Xin dạy chúng con cầu nguyện

424

Xin dạy chúng con cầu nguyện

Ronald Rolheiser, 2018-03-19

Nếu bạn không đặt một chân ra ngoài văn hóa của mình, thì nền văn hóa sẽ nuốt chửng bạn. Daniel Berrigan từng viết câu đó, và nó đúng theo nghĩa này: Nếu bạn không rút lấy sức mạnh từ một nguồn bên ngoài bản thân, thì những khuynh hướng tự nhiên của bạn hướng về hoang tưởng, cay đắng và thù ghét sẽ luôn nuốt chửng bạn.

Các môn đệ trong Phúc âm theo thánh Luca hiểu điều này. Họ đến tìm Chúa Giêsu và xin Ngài dạy họ cách cầu nguyện, bởi họ thấy Ngài làm những điều mà không ai làm. Ngài có thể trả lại hận thù bằng yêu thương, thật tâm tha thứ cho người khác, chịu đựng hiểu lầm và phản đối mà không để mình trở nên thương thân hay cay đắng, và luôn sống theo tiêu chí hòa bình và phi bạo lực. Các môn đệ biết đây là điều phi thường, không khác gì việc đi trên nước, và họ thấy là Ngài lấy sức mạnh để làm được thế, từ một nguồn bên ngoài Ngài, là qua việc cầu nguyện.

Họ biết họ không thể kháng cự lại sự cay đắng và thù ghét, và họ muốn mạnh mẽ như Chúa Giêsu, nên họ đã xin Ngài: “Xin thầy dạy chúng con cầu nguyện.” Chắc chắn các môn đệ nghĩ đây đơn giản là hỏi về một kỹ thuật nhất định, nhưng như Tin mừng đã làm rõ, liên kết với một nguồn sức mạnh thiêng liêng không phải lúc nào cũng dễ dàng hay là kiểu vận hành theo quy trình, ngay cả với chính Chúa Giêsu, bởi chúng ta đã thấy Ngài phải đau đớn thế nào trong Vườn Gethsemane.

Chính Chúa Giêsu đã nhiều lần phải đấu tranh dữ dội để giữ cội nguồn sinh lực mình nơi Thiên Chúa. Cuộc đấu tranh của ngài được mô tả với từ “agony” và chúng ta cần hiểu từ này thật cẩn thận. “Agony” là một từ còn được dùng cho các vận động viên. Trước khi vào thi đấu, các vận động viên sẽ làm cho cơ thể đổ mồ hôi, khởi động cơ bắp và sẵn sàng thi đấu, đó chính là “agony.” Tin mừng cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu cũng đổ mồ hôi, chỉ khác là Ngài đổ mồ hôi máu khi sẵn sàng tâm hồn cho trận đấu cao đẹp mà Ngài sắp dự, là cuộc thương khó của Ngài.

Nhưng không như người ta thường nghĩ, Ngài không đấu tranh giữa quyết định để mình chịu đóng đinh hoặc dùng sức mạnh thần thiêng để cứu mình khỏi nỗi ô nhục và cái chết. Đấy không bao giờ là vấn đề Ngài đấu tranh trong vườn Gethsemane. Ngài đã chấp nhận cái chết đó từ lâu lắm rồi. Vấn đề của Chúa Giêsu là, Ngài sẽ chết trong yêu thương hay cay đắng?

Đấy là một đấu tranh để củng cố ý chí cho Ngài chết với một tâm hồn tha thứ, yêu thương và nồng ấm. Và trong đấu tranh, chưa chắc đã có kết quả tích cực. Giữa mọi sự tăm tối, thù ghét, cay đắng, bất công, và hiểu lầm đang bao vây, giữa mọi chuyện đang bất cống chống lại đối lập với con người cũng như thông điệp của Ngài, Chúa Giêsu đã đấu tranh cực độ để bám chặt vào nguồn cho Ngài sức mạnh, một nguồn có thể giúp Ngài chống lại những thù ghét và bạo lực, một nguồn có thể giúp Ngài tha thứ cho kẻ thù, một nguồn có thể cho Ngài sự nhân từ để tha cho kẻ trộm lành, và một nguồn có thể cho Ngài sức mạnh trong lòng để biến sỉ nhục, đau đớn, và bất công thành cảm thương chứ không phải cay đắng.

Các Tin mừng xem đây là một đấu tranh để “tỉnh thức”, cụ thể là tỉnh thức với chân tính là Con Thiên Chúa, chân tính mà Ngài đã có và hình thành ý thức của Ngài trong những năm rao giảng. Trong vườn Gethsemane, giữa mọi sự đang mời mọc Ngài rơi vào sự mê man về tinh thần, Chúa vẫn tỉnh thức với hiện thực thâm sâu và chân tính của Ngài, nhưng các môn đệ thì không. Như Tin mừng đã nói, trong khi Chúa Giêsu đấu tranh, thì các ông ngủ vùi, và cơn ngủ đó không chỉ là vì sự mệt mỏi về thể xác, Bởi rõ ràng là ngay sau đó, khi Chúa Giêsu không chút thù ghét và bạo lực, thì Phêrô lại có cả hai thứ đó, và xông vào cắt tai đầy tớ của thượng tế. Phêrô đã ngủ, một giấc ngủ thể hiện rõ sự thiếu vắng của cầu nguyện trong đời sống người ta.

Cầu nguyện giúp chúng ta tỉnh thức, kết nối chúng ta với một nguồn nằm ngoài những bản năng và chiều hướng tự nhiên của chúng ta, một nguồn có thể giúp chúng ta kiên vững trong yêu thương, tha thứ, không trả thù, không bạo lực cả khi mọi thứ quanh chúng ta đang kêu gào đòi cay đắng, hận thù và trả đũa. Và nếu khi chịu thử thách, Chúa Giêsu đã đổ mồ hôi máu khi cố giữ kết nối với cội nguồn đó, thì chúng ta cũng có thể thấy trước cái giá phải trả của mình cũng như thế, là đấu tranh, đau đớn cùng cực, mong mỏi tột cùng muốn được dự phần, và rồi để thiên Chúa Chúa tăng sức cho chúng ta khi chúng ta đã quằn quại đủ lâu trong đấu tranh để sức mạnh của Chúa làm cho chúng ta những gì sức chúng ta không làm được.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện! 

J.B. Thái Hòa dịch