Trong nhiều thế kỷ, tự vẫn bị xem là hành động tuyệt vọng, và tuyệt vọng tự nó bị xem là một tội nặng nhất. Trong nhiều nhóm tôn Giáo, tuyệt vọng bị xem là hành động tội lỗi nhất và không thể được tha thứ.
Đáng buồn thay, hiện nay vẫn còn lại phần nào của tâm thức đó, khi nhiều người xem tự vẫn là hành động tuyệt vọng, một sự phạm thượng với Thiên Chúa và sự sống, một sự từ bỏ hy vọng không thể được tha thứ. Nhiều Giáo hội vẫn xem tự vẫn là một hành động tuyệt vọng và là tội không thể tha thứ chống lại Thánh Thần. Nhưng đây là một sự hiểu lầm. Tự vẫn không phải là hành động tuyệt vọng và không phải là hành động không thể được tha thứ. Các Giáo hội Kitô, và chắc chắn là Giáo hội Công Giáo La Mã, không tin cũng như dạy rằng tự vẫn là một hành động tuyệt vọng.
Mục đích của tôi không phải là xem thường những gì Giáo hội dạy về tự vẫn hay sự tuyệt vọng, nhưng là muốn nhấn mạnh một cách chính xác hơn về những giáo lý này. Và với những người vẫn tin rằng tự vẫn là một hành động tuyệt vọng và không thể tha thứ, tôi cũng không hạ thấp niềm tin của họ nhưng chỉ muốn giải thoát họ khỏi một nỗi sợ sai lầm, dựa trên một nhận thức sai lầm, một thứ chắc chắn đã và sẽ khiến họ đau buồn và lo lắng cho người thân yêu đã chết vì tự vẫn.
Tự vẫn không phải là tuyệt vọng. Tự điển định nghĩa tuyệt vọng là hoàn toàn mất hết hy vọng. Nhưng trong hầu hết các vụ tự vẫn, chuyện không phải như thế. Vậy thì là thế nào?
Người tước đi mạng sống của mình không định làm việc đó để phạm thượng Thiên Chúa hay sự sống, bởi hành động phạm thượng là hành động dựa vào sức mạnh của riêng mình mà tự vẫn thường ngược lại với kiểu đó. Tự vẫn là kết quả của một thất bại khổng lồ.
Trong vở nhạc kịch Những người khốn khổ chuyển thể từ tác phẩm của Victor Hugo, có một cảnh rất xúc động. Người phụ nữ trẻ Fantine đang nằm chờ chết. Cô từng là một cô gái xinh đẹp và đầy ước mơ, nhưng giờ bị bào mòn bởi cảnh nghèo, với trái tim tan nát vì bị phụ tình, và thể xác bị dày vò vì bệnh tật, cô đã bị đánh bại và chấp nhận sự thật đau lòng rằng, “có những cơn bão chúng ta không thể vượt qua được.”
Cô nói đúng, và bất kỳ ai không chấp nhận sự thật đó, rồi sẽ có ngày hiểu ra nó một cách đau đớn và cay đắng. Trong đời có những chuyện sẽ nghiền nát ta, và đầu hàng nó không phải là một hành động tuyệt vọng, và cũng không phải là một hành động theo ý chí của ta. Đó là một thất bại đau lòng thảm thê.
Và đó là trường hợp của hầu hết những người chết vì tự vẫn. Với nhiều lý do từ suy yếu tâm thần cho đến vô số cơn tai ương có thể làm sụp đổ một người, đôi khi đến lúc nào đó trong đời, người ta bị khuất phục, bị đánh bại và không thể tiếp tục sống theo ý mình, cũng tương tự như những nạn nhân của thiên tai, ung thư, bệnh tim, hay Alzheimer. Khi bị nghiền nát trước một cơn bão chết người, thì đó không phải là tội. Chúng ta có thể bị khuất phục, và có nhiều người bị như thế, nhưng đấy không phải là sự tuyệt vọng, bởi tuyệt vọng là một hành động có ý chí và sự mạnh mẽ.
Chúng ta không hiểu được bệnh tật tâm thần, vốn là một thứ có thật và nghiêm trọng như bất kỳ bệnh tật thể lý nào. Chúng ta không đổ lỗi cho bất kỳ ai chết vì ung thư, trụy tim, hay tai nạn, nhưng lại luôn gắn một bóng tối u ám về tinh thần cho những người chết vì các bệnh tâm thần, vốn là nguyên do chính yếu trong nhiều vụ tự vẫn. May thay, Thiên Chúa vẫn là Đấng Tối Cao, và nhận thức còn thiếu sót của chúng ta dù có làm hoen ố hình ảnh về người quá cố thì vẫn không tác hại đến ơn cứu độ đời sau của họ.
Ngoài những chứng bệnh tâm thần, chúng ta còn có thể bị đánh bại bởi nhiều thứ khác. Những bi kịch, mất mát, những ám ảnh không lời đáp, và nỗi hổ thẹn nhiều lúc có thể làm tan nát con tim, đập tan ý chí, giết chết tinh thần và khiến thân xác chết đi. Và khi phán xét điều này, chúng ta nên phản ánh từ nhận thức của mình về Thiên Chúa. Một Thiên Chúa nhân từ yêu thương lại có thể kết tội một người vì người đó, như Fantine trong Những người khốn khổ, không vượt qua được cơn bão hay sao? Thiên Chúa ủng hộ những quan niệm hẹp hòi của chúng ta, nghĩ rằng ơn cứu độ hầu như chỉ dành cho những người mạnh mẽ sao? Không, nếu chúng ta tin vào Chúa Giêsu, thì không.
Phải để ý khi Chúa Giêsu chỉ ra đâu là tội, Ngài không chỉ ra những lúc mà chúng ta yếu đuối và bị đánh bại, nhưng Ngài chỉ ra lúc mà chúng ta mạnh mẽ, kiêu căng, lãnh đạm, và phán xét. Hãy tìm trong Tin mừng và trả lời câu hỏi này: Chúa Giêsu gay gắt với ai nhất? Câu trả lời rất rõ ràng: Chúa Giêsu gay gắt nhất với những người mạnh mẽ, phán xét, và không biết cảm thương những người đang chịu đựng cơn bão cuộc đời. Hãy để ý khi Ngài nói về người giàu làm ngơ người nghèo trước bệ cửa nhà mình, hãy để ý lời Ngài nói về các tư tế và kinh sư bỏ mặc người bị đánh bên vệ đường, và hãy để ý những lời Ngài chỉ trích các kinh sư và Pharisiêu hấp tấp xét đoán ai là người bị Chúa trừng phạt và ai thì không.
Chỉ có một nhận thức sai lầm về Thiên Chúa mới có thể ủng hộ một quan niệm tai hại rằng khốn cảnh trong đời tạo nên sự tuyệt vọng.
J.B. Thái Hòa dịch