Jim Caviezel: Chứng nhân của Chúa ở Hollywood

937

Jim Caviezel: Chứng nhân của Chúa ở Hollywood

famillechretienne.fr, Hugues Maillot, 2018-04-23

Nổi tiếng đóng vai Chúa Giêsu trong “Sự Thương khó của Chúa Kitô”, Jim Caviezel trở lại với phim ảnh “thánh kinh” trong phim “Phaolô, tông đồ Chúa Kitô” qua vai Thánh Luca.

Gần đây nghệ sĩ Jim Caviezel đến gặp hơn 8 000 sinh viên công giáo ở Chicago, ông khuyên họ “đừng xấu hổ khi tuyên xưng đức tin của mình”.

Ông cho biết ông đã bị đau thể xác khi quay phim Sự Thương Khó của Chúa Kitô và xem đây như việc “ăn năn hối lỗi” riêng của mình.

Năm 2015, trong chuyến đi của Đức Phanxicô qua Mỹ, ông đã được mời lên sân khấu để kể kinh nghiệm tôn giáo của mình.

Là người công giáo sốt sắng, Jim Caviezel nổi tiếng qua vai Chúa Kitô trong phim Sự Thương Khó của Chúa Kitô của nhà đạo diễn Mel Gibson (2004). Trước đó khi còn là sinh viên ở đại học Washington, thanh niên trẻ người Mỹ này muốn thành người chơi bóng rổ nghề nghiệp. Nhưng ông bị thương nên từ đó ông hướng qua lãnh vực trình diễn. Ông đóng phim với các nhà đạo diễn tài ba như  Gus Van Sant, như Terrence Malick (tuyệt tác Tuyến đường đỏ, La Ligne rouge năm 1998), Ridley Scott và Ang Lee. Sau cuốn phim Sự Thương Khó của Chúa Kitô, sự nghiệp đóng phim của ông khựng lại, nhưng ông có được sức thổi mới, ông đóng một trong các nhân vật chính của loạt phim Kẻ tình nghi (Person of Interest), do đạo diễn J. J. Abrams sản xuất. Ngày 2 tháng 5 ông sẽ ở Paris trong dịp trình chiếu Phaolô, tông đồ Chúa Kitô. 

Cái gì thúc đẩy ông đóng phim này?

Trước hết không phải nhân vật Thánh Luca thúc đẩy tôi diễn vai này nhưng vì hoàn cảnh của tôi lúc đó. Nhà sản xuất đề nghị tôi vai này khi một trong các bạn thân nhất của tôi đang sắp chết vì ung thư. Lúc đó tôi không nhận lời ngay. Và tôi đi Ba Lan, tại đây tôi được đánh động sâu xa bởi hai nhân vật: trước hết là Thánh Maximilien Kolbe, nạn nhân của đức quốc xã. Gần đây tôi có đến thăm Auschwitz nơi ngài bị giết. Sau đó là Linh mục Jerzy Popieluszko, cha bị đau khổ rất nhiều dưới gông cùm cộng sản. Cả hai người này đã khơi dậy một cái gì rất mạnh trong tôi và làm cho tôi hiểu tầm tác động rộng lớn của đau khổ trên thế giới.

Sau khi tôi về Mỹ hai tuần thì bạn tôi qua đời. Tôi cảm thấy mình bị lạc hướng một thời gian và nhà sản xuất lại đề nghị tôi đóng phim này. Khi tôi đọc kịch bản, tôi nghiệm ra, các lời Thánh Kinh thật đúng còn hơn… đúng! Tôi nhận ra mình nơi Thánh Luca. Tôi nghĩ đến bạn tôi vừa qua đời và cuối cùng tôi nhận lời đóng phim.

Làm thế nào ông sống trọn vẹn đức tin của mình giữa thế giới phim ảnh đầy cả hào quang lóng lánh và cám dỗ?

