Ronald Rolheiser, 2013-12-08
Trong quyển tự truyện Nói với Greco (Report to Greco) của mình, Nikos Kazantzakis kể lại cuộc nói chuyện của ông với một tu sĩ lớn tuổi. Khi còn trẻ, Kazantzakis có viếng thăm một tu viện và ông rất mến mộ một tu sĩ khổ hạnh lừng danh sống ở đó, cha Makarios. Nhưng sau nhiều lần gặp gỡ vị tu sĩ cao niên này, ông có những cảm giác vui buồn lẫn lộn. Phong cách sống khổ hạnh của vị tu sĩ đã chạm đến xu hướng lãng mạn tôn giáo của Kazantzakis, nhưng nó lại không hợp với ông. Ông muốn có phong cách lãng mạn nhưng theo một lối dễ chịu hơn. Và đây là cuộc đàm đạo mà Kazantzakis đã ghi lại:
– Cha ạ, cha sống một đời thật nghiêm nhặt. Con cũng muốn mình được cứu rỗi. Liệu có cách nào khác nữa không thưa cha?
– Dễ chịu hơn ư? Với nụ cười cảm thông, vị tu sĩ khổ hạnh hỏi.
– Nhân bản hơn, thưa cha.
– Một, chỉ có một.
– Là gì vậy?
– Trỗi dậy. Để trèo lên một loạt bước phải trèo. Từ cái bụng no đến cái bụng đói, từ cổ họng sảng khoái đến khát khô, từ vui mừng đến đau khổ. Thiên Chúa ở đó, nơi đỉnh chóp của cơn đói, cơn khát, và đau khổ, ma quỷ ở đó, nơi đỉnh chóp của đời sống thoải mái dễ chịu. Con chọn đi.
– Con vẫn còn trẻ. Thế giới này lại thật kỳ diệu. Con còn có thời gian để chọn lựa mà.
Vươn tay ra, vị khổ tu già chạm vào đầu gối tôi và nói:
– Tỉnh dậy đi, con của ta. Tỉnh dậy trước khi cái chết đánh thức con dậy.
Tôi sầm mặt xuống và nói:
– Con vẫn còn trẻ.
Sự chết thích người trẻ. Địa ngục thích người trẻ. Đời sống như một cây nến được thắp lên, dễ dàng bị dập tắt. Hãy cẩn thận, tỉnh dậy đi con!
Tỉnh dậy! Tỉnh dậy trước khi cái chết đánh thức con dậy. Nói một cách ít văn vẻ hơn, đó chính là chủ đề chủ đạo thực sự trong Tin Mừng. Chúa Giêsu luôn luôn bảo chúng ta tỉnh dậy, tỉnh thức, thận trọng, cảnh giác với một thực tại sâu xa hơn. Như thế nghĩa là gì? Chúng ta ngủ vùi vào sự chết như thế nào? Chúng ta tỉnh dậy và tỉnh thức như thế nào?
Chúng ta ngủ vùi? Tất cả chúng ta đều biết, thật rất khó để ý thức trọn vẹn giây phút hiện tại mình đang sống, để không ngủ quên trước những phong phú của cuộc sống chúng ta. Những xao nhãng và lo lắng của đời sống hàng ngày đã bào mòn chúng ta đến đỗi chúng ta có thói quen cho rằng những gì quý báu nhất với mình, từ sức khỏe, những kỳ diệu trong tư tưởng, tình yêu và tình bạn, và tặng vật sự sống này nữa, tất cả là chuyện đương nhiên. Theo Robert Moore, trong đời sống hàng ngày, chúng ta không những chỉ thiếu chiêm niệm và lòng biết ơn, mà theo thói quen, chúng ta còn kèm thêm cho mình một chút phẫn uất, một khủng hoảng kinh niên. Chúng ta ngủ vùi, rất ngủ vùi, cả với Thiên Chúa và với đời mình.
Làm sao để tỉnh dậy đây? Thời nay, thị trường sách có một kho văn phẩm đủ loại nói về các lời khuyên để sống giây phút hiện tại cũng như cách tỉnh thức với kho tàng nội tâm phong phú của mình. Dù có nhiều văn phẩm hay, nhưng chỉ có một số ít có hiệu quả. Nó mời gọi chúng ta sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, nhưng đơn giản, chúng ta không thể làm như thế. Việc giữ chủ đích và nhận thức này trong suốt một thời gian dài là chuyện bất khả thi. Một nhận thức về cái chết sẽ đến, sẽ thức tỉnh chúng ta dậy, một cơn đột quỵ, đau tim, hay ung thư cũng vậy, nhưng nhận thức này chỉ duy trì trong một thời gian ngắn, nó không thể duy trì trong hai mươi, ba, bốn năm mươi năm. Không ai có thể duy trì nhận thức này luôn mãi. Không ai trong chúng ta có thể sống bảy tám mươi năm cuộc đời mà ngày nào cũng xem là ngày cuối cùng của mình. Hay là chúng ta có thể?
Sự khôn ngoan thiêng liêng cho chúng ta một câu trả lời khác: Chúng ta có thể và không thể: Một mặt, những xao nhãng, bận tâm, và áp lực hàng ngày sẽ luôn luôn có cách tác động trên chúng ta, và chúng ta, chịu tác động, sẽ ngủ quên trước những gì sâu sắc hơn và quan trọng hơn trong đời mình. Nhưng vì lý do này, tất cả mọi truyền thống tâm linh lớn đều có các nghi thức hằng ngày nhắc đi nhắc lại để giúp chúng ta tỉnh thức, giống như đồng hồ reo báo thức khi chúng ta cần.
Vì lý do này, chúng ta cần bắt đầu mỗi ngày sống bằng lời cầu nguyện. Nếu một sáng nào đó chúng ta không cầu nguyện, thì không có nghĩa là chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng chúng ta có khuynh hướng lỡ mất buổi sáng đó, và mất nhiều giờ cho đến tận trưa, chúng ta kẹt trong đống tạp nhạp tâm hồn mình. Cầu nguyện trước bữa ăn cũng như vậy. Khi chúng ta không biết ơn trước khi ăn, chúng ta không làm Chúa buồn lòng, nhưng chúng ta lỡ mất cơ hội làm cho bữa ăn của mình được phong phú. Kinh phụng vụ và Phép Thánh Thể cũng có mục đích đó. Chúng gọi chúng ta ra khỏi cơn ngủ mê.
Không ai trong chúng ta có thể sống mọi ngày như ngày cuối cùng của mình. Những thương tâm, đau đầu, xao nhãng, bận rộn của cuộc sống luôn luôn đẩy chúng ta vào cơn ngủ vùi. Chuyện đó có thể tha thứ được, vì con người là vậy. Nhưng chắc chắn một điều, chúng ta có các nghi thức thiêng liêng, các đồng hồ báo thức cho tâm hồn, để giúp chúng ta tỉnh thức, để chúng ta đừng chỉ bị thức tỉnh khi phải đối diện với cơn đau tim, đột quỵ, ung thư, hay cái chết.
J.B. Thái Hòa dịch