“Thánh Gioan-Phaolô II chuẩn bị hôn nhân cho chúng tôi”
Vatican, tháng 6 năm 2001, Karol và Maria Tarnowski
fr.aleteia.org, Marzena Devoud, 2018-04-02
Ông bà Karol và Maria Tarnowski kể năm 1963 hai ông bà đã được cha tuyên úy Karol Wojtyla, giáo hoàng Gioan-Phaolô II tương lai chuẩn bị hôn nhân của mình như thế nào.
Tất cả gần như đi ngược với dự trù hôn nhân của Karol Tarnowski, dương cầm gia, triết gia, giáo sư khoa nhân văn ở Đại học Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II ở Krakow và Maria Brozek, sử gia về nghệ thuật và dịch giả. Sau 55 năm chung sống, ông bà có hai người con và ba người cháu. Chân thành và khiêm tốn, hai ông bà kể cho báo Aleteia về dịp may hiếm có được Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II chuẩn bị hôn nhân cho mình. Dưới mắt họ, Đức Gioan-Phaolô II vừa nhân bản vừa rất đòi hỏi, cha đã giúp cho hai người khi đó còn rất trẻ, có được nền tảng để xây dựng một đôi cặp đích thực.
Aleteia: Câu chuyện tình của ông bà bắt đầu bằng một cuộc hành hương…
Maria: Đúng. Đó là năm 1959 khi tôi mới 17 tuổi. Chúng tôi đi xe lửa từ Krakow đến Czestochowa. Chúng tôi tất cả 30 sinh viên cùng đi với cha tuyên úy Karol Wojtyla của chúng tôi. Tôi vừa ngồi trên toa thì có một chàng thanh niên cao đẹp đứng trước mặt tôi. Anh nói: “Xin chào cô, tôi là Karol!” Anh có cùng tên với cha tuyên úy. Cú sét ái tình giáng xuống trên đầu tôi ngay lập tức!
Karol: Sau đó Maria có gọi tôi vài lần. Cô muốn mượn tôi một quyển sách về nghệ thuật. Cô đề nghị tôi mang sách đến để ở câu lạc bộ Hội người yêu Phim mà chúng tôi thường đến đó. Tôi cắt lời cô ngay và hỏi: “Chúng ta có dịp để gặp nhau không?”
Maria: Chúng tôi gặp nhau hoài. Các dịp gặp thì rất nhiều: các buổi tĩnh tâm, các chuyến đi thuyền kayak, các buổi chiều nơi nhà người này, người kia. Chúng tôi luôn được cha tuyên úy tháp tùng. Chúng tôi ca hát, nhảy, cầu nguyện, chúng tôi muốn đổi mới thế giới… Sau đó cha Wojtyla làm giám mục, ngài không ra nhảy nữa! Cha ngồi ở ghế. Cha nhìn chúng tôi, cha thật sự hạnh phúc. Ngài thích trêu chúng tôi: “Các con thật lười. Nào lên đường! Nhúc nhích! Nhảy đi!” Giữa chúng tôi, bầu khí luôn vui vẻ và trẻ thơ. Mỗi tối lúc nào cũng kết thúc vào sáng sớm với bữa… ăn sáng!
Karol: Những ai không nhảy thì nói chuyện với cha. Chúng tôi gọi cha là “Wujek”, tiếng Ba Lan có nghĩa là “bác”. Với cha, chúng tôi như người trong gia đình, một gia đình mở rộng với các bạn thân nhất của chúng tôi… Gọi bác Wujek cũng có một ý khác, để trong các buổi họp mặt của chúng tôi, các người cộng sản đừng nghi ngờ vì họ theo rất sát chúng tôi. Cha cẩn thận mặc đồ dân sự khi đến với chúng tôi. Với cha, chúng tôi chia sẻ tất cả mọi sự. Các hoài nghi, các vấn đề, các câu chuyện tình của chúng tôi. Chúng tôi là thế hệ sau chiến tranh, bị chấn thương, vị vấp váp, một thế hệ bị tác hại rất nặng của chế độ toàn trị. Karol Wojtyla biết lắng nghe chúng tôi. Sự quan tâm của ngài thì ngoại hạng.
Aleteia: Có vẻ như ngài thích ráp nối – theo nghĩa cao đẹp nhất của từ này…
Maria: À, đúng! Ngài thích “làm mai” cho các cặp. Ở trong nhóm tôi, nhiều cặp lấy nhau do ngài “dàn xếp”. (cười). Tôi nghĩ cha là tuyên úy của các cặp hơn là tuyên úy cho sinh viên!
