Cai nghiện và các sư huynh Dòng Thánh Gioan
diocese-bourges.org, François Chasseriau, 2017-09-22
Cuối tuần lễ 16 và 17 tháng 9-2017, hiệp hội Thánh Gioan Hy vọng mừng lễ kỷ niệm 30 năm thành lập hiệp hội. Đây là dịp để các sư huynh Dòng Thánh Gioan giới thiệu trung tâm cai nghiện Besses của các sư huynh. Sau đây là các nét chính trong đời sống của trung tâm.
Trung tâm cai nghiện của các sư huynh ở miến bắc Châteauroux, vùng Indre, một nơi không xa Đền thờ Đức Mẹ Thương xót ở Pellevoisin. Một vài sư huynh tháp tùng các thanh niên trẻ cai nghiện ở một trung tâm rất đặc biệt này.
Các thanh niên đến trung tâm này mỗi người một vẻ. Mỗi người có câu chuyện đời riêng của mình, đôi khi cuộc đời của họ vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta. Mỗi người với các khác biệt của mình, họ học sống chung với nhau trong tinh thần cộng đoàn, với các người khác và với các sư huynh.
Các cuộc đời khác nhau nhưng có một điểm chung
Các thanh niên trẻ ở đây có tất cả các điểm ngược đời nhau: gốc gác văn hóa, gia đình, tình trạng gia đình, giàu nghèo, quá trình của mình, v.v. Nhưng họ có một điểm chung: họ nghiện một hay nhiều loại ma túy và muốn thoát ra hoặc bị bắt buộc phải thoát ra.
Trên thực tế, các thanh niên trẻ tự nguyện đến đây. Họ ý thức tình trạng nghiện ngập của mình, vì vậy họ phải chọn giữa hai chọn lựa, hoặc vào nhà tù, hoặc vào trung tâm cai nghiện. Chọn lựa được làm một cách nhanh chóng, nhưng từ quyết tâm này để vào trung tâm cai nghiện do các tu sĩ điều hành với nhịp sống dựa trên cầu nguyện thì không phải ai cũng có quyết tâm. Ngược với một trung tâm cổ điển, ở đó các thanh niên trẻ không ở quá một năm, ở đây thời gian kéo dài nhiều năm. Trung bình một năm rưỡi.
Vì thế các thanh niên phải tự nguyện vào và phải trả tiền cho các sư huynh. Theo sư huynh Éric, người trách nhiệm điều hành trung tâm, thì trung bình các thanh niên phải trả từ 300 đến 400 âu kim mỗi tháng. Trước khi chấp nhận, các sư huynh phải kiểm xem ít nhất các thanh niên phải được hưởng trợ cấp cư trú. Nếu có ai không kiếm được tiền hoặc không có một phương tiện tài chánh nào để trả thì các sư huynh có thể đón nhận và săn sóc.
Nhưng nếu chỉ có mười mấy thanh niên thì không đủ chi phí để duy trì trung tâm, các sư huynh phải nhờ đến tiền đóng góp giúp đỡ và tiền bán các sản phẩm của cộng đoàn như bánh mì, bánh ngọt, trứng và cả súc vật như chiên, cừu.
Vì vậy, một khi vào đây, tất cả đều muốn đi ra khỏi vấn đề nghiện ngập và một trong các điểm chung rất hiếm của họ, họ có độ tuổi trung bình từ 20 đến 35.
Học sống chung với nhau
Mỗi người sống trong cùng mái ấm, tuân theo cùng luật lệ, cùng tiết nhịp, ăn cùng thức ăn, tham dự cùng sinh hoạt. Nếu thế hệ bây giờ cho cảm tưởng họ sống trong tình huynh đệ với nhau, trong cùng nhóm tương trợ nhau thì hồi trước không được như vậy.
Các khác biệt là cảm giác thiếu và ở chung đụng gần nhau không phải là dễ. Đã nhiều lần họ gây nhau, la mắng nhau. Cách đây mấy tháng họ còn khiêu khích nhau và những chuyện chướng tai gai mắt vẫn còn là chuyện hàng ngày ở đây. Nhưng bây giờ các nhóm có vẻ tương trợ nhau và cùng sống bên nhau.
Những chuyện này có được cũng nhờ các sư huynh đưa ra điều luật chặt chẽ, chẳng hạn:
Thời khóa biểu nghiêm nhặt, dựa trên cầu nguyện, tương trợ và tuân theo luật lệ.
Kiểm duyệt. Cấm không được nói về quá khứ nghiện ngập, cấm nói về ma túy, rượu, cấm nói những chữ thô tục, chưởi thề, cấm mọi hình thức hung bạo, làm chuyện kỳ cục, cấm nghe một vài loại nhạc hay đọc một vài loại sách báo, v.v.
Mỗi người thay phiên nhau chịu trách nhiệm về các công việc chung, rửa chén, chùi nhà, dọn bàn, phụ trong công việc khách sạn, v.v.
Cầu nguyện là trọng tâm lịch sinh hoạt. Ngày bắt đầu từ 6h40 sáng bằng kinh cầu Đức Mẹ Thương xót, sau đó là đi lần chuỗi bên ngoài, những con đường chung quanh trung tâm. Đọc kinh trước và sau khi ăn. Họ cũng cầu nguyện trong thánh lễ ngày chúa nhật và đọc kinh chiều.
Dĩ nhiên cầu nguyện không sốt sắng như các sư huynh trong cộng đoàn, nhưng ở đây là các người trẻ nghiện ngập không có đạo, ít nhất họ là thành phần đa số ở đây.
Tôi muốn kể cho các bạn nghe cách họ lần chuỗi. Sáng 6h45 vừa mới dậy, trên con đường lạnh giá, họ sốt sắng lần hạt, với một xác tín, với một lòng tin tưởng. Cứ mỗi lời cầu nguyện là một ý chỉ, lần lượt họ cầu nguyện cho một người bạn, cho gia đình, cho một sư huynh của Dòng Thánh Gioan, cho ngày hôm nay, cho những ngày đã qua, v.v. Xong giờ lần chuỗi họ đi hàng hai diện đối diện vào trung tâm, rồi họ về phòng dọn dẹp, nghỉ một chút trước khi đi ăn sáng.
Như thế lần chuỗi mở đầu một ngày để chuẩn bị cho công việc trong ngày.
Ma túy là một lối thoát. Điểm bắt đầu dùng ma túy của mỗi người là một hay nhiều vấn đề đã ảnh hưởng đến đương sự sâu đậm nhất. Dùng các độc chất này làm cho họ trốn hay “bay lượn” thoát ra khỏi thực tế mà họ chịu không được. Đến một lúc họ có mặc cảm tội lỗi nhưng rất khó để quay trở lại vì họ đã nghiện. Mục đích của các sư huynh là giúp cho họ quay về với thực tế, hai chân phải đạp đất và phải chấp nhận quá khứ của mình.
Thoát ra khỏi trí tưởng tượng và đi về với thực tế
Các người trẻ này tuyệt đối phải tìm lại được đời sống thực tế, phải yêu thực tế. Điều cần thiết phải làm cho họ hiểu, lối thoát nhờ ma túy của họ là ảo tưởng và việc trốn thực tế chỉ làm nặng thêm vấn đề. Vì tình trạng nghiện ngập của mình, họ thường bị cô lập, họ phải cảm thấy mình hữu ích và nhất là được yêu thương, chấp nhận con người của mình và những gì mình đã làm. Phương tiện để đạt được mục đích này là: bán các sản phẩm như trứng gà, bánh ngọt, bánh mì, nước táo… và nhất là trồng trọt và chăn nuôi. Các bạn trẻ có một mãnh đất trồng rau và họ dùg các thành quả này để nấu ăn. Họ cũng hái táo và làm nước táo nhờ máy ép của cộng đồng. Họ cũng lo việc chăn cừu, nuôi gà, nuôi heo.
Công việc trồng trọt làm cho các bạn trẻ cảm thấy mình hữu ích cho cộng đoàn. Các công việc tay chân đã giúp cho họ rất nhiều trong việc nhìn lại thực tế, nhận thức được đời sống thật công việc lao động.
Khi đến mùa thu hoạch, cộng đoàn tin tưởng giao cho họ vào các khu đất riêng để hái hoa trái. Sau đó họ tham dự vào việc làm nước táo, bán sản phẩm, phục vụ trung tâm. Như thế họ tham dự trực tiếp vào việc nuôi sống cộng đoàn. Họ cũng chăn nuôi súc vật. Dĩ nhiên các sư huynh theo dõi công việc họ trong từng công việc.
Nhưng một chuyện căn bản, để đi tới đàng trước và bám vào thực tế, họ phải chấp nhận quá khứ của mình. Họ không được chôn vùi và phủ nhận con người của họ ngày trước. Như sư huynh Éric nói trong các bài dạy học của mình, không phải muốn tốt là được tốt. Phải vác thập giá của mình để đi đến một tình trạng làm cho mình được tốt hơn.
Các bạn trẻ phải có đức tin. Họ phải tin vào chính họ, vào các sư huynh, vào Giáo hội, những người che chở họ, giúp đỡ họ ra khỏi con đường cùng. Họ phải chấp nhận con người trước đây và con người bây giờ của mình. Họ phải chấp nhận mình được giúp đỡ, để đến lượt mình, họ hướng về người khác và giúp đỡ người khác. Đời sống cộng đoàn không phải chỉ để được giúp nhưng còn giúp người khác. Đây là một trong các nguyên tắc của các công việc khác nhau được giao phó cho họ. Họ không bao giờ thực hiện những chuyện này một mình. Và cuối cùng, điều cần thiết là họ phải có hy vọng đi ra khỏi trung tâm này để có thể giải quyết vấn đề nghiện ngập của mình.
Trung tâm Thánh Gioan Hy vọng là nơi học việc của ba đức tính thần: đức tin, đức mến, đức cậy.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: Ở Pellevoisin, từ nghiện ngập đến sự sống
Từ nghiện ngập đến chức thánh, vị linh mục của những người vô gia cư
Từ nghiện ngập nặng đến áo nâu dòng