Người ta nói lòng khiêm tốn đến từ sự sỉ nhục. Không phải dễ để đóng vai Chúa Giêsu. Nhưng đó là điều tôi thích và tôi yêu Chúa Giêsu, tôi giữ các điều răn của Ngài. các người ở Hollywood lúc nào cũng hỏi tôi vì sao tôi không thể tách đức tin ra khỏi sự nghiệp. Khi tôi chơi bóng rổ, đức tin cho tôi động lực. Bây giờ, tôi nhận thấy mình lười biếng, nhưng đức tin cho tôi lý do để tôi làm việc cật lực hơn: để vượt lên các yếu kém của tôi. Thật ra đức tin giúp tôi luôn có những chọn lựa tốt, dù những người mang đến cảm hứng cho tôi không nhất thiết họ có đức tin này…

Nhưng tỏ ra mình yêu Chúa Giêsu không phải là phương thức tốt nhất để thành một siêu sao màn ảnh…

Từ khi bạn quyết định mình là kitô hữu, dù ở bất cứ thời nào thì cũng là một con đường khó khăn. Vậy thì tại sao chọn Chúa Giêsu? Vì chọn Chúa Giêsu mang đến cho cuộc đời tôi một ý nghĩa. Từ khi còn nhỏ tôi đã yêu Ngài. Và tôi biết tình yêu này là một tình yêu hỗ tương. Dù kết quả như thế nào, tôi luôn vâng lời Chúa như một người cha, vì tôi biết Ngài có các chủ ý tốt nhất cho tôi. Tôi tin tưởng ở Ngài.

Tôi may mắn có một gia đình tốt. Tôi lập gia đình nhưng tôi không muốn mình chỉ là người đàn ông lập gia đình, tôi muốn mình là người chồng tốt. Tôi là người cha, nhưng tôi muốn tôi là người cha tốt nhất. Tôi có một cuộc sống trọn vẹn.

Nhưng tôi có một lời khuyên, là đừng sống như một nạn nhân. Đó là quan điểm yếu và đó không phải là con đường của Chúa Giêsu. Ngài bị bạc đãi nhưng Ngài không bao giờ yếu. Tôi ích kỷ khi tự cho mình là nạn nhân. Tập trung vào đức tin của mình, đó là quan tâm đến người khác, chứ không chỉ nghĩ đến riêng mình. Điều này giúp cho bạn những gì bạn muốn thật sự: được hạnh phúc.

Làm sao ông giải thích được các phim đạo lại thành công lớn ở Mỹ và ở Pháp?

Nếu các phim đạo chưa thành công ở Pháp thì tôi nghĩ nó sẽ thành công. Nước Pháp luôn nổi tiếng là đất thánh. Lộ Đức là một trong những nơi tôi thích nhất thế giới. Phim Sự Thương Khó của Chúa Kitô đã thành công ở Pháp. Dù bạn đi đâu, dù bạn có văn hóa nào, tất cả mọi người đều đi tìm một ý nghĩa cho đời sống của mình. Tôi thường ví von đức tin với môn bóng rổ: nếu bạn là người chơi bóng rổ giỏi, dù bạn nói một ngôn ngữ khác, dù bạn phải đấu với một cầu thủ nổi tiếng của đội NBA, điều này không quan trọng, vì bạn cũng chơi cùng một kỹ thuật, cũng với cùng một cường độ. Với đức tin cũng vậy.

Ông sống kinh nghiệm diễn vai Chúa Giêsu trong Sự Thương Khó như thế nào?

Đóng vai Chúa Giêsu là một cố gắng khó nhất tôi phải làm trong cuộc đời. Không có gì vinh quang hơn và cùng một lúc, cũng không có gì sỉ nhục hơn vai này. Không có gì làm cho tôi học sự sỉ nhục hơn vai này. Nhà đạo diễn Mel Gibson vừa mời tôi đóng “tiếp” Sự Thương Khó, lần này ông đặt trọng tâm vào sự Sống Lại: chỉ nghĩ đến việc sống lại kinh nghiệm này là cả một ác mộng.

Là kitô hữu, bổn phận của tôi không những phải diễn trọn vai trên màn ảnh, nhưng cũng là sống Phúc Âm mỗi ngày trong đời mình và làm chứng cho sự thật.

Xin đọc:

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Chứng từ đức tin phi thường của diễn viên đóng vai Chúa Giêsu trong phim Sự Thương Khó của Chúa Kitô 

Jim Caviezel sẽ diễn lại vai Chúa Giêsu trong bộ phim “Sự Thương Khó của Chúa Giêsu” tiếp theo