Con người đấu tranh với sinh lực tính dục

509

Con người đấu tranh với sinh lực tính dục

Ronald Rolheiser, 03-03-2014

Giáo hội luôn luôn đấu tranh với tính dục, và tất cả mọi người, ai ai cũng vậy. Không có bất kỳ nền văn hóa nào, dù là tôn giáo hay thế tục, tiền hiện đại hay hiện đại, hậu hiện đại, hay hậu tôn giáo, thể hiện được một đặc nét tính dục thực sự lành mạnh. Tất cả mọi giáo hội và mọi nền văn hóa đều đấu tranh với tiềm năng tính dục bao trùm này, và nếu sự đấu tranh này không thể hiện nơi tín ngưỡng về tính dục thì cũng ở trong thực hành của tín ngưỡng đó. Nền văn hóa thế tục nhìn vào giáo hội và lên án giáo hội là cứng nhắc và chống đối ái tình. Điều này đúng phần nào đó, nhưng Giáo hội cũng có thể phản đối rất đúng rằng sự dè dặt về tính dục của mình bắt rễ từ sự thật rằng Giáo hội là một trong những tiếng nói ít ỏi vẫn còn đang kêu gọi mọi người có trách nhiệm về tính dục. Cũng vậy, Giáo hội có lẽ sẽ thách thức bất kỳ nền văn hóa nào tuyên bố có bằng chứng rằng mình đã có được chìa khóa cho tính dục lành mạnh. Không một nền văn hóa nào có thể tuyên bố được như vậy. Tất cả mọi người đều phải đấu tranh chật vật với nó.

Một phần của đấu tranh này là sự bất tương hợp dường như có sẵn trong bẩm tính giữa cái mà Charles Taylor gọi là «sự thành tựu tính dục và lòng đạo», giữa «việc thành tựu những khát khao cao nhất của chúng ta với sự tôn trọng dành cho những tập hợp trọn vẹn của tất cả những đáp ứng của nhân loại.»

Trong quyển sách «Thời đại thế tục» (A Secular Age) của mình, Taylor cho rằng thực sự có một căng thẳng khi cố gắng kết hợp thỏa mãn tính dục với lòng đạo đức, điều này thể hiện một căng thẳng chung giữa sự phồn thịnh của con người với lòng tận hiến cho Thiên Chúa. Ông nói thêm: «Và hoàn toàn dễ hiểu khi căng thẳng này đặc biệt hiển nhiên trong phạm vi tính dục. Mãnh liệt và sâu đậm trong việc đáp ứng tính dục sẽ là uy lực hướng chúng ta đến một sự giao hợp giữa hai người, nó mạnh mẽ gắn chặt chúng ta vào những gì hai người chia sẻ riêng với nhau.  …Và việc này không phải là có tác động gì như các tu sĩ và ẩn tu thời xa xưa cho rằng từ bỏ tính dục là mở ra con đường đến với tình yêu bao la hơn của Thiên Chúa. …Bây giờ, sự căng thẳng giữa đáp ứng và lòng mộ đạo không còn làm cho chúng ta ngạc nhiên trong thế giới bị méo mó bởi tội lỗi này … nhưng chúng ta phải tránh không được biến điều này thành một xung khắc căn bản.»

Làm sao chúng ta tránh được điều này? Làm sao để chúng ta không đẩy sự đáp ứng tính dục thành việc chống lại sự thánh thiện? Làm sao để chúng ta có thể vừa tính dục mạnh mẽ và vừa đầy lòng đạo?

