Maria-Mađalêna, hình ảnh người bảo vệ phụ nữ 2000 năm trước “Tôi cũng vậy, #MeToo”

720

Maria-Mađalêna, hình ảnh người bảo vệ phụ nữ 2000 năm trước “Tôi cũng vậy, #MeToo

lesoleil.com, 2018-03-31

Nếu có một hình ảnh nào trong Thánh Kinh phù với thời “Tôi cũng vậy, #Metoo” của thời này thì đó là hình ảnh của Maria-Mađalêna.

Từ lâu phương Tây vu cho Maria-Mađalêna, nhân vật quan trọng trong đời sống Chúa Giêsu là một cô gái điếm. Nhưng các chuyên gia chú giải Kinh Thánh gần đây đã có một cái nhìn khác về bà, bây giờ bà được mô tả như một phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, hỗ trợ về tài chánh cũng như thiêng liêng cho hình ảnh đầu tàu của kitô giáo.

Tân Ước kể Chúa Giêsu đã đuổi quỷ cho bà như thế nào. Sau đó bà đi theo sứ vụ của Ngài khắp vùng Galilê cho đến khi chứng kiến Ngài bị đóng đinh, bị đem đi chôn và sống lại ở Giêrusalem, các biến cố mà người công giáo và chính thống giáo tưởng nhớ trong Tuần Thánh, mùa Phục Sinh.

Chắc chắn, cho đến nay, Đức Phanxicô là người làm nhiều nhất để khôi phục Thánh Maria-Mađalêna khi ấn định ngày 22 tháng 7 là ngày kính Thánh Maria-Mađalêna, theo hàng lễ phụng vụ. Tự sắc năm 2016 của ngài nâng Maria-Mađalêna, người đầu tiên loan báo Chúa Giêsu sống lại, lên ngang hàng với các tông đồ. Bà Lucetta Scarrifia đã bình luận như sau: “Khi làm như vậy, rõ ràng ngài nâng Maria-Mađalêna lên ngang hàng với các tông đồ, một điều chưa bao giờ làm trước đây và là điểm chủ yếu cho phụ nữ trong Giáo hội”, bà Lucetta Scarrifia là chủ bút phụ trương Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới (Femmes, Église, Monde) của báo L’Osservatore Romano, Vatican.

Trong nhiều thế kỷ, các tín hữu kitô phương Tây mô tả Maria-Mađalêna như một người đã từng làm điếm, câu chuyện có từ thế kỷ thứ 6 khi Giáo hoàng Gregory Cả đồng hóa Maria-Mađalêna với một phụ nữ vô danh trong một đoạn Phúc Âm của Thánh Luca. Chỉ đến năm 1969, Giáo hội công giáo mới chấm dứt sự đồng hóa có từ nhiều thế kỷ này, xác nhận Maria-Mađalêna không phải là người phụ nữ tội lỗi vô danh trong Phúc Âm Thánh Luca. Về phần mình, các người chính thống giáo không bao giờ mô tả Maria-Mađalêna là cô gái điếm.

Maria-Mađalêna là người làng Mácđala, một làng đánh cá trù phú ở bên bờ biển Galilê. Trong mấy chục năm qua, làng này là nơi có nhiều cuộc khai thác địa chất. Ở đây có nguyện đường do thái giáo xưa cổ nhất và nổi tiếng ở Galilê, cũng như có một ngôi chợ, có các nơi tắm theo truyền thống và một hải cảng. Nhà địa chất học Marcela Zapata-Meza, trưởng ban khảo cổ vùng này cho làng Mácđala như thành phố “Pompei của Israel”.

Ngày nay có nhiều chuyên gia xem Maria-Mađalêna như một môn đệ quan trọng của Chúa Giêsu, một phụ nữ trung thành với Chúa Giêsu cho đến cùng, ngược với các tông đồ tận tâm nhất của Chúa.

Bà Jennifer Ristine, Giám đốc Viện Mađalêna ở Mácđala cho biết: “Truyền thống hỗ trợ việc cho Maria-Mađalêna là một cô gái điếm. Khi chúng ta phân tích lại các dữ kiện, chúng ta có thể thấy, có lẽ bà ở một tầng lớp cao nhất trong xã hội, bà là một phụ nữ giàu có đi theo Chúa Giêsu, như chúng ta thấy trong đoạn Phúc Âm Thánh Luca 8, 2, bà đã dùng của cải của mình để giúp Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài”.

Tuy nhiên hình ảnh người phụ nữ phóng đãng hay mang nét tính dục đã không biến mất trong văn hóa dân gian, như chúng ta thấy trong vở nhạc kịch “Giêsu Kitô Siêu Sao” và trong tiểu thuyết Mật Mã Da Vinci.

Một cuốn phim mới về Maria-Mađalêna do nữ diễn viên nổi tiếng Rooney Mara trong vai Maria-Mađalêna, Joaquin Phoenix trong vai Giêsu và Chiwetel Ejiofor trong vai Phêrô đã đảo ngược cái nhìn, đã đi ra ngoài khuôn khổ đê tiện mà Maria-Mađalêna bị gán cho quá lâu.

Cuốn phim do nhà đạo diễn Úc Garth Davis thực hiện đã được phát hành ở Âu châu và Úc châu nhưng chưa được phép chiếu ở Mỹ, vì cuốn phim đồng thực hiện với công ty sản xuất phim Weinstein Co trước khi có vụ tai tiếng tình dục của nhà sáng lập công ty, ông Harvey Weinstein. Ông bị phá sản vì các vụ tai tiếng tình dục, các vụ này đã làm nảy sinh ra phong trào Tôi cũng vậy #MeToo.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Maria-Mađalêna, nữ tông đồ đầu tiên

“Maria Mađalêna, tông đồ của hy vọng”

“Biến Maria-Mađalêna thành người tội lỗi là chận đứng chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội”