“Tôi thích bắt tay ngài hơn là bắt tay cầu thủ Ronaldo”

196

“Tôi thích bắt tay ngài hơn là bắt tay cầu thủ Ronaldo”

illustre.ch, Sedrik Nemeth, 2018-03-07

Sau khi có tin chính thức Đức Phanxicô sẽ đến thành phố Geneva, Thụy Sĩ dự buổi họp Hội đồng Đại kết các Giáo hội (COE) vào ngày 21 tháng 6 tới đây, bốn người ái mộ ngài ở vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp bày tỏ lòng hân hoan.

Yves Crettaz, 22 tuổi, sinh viên ngành du lịch ở Vissoie

“Tôi thích bắt tay ngài hơn là bắt tay cầu thủ Ronaldo”

Năm ngoái Yves Crettaz đã tham dự sự kiện Mở Bầu Trời (Open Sky), một lễ hội rock và công giáo ở Fully, Thụy Sĩ. Sự kiện này có hơn 1000 người tham dự.

Khi nghe tin Đức Giáo hoàng sẽ đến Thụy Sĩ, Yves Crettaz giăng các băng-rôn Ngày Thế giới Trẻ ở Krakow năm 2016 và các bức hình của Đức Phanxicô theo hình ảnh của một người ái mộ đá banh. Khi nhớ lại Ngày Thế giới Trẻ ở Krakow, anh nhắc lại kinh nghiệm với các bạn… và với thần tượng của mình: “Tôi thích bắt tay ngài hơn là bắt tay cầu thủ Ronaldo”.

Nếu ngài dâng thánh lễ ở Geneva, Yves sẽ cùng các bạn trong nhóm Đức tin bạn ở đâu? (T’as où la Foi?) lên đường. Đức tin bạn ở đâu? là trang mạng quy tụ tất cả các bạn trẻ công giáo trong hạt Vissoie. Trong lần đi dự Ngày Thế giới Trẻ ở Rio de Janeiro năm 2013, Yves Crettaz chỉ “cách Đức Giáo hoàng hai mét”, anh hồ hởi nói: “Chúng tôi là một nhóm cả trăm người đi đến tận Ba Tây, vậy thì ở Geneva chúng tôi sẽ đi nhiều xe buýt đến đó”.

Từ khi còn nhỏ, anh Yves đã theo gia đình đi lễ ở làng. Anh cho biết: “Các buổi lễ thường thiếu sinh động, vì thế tôi quyết định theo các lời dạy của Đức Phanxicô, ngài đề nghị rao giảng Tin Mừng cho các thế hệ mới, các tín hữu trẻ phải cho thấy hình ảnh mới của Giáo hội”. Và thế là anh Yves tổ chức các thánh lễ sau khi trượt tuyết và thành lập nhóm lễ hội Mở Bầu Trời ở Fully. Năm 2017, 1200 người đã nhảy miễn phí trên các phiên bản tôn giáo của các nhóm được mời. 

Joëlle và William Frei, 61 và 67 tuổi, hưu trí, Donatyre

“Đây là giáo hoàng của thời buổi chúng ta”

Bà Joëlle và William Frei phấn khởi: “Sự có mặt của ngài ở Thụy Sĩ thật phi thường”, Ông Frei là nhà ngoại giao từng làm việc ở Trung quốc và Bỉ. Hai vợ chồng là tín hữu công giáo sốt sắng và điều hành mạng Cầu nguyện Liên lỉ, một mạng cầu nguyện do giáo dân thành lập, họ gồm một nhóm giáo dân thay phiên nhau cầu nguyện 24/24 ở nhà nguyện Cordeliers, Fribourg. Bà Joëlle Frei giải thích: “Đức Phanxicô khích lệ các linh mục hướng dẫn cách cầu nguyện này, đối với chúng tôi đây là chuyện rất quan trọng”, bà cho biết bà cùng chồng chắc chắn sẽ làm hết sức có thể để tham dự sự kiện tổ chức vào ngày 21 tháng 6 này ở Geneva.

Ông William Frei nhấn mạnh: “Sự đơn giản của ngài, sự sâu đậm của ngài, sự dấn thân để bảo vệ môi sinh cho căn nhà chung đã đặc biệt đánh động tôi. Đây là giáo hoàng cho thời buổi chúng ta, giáo hoàng mà chúng ta cần cho giai đoạn chính xác này của lịch sử. Trong xã hội hiện nay của chúng ta, sứ điệp khuyến khích sáng tạo, ngẫu phát, cùng sống chung của ngài là những chuyện ưu tiên hàng đầu”. Ông William Frei là cha của năm người con, ông không ngạc nhiên bao nhiêu trước tầm hào quang của Đức Phanxicô vượt ngoài biên giới của Giáo hội công giáo”. “Không phải là ngẫu nhiên khi ngài chọn Geneva và Hội đồng Đại kết các Giáo hội. Đức Phanxicô luôn đề cao “tính hiệp nhất trong tình bằng hữu”. 

Laurent Passer, 53 tuổi, nhà giáo, văn sĩ, ở Fribourg 

“Đức Phanxicô là bác sĩ mong muốn chữa lành hơn là quan tòa chỉ biết lên án!”.

Tất cả những dì dính đến Vatican đều làm cho ông thích thú. Ông Laurent có huy chương của Dòng Thánh Gregory Cả và đã tham dự nhiều buổi tiếp kiến chung ở Rôma, ông có bức hình Đức Giáo hoàng ký tặng ông để ở văn phòng của mình. Ông là giáo sư Pháp văn và đương nhiên ông sẽ đến Geneva vào tháng 6 này. Ông nhiệt tình trước việc Đức Giáo hoàng đến Hội đồng Đại kết các Giáo hội và ông tự hỏi Đức Phanxicô sẽ tạo ngạc nhiên khi tuyên bố Giáo hội công giáo hội nhập như một thể chế trọn ven thay vì chỉ đơn giản là quan sát viên. ”Nếu Đức Gioan-Phaolô II là bác ái và tình yêu, Đức Bênêđictô XVI là đức tin thì hành động của Đức Phanxicô là dấu ấn của lòng thương xót, sự quan tâm đặc biệt đối với những kẻ có tội. Giáo hoàng là người cứng rắn, ngài không nói gì khác hơn các vị tiền nhiệm của mình, nhưng ngài nhấn mạnh nhiều đến tha thứ cho tất cả, không-phán xét, và sứ điệp này đã đặc biệt đánh động tôi. Trong năm năm, ngài không bao giờ nhắc đến các tiêu chuẩn trong bất cứ bài diễn văn nào của ngài. Đức Phanxicô là bác sĩ mong muốn chữa lành hơn là quan tòa chỉ biết lên án!»

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Bệnh xá nhỏ làng quê của Đức Phanxicô, giám mục Rôma