Trong quyển sách sắp xuất bản của mình Con đường ra sao, Hành trình thảo nguyên đi qua Tự nhiên, Khao khát và Linh hồn (The Road is How, A Prairie Pilgrimage through Nature, Desire and Soul), Trevor Herriot cho rằng sự đáp ứng của con người và lòng tận hiến cho Thiên Chúa, tính dục và thánh thiện, có thể đến với nhau theo một con đường tôn trọng đúng đắn cho cả hai. Làm sao để được như thế? Tác giả không dùng ngôn từ, một thứ vừa quá tôn kính vừa quá hạn chế, ông  đưa ra cho chúng ta một hình ảnh thể hiện ý nghĩa của sự trong trắng với gốc thật sự của nó. Cũng như cách Annie Dillard đã dùng trong quyển Thánh thiện vững vàng (Holy The Firm), Herriot rút ra một khái niệm nhất định về trong trắng từ những nhịp điệu của tự nhiên rồi đưa những nhịp điệu này vào hình mẫu về cách thức mà chúng ta nên liên hệ với tự nhiên và tha nhân. Và với Herriot, những giai điệu này mang một ánh sáng chỉ đường cho cách thức chúng ta nên liên hệ trong tính dục. Herriot viết:

«Ngày nay, khi thấy các xe tải chở bột đi ngang qua, chúng ta thấy có điều gì đó trong chúng ta và trong địa cầu này đang bị xâm hại khi thực phẩm được trồng lên rồi bị tiêu thụ mà thiếu thân tình, thiếu quan tâm và thiếu tôn trọng. Các phong trào cổ vũ thức ăn địa phương và đồ ăn chậm đang cho chúng ta thấy cách chúng ta tạo nên, phân phối, chuẩn bị, và ăn thức ăn là một việc quan trọng đối với sức khỏe, trong sự trao đổi giữa cơ thể với địa cầu. Rồi có lẽ chúng ta sẽ nhận ra, nguồn năng lượng đưa phấn hoa vào nhụy hoa và nảy sinh nên hạt, một khi được đưa vào cơ thể chúng ta, cũng cần được chắt chiu. Cách chúng ta đáp lại khát khao muốn hợp nhất, kết nối và sinh hoa trái, một cảm giác rất sâu sắc nhưng thường diễn ra quá nông cạn, sẽ quyết định giá trị của những trao đổi giữa người với người.  …

Trong một thế giới chìm trong một thứ tình dục công nghiệp hóa và phi nhân, nơi hiếm có mối liên hệ thực sự, một tình thân dịu ngọt, thì liệu chúng ta có cảm được một điều gì đó trong chúng ta và trong địa cầu đang bị xâm hại cũng do thiếu thân tình, thiếu quan tâm và thiếu tôn trọng, hay không? Chúng ta có học được rằng bất kỳ biểu lộ năng lực tính dục nào của chúng ta đều sẽ, hoặc nối kết, hoặc chia rẽ chúng ta với thế giới quanh mình và với linh hồn mình, hay không?  Chúng ta đang khám phá ra rằng chúng ta phải quản lý những sinh lực của tự nhiên trong gốc hydrocarbon hay trong cây cối và sinh vật sống, rồi từ đó thăng tiến các cách thức đón nhận hoa trái của địa cầu, nhưng chúng ta phải đấu tranh để nhận ra trách nhiệm hàng đầu của mình đối với các phát triển dù nhỏ nhưng tích tụ lại thì vô cùng quan trọng cho năng lượng mà chúng ta đã nắm bắt và truyền dẫn, câu trả lời cho những khát khao muốn kết nối, hòa nhập và sinh hoa trái của chúng ta. Học để quản lý cách chúng ta tự mình sinh hoa trái trong tư cách một hữu thể tâm linh/tính dục với đầy đủ khát khao thú tính và khát khao thiêng liêng, có lẽ đó là điều quan trọng đối với cuộc lữ hành của nhân loại, quan trọng hơn những gì chúng ta hiểu được.»

Sự trong trắng, theo hình ảnh của Charles Taylor, Annie Dillard, và Trevor Herriot, luôn là sự bảo vệ tính dục một cách đúng đắn, là chiếc áo trắng tôn vinh cô dâu, là khí cụ dung hợp những khát vọng cao nhất của chúng ta với sự tôn trọng cá thể đối với đáp ứng trọn vẹn của nhân loại, và một điều nữa không kém quan trọng, nó là con đường hướng dẫn đáng tin để chúng ta đạt đến và truyền đi những sinh lực tính dục của mình với thân tình, quan tâm, và tôn trọng.

J.B. Thái Hòa dịch