Ký ức mơ hồ

406

Ký ức mơ hồ

Ronald Rolheiser, 11-12-2006

Trong mỗi người chúng ta, ngoài những gì chúng ta có thể diễn tả bằng lời, bằng hình ảnh rõ ràng hoặc ngay cả cảm nhận được một cách phân minh, thì chúng ta có một vùng ký ức mơ hồ đã từng được chạm vào, được âu yếm bởi những bàn tay dịu dàng hơn chính bàn tay của mình rất nhiều. Tình âu yếm đó đã để lại một dấu ấn vĩnh viễn, dấu ấn của một tình yêu quá dịu dàng và tốt lành đến mức ký ức đó trở thành lăng kính, qua lăng kính này chúng ta nhìn được sự việc. Dấu ấn này nằm cách xa vùng ký ức có ý thức nhưng nó lại hình thành nên trọng tâm của quả tim và tâm hồn.

Đây không phải là một khái niệm dễ giải thích. Bernard Lonergan, một trong những trí thức lớn của thế kỷ trước, đã từng cố gắng giải thích khái niệm này về mặt triết học. Ông nói, chúng ta mang trong tâm hồn “dấu ấn của những nguyên lý đầu tiên.” Đúng như vậy, nhưng có lẽ quá trừu tượng để có thể hiểu. Có lẽ các thần thoại và truyền thuyết xa xưa nắm rõ hơn khi họ cho rằng, trước khi sinh ra, mỗi tâm hồn đều được Thiên Chúa hôn lên và sau đó trong suốt cuộc đời, luôn luôn khi ở một đoạn đường tối tăm nào đó, con người nhớ lại nụ hôn này, đo lường mọi trải nghiệm qua mối liên hệ với sự ngọt ngào ban đầu của nụ hôn này. Gần với quả tim của mình là gần với nụ hôn nguyên thủy, với ý nghĩa và với tầm cao quý của nó.

Chính xác ở đây muốn nói gì?

Trong mỗi con người chúng ta, nơi tất cả những gì quý giá nhất trú ngụ, có một vùng tri giác còn phôi thai, vùng này đã từng được chạm vào, âu yếm, yêu thương, và trân quý theo một cách xa hẳn bất cứ điều gì khác mà chúng ta từng trải nghiệm. Quả thật, tất cả những tốt lành, yêu thương, trân quý, và dịu ngọt chúng ta trải nghiệm trong cuộc sống vẫn không sao trải nghiệm đủ chính xác bởi vì chúng ta đã biết một cái gì đó sâu đậm hơn. Khi chúng ta cảm thấy thất vọng, giận dữ, bị xúc phạm, hay bị châm chọc là vì trải nghiệm bên ngoài quá khác so với những gì chúng ta ôm ấp trìu mến bên trong.

Ai cũng có nơi trú ngụ này, một nơi trong quả tim, nơi chúng ta nắm giữ tất cả những gì quý giá và thiêng liêng nhất đối với mình. Nơi nụ hôn và nước mắt tuôn ra. Đó là nơi chúng ta cảnh giác người khác nhiều nhất, nhưng lại là nơi chúng ta muốn người khác bước vào; nơi chúng ta cô đơn sâu thẳm nhất và là nơi của mật thiết riêng tư; nơi của ngây thơ và là nơi chúng ta bị xúc phạm; nơi của trắc ẩn và là nơi của giận dữ. Ở đây chúng ta được thánh hóa. Nơi chúng ta là đền thánh của Thiên Chúa, là nhà thờ thiêng liêng của chân lý và tình yêu. Đó chính là nơi chúng ta mang hình ảnh của Thiên Chúa.

Tuy nhiên điều này phải được hiểu là: Hình ảnh Thiên Chúa trong chúng ta không phải là biểu tượng đẹp nào đó được in dấu trong tâm hồn. Không. Hình ảnh và chân dung của Thiên Chúa trong chúng ta chính là năng lượng, là ngọn lửa, là ký ức; đặc biệt ký ức về một cái chạm vào quá dịu dàng và đầy yêu thương đến nỗi sự tốt lành và chân lý của nó trở thành chiếc lăng kính  qua đó chúng ta thấy được mọi chuyện. Vì thế chúng ta mới nhận ra được các tốt lành và chân lý ở bên ngoài con người mình, chính xác là vì chúng mang âm hưởng với cái gì đó đã ở trong lòng chúng ta. Những chuyện làm chúng ta xúc động là những chuyện đã chạm đến ở đây và vì chúng ta đã từng được được âu yếm, từng được chạm vào nên chúng ta đắm đuối đi tìm một tâm hồn đồng điệu, một ai đó đến với chúng ta trong khoảng không gian êm ái này.

Và chúng ta đo lường mọi sự trong cuộc sống theo cách chúng chạm vào nơi này: Tại sao có một vài kinh nghiệm lại làm chúng ta xúc động sâu xa? Có phải quả tim chúng ta đã không bừng cháy trước bất kỳ chân lý, tình yêu, tốt lành, hay dịu dàng chân thật và sâu đậm nào đó không? Có phải mọi hiểu biết sâu đậm chỉ là chuyện đơn giản khơi dậy những gì chúng ta đã biết  đó không? Có phải tất cả yêu thương chỉ đơn giản là tôn trọng một cái gì mà chúng ta đã từng được tôn trọng? Có phải cảm giác được chạm vào và sự dịu dàng đã làm cho chúng ta ngây ngất mà không có cái gì khác có thể kích thích ký ức sâu đậm chúng ta không? Có phải các ý tưởng hy vọng chỉ gợi nhớ đến lời ai đó đã từng nói với chúng ta không? Có phải ao ước luôn được ngây thơ của chúng ta (ngây thơ trong nghĩa “chưa tổn thương”) phản chiếu một nơi bị tổn thương đầu tiên đâu đó trong lòng chúng ta không? Và khi chúng ta cảm thấy bị xúc phạm, có phải vì ai đó đã bất kính bước vào nơi thiêng liêng trong lòng chúng ta đó không?

Khi chúng ta giữ quan hệ với ký ức này và tôn trọng các nét nhạy cảm của nó thì chúng ta đang cảm nhận tâm hồn mình. Lúc đó, đức tin, hy vọng, và tình yêu sẽ phát xuất trong lòng chúng ta, hân hoan và nước mắt sẽ cùng tuôn chảy. Lòng ngây thơ và nét đẹp của trẻ con, cũng như đau khổ và lòng biết ơn sẽ luân phiên và thường xuyên gặm nhắm chúng ta làm chúng ta phải quỳ gối xuống. Đó là ý nghĩa của hồi tưởng và trọng tâm. Chân thật với chính mình là nhớ lại, chạm vào nguyên khai và cảm nhận ký ức về Thiên Chúa có trong lòng mình. Ký ức đó vừa đốt cháy năng lượng, vừa cung cấp lăng kính để qua đó chúng ta nhìn và hiểu mọi sự.

Ngày nay, thế giới bị tổn thương, chai cứng, xi-níc, quá rắc rối cầu kỳ, quá người lớn đã thường xuyên lôi kéo chúng ta lãng quên, đi xa cõi thơ ấu. Thế giới ấy cám dỗ chúng ta quên đi nụ hôn của Thiên Chúa trong tâm hồn. Tuy nhiên, trừ phi chúng ta tự lừa dối và làm chai cứng tâm hồn và đó là điều nguy hiểm nhất trong tất cả mọi việc, còn không thì chúng ta vẫn mãi ghi nhớ lờ mờ, thầm kín tình âu yếm của Thiên Chúa.

J.B. Thái Hòa dịch