Ronald Rolheiser, 2018-03-26
Cả trong tâm thức sùng tín lẫn bất khả tri, có những lần chúng ta đưa Chúa ra xét xử, và bất kỳ lúc nào làm thế, cuối cùng chúng ta là người bị phán xét. Chúng ta thấy điều này trong các đoạn Tin mừng về cuộc xử án Chúa Giêsu, nhất là trong Tin mừng theo thánh Gioan.
Như chúng ta biết, Tin mừng theo thánh Gioan họa lên hình ảnh Chúa Giêsu từ góc nhìn thiên tính, chứ không phải nhân tính của Ngài. Như thế, trong Tin mừng theo thánh Gioan, Chúa Giêsu không có sự yếu đuối của loài người. Ngài là Thiên Chúa từ dòng đầu cho đến dòng cuối trong Tin mừng theo thánh Gioan. Điều này đúng cho đến từng chi tiết nhỏ nhất. Ví dụ như, trong Tin mừng theo thánh Gioan, trong phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ xem họ có bao nhiêu bánh và cá. Thánh Gioan viết thêm: “Ngài đã biết trước rồi.” Không gì nằm ngoài dự liệu của Chúa Giêsu.
Chúng ta thấy điều này rõ ràng nhất trong cách thánh Gioan viết về cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu. Không như các Tin mừng khác diễn tả Chúa Giêsu lo sợ trước số phận khủng khiếp của mình, trong Tin mừng theo thánh Gioan, xuyên suốt con đường thương khó, Chúa Giêsu không chút sợ hãi, hoàn toàn tự chủ, bình tâm, vác thập giá của mình, hoàn toàn đối ngược với hình ảnh một nạn nhân. Tư thế của Chúa Giêsu luôn là hành động tự do, vì lòng yêu thương, và có uy quyền hoàn toàn trên tình cảnh đó.
Thánh Gioan minh họa rất rõ điểm này. Khi quân lính đến bắt, Chúa Giêsu bước ra và tất cả những ai xáp lại phía Ngài đều ngã gục xuống đất, và trong sự phủ phục đó thể hiện sự tôn kính với Ngài. Và những hình ảnh mang tính biểu tượng còn nhiều nữa. Chúa Giêsu bị tuyên án tử hình vào lúc giữa trưa, đúng vào giờ các tư tế bắt đầu sát tế những con chiên vượt qua. Sau khi chết, Chúa Giêsu được mai táng với dầu thơm và lô hội, vốn chỉ dùng cho vua, và Ngài được đưa vào huyệt đá “mới tinh” (cũng như ngài được sinh ra trong cung lòng trinh nữ.) Thánh Gioan làm rõ rằng, chúng ta đang nhìn vào Đức Chúa.
Với tâm thức đó, hiểu rằng Chúa Giêsu luôn luôn có uy quyền và làm chủ mọi chuyện, chúng ta sẽ có thể hiểu rõ hơn ý định của thánh Gioan muốn nói với chúng ta trong trình thuật tử nạn của Chúa Giêsu. Thánh Gioan tập trung nhiều nhất vào cuộc xử án Chúa Giêsu. Trình thuật thương khó tập trung quanh vụ xử án và các nhân vật chính trong vụ xử án. Nhưng trình thuật này có một điểm đảo chiều đầy mỉa mai: Có vẻ là Chúa Giêsu bị xử án, nhưng thật ra, Ngài là người duy nhất không bị xử án. Philatô, các chức sắc tôn giáo, dân chúng, cả chúng ta ngày nay, mới bị xử án. Tất cả đều bị xử án, trừ Chúa Giêsu.
Philatô bị xử án vì nhiều tội: Biết Chúa Giêsu vô tội nhưng không đủ can đảm để đương đầu với đám đông, rồi để cho sự điên cuồng thất thường vô tri của đám đông quyết định. Philatô bị phán xét vì sự yếu đuối của ông. Nhưng ông còn bị xử án vì chủ nghĩa bất khả tri của ông, cụ thể là ông tin rằng mình có thể xem chân lý và đức tin như những thứ mà ông có thể tránh né, có thể định giá chúng từ vị trí trung lập, xem đó là việc của người khác, không dính dáng gì đến mình. Nhưng ông bị phán xét chính vì lẽ đó. Chẳng ai có thể dửng dưng hỏi rằng: “Sự thật là gì?” như thể câu trả lời chẳng ảnh hưởng gì đến mình vậy. Phiên tòa của Chúa Giêsu xác định Philatô và những người như ông, là có tội, tội bất khả tri, tội tránh né, tội dửng dưng, và cuối cùng là bất lương. Mỉa mai thay, sự yếu đuối của Philatô khi không giải cứu Chúa Giêsu, cuối cùng lại biến ông thành tổng trấn và thẩm phán tai tiếng nhất lịch sử. Với cái tên có trong kinh Tin kính, hàng triệu người đọc tên ông mỗi ngày.
Nhưng không chỉ mình Philatô bị xử án, mà còn các chức sắc tôn giáo thời đó nữa. Trong nỗ lực bảo vệ Thiên Chúa khỏi những gì mà họ xem là bất kính, ngoại giáo, và phạm thượng, họ đã đồng lõa trong tội “giết” Chúa. Phán quyết trong phiên tòa của Chúa dành cho họ, cũng chính là phán quyết cho nhiều chức sắc tôn giáo đến tận thời nay, đó chính là khuynh hướng nhiệt thành bảo vệ Thiên Chúa lại thường góp một tay đóng đinh Chúa trên thế giới này.
Và cuối cùng, vụ xử án những người đương thời với Chúa Giêsu, cũng như chính chúng ta. Trong cơn cuồng loạn vô tri bừng bừng của đám đông, họ đã từ bỏ hy vọng mong chờ Đấng Thiên sai để hô vang: “Đóng đinh nó!” Thật cũng không khác gì mấy nhiều khẩu hiệu tôn giáo và chính trị mà chúng ta hô vang ở những buổi tập hợp thời nay. Phiên tòa xử Chúa Giêsu lại là một phán quyết rất dữ dội cho sự vô tri, thất thường và nguy hiểm của tâm tính đám đông.
Với sự tinh tế của mình, thánh Gioan đã cho chúng ta thấy, bất kỳ lúc nào bằng nhiệt thành lòng đạo sai lầm hay bằng chủ nghĩa bất khả tri lạnh lùng, mà chúng ta đem Chúa ra xử án, thì kết cục, chính chúng ta là người bị phán xét.
J.B. Thái Hòa dịch