Aleteia: Trong mối dây quan hệ của ông bà, cha tháp tùng như thế nào?
Maria: Karol và tôi, chúng tôi có câu chuyện khác hẳn, cả hai đều rắc rối. Một buổi chiều nọ, sau khi ca hát trong một buổi canh thức, nhóm nhỏ chúng tôi ở lại lâu hơn ở nhà ngài. Tôi còn nhớ như thử chuyện mới xảy ra hôm qua. Tôi kín đáo nói với cha “Con đang yêu”. Ngay lập tức cha trả lời tôi: “Maria, cha biết”. Không có gì lọt khỏi mắt ngài. Ngài có được ơn này thật khủng khiếp, ơn ghi nhớ mọi giây phút một cách chính xác, các ánh nhìn, các trao đổi. Có vẻ lo lắng, cha nói với tôi: “Cha biết, nhưng như thế là tốt cho con không”?, cha hỏi tôi.
Karol: Đúng, cha hơi lo. Ngài là cha giải tội của tôi và biết tôi rõ. Ngài cũng biết cô bạn gái cũ của tôi. Chữ mà ngài nhắc lui nhắc tới trong các trao đổi của chúng tôi là chữ trách nhiệm. Ngài sợ câu chuyện tình cảm của tôi với Maria là câu chuyện của cảm xúc bùng nổ.
Aleteia: Ngài khuyên ông bà gì?
Karol: Về phần tôi, ngài nói cần thời gian chứng thực, ngài nói đây là giai đoạn tuyệt đối cần thiết. Ngài đề nghị chúng tôi có một thời gian tạm xa nhau để suy nghĩ. Một thời gian “đi trong sa mạc”. Tôi còn nhớ chúng tôi nói rất nhiều về việc tiết dục trước hôn nhân. Và đây là thời gian chứng thực. Cha khuyên tôi không nên gặp Maria quá thường, cũng không nên gọi điện thoại mỗi ngày.
Maria: Với tôi thì rất khó, vì tôi là một cô gái ngây thơ. Tôi không hiểu vì sao Karol không gọi tôi nữa. Tại sao anh không muốn gặp tôi mỗi ngày? Tôi nghĩ anh không yêu tôi.
Karol: Cha còn đi xa hơn. Cha thông đồng với cha mẹ tôi: phải tách tôi với Maria ra.
Maria: Cha cũng làm như vậy với mẹ tôi! Cha nói rõ ràng tôi còn quá trẻ để làm đám cưới – khi đó tôi 19 tuổi. Với lòng nhân hậu, nhưng ngài đi theo rất sát, ngài thấy quan hệ của chúng tôi cần được thử thách.
Aleteia: Điều gì Đức Karol Wojtyla sợ nhất?
Karol: Chúng tôi chưa trưởng thành. Sự bùng nổ cảm xúc làm chúng tôi mù quáng. Ngài sợ nhất các cặp quá xúc cảm. Ngài thích các cặp quân bình hơn, trong đó lý lẽ có phần của nó. Cái nhìn về hôn nhân của ngài là cái nhìn toàn diện: phải có lý lẽ và ý chí để cùng dấn thân với nhau, chứ không để đam mê làm mù quáng. Ngài nhấn mạnh rất nhiều đến sự cần thiết phải có ý thức, bình tĩnh, phải cam kết với nhau, điều mà hôn nhân đòi hỏi. Ngài nói, đây là làm cố gắng cho người kia suốt trọn một đời. Hôn nhân là điều tuyệt vời, thánh hiến tình yêu giữa hai người. Ngài biết đề cập với chúng tôi một cách phi thường và làm phần khởi. Ngài nói, đó là lý do vì sao mỗi người chúng tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, để dấn thân trọn vẹn trong tinh thần cộng tác, trong tình bằng hữu sâu đậm cho trọn một đời. Ngài giải thích cho chúng tôi đây là một con đường dài, có nhiều giai đoạn…
Maria: … Trong khi chúng tôi thì chúng tôi muốn tất cả. Tất cả, ngay lập tức!
Karol: Chúng tôi chưa sẵn sàng để cùng nâng cao trong tinh thần cộng tác chung, với sự tôn trọng lẫn nhau này. Chúng tôi còn quá phấn khởi và lãng mạn! Các chuyến đi thuyền kayak với ngài đúng là các buổi chuẩn bị hôn nhân. Chúng tôi từng nhóm hai người một lên thuyền, không nhất thiết phải là cặp với nhau. Chúng tôi phải giúp nhau chèo thuyền. Chúng tôi học chú ý đến người khác, khi có vấn đề, chúng tôi tìm giải pháp. Đây đúng là… trường đời!
Aleteia: Ông bà có nghe lời khuyên của cha Karol Wojtyla không?
Karol: Có. Tôi đi Szczecin, đầu múi bên kia của Ba Lan. Tôi vào dàn nhạc Đại hòa tấu của thành phố. Tôi bắt đầu sự nghiệp dương cầm gia. Bác Wujek rất vui. Đó là bắt đầu giai đoạn “sa mạc” mà ngài khuyên tôi. Tôi sống thời gian này như thời gian xa cách và cô đơn.
Maria: Tôi nhớ anh Karol khủng khiếp. Khi có thể, tôi đi xe lửa từ Krakow đến Szczecin. Đúng là băng qua nước Ba Lan. Chuyến đi dài 12 giờ, đôi khi tôi đứng suốt chuyến đi vì không có chỗ ngồi. Khi đến Szczecin, chúng tôi chỉ có vài giờ để gặp nhau.
Karol: Vào thời đó, ngày nào tôi cũng cầu nguyện để xin có một người vợ hiền. Tôi xin Chúa cho tôi biết, Maria có phải là người Chúa gởi đến cho tôi không. Maria ở đó, và tôi yêu nàng. Với thời gian, tôi tin chắc Maria là người Chúa gởi đến cho tôi. Chúng tôi quyết định lấy nhau.
Aleteia: Và ông bà đến gặp bác Wujek, lúc đó đã là Tổng Giám mục giáo phận Krakow. Ông bà báo tin cho ngài biết và xin ngài ban phép lành…
Maria: Tôi còn nhớ. Bác Wujek không vồn vã tiếp chúng tôi. Bác có vẻ hơi lo nhưng bác cũng ban phép lành cho chúng tôi… Tôi nghĩ ngài đã hiểu chúng tôi đã có một quá trình và chúng tôi sẵn sàng, ngài nói: “Nếu các con muốn!”
Aleteia: Ngài chuẩn bị hôn nhân cho ông bà như thế nào?
Maria: Lịch làm việc của ngài thì đầy ắp, nhưng ngài luôn tìm giờ để gặp chúng tôi. Chúng tôi cùng đến với nhau hoặc đến riêng. Ngài mong chúng tôi bỏ nhiều thì giờ hơn. Tôi nghĩ, ngài sợ cho chúng tôi. Nhưng dù sao ngài cũng không chống đối chúng tôi kết hợp với nhau.
Aleteia: Một vài tháng sau thì ông bà làm đám cưới?
Maria: Tất cả gia đình chúng tôi ở đó, dù có một số người còn e ngại. Không phải chỉ có cha Wojtyla là lo chúng tôi còn quá trẻ, các người thân chúng tôi cũng lo. Nhưng họ không biết đến điểm nào, vị giáo hoàng tương lai này hướng dẫn chúng tôi để chúng tôi được chín chắn. Tôi còn nhớ bài giảng. Bác Wujek dự cảm cặp chúng tôi sẽ có thể gặp khó khăn. Ngài nói, khi gặp khó khăn, chúng tôi phải tin tưởng vào Chúa. Rằng Chúa nhân lành. Chúa cao cả. Giữa chúng tôi, Karol và tôi có Chúa Giêsu. Chúng tôi có ba người trong hôn nhân của mình.
Karol: Những lời nói về việc Chúa Kitô đi theo trong đời sống hôn nhân rất quan trọng đối với chúng tôi. Và chúng tôi đặc ân được cha Karol Wojtyla cùng đi trong đời sống gia đình chúng tôi cho đến khi ngài qua đời.
Ở Castel Gandolfo, lễ Giáng Sinh năm 1997, Karol và Maria Tarnowski người người con trai Jan
Aleteia: Như thế nào?
