Bị hội chứng lang-đơn-đao, “tôi muốn có việc làm để được tự lập”

178

Bị hội chứng lang-đơn-đao, “tôi muốn có việc làm để được tự lập”

la-croix.com, Pierre Bienvault, 2018-05-03 

Bị hội chứng lang-đơn-đao, từ bốn năm nay anh Yoann Comtois 35 tuổi đi tìm việc làm. Sau khi làm nhiều khóa thực tập, anh mơ có việc làm cố định “để được tự lập”. / Benoỵt Durand

Báo Thập giá xin phỏng vấn anh Yoann Comtois, anh đồng ý ngay lập tức. Bà Sophie Simonpoli, tổng thư ký Hội Các con Bướm trắng ở Paris cho biết: “Yoann Comtois rất thích các cuộc gặp gỡ mới”. Từ hai năm nay, anh làm thiện nguyện viên ở đây. Mỗi sáng thứ tư hàng tuần, anh mặc chiếc áo t-shirt của hội đến đây, lúc nào cũng tươi cười. 

Ngày thứ bảy tôi đi chơi bowling với các bạn

Chúng tôi có buổi phỏng vấn anh hơn một giờ rưỡi, anh thất nghiệp và từ bốn năm nay anh đi tìm việc làm. Anh Yoann kể: “Năm nào tôi cũng đến Phòng tìm việc cho Người khuyết tật. Tôi giới thiệu mình và tôi mong muốn có việc. Tôi gởi lý lịch và thư xin việc. Và mỗi lần như vậy, họ bắt tôi phải có bằng tú tài và bằng lái xe, hai bằng mà tôi không có”.

Yoann Comtois bị hội chứng lang-đơn-đao nhưng không vì vậy mà anh không đọc được, không viết, không xử dụng được máy vi tính, không duy trì được một buổi nói chuyện. Dĩ nhiên là theo nhịp của anh. Anh giải thích: “Tôi ở Paris với mẹ tôi. Tôi có một người anh ở Mỹ, một người chị làm hiến binh ở đảo Corse. Tôi cũng có bạn, ngày thứ bảy tôi đi chơi với các bạn. Tôi ăn bánh kép, uống một ly hay chơi bowling với họ. 

Học để đi xe buýt một mình

Khi còn nhỏ, anh Yoann Comtois đi nhà trẻ rồi đi học lớp mẫu giáo bình thường như các em bé khác. Khi lên tiểu học và trung học, anh vào lớp chuyên dành cho các em bị bệnh lang-đơn-đao. Sau đó anh xin vào các trường y tế-giáo dục, nhưng “theo một số người thì Yoann quá tự lập còn đối với một số người khác thì Yoann chưa đủ tự lập”, bà Corinne Comtois, mẹ của anh Yoann kể.

Cuối cùng anh Yoann vào khóa Tập việc ở Auteuil. Nhất là anh phải học để dùng phương tiện di chuyển công cộng, anh cho biết: “Lần đầu tiên tôi đi xe buýt một mình thì thật là khó. Tôi hỏi đường ông tài xế xe buýt nhưng ông không dễ thương cho lắm với tôi. Bây giờ tôi đi buýt, xe điện ngầm một mình được rồi, tôi xoay xở được”.

“Đứng trước người khuyết tật tinh thần, mọi cánh cửa đều khép lại”

Sau khóa Tập việc ở Auteuil, anh tìm được chỗ thực tập ở nhà bếp thành phố. Trên nguyên tắc, anh sẽ được nhận nhưng vì anh bị trẹo cổ và phải bị mổ hai lần nên anh không đi làm được.

Sau đó nhờ mẹ anh làm trong ngành y tế, bà tìm cho anh một việc trong bệnh viện, mới đầu là chuyển văn thư, sau đó là làm trong phòng thí nghiệm. Bà Corinne, mẹ của anh cho biết: “Ở đây con tôi cũng không được làm việc, khi làm ở phòng thí nghiệm, con tôi bị các đồng nghiệp kỳ thị”, bà rất cay đắng khi đứng trước một xã hội “quay lưng với người khuyết tật tinh thần”.

Bây giờ bà không còn ảo tưởng khi đưa con đến các phòng tìm việc: “Các công ty chỉ tìm những người ngồi xe lăn còn tất cả khả năng trí tuệ để làm việc, còn với những người khuyết tật tinh thần, họ đóng cửa lại”. 

Chỉ mong có một việc để được tự lập

Trong vòng bốn năm, anh Yoann Comtois gởi lý lịch, đôi khi anh có được các cuộc phỏng vấn, lúc nào anh cũng mang đầy hy vọng. Nhưng hoài công. Anh nói: “Không ai mướn tôi”. Rồi tháng 3 vừa qua, ở Hội Các con Bướm trắng, anh gặp một nhân viên tuyển người, anh được thực tập trong một tiệm ăn.

Anh kể: “Ngày đầu tiên đi làm tôi thật xúc động, tôi đã khóc. Sau đó mọi sự xảy ra tốt đẹp. mỗi buổi sáng tôi đến đó lúc 7h30 sáng, tôi cắt trái táo, tôi bỏ vô lò, tôi thoa bơ trên chảo, tôi phụ nấu ăn. Trước khi về, tôi chùi dọn bếp”. Anh Yoann Comtois rất hạnh phúc khi kể về khóa thực tập này. Hạnh phúc “cảm thấy mình hữu ích”. Trước khi mùa hè đến, anh sẽ có một khóa thực tập khác cũng ở tiệm ăn này.

Khi được hỏi chuyện gì làm cho anh thấy đời sống đẹp hơn, anh trả lời, không có chuyện gì rắc rối hết, “tôi chỉ cần có một việc làm để được tự lập, để kiếm sống và để không bị ở nhà cả ngày”.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Tu viên nơi các xơ lành mạnh ở với các xơ bị chứng lang-đơn-đao

Các đôi bít tất không giống nhau để thay đổi cái nhìn về hội chứng lang-đơn-đao

Càphê Vui Vẻ, tiệm càphê của những người khuyết tật