại bị nhìn theo một cách khác. Gần như tất cả các linh mục đến từ các nước khác đều là nạn nhân của một sự vụng về kỳ thị nào đó. Chẳng hạn, một giáo dân cho biết, người thân của họ không muốn một linh mục Đen làm lễ an táng. Điều này là không thể chấp nhận được.
Để việc ra về tốt đẹp, tôi nghĩ việc đón nhận cũng phải tốt đẹp! Phải biết phát triển tài năng của họ. Chúng ta có để cho họ, hoặc chúng ta chỉ chờ họ thay thế các linh mục thổ dân mà chúng ta thiếu, để họ làm sứ vụ như các linh mục thổ dân này không?
Sự ‘không trở về’ có luôn đáng lên án không? Có, nếu nó không được phối hợp và sống trong đức vâng lời. Đúng là có một số lượng đáng kể các linh mục hay các nhà truyền giáo Pháp đã sống ở các nước khác cho đến khi kiệt lực, thậm chí cho đến chết.
Đâu là hệ quả của hiện tượng này trên các quan hệ giữa các giám mục nước gốc và các giám mục đón nhận?
Như giám mục Bessi Dogbo đã nhấn mạnh, các quan hệ giữa các giám mục là quan trọng. Chúng ta sống tinh thần đồng đội trong Giáo hội công giáo. Tính từ “công giáo” có nghĩa là “phổ quát”. Đó là một ơn phi thường. Giữa các giám mục, có thể có những bất đồng hay hiểu lầm về tình trạng của linh mục này, linh mục kia. Theo kinh nghiệm, họ gần như không chống lại các cuộc gặp gỡ cá nhân hay đối thoại. Trong mọi trường hợp, một giám mục phải lắng nghe giám mục của giáo phận gốc của linh mục nếu linh mục này tỏ ra đáng chỉ trích.
Nhiều anh em đồng bạn của tôi tận dụng thời gian nghỉ hè để đi thăm giáo phận gốc của các linh mục được đón nhận. Tôi đã tiếp các giám mục của các linh mục “hồng ân đức tin” khi họ có dịp đi Âu châu. Giáo phận Évreux đã có mối bang giao thân tình với giáo phận Boma (Cộng hòa Công-gô) : Trong vài tuần nữa, một linh mục giáo phận Évreux sẽ đi giáo phận Boma theo sứ mạng linh mục “hồng ân đức tin”. Đây là một tấm gương hỗ tương và bác ái trong hàng giáo sĩ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch