Đừng sợ dịu dàng, đó là sức mạnh của bạn

2050

Đừng sợ dịu dàng, đó là sức mạnh của bạn

fr.aleteia.org, Joanna Kiszkis, Marzena Devoud, 2018-03-27

Đức tính dịu dàng đâu rồi? Chỉ còn trong phong tục và trong lời thôi sao?

Rất hiếm khi chúng ta nghe nói về người khác “người ấy thật dịu dàng”. Vì sao? Vì khi mô tả một đồ vật hay một chuyện gì, chúng ta dễ dàng dùng chữ dịu dàng, chúng ta vẫn thường dùng chữ dịu dàng với kem thoa da, dầu gội đầu hay nước rửa chén. Nhưng khi áp dụng cho đức tính của một người, thì ngay lập tức chữ dịu dàng mang nghĩa xấu. Vì dịu dàng thường bị đồng hóa với yếu đuối, nguội lạnh, nhạt nhẽo…

Vì thế không có gì ngạc nhiên khi chúng ta chẳng bao giờ nghe chữ dịu dàng áp dụng cho đàn ông, đàn bà. Ngược lại bây giờ người ta còn khuyến khích nhau chiến đấu cho quyền của mình, cho xác tín và ngay cả cho cảm xúc của mình. Thay vì trao đổi ý kiến, người ta trao đổi cú đấm! Thay vì mến chuộng nét khác biệt của người khác, người ta còn muốn thống trị nó. Đưa má kia ra? Tha thứ ư? Không có chuyện đó.

Dịu dàng là một sức mạnh

Dịu dàng không phải là một hình ảnh tốt. Hình ảnh tốt là phải mạnh, phải biểu cảm vì dịu dàng bị xem là yếu đuối. Và đó là vấn đề. Nhưng dịu dàng đúng là một sức mạnh. Phải có cá tính mạnh để không dễ nổi giận vì bất cứ lý do nào. Để không mất mặt và vẫn trung thành với quan điểm của mình và tôn trọng người khác. Vẫn yêu thương người khác.

Dịu dàng không có giới tính. Và nó không nên có. Vì nó không phải chỉ dành riêng cho cá tính phụ nữ. Dịu dàng không có con mắt ngây thơ của con nai. Dịu dàng có thể phối hợp với cương nghị và hệ quả. Một người dịu dàng biết nói “không”. Họ giữ quan điểm của mình vì họ biết rất rõ lý do, vì các xác tín của họ đã được ăn sâu và đã được chứng minh. Nhưng họ khẳng định với sự tôn trọng, vì họ tránh làm tổn thương hay sỉ nhục người khác.

Dịu dàng đi đôi với tình thương và tôn trọng, nhưng không để người khác lấn mình. Ai vững mạnh và có tấm lòng dịu dàng thì lòng họ không muốn báo thù hay chiến thắng người khác, điều đó không có nghĩa là họ từ bỏ công chính. Chỉ là một phương pháp làm việc. Dịu dàng mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Chúng ta nhớ, một câu trong Tám mối phước thật Chúa Giêsu đã nói: “Ai hiền lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy”.

“Chúa Giêsu không nói phúc thay cho những ai nhu nhược”

Linh mục Nicolas Buttet, nhà sáng lập Huynh đệ Thánh Thể đào sâu về vấn đề này: “Chúng ta biết, dịu dàng không phải là nhu nhược. Chúa Giêsu không nói phúc thay cho những ai nhu nhược, Ngài nói phúc thay cho những ai dịu dàng. Vì dịu dàng là do một quyết tâm sâu đậm, một dấn thân chân thành để kiên trì và để đi tới đàng trước”. Dịu dàng bắt nguồn từ nội tâm của mình. Những người hướng nội mới dịu dàng được. Khi mình sống hướng nội thì các sự kiện bên ngoài không cắt chúng ta với thế giới bên ngoài, tác động của chúng trên chúng ta giảm nhẹ dần.

Linh mục Nicolas Buttet nói tiếp: “Vì đền thờ bên trong nơi chúng ta sống bảo vệ chúng ta và giúp chúng ta nhìn thế giới này với một tấm lòng dịu dàng”. Ai biểu lộ sự dịu dàng của họ với người khác làm cho chúng ta nổi giận sao? Dù đó là chuyện làm chúng ta bực mình, dù là một tình huống chống đối mạnh. Vì sao chúng ta không thử biến hung hăng thành dịu dàng? Sự dịu dàng là diễn tả của tình yêu, của người “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc”. (1Cr 13, 4)

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch