Một “Maria-Mađalêna” đặc biệt và ít được biết đến trong phim ảnh

917

Một “Maria-Mađalêna” đặc biệt và ít được biết đến trong phim ảnh

fr.aleteia.org, Louise Alméras, 2018-03-27

Một trong các hình ảnh phụ nữ lớn trong Tân Ước, chứng nhân của sự Sống Lại của Chúa Kitô là nhân vật chính trong cuốn phim tiểu sử nhưng đậm sắc hư cấu. Sẽ được chiếu vào ngày 28 tháng 3 sắp tới, Maria-Mađalêna được xem như một phụ nữ trước khi là một đồ đệ, không bóng tối của tội.

Vượt lên tài năng đóng phim có chiều kích sâu xa, nhiều cảm hứng của nữ diễn viên được giải Oscar Rooney Mara (Song to song của Terrence Malick, Carol của Todd Haynes hay Millenium của David Fincher), cuốn phim là lời vinh danh không thể thiếu cho phụ nữ, ẩn dưới dạng một phim hư cấu, tác phẩm nói lên một thực tế xã hội ít được khai thác trong lãnh vực phim ảnh trước đây. Maria-Mađalêna và tất cả các phụ nữ như bà được khôi phục trong cuốn phim của nhà đạo diễn trẻ người Úc Garth Davis. Nghịch lý hay công bằng, cuốn phim này lại là một tác phẩm đồng sản xuất với công ty Weinstein Company, cuốn phim đưa chúng ta đến bờ sông Giócđani và theo vết chân của Chúa Giêsu cho đến khi Ngài chết, cuốn phim dài hai giờ  với hình ảnh tuyệt đẹp quay ở đảo Sicile và ở Ý.

Thành phần diễn viên bén nhạy, không theo khuôn mẫu và tự do

Ở tầm cao với tham vọng của mình, quan tâm trước hết đến chất lượng, nhà đạo diễn Garth Davis quay cuốn phim này với thành phần diễn viên ngoại hạng, cho chúng ta thấy nam diễn viên Joaquin Phoenix trong vai Chúa Giêsu, ngạc nhiên và mới mẻ, dù ít có tính cách chấn động như diễn viên Jim Caviezel trong phim Thương Khó của Chúa Kitô của đạo diễn Mel Gibson. Diễn viên Joaquin cùng một lúc phá vỡ và thăng hoa khía cạnh hình tượng của Chúa Kitô, đặt sự hiện diện và nhạy cảm của Ngài vào đúng chỗ. Nam diễn viên Tahar Rahim đóng vai Giuđa xúc động, theo cái nhìn của nhà thực hiện, có nghĩa là hơi khác với nhân vật được Thánh Kinh mô tả hay hình ảnh mà chúng ta thường thấy từ trước đến nay. Ngoài ra còn có diễn viên Denis Ménochet trong vai Đanien, người anh độc tài và che chở cho Maria-Mađalêna. Nghệ thuật diễn của các nghệ sĩ phải xác thực như mong muốn của đạo diễn nên ông để cho họ tùy hứng, vì thế đã làm cho nghệ thuật diễn xuất của họ thật xuất sắc. Theo nhiều cách, nhà đạo diễn dành quyền tự do trong giai điệu phim, và ông đã có được vị trí to lớn trong lãnh vực phim Kinh Thánh.

Nếu sự thiên vị của đạo diễn có vẻ như thấy rõ, vì đôi khi ông đã để cho Maria-Mađalêna có sức lôi cuốn mạnh hơn là Chúa Giêsu, và bà thấu hiểu về thiêng liêng nhiều hơn các đồ đệ khác, thì chuyện này không phải là không xứng đáng để làm, và cũng để đáp ứng cho nhu cầu khẩn cấp, làm cho phụ nữ có một địa vị ít mong manh hơn. Họ hiểu nhau, không màu mè trong nhân tính và trong sự khác biệt riêng của họ. Đó là một quan hệ tuyệt vời của tin tưởng, của tôn trọng, của bổ túc cho nhau; một cuộc gặp gỡ thinh lặng, hiển nhiên, được lộ ra bởi sự dàn dựng theo trực giác. 

Maria-Mađalêna được phục hồi trong thời của mình

Maria-Mađalêna được biết nhiều như cô gái điếm đi theo Chúa Giêsu, cô gái điếm được Ngài trừ bảy con quỷ, được giới thiệu qua các tự sắc gần đây của Giáo hội, gần nhất là năm 2016, phần đề cập đến đời sống tội lỗi của bà đã được bỏ, thậm chí còn dứt khoát phủ nhận, nhờ Đức Phanxicô. Theo ngài, bà nổi tiếng chỉ vì bà từ chối kết hôn và sinh con, đã nhiều lần, bà quyết định đi theo một nhóm nam phái và chịu phép rửa tội bởi một ông không thuộc gia đình mình. Đó là những con quỷ mà bà bị cho là người bị quỷ ám.

Vào thời đó, người đàn bà do thái không có quyền cầu nguyện bên ngoài nơi thờ phượng, cũng không được chính mình quyết định gì cho bất cứ chọn lựa nào của mình trong đời, tóm lại, tinh thần của bà không thuộc về bà, người phụ nữ không có quyền gì trên đời sống của mình, cả đến cái chết của mình. Và đến thời bây giờ vẫn còn, biết bao nhiêu phụ nữ vẫn còn đau khổ vì sự suy thoái của một xã hội như thế này, cùng một công việc, phụ nữ không được trả bằng số lương với nam giới, phụ nữ bị khai thác, biết bao nhiêu phụ nữ không được một ghi nhận nào cho sự can đảm của họ, cho tất cả mọi thứ, họ phải hài lòng với vai trò xã hội gán cho họ?

Maria-Mađalêna và còn hơn thế, Chúa Giêsu Kitô cùng với bà đã đi trước thời đại trong việc cần thiết phải cho người phụ nữ đúng chỗ của họ, một vai trò, một sự công nhận, nếu không ngang nhau, dù sao thì cũng không phải kém phần quan trọng hơn đàn ông. Đạo diễn Garth Davis rõ ràng là mong muốn nói lên sự dũng cảm của nhân vật nữ hiện thân như nữ đồ đệ đầu tiên của Chúa Kitô, đã quá lâu bị khinh bỉ trong phẩm giá của mình bởi những giả thiết không có cơ sở, ngay cả trong lòng một thể chế nhạy cảm với hoàn cảnh của người phụ nữ. Đó là một nỗ lực phi thường mà nhà đạo diễn trẻ thực hiện và đây cũng là lời ca ngợi thực tế. Khi mẹ của Chúa Kitô nói với nữ đồ đệ của con trai mình “Ngài luôn làm chuyện ngược đời như thế ngay từ khi Ngài còn nhỏ”, đó là lời nói của người mẹ trần thế, và chúng ta quên rằng một người mẹ như thế cũng có thể tồn tại ngoài đời như thế, ngoài vị thế hết mực thiêng liêng và ôi, đau đớn biết chừng nào.

Không có một lúc nào nữ diễn viên Rooney Mara tỏ ra là người phụ nữ hấp dẫn, qua tài diễn xuất tế nhị, cô làm cho nhân vật của mình vừa mang nét huyền bí, vừa có quyết tâm và vừa tự do. Nhà đạo diễn Garth Davis không dựa trên các phúc âm ngụy tạo, trong đó họ cho Maria-Mađalêna là vợ của Chúa Kitô. Ở đây bà bổ túc cho vai trò của Thánh Phêrô, thân thể của Giáo hội để chủ yếu nói lên phần tinh thần. Chính vì thế mà Chúa Giêsu gởi cả hai vào sa mạc, biết rằng họ khác nhau nhưng không thể tách biệt. 

Như thế Nước trời tìm ở đâu?

Vẫn còn xót thương nghi ngờ đôi khi quá hiện diện trong đức tin của các đồ đệ, nhất là của Phêrô và Giuđa, nhưng cũng nằm trong ý muốn của nhà thực hiện phim, muốn nắm bắt sự thật của thời điểm Lịch sử, đôi khi rất nhân bản, và của lý do thật sự thúc đẩy họ đi theo Chúa Kitô. Như thế ít nhất cũng là xứng đáng, hơn là để vào đó những từ ngữ có tính cách quá giáo huấn và không thật. Họ còn muốn có bằng chứng thêm, hy vọng ở Nước Trời mà Chúa Giêsu nói với họ rất nhiều, nhưng họ không hiểu Ngài muốn nói đến một thực tế vô hình, không chạm được và không thể xem như chuyện ma thuật. Ngoài ra, họ còn hy vọng người dân sẽ được cứu, được giải thoát khỏi nạn nghèo khổ, nạn đói. Trong chiều hướng này, nhà thực hiện và các diễn viên qua nghệ thuật diễn xuất đã xây dựng các nhân vật của họ một cách phi thường. Tuy nhiên cuốn phim vẫn là một phim hư cấu, chúng ta không thấy trọn tính xác thực của Sách Thánh, nhất là trong các đối thoại. Nhưng không vì vậy mà cuốn phim thiếu phần hấp dẫn. Sự hư cấu ở đây thăng hoa cho đời sống hàng ngày hay những gì đã bị bỏ qua, tất cả đều đơn giản.

Cuốn phim muốn nhấn mạnh đến địa vị của Maria-Mađalêna giữa các đồ đệ, vì thế điều cần thiết là phải thoát ra trí tưởng tượng tập thể. Còn về vai Chúa Giêsu, diễn viên Joaquin Phoenix thể hiện tính mong manh, như thể Con Thiên Chúa chỉ thể hiện thiên tính của mình qua sứ mạng, qua trực giác, qua tâm hồn duy nhất của mình, chứ không qua sức mạnh của một chiến binh. Ngài giảng dạy, Ngài chữa lành, Ngài cứu thoát ngay khi Ngài có thể, với tất cả tấm lòng khiêm tốn của mình. Và tính mong manh của Ngài chỉ là hình ảnh của chúng ta và của tất cả những ai Ngài cưu mang. Chúa Giêsu ở đây không phải là hình ảnh của một người không lay chuyển, vô cảm, Ngài là con người. Nhưng tất cả suy nghĩ của Ngài đều thuộc về Cha của Ngài mà Ngài dạy các đồ đệ cầu nguyện với Chúa Cha.

Maria-Mađalêna cuối cùng là người phụ nữ bổ sung tuyệt vời cho sứ mạng, không những là bình đẳng với đàn ông, nhưng còn là sứ mạng phụ nữ cho chính mình, đáng kính, mạng trọn tất cả ý nghĩa của mình trong quan hệ với nam giới, trong vai của mình, đôi khi bị che giấu, ít được biết nhưng thiết yếu, mà không một người đàn ông nào có thể gánh lấy, cũng như người phụ nữ không thể cho rằng mình giữ vai trò của người đàn ông trong tính cá biệt của họ. Maria-Mađalêna hiểu, tình yêu và lòng trắc ẩn là các khí cụ để biến đổi từ bên trong cũng như ngoài xã hội, và đó là chìa khóa Nước Trời.

Trong nghĩa này, nhà đạo diễn Garth Davis không quên lời kêu gọi của Chúa cho từng đồ đệ của mình: “Từ bỏ tất cả mọi sự và theo Ta”. Ông cho chúng ta một cuốn phim về sự thấu hiểu thế nào là Nước Trời, ván bài đặt cược ở đây là thiết yếu mang lại cho sứ điệp thiêng liêng tính của nó: sức mạnh chỉ nằm trong chính trái tim của chúng ta với điều kiện mỗi người tiến bộ trong cõi nội tâm của mình. Tác phẩm điện ảnh này không đòi hỏi phải biến đổi, phải chấn động, nó chỉ muốn nói: “Hãy nghe, rồi hãy tìm”.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: “Biến Maria-Mađalêna thành người tội lỗi là chận đứng chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội”