Lý luận về sự Phẫn nộ và Căm phẫn của chúng ta về vấn đề đạo đức
Ronald Rolheiser, 2013-08-18
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên… Anh em tưởng Thầy đến để mang hòa bình đến cho thế gian sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.”
Những lời này là một trong những lời dạy bị hiểu lầm nhiều nhất trong Kinh thánh, vì từ thời Chúa Giêsu cho đến thời bây giờ, chúng ta luôn có khả năng che đậy những thiếu sót của lòng nhân, sự thiếu tôn trọng, cũng như những chua cay và ghen ghét của mình bằng chính lời ngôn sứ này, và cho rằng những chia rẽ mà chúng ta gây ra là sự chia rẽ mà chính Chúa Giêsu đã nói đến khi ngài ném lửa vào mặt đất. Nhưng chúng ta sai rồi. Tại sao vậy?
Thứ nhất, lửa mà Chúa Giêsu mong ước đem vào mặt đất không phải là ngọn lửa chia rẽ và phân cực, nhưng là lửa của Thần Khí, lửa trong ngày lễ Hiện xuống, cụ thể là ngọn lửa của lòng nhân ái, niềm vui, hòa bình, tốt lành, thông hiểu và tha thứ. Và ngọn lửa này hợp nhất hơn là chia rẽ. Hơn nữa, để trả lời cho câu hỏi của Chúa: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao?” Câu trả lời là: Tuyệt đối đúng, không còn nghi ngờ gì. Chúa Giêsu đến, chính xác là đem hòa bình đến cho trái đất, đúng như lời các thiên thần hát trong ngày Chúa giáng sinh, đúng như cuộc đời rao giảng của Chúa thể hiện, và đúng như chứng tá hùng hồn qua cái chết của Ngài. Chúa Giêsu đến để đem hòa bình cho thế giới, không ai có thể nghi ngờ điều này.
Vậy làm sao sự chia rẽ len vào được? Và tại sao Chúa Giêsu nói rằng con người và giáo lý của Ngài sẽ gây phân cực, ghen ghét, và chia rẽ? Nếu ngọn lửa Chúa Giêsu đem xuống trái đất là để hợp nhất chúng ta, vậy tại sao nó lại thường xuyên gậy chia rẽ?
Không phải thông điệp của Chúa Giêsu gây chia rẽ, mà là cách chúng ta đáp lại thông điệp đó. Chúng ta có thể thấy điều này lúc Chúa giáng sinh. Khi Chúa Giêsu ra đời, có người phản ứng bằng sự hiểu biết và vui mừng, có người phản ứng với sự hiểu lầm và thù ghét. Động lực đó vẫn tiếp diễn qua nhiều thế kỷ cho đến tận ngày nay, không những Chúa Giêsu bị hiểu lầm và bị xem là mối nguy hại cho nhiều người không theo Kitô giáo, mà đặc biệt là khi con người và thông điệp của Chúa bị dùng để biện minh cho sự chia rẽ đầy chua cay và thù ghét giữa các Kitô hữu, cũng như để biện bạch cho sự chua cay luôn luôn là đặc nét của các thảo luận công khai về các vấn đề tôn giáo và đạo đức. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục gây chia rẽ, không phải bởi con người và thông điệp của ngài phiến diện, gây bất hòa, hay đầy thù hận, nhưng là vì chúng ta thường dùng thông điệp và con người của Ngài qua cách hành xử xấu xa như thế.
Và do đó, từ thời Chúa Giêsu cho đến bây giờ, chúng ta luôn lợi dụng Chúa để lý luận cho những mối giận và sợ hãi của chính mình. Tất cả chúng ta đều làm thế, và hệ quả của nó đầy dẫy khắp nơi: từ sự phân cực đầy chua cay trong nền chính trị, cho đến sự hiểu lầm cay đắng giữa các giáo hội, những hùng biện đầy lòng thù ghét trên đài hay truyền hình, những xã luận và blog bêu xấu tất cả những ai không đồng ý với họ, và cả cái cách nói chuyện đầy xét đoán lẫn nhau trong những cuộc phiến đàm trà dư tửu hậu. Chúng ta hết thảy đều đang trút đi nỗi chua cay của mình, và gần như không lành mạnh, nhưng lại làm thế dưới vỏ bọc là đem lửa tình yêu và sự thật đến với trái đất. Tuy nhiên, nói cho đúng sự thật, thì ngọn lửa chúng ta đang mang theo có vẻ giống như ngọn lửa Babel hơn là lửa Thánh Thần. Những ngọn lửa nóng nảy đạo đức của chúng ta luôn luôn đem lại nhiều chia rẽ hơn là hợp nhất.
Chẳng hạn, một vài năm trước đây tôi có dự một buổi gặp mặt các linh mục với nhau, mỗi người hiện diện được mời lên nói cảm nghĩ về nét nổi bật trong công tác mục vụ của mình. Một trong số các linh mục, người có tiền sử gây rắc rối kiểu ấu trĩ với cả giám mục lẫn giáo dân, đã tự tin nói về mình như sau: “Những gì tôi đóng góp là việc tôi là người kích động! Tôi khuấy động mọi sự! Tôi không để cho người ta thoải mái. Tôi đem lửa của Chúa Kitô đến! Tôi mang trong mình tính ngôn sứ!” Ông ấy khăng khăng cho mình là đúng khi chọn thái độ kích động, gây khó chịu, tạo nên ngọn lửa. Và giám mục của ông quả thật đã phải liên tục nhận các cuộc điện thoại khẳng định điều đó. Nhưng cần phải nghi ngờ tính ngôn sứ của ông. Cách tiếp cận mọi việc và cách nói chuyện của ông quá giống vị diễn giả chủ tọa phiến đàm bị thôi thúc bởi ý thức hệ, một người phân chia thế giới rành mạch giữa thiên thần và ác quỷ, tuyệt đối đúng hoặc tuyệt đối sai, và cũng phân chia quá dễ dãi ai đứng về Thiên Chúa và ai về phe ma quỷ. Kiểu nói chuyện đó gần như chua cay, đầy thù ghét, phiến diện, và gây bất hòa, nhưng lại biện minh cho mình bằng ngọn cờ sự thật và tình yêu, tự cho mình là ngôn sứ.
Daniel Berrigan đã đúng khi cho rằng một ngôn sứ thật phải có lời nguyền yêu thương, chứ không phải lời nguyền chia rẽ. Thật dễ để làm ngược lại điều này, và đúng là chúng ta thường làm thế thật.
Có thể nói rằng, có một ngọn lửa gây chia rẽ, thậm chí cả khi nó cũng là ngọn lửa yêu thương và lửa Thần Khí. Nhưng nó là một ngọn lửa, mọi nơi mọi lúc, đầy tôn trọng, nhân từ, và cởi mở, không bao giờ thúc đẩy chúng ta chua cay, như kiểu của những lời hùng biện về tôn giáo và đạo đức đang đầy dẫy ngày nay.
J.B. Thái Hòa dịch