Maria: Từ khi chúng tôi lấy nhau, chúng tôi ở dưới sự che chở của ngài. Ngài chăm sóc chúng tôi. Đôi khi, ngài giúp chúng tôi rất cụ thể trong các vấn đề chúng tôi gặp. Tôi còn nhớ vào lúc cha-ghẻ của chúng tôi bị bệnh. Vì vấn đề nhà cửa dưới chế độ cộng sản rất khó khăn, chúng tôi phải ở chung với nhau dưới một mái nhà. Đôi khi rất khó cho tôi. Bác Wujek khéo léo can thiệp. Cha tìm giải pháp, cha nói với mọi người chuyện phải làm. Cha vừa quan tâm, vừa rất cụ thể.
Karol: Một linh mục bạn, cha Jozef Tischner, tuyên úy của phong trào Solidarnosc và giáo sư triết mời tôi đến dạy cho các sinh viên của cha. Hôm đó Bác Wujek có mặt ở đó. Ngay lập tức ngài hỏi tôi có nuôi sống gia đình được không, vì ngài biết lương giáo sư đại học rất ít! Các quan tâm của cha không phải chỉ về mặt thiêng liêng…
Aleteia: Còn khi cha Karol Wojtyla làm giáo hoàng thì quan hệ của ông bà với cha như thế nào?
Maria: Khi tôi nghe tin cha làm giáo hoàng, tôi khóc. Chung quanh tôi, mọi người vui mừng, còn tôi tôi có cảm tưởng mình mất người cha. Chúng tôi đến Rôma trong ngày cha nhậm chức. Chúng tôi quá ngạc nhiên, chúng tôi được ở hàng đầu. Ngài chỉ cách tôi vài mét, đó là giây phút phi thường và đã làm cho tôi lên tinh thần rất nhiều. Ngay sau thánh lễ, nhóm cựu sinh viên chúng tôi được gặp riêng ngài. Ngài vừa vui, vừa xúc động. Khi chúng tôi từ giã ngài, ngài nói: “Nếu được, chúng con đến thăm cha thường xuyên nhất có thể nhé!”
Karol: Ngày hôm đó, chúng tôi có cảm tưởng Thần Khí đã chắp cánh cho ngài! Niềm vui của ngài thì vô biên. Ngài muốn mở hết tất cả cánh cửa sổ của thế giới. Khi chúng tôi có dịp gặp riêng ngài, lúc nào ngài cũng lặp đi lặp lại “Bác vẫn là bác Wujek, các con đừng quên nhé!”. Khi đó chúng tôi hiểu, cha vẫn tiếp tục chăm sóc và tháp tùng chúng tôi: đời sống gia đình chúng tôi, cũng như nhóm bạn chúng tôi và toàn thế giới!
Aleteia: Như thế ngài vẫn còn tháp tùng ông bà?
Karol: Tất cả đã thay đổi nhưng chẳng có gì thay đổi! Chắc chắn, chúng tôi không còn gặp nhau thường xuyên. Nhưng chúng tôi giữ liên lạc với ngài cho đến khi ngài qua đời. Chúng tôi viết thư cho ngài, chúng tôi cho ngài tin tức. Ngài luôn tìm thì giờ để trả lời chúng tôi, luôn đặc biệt để ý đến từng người chúng tôi. Chúng tôi có đặc ân gặp ngài thường xuyên ở Rôma. Tôi có kỷ niệm những buổi tối gặp riêng ngài ở Vatican cùng vợ và hai con tôi lúc đó đã lớn. Chúng tôi hát các bài hát Koledy với ngài, các bài hát Giáng Sinh tiêu biểu của Ba Lan, như những buổi canh thức Giáng Sinh ngày xưa ở Krakow. Đôi khi ngài nhớ Ba Lan. Chúng tôi hiểu, ngài cần có những giây phút thân tình giữa bạn bè, như trong một gia đình. Các bữa ăn rất vui, các xơ Ba Lan thích thú nấu cho chúng tôi các món ăn đặc biệt của Ba Lan.
Khi chúng tôi ở với ngài, ngài hoàn toàn là người chúng tôi từng biết ở Ba Lan. Mối dây quan hệ và cảm tình trước sau như một của ngài là sự tiếp nối trong việc tháp tùng của ngài. Theo ngài, biết ngài rất gần với chúng tôi thật sự đã giúp chúng tôi bước qua tất cả các giai đoạn của đời sống hôn nhân của chúng tôi: 55 năm sống chung!
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Giáo hoàng của Đức Mẹ Fatima
Một ngày của Đức Gioan Phaolô II
“Tôi thấy giáo hoàng ở Paris, lúc đó tôi còn là người vô thần và tôi đã được biến đổi”