Andrea Tornielli – Thông tín từ Geneva
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cử hành thánh lễ vào cuối chuyến tông du đến Geneva. Hàng ngàn gia đình và người trẻ từ khắp Thụy Sỹ, cũng như từ nước láng giềng Pháp, đợi ngài ở Palaexpo, khu vực hội chợ thương mại gần sân bay.
Trong bài giảng, Đức Phanxicô đưa ra ba từ chính là “Cha, bánh, và tha thứ.”
Ngài bắt đầu bằng suy niệm về kinh Lạy Cha, và nhắc lại rằng, “Chúng ta cầu nguyện bằng ngôn ngữ Kitô giáo, và là Kitô hữu, chúng ta không cầu nguyện với một thần chung chung nào đó, nhưng là với Thiên Chúa, Cha chúng ta. Trước tất cả mọi thần tính khác, kể cả sự vô hạn và bất diệt, Thiên Chúa là Người Cha. Kinh Lạy Cha thể hiện yếu tính, ý nghĩa cuộc đời chúng ta. Chúng ta là con trai con gái yêu dấu của Thiên Chúa.
Do đó, những lời này giải quyết vấn đề cô độc của ta, xóa bỏ tâm thức cô nhi của ta. Chúng cho ta thấy mình phải làm gì: là yêu mến Thiên Chúa, Cha chúng ta, và yêu mến người khác, là anh chị em với chúng ta. Kinh Lạy Cha là lời kinh của chúng ta, của Giáo hội, bởi nơi nào có Cha, thì không ai bị loại trừ, sợ hãi và bất định không thể thắng thế. Đột nhiên, chúng ta nhớ lại mọi điều tốt đẹp, bởi trong trái tim của Cha, chúng ta không phải là người lạ nhưng là con trai con gái yêu dấu của Cha.
Đừng bao giờ chán gọi lên “Cha ơi” vì nó sẽ nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta là con cái của Cha, nên không ai trong chúng ta cô độc trên thế giới này. Và nó cũng nhắc cho chúng ta nhớ, mình không phải là con một. Mỗi người chúng ta phải quan tâm đến người anh chị em trong gia đình nhân loại của mình. Khi nói lên “Cha ơi,” là chúng ta đang nói rằng mỗi một con người là một phần của chúng ta, và khi đứng trước những chuyện xấu xúc phạm đến Cha, chúng ta được kêu gọi hành động như anh chị em để phản ứng với nó. Chúng ta được kêu gọi làm người bảo vệ cho gia đình, thắng vượt những lãnh đạm giữa anh chị em với nhau. Và tình thân này phải bao gồm cả những trẻ em chưa sinh ra, người già, người mà chúng ta thấy khó lòng tha thứ, người nghèo và người bị loại ra ngoài rìa xã hội.
Còn cơm bánh, trên tất cả, cơm bánh là những gì chúng ta cần để được khỏe mạnh và có sức làm việc, nhưng đáng buồn thay, nhiều anh chị em của chúng ta lại không có đủ cơm bánh. Và cha muốn nói: Khốn cho những người đầu cơ cơm bánh! Thức ăn căn bản của con người cho cuộc sống hằng ngày phải là thứ mà mọi người đều có thể có được.
Và khi xin cơm bánh hằng ngày, cũng là cách chúng ta nói: “Xin cha cho con một đời sống đơn giản hơn.” Cuộc sống đã trở nên quá phức tạp. Thời nay dường như người ta bị nhồi nhét, chạy ngược xuôi từ sáng đến tối, giữa vô số cuộc gọi và tin nhắn, chẳng còn thời gian để nhìn mặt nhau, đầy căng thẳng vì những vấn đề biến động phức tạp không ngừng. Chúng ta cần chọn một lối sống điềm đạm hơn, thoát khỏi những vội vã không cần thiết.
Hãy chọn sự đơn giản của cơm bánh và tái khám phá sự dũng cảm của thinh lặng và cầu nguyện, men muối cho một đời sống nhân văn đích thực. Hãy chọn con người thay vì những thứ khác, để mối quan hệ nhân văn được phát triển. Hãy học lại cách yêu thương cái mùi thân thuộc của cuộc sống quanh ta. Thuở nhỏ ở quê nhà, nếu có mẩu bánh mỳ rơi khỏi bàn, thì anh em cha được dạy là nhặt nó lên và hôn nó. Hãy trân trọng những điều đơn sơ trong cuộc sống thường nhật, đừng cứ dùng rồi vứt đi, nhưng phải biết trân trọng và quan tâm chúng.
Và cuối cùng là tha thứ. Thật không dễ để tha thứ. Chúng ta luôn cố cay đắng và phẫn uất. Nhưng Thiên Chúa giải thoát tâm hồn chúng ta khỏi mọi tội lỗi, Ngài tha thứ đến tận cùng. Nhưng Ngài muốn chúng ta làm lại một việc, là chúng ta không bao giờ chán tha thứ cho nhau. Ngài muốn chúng ta rộng lượng trước lỗi lầm của người khác. Chúng ta nên xem xét tâm hồn mình cho kỹ, tìm ra xem có vật cản nào ngăn chúng ta tha thứ không, xem có hòn đá chắn lối nào cần phải dời đi không.
Và chúng ta hãy xin ơn đừng để mình trở thành một tâm hồn chai đá cứ luôn mãi đòi hỏi người khác. Nhưng hãy đi một bước đầu tiên, thắp lên một ngọn nến, bằng cách cầu nguyện, gặp gỡ nhau trong tình huynh đệ, và làm việc thiện một cách cụ thể.”
J.B. Thái Hòa chuyển dịch