Magnus MacFarlane-Barrow, người nuôi ăn một triệu em bé

324

Magnus MacFarlane-Barrow, người nuôi ăn một triệu em bé 

 

1 250 000 bữa ăn được tổ chức Phi Chính Phủ Mary’s Meals (Bữa ăn của Mary) phân phát cho các em bé nghèo. Magnus MacFarlane-Barrow, người sáng lập tổ chức kể câu chuyện phiêu lưu của ông trong quyển sách “Nông trại nuôi một triệu trẻ em” (Le cabanon qui nourrit un million d’enfants, nxb. Béatitudes).

pelerin.com, Christophe Chaland, 2018-07-31             

Đâu là sứ mạng của tổ chức Bữa ăn của Mary?

Sứ mạng của chúng tôi rất đơn giản: chúng tôi cung cấp mỗi ngày một bữa ăn cho các em bé nghèo tại nơi các em đi học. Hiện nay, mỗi ngày tổ chức Bữa ăn của Mary phân phát bữa ăn cho hơn 1 250 000 em bé ở mười lăm nước trên thế giới nhờ tiền quyên tặng của mười lăm nước khác. 

Câu chuyện bắt đầu như thế nào?

Cụ thể câu chuyện Bữa ăn của Mary bắt đầu năm 2002 ở Malawi, một nước nhỏ ở Đông Phi. Nhưng đầu đuôi câu chuyện phải ngược về năm 1983. Lúc đó tôi 15 tuổi. Một năm trước đó, chúng tôi cùng gia đình đi Fatima, Bồ Đào Nha. Ruth, người chị cả của tôi đọc đâu đó trên báo về việc Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du, một thành phố của Yougoslavia, bây giờ là Bosnia-Herzégovina. Chúng tôi xin cha mẹ đi đến đó, nhưng cha mẹ tôi không rãnh để đi và chúng tôi quá ngạc nhiên khi cha mẹ để cho chúng tôi đi một mình! Một tuần ở đó chúng tôi đã trải nghiệm được tình yêu của Chúa.

Cùng với em trai tôi, chúng tôi nghe có một trại gần Mễ Du, người dân ở đó thiếu thốn tất cả. Và chúng tôi muốn hành động.

Chúng tôi ra về lòng hân hoan với ước muốn đặt Chúa vào chỗ trọng yếu trong cuộc đời mình. Cha mẹ chúng tôi quá ngạc nhiên. Đến lượt họ, họ đi Mễ Du, khi trở về, họ quyết định biến ngôi nhà của gia đình thành trung tâm tĩnh tâm. Chín năm sau, chiến tranh bùng nổ ở Bosnia-Herzégovina. Khi đó tôi làm việc cho một trại nuôi trồng thủy sản. Cùng với em trai, chúng tôi nghe có một trại gần Mễ Du, người dân ở đó thiếu thốn tất cả. Và chúng tôi muốn hành động. Cha mẹ tôi xin trong vòng gia đình, bạn bè, những người đến trung tâm tĩnh tâm cho chúng tôi thức ăn, áo quần, thuốc men để chúng tôi đem đến Bosnia. Tôi được nghỉ làm một tuần và chúng tôi ra đi. Từ đó tôi nghỉ việc, không trở về với công việc nuôi cá hồi vì trong thời gian tôi vắng mặt, quà tặng tiếp tục đổ về, và tôi biết, khi tôi về nhà tôi phải quyết định công việc của tôi. Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện, tôi từ chức và cống hiến toàn thời gian của mình để giúp đỡ người dân ở Bosnia-Herzégovina và ở Croatia. Chúng tôi đặt tên cho tổ chức gia đình mình là Giúp đỡ Quốc tế Ê-cốt (Scottish International Relief).

Vatican cẩn thận trong việc phán xét của mình về các lần Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du. Ông có kinh nghiệm gì về việc này?

Tôi hiểu phân định là rất khó đối với Giáo hội. Dù sao tôi tôn trọng quan điểm của Vatican. 

Làm thế nào mà tổ chức Giúp đỡ Quốc tế Ê-cốt thành Bữa ăn của Mary?

Năm 2002, báo chí nói nhiều đến nạn đói ở cực Nam Phi châu. Ở Malawi có 3 triệu trẻ em có nguy cơ chết đói. Chúng tôi tự hỏi: “Mình có thể làm gì?” Ở nhà, một trong các anh chị em tôi nói: “Người phụ nữ ở Malawi viết thư cho chúng ta bây giờ như thế nào rồi nhỉ?” Năm 1983 khi từ Mễ Du trở về, chị tôi có viết một bài báo đăng trên nhật báo Catholic Herald, một tờ báo được rất nhiều người trong giới nói tiếng Anh đọc. Chúng tôi nhận hàng ngàn thư nhưng tất cả đều vào quên lãng, trừ một bức thư chúng tôi không quên: “Tôi tên là Gay Russell, tôi ở Malawi và tôi lái máy bay cho một công ty sản xuất đường”. Nghĩ đến người phụ nữ đi phát tin Mễ Du trong chiếc máy bay nhỏ này là đề tài cho chúng tôi vui đùa. 

 

Không nghi ngờ gì nữa: chúng tôi thành lập Bữa ăn của Mary. Đó là ý Chúa. 

Một ngày đẹp trời năm 2002, có một người tên Tony Smith đi tĩnh tâm ở nhà tôi. Trong câu chuyện qua về, ông kể: “Tôi biết bà đó! Tôi làm việc với bà. Tôi có thể bắt liên lạc với bà”. Chúng tôi ngỡ ngàng. Hai tháng sau chúng tôi gặp bà Gay Russell và ông Tony Smith ở Malawi. Một buổi chiều, ông Tony tâm sự với tôi: “Tôi nghe bài diễn văn của một nghị sĩ Mỹ trên đài truyền hình, bài diễn văn này thật cảm động: ‘Nếu nước Mỹ mỗi ngày giúp một bữa ăn cho các em bé nghèo ở các nước kém phát triển, thì các nước này sẽ thoát khỏi nạn đói nghèo.’ Tôi nghe như được cảm hứng và ông Tony nói tiếp: ước gì có ai làm dự án này và giao cho Đức Mẹ và gọi đây là Bữa ăn của Mary như ông nghị sĩ này nói”. Ngay lập tức, những gì xảy ra cho tôi những năm trước đây trùng với những gì đang xảy ra trước mắt. Không nghi ngờ gì nữa, chúng tôi thành lập Bữa ăn của Mary. Đó là ý Chúa. 

Từ đâu ông có trực giác cho “mỗi ngày một bữa ăn ở các trường học?”

Lần đầu khi đến Malawi, tôi đi theo một linh mục đến thăm một gia đình. Người cha đã qua đời, người mẹ bị sida đang hấp hối. Bà nằm dài dưới đất đau đớn, chung quanh bà là sáu đứa con. Bà nói với chúng tôi: “Tôi không còn làm gì được nữa, tôi chỉ biết cầu nguyện để có ai săn sóc các con của tôi”.

 

Con muốn có một cái gì để ăn để có thể đến trường

Tôi nhìn em Edward, đứa con đầu lòng mới 14 tuổi của bà, tôi hỏi: “Con muốn gì, con hy vọng gì?” Em trả lời: “Con muốn có gì ăn để có thể đến trường”. Câu nói này đã làm cho tôi suy nghĩ đến nạn đói và việc đi đến trường. Các em nghèo không thể đi học vì các em phải đi ăn xin để mưu sinh. Nếu chúng ta cho các em bữa ăn thì đây là một động lực rất lớn để các em được đến trường.

Đâu là kinh nghiệm về việc làm bác ái của ông?

Tôi thích chữ này. Nhưng đáng tiếc chữ bác ái đã lỗi thời. Lòng bác ái chân chính là đến với người đang ở trước mặt mình và đang thiếu thốn cấp kỳ, lòng bác ái là muốn giải thoát người nhận khỏi lệ thuộc người cho. Đó là những gì chúng tôi cố gắng làm. Cho, là làm cho mình trở nên người hơn. Bữa ăn của Mary dựa trên lòng quảng đại của rất nhiều ân nhân, họ cho các món tiền nhỏ, kể cả trẻ em, các em cũng cho. Bữa ăn của Mary cũng dựa trên rất nhiều thiện nguyện viên, những người lo bữa ăn ở nhà trường cho các em. Tôi rất cảm kích trước tấm lòng của những người này. Với tấm lòng nhân hậu của họ. Chúng tôi cố gắng giữ nét bình dân này của Bữa ăn của Mary. 

Theo ông, hành động của Chúa Quan Phòng là thấy rõ?

Đúng. Và đôi khi cũng rất buồn cười. Đó là câu chuyện của một nhóm người hồi giáo ở Bosnia, chúng tôi biết họ ở Ê-cốt khi họ tị nạn ở đó. Năm 1995, họ hội đủ điều kiện để về lại quê hương, tôi đi theo họ trên chiếc xe tải chở đồ đạc chật ních. Các nhân viên hải quan Bỉ đuổi họ trở về biên giới vì giấy tờ của họ chưa hợp lệ để đi xuyên qua Âu châu.

Bì thơ có chi phiếu 4200 âu kim của một linh mục Ai Len.

Tôi tính toán, trong tài khoản ngân hàng của gia đình, tôi chỉ có đủ 4200 âu kim để trả tiền vé máy bay cho mỗi người, còn tôi thì tiếp tục đi với chiếc xe tải. Về nhà, tôi không biết làm thế nào để mình khỏi túng thiếu. Julie, vợ tôi đón tôi, gương mặt của Julie rất xúc động, nàng đưa cho tôi một phong bì. Phong bì có chi phiếu 4200 âu kim của một linh mục Ai Len. Julie nói thêm: “Chúng ta không biết linh mục này và linh mục muốn giữ ẩn danh”. 

Thật khó mà tin vào Chúa Quan Phòng…

Tôi cảm thấy mình được ưu đãi. Tôi không hiểu tại sao tôi lại có những giây phút sống như vậy. Tôi không phải là người sẽ nói: “Mình làm như vậy để được như vậy!” Tôi cảm thấy mình phải làm công việc này để phục vụ người anh em, đặc biệt là những người thấp bé, nhất là các trẻ em. Và chúng tôi hiểu, nếu chúng tôi có một tình yêu cho các em thì Chúa còn yêu các em đến như thế nào! Tôi có cảm tưởng như nếu mình đi ra khỏi tiện nghi của mình một chút thì Chúa sẽ ban phúc lành cho mình. 

Ông đã gặp Đức Phanxicô. Lời của ngài đã nâng đỡ ông?

Đó là một con người phi thường, một người dũng cảm không thể tưởng tượng. Tôi không biết từ đâu ngài có sức mạnh này. Ngài muốn Giáo hội quay về với những người nghèo nhất. Và đây là điều quan trọng hơn bao giờ hết.

 

Trong buổi tiếp kiến chung với Đức Phanxicô ngày 11 tháng 5 – 2016

Marta An Nguyễn dịch

“Nông trại nuôi một triệu em bé” (Le cabanon qui nourrit un million d’enfants, nxb. Béatitudes).